NHỮNG MÓN ĂN VIỆT NAM NỔI TIẾNG THẾ GIỚI

Ẩm thực Việt Nam rất đa dạng và độc đáo, những món ăn mang đậm bản sắc dân tộc và gắn liền với đời sống hàng ngày. Hiện nay, ẩm thực Việt Nam được nhiều người biết đến và không ít lần món ăn Việt được các đầu bếp nổi tiếng ca tụng. Ẩm thực Việt Nam luôn gìn giữ và phát huy những nét tinh túy, độc đáo của dân tộc. Cũng chính bởi hương vị thơm ngon, chứa nhiều giá trị dinh dưỡng, ẩm thực Việt Nam đã và đang dần khẳng định vị thế của mình trong nền ẩm thực thế giới. Những món ăn tưởng như bình dị ấy vậy mà rất được lòng du khách nước ngoài. 

“BÁNH MÌ”

Giới thiệu về bánh mì 

Bánh mì là một món ăn đường phố của Việt Nam bao gồm vỏ là một ổ bánh mì nướng giòn, ruột mềm và bên trong là phần nhân. Tuỳ hương vị vùng miền hoặc sở thích cá nhân mà người ta sẽ tạo thành những kiểu nhân khác nhau, thường là nhân chả lụa, thịt, cá, thực phẩm chay hoặc mứt trái cây… kèm theo một số nguyên liệu phụ khác như pate, bơ, rau, ớt, đồ chua… Loại bánh mì làm vỏ thực tế là kiểu baguette do người Pháp đem vào miền Nam Việt Nam từ những thế kỷ trước đây, sau này, lan ra khắp miền Trung và miền Nam, đặc biệt thịnh hành ở Sài Gòn. Trong quá trình cải tiến, người Sài Gòn đã chế biến lại thành kiểu bánh mì nhỏ và ngắn hơn chỉ còn khoảng 30 – 40 cm, và ruột thì rỗng hơn để có thể đưa phần nhân vào đó. Tùy thuộc vào thành phần nhân được kẹp bên trong mà bánh mì kẹp có tên gọi khác nhau.

Bánh mì kẹp thịt là món ăn bình dân thân thuộc của mỗi người dân. Một ổ bánh mì dài tầm 30cm, bên trong có thịt, pate, rau, ớt… bên ngoài bọc một tờ giấy được cột bởi một sợi thun là bữa ăn sáng của học sinh, sinh viên và người lao động. Ổ bánh mì thơm ngon, giá thành rẻ nên đây là món ăn ưa thích của nhiều người và rất phổ biến trên đường phố Việt Nam. Không chỉ vậy, ngày nay, bánh mì kẹp của Việt Nam đã có mặt ở nhiều nơi trên thế giới, Thực khách bốn phương khi ăn bánh mì Việt Nam đã không ngớt lời khen cho món ăn bình dị này.

Nguồn gốc của bánh mì

Đến nay, người ta vẫn chưa rõ nguồn gốc và thời gian bánh mì xuất hiện trên thế giới. Chưa thấy ai khẳng định bánh mì có mặt đầu tiên từ quốc gia nào. Có tài liệu cho rằng, bánh mì đã xuất hiện cách đây 10 nghìn năm, tức vào thời đại đồ đá mới. Thời đại này được coi là lúc nông nghiệp có những bước chuyển biến mới. Con người lúc này vừa sử dụng sản phẩm từ thiên nhiên vừa tự trồng và thuần hóa nhiều loài động vật, như cừu, lợn, chó và dê. Đặc biệt vào thời đại này, lúa mì và kê đã được con người trồng. Trong quá trình sáng tạo, phát triển, con người đã biết cách sử dụng lúa mì làm bánh. Tuy nhiên vào thời này, bột mì được tiếp xúc với không khí tạo men trong khoảng thời gian nhất định trước khi chế biến thành bánh mì. Có tài liệu ghi nhận bánh mì thậm chí xuất hiện từ hơn 30 nghìn năm trước, khi ngày nay có người tìm thấy các tinh bột chế biến từ rễ cây ăn được trên các mặt đá. Tuy nhiên, việc phát hiện tinh bột cho đến việc nghĩ rằng con người biết làm bánh mì từ thời này vẫn chưa có căn cứ rõ ràng. Gần hơn, vào thời đại Ai Cập cổ đại, có tài liệu nói, bánh mì xuất hiện từ thời này, và phổ biến khắp thế giới như ngày nay. Và người có công truyền bá công thức làm bánh mì của người Ai Cập là Alexandre Đại Đế (356 – 323 TCN). Vào những năm đầu công nguyên, bánh mì đã xuất hiện tại Pháp do người La Mã đem vào. Những lò bánh mì thường đặt gần ở nơi quan chức sinh sống. Bắt đầu từ thế kỷ 11 trở đi, bánh mì được phổ biến hơn ở Pháp và trở thành lương thực chính. Bánh mì cũng là một trong nhưng lương thực giúp giáo hội Công giáo có nguồn thu nhập chính. Dù nguồn gốc bánh mì xuất hiện trên thế giới chưa thể xác minh, nhưng lợi ích nó mang lại cho con người thật đáng được ghi nhận.

