Nỗ lực bảo vệ cá hải tượng long trên sông Amazon – Ác Nhân Cốc
Nhờ các chuyên gia bảo tồn và cộng đồng bản xứ, loài cá khổng lồ được ví như xe bọc giáp ở lưu vực sông Amazon đã có cơ hội hồi sinh.
Cá hải tượng long là loài cá lớn nhất ở sông Amazon. Ảnh: AFP.
Sinh sống ở lưu vực sông Amazon, hải tượng long là một trong những loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới, có thể dài tới 3 m và nặng 200 kg. Khả năng hít thở không khí cho phép loài cá này sống ở vùng nước có nồng độ oxy thấp và sống sót một ngày ở ngoài mặt nước. Ngoài cá, hải tượng long còn ăn chim, thằn lằn và động vật có vú nhỏ, nghiền nát con mồi bằng lưỡi.
Quá trình tiến hóa mang tới cho hải tượng long một lợi thế là kích thước. Các nhà nghiên cứu ví chúng như một cỗ xe tăng chống đạn, có thể chống lại những cuộc tấn công của cá piranha. Hải tượng long là “kẻ hủy diệt” trong thế giới động vật nhưng chúng lại có điểm yếu chí mạng là vị thịt rất ngon. Chúng có biệt danh là “cá tuyết sông Amazon” bởi thịt chắc và ít xương. Loài cá này là nguồn thức ăn quan trọng của cộng đồng địa phương, nhưng cũng được đánh giá cao bởi nhiều thực khách ở những thành phố lớn nhất Brazil.
Nạn đánh bắt quá mức dẫn tới số lượng hải tượng long sụt giảm dần. Vào thập niên 1990, nhà chức trách Brazil tiến hành các biện pháp cấm đánh bắt hải tượng long. Tuy nhiên, tình trạng săn bắt trái phép vẫn tiếp diễn, khiến loài vật biến mất tại nhiều khu vực ở Amazon. Nhưng nỗ lực của những chuyên gia bảo tồn và cộng đồng địa phương đã xoay chuyển tình hình.
Ngày nay, đánh bắt hải tượng long vẫn bị cấm ở Brazil ngoại trừ những khu vực có thỏa thuận quản lý với cộng đồng địa phương, theo João Campos-Silva, nhà sinh thái học người Brazil. Campos-Silva là thành viên của Viện Juruá, một trong nhiều tổ chức làm việc với cộng đồng bản xứ để phát triển nông nghiệp bền vững và hồi sinh hải tượng long.
Trong mùa mưa, hải tượng long tìm đường trong khu rừng ngập nước để tới nơi sinh sản và quay lại hồ khi mực nước hạ thấp. Tập trung vào sông Juruá và vùng hồ xung quanh ở bang Amazonas phía bắc Brazil, chương trình do Viện Juruá thực hiện trong hơn một thập kỷ qua tính toán chỉ tiêu đánh bắt bền vững ở mỗi hồ vào năm tiếp theo và không vượt quá 30% số cá trưởng thành.
Cộng đồng địa phương canh gác lối vào hồ quanh năm để xua đuổi những ngư dân đánh bắt trái phép đến từ bên ngoài. Việc đánh bắt chỉ được phép tiến hành từ tháng 8 đến tháng 11, bất kỳ con cá nào nhỏ hơn 1,55 m đều buộc phải thả về mặt nước.
Theo Francisco das Chagas Melo de Araújo, hay còn gọi là Seu Preto, người đứng đầu cộng đồng dân cư ở Xibauazinho, sau 11 năm quản lý, có hơn 4.000 con hải tượng long ở những hồ nước trong khu vực. Nghiên cứu của Campos-Silva ở những hồ nước quanh sông Juruá trong cùng kỳ cho thấy số lượng hải tượng long đã tăng gấp 4 lần. Khi số lượng tăng, hải tượng long di cư tới các hồ mới, mở rộng phạm vi sinh sống. Campos-Silva ước tính hiện nay, khoảng 330.000 con hải tượng long đang sống ở 1.358 hồ nước tại 35 khu vực quản lý, với 400 cộng đồng tham gia bảo vệ.
An Khang (Theo CNN)
Đọc bài gốc tại đây