Những siêu thị điện máy nào đã ‘chết’ trước Vinpro?

Đã có rất nhiều cái tên trong ngành bán lẻ điện máy lâm vào cảnh ‘chết yểu’ hoặc bị ‘nuốt chửng’.

Dưới đây là tổng hợp của VnReview.vn:

Best Carings

Best Caring từng được biết đến là địa chỉ kinh doanh mặt hàng điện tử, điện máy sôi động bậc nhất Hà Nội, được thành lập vào cuối năm 2004. Hệ thống này thậm chí từng có tên trong ‘Top 500 doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu Châu Á – Thái Bình Dương’ 2009, 2010; Top 10 nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam năm 2009-2010… Ngoài Hà Nội, ở thời đỉnh cao Best Carings đã từng có mặt tại cả Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2010 thì Best Carings bắt đầu rơi vào cảnh khó khăn, không bán được hàng, chương trình khuyến mãi giảm dần, sức cạnh tranh giảm sút, nợ lương nhân viên, nợ tiền thuê mặt bằng. Năm 2012, Hệ thống này chính thức đóng cửa siêu thị cuối cùng của mình và rút khỏi thị trường kinh doanh điện máy.

Topcare

Topcare trước đây được biết đến là hệ thống kinh doanh điện máy nổi tiếng tại Hà Nội và thành lập năm 2008. Hệ thống này kinh doanh rất tốt trong giai đoạn 2009 – 2013 khi liên tục mở rộng hoạt động, được người dân Thủ đô yêu thích.

Tuy nhiên, đến năm 2014 thì sức ép cạnh tranh quá lớn khiến Topcare gặp nhiều khó khăn, liên tục vướng phải tin đồn không thanh toán tiền hàng, không cho rút hàng ký gửi. Đến tháng 11/2014, hệ thống này bất ngờ được góp vốn 30 tỷ đồng và khai trương siêu thị mới. Tuy nhiên đến tháng 1/2015 thì Topcare đồng loạt đóng cửa 6 siêu thị của mình tại Hà Nội và chấm dứt hoạt động.

WonderBuy

Tháng 6/2010, WonderBuy khai trương cửa hàng đầu tiên của mình tại đường Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh với kinh phí hàng trăm tỷ đồng, bán hơn 70.000 chủng loại hàng điện máy, nội thất. Hệ thống này nổi tiếng với chương trình bán hàng kiểu Mỹ khi hoàn tiền sau vài năm sử dụng cho khách hàng. Ví dụ, khách mua laptop với giá trên 3 triệu đồng sẽ nhận lại 30% tiền sau 3 năm sử dụng.

Tuy nhiên, sau 1 năm hoạt động thì hệ thống này tuyên bố phá sản do lỗ đến 52 tỷ đồng. Không những vậy, WonderBuy khi đó còn vướng phải số nợ khoảng 20 tỷ đồng của các nhà phân phối, 9 tỷ tiền đặt cọc thuê mặt bằng, 11,5 tỷ tiền thuê nhà, đầu tư thiết bị…

Việt Long

Việt Long từng là hệ thống siêu thị điện máy lớn bậc nhất tại Hà Nội, được thành lập vào năm 2002. Tuy nhiên, đến năm 2013 thì đơn vị này bắt đầu rơi vào vòng khó khăn và phải dần đóng cửa các điểm bán hàng của mình.

Đến đầu năm 2014, điểm bán hàng cuối cùng của Việt Long tại số 80 Ngô Gia Tự đã do ngân hàng tiếp quản, đứng ra tổ chức kinh doanh. Đây cũng chính là thời điểm đánh dấu sự ra đi của hệ thống điện máy từng một thời lừng lẫy tại Hà Nội.

HomeOne

HomeOne từng là đơn vị bán lẻ điện máy danh tiếng tại Thành phố Hồ Chí Minh với 3 siêu thị tại các vị trí đẹp và 1 website bán hàng trực tuyến, được thành lập năm 2011. Hệ thống này thuộc công ty cổ phần dịch vụ bán lẻ Tiên Phong và có số vốn lên tới khoảng 200 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến tháng 9/2013 thì hệ thống này chính thức rời khỏi thị trường điện máy khi gặp khó khăn về tài chính, nợ lương nhân viên kéo dài, nợ tiền thuê mặt bằng, nợ tiền nhà cung cấp, hàng hóa ế ẩm.

VinPro và Viễn thông A

VinPro được thành lập từ năm 2015, thuộc tập đoàn Vingroup hoạt động trong lĩnh vực điện máy với 2 mô hình kinh doanh là VinPro và VinPro+. Hệ thống này có trên toàn quốc, tọa lạc tại các trung tâm thương mại thuộc hệ thống Vincom.

Trước khi chính thức đóng cửa từ ngày 18/12 vừa qua, VinPro là một trong những đơn vị kinh doanh được Vingroup đầu tư rất nhiều tiền. Vốn điều lệ của công ty TNHH VinPro (quản lý hệ thống Vinpro khi mới thành lập) là 1.000 tỷ đồng, trong đó tập đoàn mẹ góp 940 tỷ, chiếm 94% vốn sở hữu.

Tính trong khoảng 5 năm hoạt động, VinPro đã được Vingroup rót hàng nghìn tỷ đồng thông qua việc góp vốn để mở rộng hệ thống. Được thành lập vào năm 2015 nhưng đến tháng 2/2016 chuỗi điện máy này đã có 115 cửa hàng VinPro, VinPro+. Tuy nhiên, đến cuối năm 2016 thì hệ thống này đã bị thu hẹp khi VinPro+ bị đóng cửa và chỉ còn 24 cửa hàng. Sau đó VinGroup mua lại Viễn thông A và sát nhập vào VinPro. Điều này giúp hệ thống kinh doanh điện máy của VinGroup có tổng 242 siêu thị và cửa hàng nhưng vẫn kém xa Điện máy xanh.

Tuy được rót vốn rất nhiều nhưng kết quả kinh doanh của VinPro lại không khả quan như kỳ vọng. Đến cuối tháng 9/2019, hệ thống này vẫn còn khoản vay 1.927 tỷ đồng với tập đoàn mẹ. Theo những số liệu mới nhất, bán lẻ là mảng kinh doanh thua lỗ lớn thứ 2 của Vingroup, sau mảng sản xuất. Ngày 18/12, tập đoàn này đã chính thức ‘khai tử’ Vinpro sau gần 5 năm tồn tại.

Sự ‘ra đi’ của VinPro cũng đánh dấu cái tên Viễn thông A chính thức biến mất trên thị trường. Trước đó, vào cuối năm 2018, Vingroup chính thức tuyên bố mua lại Viễn thông A và nắm 100% tỷ lệ biểu quyết, 64,46% tỷ lệ lợi ích của đơn vị này.; Tại thời điểm bị ‘thâu tóm’, Viễn thông A có gần 200 cửa hàng, 100 trung tâm bảo hành trên toàn quốc nhưng đang lỗ trước thuế 226 tỷ chỉ trong 8 tháng đầu năm 2018. Vì vậy, tổng giá phí của thương vụ nói trên chỉ gần 39 tỷ đồng và Vingroup thực tế chỉ phải chi gần 24 tỷ đồng để hoàn tất thâu tóm.

Pikachu Kute