Tại Việt Nam, bánh mì có tuổi đời chưa lâu. Nó xuất hiện khi người Pháp xâm chiếm nước ta. Được biết, bánh mì du nhập vào nước ta đầu tiên tại Sài Gòn vào năm 1859, với tên gọi bánh mì Baguette. Ban đầu, bánh mì chưa thịnh hành nhiều, do điều kiện kinh tế bấy giờ ở nước ta, một phần cũng do văn hóa bản địa, khi người dân chỉ coi bánh mì là món ăn chơi, chứ không phải loại dùng để ăn no, thay cho bữa chính. Sau đó, do tiện ích của bánh mì và giá cả phải chăng, mà loại bánh này bắt đầu được người Việt bắt chước làm và bán, nhưng cũng chỉ có ở một vài địa điểm nhỏ, như bánh mì Hòa Mã là nổi tiếng nhất. Bánh mì cũng được cải biên theo sáng tạo của người Việt Nam, khi nó có khổ và độ dài như ngày nay.

Bánh mì Việt Nam trên thế giới

Bánh mì Việt Nam có nhiều loại, bánh mì xíu mại, bánh mì que, bánh mì thịt, bánh mì đậu, bánh mì trứng ốp la, bánh mì pate, bánh mì bơ, bánh mì chả cá, bánh mì chả giò… Mỗi loại bánh mì có một đặc điểm riêng và hương vị riêng đậm chất Việt Nam. Trong các thực phẩm cho kèm vào bánh mì không thể thiếu rau mùi, rau thơm, dưa chuột tươi, dưa chuột ngâm chua hoặc cải chua và nhiều loại rau khác tùy thuộc loại bánh. Bánh mì Việt Nam bán ở đường phố khiến người nước ngoài thích thú, đó là kiểu bánh mì được nướng trên than, hoặc áp chảo, có các thực phẩm đi kèm. Ai ăn tương ớt, ớt tươi có thể được cho vào, còn không thì thôi. Bánh mì hiện nay trở nên phổ biến, được bán ở hầu hết các con phố ở các thành phố lớn, và ở thôn quê cũng có bánh mì. Bánh mì giờ cũng trở thành món ăn chính, tức ăn thay cho bữa chính đối với những nhân viên văn phòng, hay học sinh, sinh viên, bởi dưỡng chất ở trong bánh mì giờ cũng đầy đủ do nhiều thực phẩm được cho kèm vào.

Có lẽ do tính giản đơn, tiện lợi và đi kèm các thực phẩm truyền thống mà bánh mì Việt Nam nổi danh thế giới. Một số loại bánh mì Việt Nam có mặt trên thế giới và vang danh, như Bánh Mì Saigon ở New York, Bun Mee ở San Francisco, Bánh Mì Boys ở Toronto, Bánh Mì Thi-Thi ở Calgary, Mr. Bánh Mì ở Prague… và nhiều tiệm bánh mì khác ở Đài Loan. Bánh mì Việt Nam được coi là những món ăn nổi danh thế giới. Cùng với “Phở” (pho) và “Áo dài” – (ao dai), “Bánh mì” – (banh mi) của Việt Nam đã có tên trong từ điển Oxford – từ điển tiếng Anh uy tín và bán chạy trên thế giới, nên từ bánh mì được vinh danh trong từ điển này là điều đáng tự hào của người Việt Nam.

