Núi Ấn – Sông Trà và tình người xứ Quảng | Người Xa Quê

Trải bao năm lịch sử thăng trầm, từ những đợt Nam tiến mở đất… cho đến ngày sát nhập vào bản đồ Việt Nam, miền đất Quảng đã bao lần thay đổi. Từ Cẩm Thành đến Cổ Luỹ Châu, Tư Nghĩa phủ, Quảng Nghĩa phủ, Hoà Nghĩa phủ, Quảng Ngãi doanh, Quảng Ngãi trấn, Quảng Nghĩa, Nghĩa Bình (gồm hai tỉnh Bình Định – Quảng Nghĩa) và ngày nay là tỉnh Quảng Ngãi. Ở thời nào, núi Ân – sông Trà cũng là biểu tượng của Quảng Ngãi với địa danh mà cụ Nguyễn Cư Trinh (1714 – 1767) lúc làm trấn phủ ở đây đã gọi tên một trong 10 danh thắng (Cẩm thành thập thắng) của Quảng Ngãi là Thiên Ân Niêm Hà.

Núi Thiên Ấn, sông Trà Khúc hay còn gọi núi Ấn, sông Trà là cảnh đẹp nổi tiếng của đất trời Quảng Ngãi. Từ cầu Trà Khúc (nằm trên quốc lộ 1A) chạy qua thành phố Quãng Ngãi, đi dọc theo tả ngạn sông Trà khoảng 1.000m, du khách sẽ gặp núi Ấn cao 100m đỉnh bằng phẳng, rộng lớn. Núi hình quả ấn như in dấu ngàn năm xuống dòng Trà Khúc lững lờ trôi theo dòng lịch sử. Núi ôm lấy sông, sông lượn lờ quanh núi, cảnh quang hoà quyện tạo nên ấn trời đóng xuống lòng sông, cổ nhân gọi cảnh này là Thiên Ấn Niêm Hà. Năm Minh Mạng thứ 13 (1830), núi được liệt vào hàng danh sơn và ghi vào điển tịch.

Men theo con dốc quanh co bằng xe máy, từ đường lộ lên núi khoảng 3 km, du khách sẽ đến đỉnh của ngọn núi Thiên Ấn. Từ đỉnh Thiên Ấn, du khách sẽ khám phá những cảm giác khác của núi sông. Thành phố Quảng Ngãi chỉ còn là mô hình thu nhỏ, khi nhìn từ đỉnh núi. Dòng Trà Khúc lượn lờ duyên dáng trở thành những nét chấm phá giữa những làng mạc, ruộng đồng xanh ngát. Hàng dương liễu buông mình chênh vênh trên triền dốc, quyện vào cơn gió nồm, tấu lên những khúc nhạc yên bình của thiên nhiên.

Du khách còn có thể ngắm cả một khoảng không gian bao la, hùng vĩ xung quanh. Nhìn lên trời tây là rặng Thạch Bích như một bức thành sừng sững. Nhìn xuống hướng đông có thể thấy cửa Ðại Cổ Lũy, nơi có cảnh đẹp nổi tiếng “Cổ Lũy cô thôn”, với mặt biển lấp lánh. Hướng tây bắc là dãy núi Long Ðầu với mình rồng uốn lượn; trong khi hướng nam là ngọn Thiên Bút với mỹ danh “Thiên Bút phê vân (Bút trời vẽ mây) hiện lên giữa phố phường Quảng Ngãi. Gần hơn là cầu Trà Khúc, sông Trà Khúc, nổi lên giữa những dải cát trắng, từng là nguồn cảm hứng cho hai bài thơ hay nhất của thi sĩ Cao Bá Quát: Trà Giang dạ bạc và Trà Giang thu nguyệt ca.

Khi “mãn nhãn” với giang sơn cẩm tú trên đỉnh Thiên Ấn, lữ khách tản bộ vào ngôi chùa cổ nằm trên đỉnh núi. Đây là ngôi chùa cổ xây dựng từ cuối thế kỷ XVII, và được chúa Nguyễn ban cho tên gọi “Sắc tứ Thiên Ấn tự” vào năm 1717. Tại chùa còn có Giếng Phật, sâu hun hút. Có Chuông thần, được thỉnh về vào năm 1845, dưới triều vua Thiệu Trị. Giếng Phật, chuông thần đã truyền tụng qua nhiều huyền thoại lý thú và đi vào cả thơ ca.

Giã từ bảo tháp, chuông thần, giếng Phật… trong tiếng chuông chùa tịch liêu của buổi chiều tà, du khách tản bộ theo con dốc nhỏ giữa rừng dương thắp một nén hương nơi mộ phần của cụ Huỳnh Thúc Kháng (1876 – 1947). Chí sĩ họ Huỳnh người huyện Tiên Phước (tỉnh Quảng Nam) là nhà yêu nước, người lập ra báo Tiếng Dân, tham gia Chính phủ cách mạng năm 1945, được Bác Hồ cử làm đại diện Chính phủ ở Liên khu V, mất tại Quảng Ngãi ngày 21.4.1947, được an táng trên đỉnh núi này.

Quả Thiên Ấn không hổ danh là “đệ nhất thắng cảnh” của tỉnh Quảng Ngãi, là di tích quốc gia đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận từ năm 1990.

Tạm biệt núi Ấn – sông Trà dưới ráng chiều đang rực đỏ, hoàng hôn buông xuống dòng sông “bên lở bên bồi” khiến nước sông pha màu vàng nhạt, những áng mây ngang lưng trời như đang ngụp lặn trong làn nước. Mặt trời rải những giọt nắng cuối cùng trong cuộc viễn du ngàn năm xuống dòng sông tĩnh lặng làm mặt nước dát ánh vàng lay động, vỡ ra, lóng lánh một vẻ đẹp diệu vợi. Ngang sườn, núi Ấn đã chuyển sang màu lam biêng biếc, gió vi vút lay nhẹ, chở vần thơ xưa của Cao Bá Quát lạc vào những tia nắng cuối ngày:

“Bãi uốn sông như sầu quặn khúc

Tối chìm, gió tựa – rượu hơi say”

Trong ráng chiều, cầu Trà Khúc vắt ngang dòng sông, phác thêm một nét vẽ mềm mại trong bức tranh thiên nhiên “núi Ấn – sông Trà”. Sông Trà trữ tình đến thế chẳng trách người đi xa cứ mãi nhớ về. Trong tâm thức của người dân Quảng Ngãi, núi Ấn – sông Trà không chỉ là hình ảnh biểu trưng cho quê hương mà còn là điểm tựa cho tâm hồn con người. Ở đó mang sự lắng đọng ẩn chứa những niềm tự hào xứ sở.

 Nam Phương