Nữ bác sĩ nặng lòng với bệnh nhân tâm thần

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Triệu Sơn (tỉnh Thanh Hóa), tốt nghiệp chuyên ngành Bác sĩ tâm thần tại Hà Nội nhưng chị Lê Thị Lan (bác sĩ Khoa Bán cấp tính nam – điều trị bệnh nhân tâm thần nam, Bệnh viện Tâm thần trung ương 2) lại chọn Đồng Nai làm bến đỗ.

BS Lê Thị Lan (giữa) trao đổi nghiệp vụ với đồng nghiệp

BS Lê Thị Lan (giữa) trao đổi nghiệp vụ với đồng nghiệp. Ảnh: N.Sơn

Chăm sóc, điều trị người bệnh tâm thần là công việc vừa khó khăn, vừa vất vả lại không kém phần nguy hiểm, nhưng với cái tâm của người thầy thuốc chị vẫn đang gắn bó, từng ngày vượt khó vì người bệnh.

* Luôn hướng về người bệnh

Năm 2017, chị Lan tốt nghiệp đại học và quyết định vào Nam tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp. Như một cái duyên, chị nộp hồ sơ và được nhận vào làm tại Bệnh viện Tâm thần trung ương 2.

Chị Lan chia sẻ, bệnh nhân tâm thần mỗi người một kiểu. Có người trầm tính, ít nói; có người lại lẩm bẩm, la hét, lúc khóc, lúc cười… Hoàn cảnh mắc bệnh cũng khác nhau, có người do di truyền, có người vì gặp phải cú sốc tinh thần nào đó, cũng có người vì làm việc quá căng thẳng hoặc do áp lực từ cuộc sống mà phát bệnh.

Đặc biệt, phần lớn bệnh nhân tâm thần có hoàn cảnh khó khăn, một số bệnh nhân không có người thân thăm nom, chăm sóc… Với những bệnh nhân không có người thân lui tới, họ coi bác sĩ, điều dưỡng ở đây như người thân của họ. Đó cũng là lý do từ khi dấn thân vào nghề mặc dù gặp nhiều khó khăn, vất vả nhưng chị vẫn luôn nỗ lực vượt khó để gắn bó.

Với những đóng góp trong chuyên môn và tinh thần tình nguyện chống dịch Covid-19, BS Lê Thị Lan được tuyên dương Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu vào tháng 3-2022. Mới đây chị là một trong 12 gương mặt trẻ tiêu biểu tỉnh Đồng Nai được Tỉnh đoàn tuyên dương.

Theo lời kể của chị Lan, hơn 5 năm gắn bó với bệnh nhân tâm thần, chị có rất nhiều kỷ niệm vui buồn. Nhưng kỷ niệm mà chị nhớ nhất là cách đây 2 năm, chị làm việc tại Khoa Điều trị tập trung có 1 bệnh nhân lớn tuổi, vào bệnh viện từ khi chị chưa sinh ra. Một lần trò chuyện, chị được biết bệnh nhân này có tâm tư muốn trở về với gia đình. Bản thân chị khi ấy đã cố gắng liên hệ với địa phương nơi người này sinh sống để tìm người nhà. Sau khi chị nhắn gửi tâm tư của người bệnh đến người nhà, gia đình dường như muốn chối bỏ trách nhiệm, không đón bệnh nhân về.

Chị hiểu khi bệnh nhân nói ra tâm tư, nguyện vọng có nghĩa họ đã đặt hết niềm tin, hy vọng vào mình nên chị không dám nói ra sự thật. Chị chỉ còn cách động viên, an ủi nhưng dường như bệnh nhân cũng hiểu được phần nào câu chuyện nên trong ánh mắt của họ hiện lên nỗi buồn, sự thất vọng.

“Đó là ánh mắt mà có lẽ tôi không thể nào quên trong suốt quá trình làm nghề của mình; đồng thời cũng là động lực để tôi gần gũi, lắng nghe, chia sẻ, trở thành điểm tựa tinh thần giúp những bệnh nhân đặc biệt này vơi bớt cô đơn” – chị Lan bộc bạch.

* Tình nguyện tham gia chống dịch

Chị Lan cho biết, trong đợt dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh tại các tỉnh phía Nam, trong đó Đồng Nai là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề. Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo Sở Y tế; đồng thời có sự động viên, tạo điều kiện của lãnh đạo Bệnh viện Tâm thần trung ương 2, chị Lan đã để lại gia đình, con nhỏ, viết đơn tình nguyện tham gia khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 10 – khu ký túc xá Trường Chính trị tỉnh Đồng Nai (P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) từ ngày 4-8 đến ngày 6-9-2021.