“BÚN CHẢ”

Giới thiệu về bún chả

Bún chả là món ăn với bún, chả thịt lợn nướng trên than hoa và bát nước mắm chua cay mặn ngọt. Món ăn xuất xứ từ miền Bắc Việt Nam, là thứ quà có sức sống lâu bền nhất của Hà Nội, nên có thể coi đây là một trong những đặc sản đặc trưng của ẩm thực Hà thành. Bún chả có nét tương tự món bún thịt nướng ở miền Trung và miền Nam, nhưng nước mắm pha có vị thanh nhẹ hơn. Nếu Huế có bún bò nổi tiếng thì miền Bắc lại có bún chả ngon không kém, bún chả được xem như là đặc sản của Hà Nội, nếu đến đất thủ đô mà chưa ăn bún chả thì thật đáng tiếc. Bún chả là món bún ăn chung với chả thịt lợn nướng cùng nước mắm chua cay.

Bún chả thường được ăn vào buổi trưa. Việc lựa chọn thời gian thưởng thức bún chả dường như là một nghệ thuật về thời gian, ăn bún chả vào giờ nào là thích hợp. Đây là một nét rất riêng của văn hóa ẩm thực đất kinh kỳ. Tuy nhiên hiện nay cũng có một số cửa hàng bán bún chả cả sáng trưa chiều tối. Có nhiều biến tấu cho bún chả tại Hà Nội và một số cửa hàng đã ít nhiều tạo nên phong cách khi thay đổi phương thức chế biến, thời gian thưởng thức như bún chả bọc lá chuối, bún chả kẹp que, bún chả ăn sáng, bún chả giấm sấu giấm me. 

Nguồn gốc của bún chả

Bún chả là thứ quà có sức sống lâu bền nhất của Hà Nội. Bằng chứng là dù bao vật đổi sao dời, dù cuộc sống ngày nay có nhiều thứ cao lương mỹ vị nó vẫn là thứ quá hấp dẫn, có mặt ở khắp các nẻo phố, thậm chí cả trong các ngõ sâu, đầu góc chợ. Nó tồn tại như một phần của Hà Nội xưa cũ. Bún Chả Sinh Từ được khai sinh vào những năm 1900. Nó được đặt tên từ chính con phố mà nó đã ra đời.

Bún chả là món ăn gắn liền với cuộc sống thường nhật của người dân. Không chỉ người dân Hà Nội, thực khách các vùng miền mà ngay cả du khách nước ngoài khi đến Hà Nội đều phải thử qua món ăn này. Có thể thấy được bún chả mang nét bình dị từ trang trí cho đến khâu chế biến. Tuy nhiên hương vị món ăn lại vô cùng đặc sắc, với vị ngon khó cưỡng và đi vào lòng người. Dù là già, trẻ, gái, trai, thanh niên công sở hay giám đốc việc ngồi trên bàn ghế nhựa vỉa hè xì xụp bát bún chả nóng hổi dường như đã trở nên quá quen thuộc đối với người Hà Nội. Đây là món mà thực khách có thể thưởng thức tất cả các bữa trong ngày. Đầy đủ chất dinh dưỡng, hương vị đậm đà, nạp năng lượng cho ngày làm việc.

Bún chả – món ăn khiến khách nước ngoài phải lòng

Ở Hà Nội, không khó để tìm một quán bún chả, trong đó có một số nơi quen thuộc như Đắc Kim phố Hàng Mành, Sinh Từ ở Nguyễn Khuyến, Hương Liên ở Lê Văn Hưu, Thúy ở ngõ Phất Lộc, Duy Diễm ở Ngọc Khánh… Cùng với phở, bánh mì và nhiều món ăn truyền thống nổi danh khác, bún chả đang được thế giới nhắc đến như một đại diện của ẩm thực Việt Nam. 

