“Ông đồ trẻ”, “ông đồ già” đều có cái hay riêng
– Dịp đầu năm mới, các thầy đồ thường được mọi người, học sinh – sinh viên “xin” những câu đối, các chữ được viết với lối thư pháp đẹp, mang nhiều nội dung rất ý nghĩa, thiết thực và hướng thiện, tốt đẹp cho cuộc sống của mọi người; nhất là học sinh, sinh viên. Sau đó người xin chữ sẽ về treo, đặt tại những vị trí trang trọng tại gia đình, tại cơ quan… Từ đó, giúp cho nội dung, thông điệp của các con chữ lan tỏa trong suốt cả thời gian dài, tác động tới tinh thần một cách mạnh mẽ, có thể điều chỉnh là các hành vi, việc làm của người xin chữ để làm sao đạt được nguyện vọng mà chính chủ đã gửi trọn vào trong chữ mà mình đã xin đầu năm.
Có một thực tế là, cuộc sống, xã hội Việt Nam đã trải qua bao binh biến, thăng trầm, ấy thế, các nét văn hoá truyền thống vẫn được người dân nước Việt cố gắng gìn giữ. Tất cả họ đều hiểu, chữ là người, nét chữ là nết người, đó là giá trị tinh thần, là linh hồn, là văn hoá của dân tộc, là những ước mơ, khát vọng đầy nhân văn, hướng tới một năm tràn đầy năng lượng.
Gần đây, có hiện tượng khá nhiều các bạn trẻ (ông đồ trẻ) cũng tham gia vào hoạt động cho chữ ngày đầu năm. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, văn hóa cho chữ vốn được hiểu, người cho là những người đã trải nghiệm, hiểu biết cuộc sống, người nhận còn nhận cả phúc, cả đức từ người cho. Vì thế, nhà giáo Vũ Đình Liên mới có câu: “Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già”… Chứ không thấy “ông đồ sinh viên” bao giờ. Ông nhìn nhận về vấn đề này như nào?
– Việc cho chữ sẽ thực sự ý nghĩa khi cả các thầy đồ và người xin chữ đều có chung nhận thức và hiểu sâu sắc về nội dung câu đối, con chữ định xin. Có một thực tế là, việc cho chữ được các thầy đồ hết sức nâng niu, trân trọng thể hiện ở việc hình ảnh, trang phục, giấy bút, mực viết của thầy đồ xuất hiện trong không gian trang nghiêm. Sự chuẩn bị chu đáo này, ngoài việc giữ gìn văn hóa truyền thống cho các thế hệ, nó còn góp phần tạo nên không khí ngày Xuân thêm ý nghĩa.
Về câu chuyện các “ông đồ trẻ”, tôi cho rằng, các sinh viên của một số ngành ngôn ngữ liên quan, có trình độ và hiểu biết về văn hóa cho chữ, thư pháp tham gia vào hoạt động này cũng có ý nghĩa giúp các bạn có cơ hội trải nghiệm tốt, thấy được tình cảm của mọi người đối với văn hóa truyền thống, từ đó các bạn ấy có động lực học tập, nghiên cứu sâu sắc và trở nên yêu nghề hơn.
Hiện nay, hoạt động cho, xin chữ như trăm hoa đua nở. Không hiếm gặp các thầy đồ xuất hiện tại các cổng chùa, đèn, hội làng, các trung tâm văn hoá, thậm chí, vỉa hè ở nhiều con phố… Ông có lời khuyên nào về hoạt động xin, cho chữ không?
– Văn hoá hay bất cứ lĩnh vực nào cũng cần có đường ray, cần có quy hoạch, kế hoạch để bảo tồn hay phát triển. Do vậy, tôi cho rằng, các cơ quan liên quan cần xem xét nghiêm túc, đầy đủ nét văn hóa này, qua đó vừa tạo sân chơi để các bạn trẻ hay các thầy đồ giao lưu, vừa lưu giữ, phát triển truyền thống của dân tộc. Với thế hệ trẻ cần trân trọng, tiếp nối các nét đẹp văn hóa của dân tộc nói chung; tham gia các hoạt động đầu năm thiết thực, phù hợp với bản thân.
Các bạn trẻ cần chuẩn bị tâm thế tốt trước khi xin chữ và cần toàn tâm, toàn ý, phấn đấu nỗ lực hơn trong học tập, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, trong rèn luyện và trong cuộc sống đời thường, cần làm được nhiều điều hướng thiện để hoàn thiện cho bản thân hơn và có ý thực trách nhiệm với cộng đồng xã hội hơn. Trong khi tham gia các hoạt động đầu năm Xuân mới Canh Tý cần chú ý an toàn giao thông, ứng xử có văn hóa, có ý thức bảo vệ môi trường.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!