Đây là giai đoạn cao điểm của dịch bệnh, chị Lan và đồng nghiệp mỗi ngày tiếp nhận, theo dõi và điều trị hàng ngàn bệnh nhân, trong đó có nhiều người bị nặng. Với tinh thần trách nhiệm của người thầy thuốc, cá nhân chị đã cùng với đồng nghiệp theo dõi sát diễn biến của bệnh nhân, kịp thời chuyển tầng đối với các ca bệnh nặng theo đúng quy định, góp phần giảm thiểu tình trạng chuyển nặng cũng như tử vong do Covid-19.

BS Lê Thị Lan xem lại hồ sơ của bệnh nhân

BS Lê Thị Lan xem lại hồ sơ của bệnh nhân

Cuối tháng 8-2021, tại Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 phát hiện những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên và bắt đầu lan rộng ra các khoa trong bệnh viện. Trước tình thế nguy cấp, Ban giám đốc bệnh viện kêu gọi nhân viên y tế tình nguyện tham gia chống dịch tại các bệnh viện dã chiến trở về thực hiện công tác thu dung, điều trị cho bệnh nhân tâm thần bị nhiễm Covid-19.

Chị Lan chia sẻ, điều trị bệnh nhân tâm thần đã khó, việc điều trị cho bệnh nhân bệnh nhân tâm thần mắc Covid-19 càng khó khăn, vất vả hơn. Bởi, họ là những người có hành vi không ổn định, thường có hành vi kích động, xé đồ bảo hộ của y bác sĩ; không tuân thủ được thực hiện 5K… nên đa phần một bệnh nhân mắc bệnh thì cả khoa, phòng đó sẽ nhiễm bệnh…; nhiều người còn có bệnh nền mãn tính nên nguy cơ trở nặng là rất cao.

Với vai trò phụ trách khu thu dung điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 (khu C2), chị đã cùng với đồng nghiệp đưa ra phác đồ điều trị dành riêng cho bệnh nhân tâm thần. Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền cho bệnh nhân về mức độ nguy hiểm của dịch, sự cần thiết phải thực hiện 5K; thư giãn tinh thần kết hợp với tập thông khí phổi; hướng dẫn bệnh nhân tập thể dục. Trong đó, chú trọng các bài tập thở, giãn cơ cho bệnh nhân Covid-19… giúp giảm thiếu tối đa bệnh nhân trở nặng.

Nga Sơn

 

Anh VY HOÀI VŨ, Bí thư Đoàn Khối các cơ quan tỉnh: Duy trì các mô hình tình nguyện tại chỗ

Ngoài chuyên môn, bác sĩ Lan còn là Bí thư Đoàn cơ sở Bệnh viện Tâm thần trung ương 2. Mặc dù đảm nhận vai trò “thủ lĩnh” chưa lâu nhưng bác sĩ đã thể hiện được vai trò thủ lĩnh trong việc tiếp tục duy trì và phát huy những kết quả đã đạt được trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên của đơn vị.

Bên cạnh công tác tuyên truyền giáo dục, bác sĩ Lan tiếp tục duy trì các mô hình tình nguyện, nhất là các mô hình tình nguyện tại đơn vị như: bữa ăn tình nguyện cho bệnh nhân tâm thần; cắt tóc, móng tay, phát sữa cho bệnh nhân tâm thần; hướng dẫn bệnh nhân tâm thần từng mắc Covid-19 tập luyện để nâng cao sức khỏe; tổ chức các hoạt động quét dọn, thu gom rác thải trong khuôn viên bệnh viện. 

 

Điều dưỡng PHẠM THỊ THU HẰNG, Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Tâm thần trung ương 2: Tinh thần làm việc không mệt mỏi

Tôi và bác sĩ Lan đều có hơn 5 năm làm việc tại Bệnh viện Tâm thần trung ương 2. Có cùng tuổi đời, tuổi nghề nên chúng tôi như 2 người bạn cùng tiến trong công việc và cả trong cuộc sống.

Bên cạnh việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, bác sĩ Lan còn tích cực tham gia nghiên cứu khoa học. Trong đó, cá nhân bác sĩ Lan đã xây dựng và thực hiện đề án sử dụng nguồn dược liệu có sẵn tại vườn thuốc nam Khoa Y dược cổ truyền để tách chiết tinh dầu và điều chế dung dịch sát khuẩn tay phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; là chủ nhiệm 2 đề tài và đồng chủ nhiệm 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở. Trong thời điểm dịch bệnh, bác sĩ Lan còn tình nguyện tham gia tổng đài thầy thuốc nhân ái tỉnh Đồng Nai; tham gia mạng lưới Thầy thuốc đồng hành nhằm hỗ trợ tư vấn sức khỏe trong mùa dịch Covid-19.

         Cẩm Tú (ghi)