Tháng 5/2016, Tổng thống Mỹ Obama đã thưởng thức bún chả tại quán trên đường Lê Văn Hưu. Kể từ đó, món ăn này càng trở nên nổi tiếng hơn. Rất đông du khách đã lựa chọn bún chả bên cạnh phở, bánh mì… Trong bảng xếp hạng những món ăn ngon trên thế giới của những trang web nổi tiếng như “CNN” hay “Lonely Planet”, bún chả đều nằm trong top đầu.

Bún chả đặc biệt theo cách của riêng mình, không quá phô trương nhưng đủ sức hấp dẫn từ chính sự đơn giản sẵn có. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, bún chả vẫn giữ được hương vị đặc trưng, giữ vững được vị trí là một trong những món ăn quốc hồn quốc túy của ẩm thực Việt.

“BÚN BÒ HUẾ” 

Giới thiệu về bún bò Huế

Bún bò là một trong những đặc sản của xứ Huế, mặc dù món bún này phổ biến trên cả ba miền ở Việt Nam và cả người Việt tại hải ngoại. Tại Huế, món này được gọi đơn giản là “bún bò” hoặc gọi cụ thể hơn là “bún bò giò heo”. Các địa phương khác gọi là “bún bò Huế”, “bún bò gốc Huế” để chỉ xuất xứ của món ăn này. Món ăn có nguyên liệu chính là bún, thịt bắp bò, giò heo, cùng nước dùng có màu đỏ đặc trưng và vị sả và ruốc. Đôi khi tô bún còn được thêm vào thịt bò tái, chả cua, và các loại nguyên liệu khác tùy theo sở thích của người nấu.

Trong nước dùng của bún, người Huế thường nêm vào một ít mắm ruốc, góp phần làm nên hương vị rất riêng của nồi bún bò Huế. Sau khi xương bò được hầm chín tới, người ta thường thêm vào một ít chả heo hay chả cua được quết nhuyễn. Thịt bò có thể được xắt mỏng, nhúng vào nước dùng đang sôi trước khi cho vào tô bún (gọi là thịt bò tái). Người ta cũng thường cho thêm một ít ớt bột và gia vị vào tô bún rồi ăn với rau sống gồm giá, rau thơm, xà lách, rau cải con, bắp chuối xắt nhỏ. Bún bò Huế không chỉ là món ăn nổi bật khi đến với xứ Huế mà hiện nay nó đã có ở nhiều nơi trên thế giới. 

Nguồn gốc của bún bò Huế

Bún bò Huế thực chất có tên gọi là bún bò giò heo, nhưng vì có một phong vị khác, cách nấu chỉn chu trau chuốt cẩn thận cùng với các loại gia vị chỉ có riêng tại Huế mà làm nên món ăn nổi tiếng đất cố đô mang tên vùng đất gắn liền với tên món ăn. Đặc trưng của món bún này là vị cay nồng của ớt, thơm hương nồng nàn đặc biệt của sả, vị ngọt ngào khó quên của ruốc mà chẳng tìm được ở nơi nào khác.

Phổ biến và nổi tiếng như thế, vậy mà ít ai, ngay cả người Huế, biết rõ món ăn này xuất hiện từ bao giờ. Tuy nhiên cũng có vài nguồn tin bảo rằng bún bò Huế có nguồn gốc xuất phát từ món ăn trong cung đình Huế thời xưa sau nhiều lần cải biến trở thành bún bò như bây giờ.

Bún bò Huế – món súp ngon nhất thế giới

Bún bò Huế là món ăn bình dân nổi tiếng của người xứ Huế. Nhiều tờ báo về văn hóa và ẩm thực quốc tế từng bình chọn đây là một trong những món ăn nổi tiếng của thế giới. Anthony Bourdain, đầu bếp nổi tiếng người Mỹ và cũng là nhân vật chính trong loạt phim khám phá ẩm thực “Anthony Bourdain” phát trên kênh truyền hình CNN của Mỹ đã từng phải thốt lên rằng: “Bún bò Huế là món ‘súp’ ngon nhất thế giới mà tôi từng thưởng thức.”

