Nỗi niềm lao động sau tuổi 35
Băn khoăn lao động có tuổi
Tại Sàn giao dịch việc làm vệ tinh huyện Đông Anh của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Ngọc. Chị đến làm hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp sau khi thôi việc tại một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội.
Chị Ngọc năm nay 36 tuổi. Trước đây, chị có đi làm trong mấy công ty được khoảng tám năm. Do sức khỏe giảm sút, vài năm nay, chị chuyển sang làm công việc tạp vụ trong một công ty nước ngoài ở khu công nghiệp Bắc Thăng Long. Nhưng giờ có tuổi, công ty không ký tiếp hợp đồng, nên chị đến làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp. Gánh nặng kinh tế gia đình đều trông chờ vào người phụ nữ này bởi chồng bị suy thận, hai đứa con đang tuổi ăn học. Phát bệnh đã bốn năm nay, tuần nào anh cũng phải đi chạy thận nhân tạo. “Tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) của tôi được khoảng 12 năm, tôi định xin nhận BHXH một lần rồi về buôn bán nhỏ mưu sinh, chứ giờ xin việc, ít công ty nhận lắm”, chị chia sẻ.
Biết nhận BHXH một lần sau này sẽ chẳng có lương hưu, chị Ngọc suy tư: “Tôi cũng muốn cố đóng bảo hiểm để nhận lương hưu, nhưng mức đóng cao, tiền không có, giờ thêm nỗi lo bệnh tật của chồng. Biết bao giờ mới được nhận lương hưu. Mà biết chắc lương hưu của mình cũng không đủ sống khi tuổi già, vì mức đóng cũng thấp. Thôi thì, được đồng nào tốt đồng ấy”, chị Ngọc bần thần.
Câu chuyện của chị Ngọc không phải là cá biệt, vì ngày càng nhiều công nhân ngoài 35 tuổi bị sa thải và khó tìm được việc làm mới. Hiện tượng này diễn ra âm thầm trong mấy năm gần đây, và đang thu hút sự quan tâm của xã hội.
Thải loại lao động, hiện tượng đáng ngại
Ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, khẳng định, tình trạng thải loại lao động sau tuổi 35 là có thật, đã được Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phát hiện vài năm trước. Trước đó, một số công đoàn cơ sở các cấp cũng đã có phản ánh tình trạng doanh nghiệp thải loại người lao động cao tuổi bằng nhiều chính sách.
Trong chuyến thăm tới một doanh nghiệp gần đây, một nữ đại biểu Quốc hội đã nhận xét, xuống doanh nghiệp chỉ thấy toàn lao động trẻ. Hiện tượng này cũng trùng hợp với kết quả trong một điều tra của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) chỉ ra rằng, độ tuổi bình quân của công nhân trong các doanh nghiệp chỉ là 31,2 tuổi. Thời gian trung bình của công nhân làm cho doanh nghiệp chỉ 6 – 7 năm.
Thông tin tuyển dụng chủ yếu hướng vào nhóm lao động trẻ, rất ít cơ hội việc làm cho lao động sau tuổi 35.
Lướt qua thông tin tuyển dụng nhân sự tại một số công ty tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ở Hà Nội, dễ thấy, có rất ít cơ hội việc làm dành cho người lao động sau tuổi 35. Nhiều doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI, chỉ tuyển dụng người lao động từ 18-35 tuổi. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp chỉ tuyển lao động tới 30 tuổi.
Đặc biệt, ở độ tuổi sau 35, người lao động cần có thu nhập ổn định để chăm lo cuộc sống và gia đình. Nhưng đây cũng là thời điểm họ dễ bị mất việc làm nhất, và rất khó tìm lại việc làm mới, sau khi bị sa thải hay nghỉ việc.
Và trong đợt khảo sát mới đây của Hội đồng Tiền lương quốc gia tới một công ty thủy sản ở Hậu Giang có cả chục nghìn lao động, Tổng giám đốc doanh nghiệp này cho hay, mấy năm nay ở đây chỉ có khoảng chục người về hưu. Cũng theo vị lãnh đạo này, ngành thủy sản của ông “không có người về hưu”, bởi lao động thường phải làm việc trong môi trường khá khắc nghiệt. Tới tuổi 35-40, họ đã bước ra khỏi nhà máy, phải tự tìm cách thôi việc do không đủ sức khỏe đứng làm việc trong ngành.
Ông Lê Đình Quảng (ảnh) cho hay, đối tượng lao động trên 35 tuổi, đặc biệt là lao động nữ, bị thải loại chủ yếu là công nhân lao động làm các công việc đơn giản, làm việc trong các ngành sử dụng đông lao động, thường gọi là thâm dụng lao động, như dệt may, da giầy, chế biến thủy sản…. Họ là người lao động trực tiếp, làm những công việc đơn giản trong môi trường, điều kiện lao động khắc nghiệt. Cùng với tuổi tác, ở lứa tuổi này, độ nhanh nhạy trong công việc giảm sút, sức khỏe đi xuống, nên rất khó để yêu cầu họ tăng ca, kíp, tăng năng suất lao động. Trong khi đó, doanh nghiệp phải trả cho nhóm đối tượng này chi phí bảo hiểm xã hội (BHXH), tiền lương cao hơn do chính sách thâm niên, đặc biệt là chi phí BHXH, bảo hiểm y tế (BHY). Vì thế, nhiều chủ sử dụng lao động tìm cách lách luật để thải loại những lao động này ra khỏi doanh nghiệp.