Bún bò cũng nằm trong số những món ăn ngon và đậm đà hương vị nhất của ẩm thực Việt Nam, bên cạnh những món ăn thường thức như cơm, phở, bánh mì, hủ tiếu thì bún bò Huế  cũng được ưa chuộng và điều thú vị là món ăn này có thể được ăn vào mọi buổi từ sáng đến chiều tối. Về cơ bản, bún bò Huế giống như phở với một tô nước lèo cùng với các loại thịt, gia vị cùng với bún hoặc bánh phở. Tuy nhiên, cọng phở thường mềm và mỏng trong khi cọng bún bò cứng và dai hơn. Trong nước dùng của bún, người Huế thường nêm vào một ít mắm ruốc, góp phần làm nên hương vị rất riêng của nồi bún bò Huế. Mắm đánh tan với nước lạnh, không dùng nước nóng kẻo ruốc sẽ bị tanh. Nếu có thời gian có thể khuấy tan ruốc, thêm vào tí muối, đường, để cho lắng bớt rồi đổ nước ruốc đã lọc sạch vào ướp vào thịt bò bắp qua đêm, khi đem hầm thịt bò bắp sẽ thơm, thấm gia vị hơn.

Bún bò dần dần trở nên phổ biến hơn không chỉ được lòng khách trong nước mà còn thu hút được khách nước ngoài, được nhiều du khách nước ngoài ưa thích với cái vị nước dùng đậm đà thơm ngon, vị cay nóng ở đầu lưỡi cùng những miếng thịt bò dai mềm, tất cả làm nên một hương vị khiến người ta không thể quên.

“CÀ PHÊ”

Giới thiệu về cà phê

Cà phê không biết từ bao giờ đã trở nên gần gũi và quen thuộc với người dân Việt Nam đến thế. Cái vị đăng đắng, đầm đậm bên đầu lưỡi, mùi hương hạnh nhân, mùi đất lan tỏa bên tách cà phê khiến cho người ta phải ngất ngây…và cứ như thế cà phê đi vào lòng người Việt một cách đằm thắm nhẹ nhàng. Người ta thưởng thức cà phê trong khi làm việc, khi gặp gỡ, bàn chuyện cùng đối tác, khi trò chuyện cùng bạn bè, người thân… Và cà phê đóng góp một phần không nhỏ trong cuộc sống, trong công việc của mỗi người. 

Hương vị cà phê đậm đà đã trở nên quen thuộc trong nhịp sống mỗi ngày của người dân Việt. Sự tinh tế của cà phê Việt thể hiện ở nét văn hóa và phong cách thưởng thức cà phê khác lạ của người Việt.

Nguồn gốc của cà phê

Cây cà phê đầu tiên được người Pháp mang đến Việt Nam vào năm 1857, từ các đồn điền nhất nhì Đông Dương này, cây cà phê đã có những trở mình mạnh mẽ, thoát khỏi các định chế bao cấp, trở thành một trong những cây trồng có giá trị xuất khẩu cao nhất (sau lúa gạo), và đưa nước ta lên vị trí thứ 2 của bản đồ cà phê thế giới. 

Coffe arabica là giống cà phê đầu tiên được đưa vào Việt Nam vào năm 1857, thông qua các nhà truyền giáo Pháp. Nó đã được thử nghiệm tại các nhà thờ Công giáo ở các tỉnh phía bắc, như Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh; và sau đó lan sang một số tỉnh miền trung, như Quảng Trị và Quảng Bình. Cuối cùng, cà phê đã được đưa đến các tỉnh phía Nam của Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Sau đó người ta mới phát hiện ra rằng Tây Nguyên là nơi thích hợp nhất để trồng cà phê. Sau đó, vào năm 1908, người Pháp đã mang hai loại cà phê khác đến Việt Nam là “Coffea canephora” và “Coffea excelsa”. Không dừng lại, người Pháp đã thử nghiệm nhiều giống khác nhau từ Congo tại Tây Nguyên, và chứng kiến sự phát triển rất tốt của cà phê ở khu vực này. Xuyên suốt cuộc chiến và cho đến năm 1986, nhiều khu vực sản xuất cà phê đã phát triển, nhưng rất chậm và sản lượng thấp. Năm 1986, tổng diện tích cả nước dành cho sản xuất cà phê chỉ khoảng 50.000 ha và khối lượng sản xuất là 18.400 tấn (chỉ hơn 300.000 bao 60 kg).