Người lao động ở độ tuổi này hầu như khó có cơ hội tìm việc làm mới trong khu vực có quan hệ lao động. Sau nhiều năm làm việc trong các doanh nghiệp, đa số lao động nghỉ việc phải tiếp tục bươn chải, làm nghề tự do, trở thành lao động phi chính thức.
Nghiên cứu của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho thấy, hầu hết tiền lương của lao động chỉ đủ trang trải cuộc sống, không thể “dành dụm” được. Đặc biệt, công nhân làm trong những ngành, nghề này phải làm thêm giờ liên tục mới đủ trang trải cuộc sống. Do đó, người lao động không có việc làm thì cũng không có tích lũy. Không tìm được việc làm mới, họ thường nhận trợ cấp BHXH một lần. Điều này đồng nghĩa với việc họ không có lương hưu, ảnh hưởng tới chính sách an sinh xã hội và cuộc sống của người lao động sau này khi về già.
Tìm một cơ hội khác
Chị Mai Thị Dung, 24 tuổi, quê Thanh Hóa, công nhân của Khu công nghiệp Bắc Thăng Long cho biết, khá nhiều người quen của mình ở độ tuổi 35 tuổi dễ dàng bị doanh nghiệp dừng ký hợp đồng, hoặc họ phải tự bỏ việc do không chịu được áp lực. Không những thế, sau thời gian nuôi con nhỏ theo quy định của Bộ luật Lao động, lao động nữ cũng dễ bị cắt hợp đồng. “Lúc lương tối thiểu tăng, các chi phí đều tăng. Tiền điện, tiền nước, tiền phòng trọ đều lên. Đồng lương công nhân thì thấp, cứ ráo mồ hôi là đã hết tiền”, chị Dung ngậm ngùi.
Bởi thế, có nhiều lao động đã có lựa chọn khác cho tương lai. Chị Dung, dù đang làm việc trong một doanh nghiệp Nhật Bản, đã học thêm nghề nấu ăn. Còn cô gái Nguyễn Thị Thương, 22 tuổi, đang làm việc tại khu công nghiệp Sài Đồng, Hà Nội, lại học thêm nghề chăm sóc sắc đẹp. Cô dự định làm thêm một thời gian, tích góp chút vốn để mở cửa hàng trong tương lai. “Làm việc ở nhà máy cũng có thu nhập, nhưng nếu sức khỏe không còn, lại có gia đình, không biết lo toan thế nào. Nếu bị sa thải ở tuổi 35 như nhiều chị khác, em còn nặng gánh gia đình. Có lẽ nên tìm cách khác, có thể chậm mà chắc hơn vậy”, Thương tâm sự.
Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế – kỹ thuật Bắc Thăng Long (Hà Nội), TS Phạm Quang Vinh, cho hay, đây cũng là cách nhiều lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất lựa chọn. Hiện nay, nhiều lao động phổ thông đang làm việc tại các công ty trong nước và liên doanh ở các khu công nghiệp với chế độ, chính sách phù hợp. Họ có thể đạt mức lương từ 5-7 triệu, hoặc cao hơn tùy theo công việc và thâm niên. Nhưng hầu hết các lao động làm việc trong khu công nghiệp luôn đối mặt với khả năng mất việc. Kỹ năng đã làm ở công ty này lại không sử dụng ở công ty khác được, nên có nguy cơ rơi vào tình trạng thất nghiệp. Họ có một thời gian làm việc trong doanh nghiệp nhưng kỹ năng nghề không tích lũy được nhiều, hành trang duy nhất có thể chỉ là ý thức, kỷ luật lao động. Do đó, khi thôi việc hoặc bị sa thải, họ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Từ đó, ông Vinh khuyên các lao động trẻ, đặc biệt là lao động nữ, nên học một số nghề xã hội cần. Sau này, nếu bị đào thải ở doanh nghiệp, họ có thể tìm việc tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoặc tự kinh doanh. Mức lương ở doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể thấp hơn do họ còn gặp nhiều khó khăn, nhưng rất cần sự gắn kết của người lao động. “Sự hy sinh với các lao động trẻ hiện còn chưa muộn. Bởi chờ đến lúc 35-40 tuổi, nếu bị sa thải khỏi doanh nghiệp, chỉ thiếu một tháng lương, gia đình họ đã lao đao. Bởi vậy, người lao động nên có một quyết định hợp lý cho tương lai của mình sau này”, ông Vinh nhấn mạnh.
Ông Lê Đình Quảng kiến nghị, chúng ta phải sửa đổi một loạt chế độ chính sách, để doanh nghiệp phải có trách nhiệm xã hội với người lao động có tuổi. Cần có quy định để tránh doanh nghiệp lách luật, tìm cách thải loại người lao động ra ngoài sau một thời gian làm việc dài, cống hiến cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, cũng nên quy định linh hoạt về chính sách an sinh xã hội, sao cho người lao động trong điều kiện không làm được ở tuổi đó, không tiếp tục tham gia đóng BHXH, vẫn có cơ hội để hưởng lương hưu khi về già.
* Trong tháng 5, 85.117 lao động đã nhận trợ cấp một lần, với gần 90% người nhận trợ cấp một lần là lao động trên 35 tuổi. Số lao động hưởng trợ cấp BHXH một lần trong năm tháng đầu năm 2018 là gần 297 nghìn người.