Cà phê Việt Nam sức hút khiến nhiều người không thể chối từ

Cà phê Việt Nam không chỉ có hương vị nguyên chất tuyệt hảo, được trồng và chế biến từ những trang trại cà phê rộng bạt ngàn ở Tây Nguyên mà còn ghi dấu trong mắt du khách bởi những cách kết hợp không giống ai, địa điểm quán “ly kỳ” và giá cả thì rẻ giật mình. Cà phê không chỉ là thức uống mà còn là văn hóa, lối sống của người Việt. Những sáng tạo độc đáo như cà phê trứng, cà phê muối, cà phê cốt dừa,… đã chinh phục nhiều tín đồ ẩm thực thế giới. 

Một blogger người nước ngoài từng chia sẻ rằng anh rất thích cà phê của Việt Nam, đặc biệt là món cà phê trứng, một sự kết hợp kỳ lạ nhưng lại rất ngon miệng đối với khách du lịch nước ngoài. Ngoài ra cà phê trứng của Việt Nam còn được đánh giá là 1 trong 17 món cà phê nên thưởng thức nhất thế giới. Với hương vị béo béo của trứng cùng với vị đắng của cà phê làm nên nét đặc biệt của loại thức uống đến từ Việt Nam.

Mặc dù cà phê sữa đá quá phổ biến với người Việt khắp mọi miền, tuy nhiên đây lại là sự khám phá mới mẻ khác của khách nước ngoài. Thông thường, ở các quốc gia khác như Italy, người ta hay pha cà phê chung với sữa tươi, còn ở Việt Nam, chúng ta sử dụng sữa đặc (ngọt và mùi vị đậm béo hơn). Ở Hà Nội, người ta không thích hàng quán sang trọng cho lắm mà thường lui tới những quán có nhiều kỷ niệm với mình. Bởi thế mà dù menu không phong phú nhưng “tứ đại cà phê Hà thành” Nhân Nhĩ Dĩ Giảng vẫn có lượng khách ổn định của mình qua gần một thế kỷ tồn tại. Thậm chí có người từng nói rằng, cà phê Hà Nội sẽ mất đi phần lớn hương vị nếu không được len lỏi chui rúc trong những cầu thang tối ẩm thấp hay ngồi la liệt ngoài vỉa hè. Còn ở Sài Gòn, thậm chí người ta còn thưởng thức cà phê khi ngồi bệt xuống một góc vườn hoa, không bàn ghế, không menu nhưng vẫn làm nên cả một nét văn hóa ẩm thực cộng đồng vô cùng đặc sắc.

CNN một chương trình của Mỹ cũng nhắc đến 5 loại thức uống làm từ cà phê có hương vị thơm ngon và phổ biến tại Việt Nam. Đó là cà phê muối, cà phê trứng, cà phê cốt dừa, sinh tố cà phê trái cây và sữa chua cà phê. Cà phê trứng, đặc sản của Hà Nội, từng vào danh sách những món cà phê độc đáo của thế giới. Hương vị cà phê Việt Nam luôn khiến du khách nước ngoài không thể chối từ bởi cái vị đậm đà cũng những cách chế biến độc đáo làm nhiều người nhớ mãi. Nếu đến Việt Nam thì đừng bỏ qua cơ hội thưởng thức một ly cà phê thơm ngon.

“GỎI CUỐN”

Giới thiệu về gỏi cuốn

Gỏi cuốn là một món ăn khá phổ biến ở Việt Nam. Gỏi cuốn được làm bằng các nguyên liệu gồm rau xà lách, giá, rau thơm, húng quế, tía tô, tôm khô, rau thơm, thịt luộc, tôm tươi… tất cả được cuộn trong vỏ bánh tráng. Gia vị dùng kèm là tương ớt trộn với lạc rang giã nhỏ phi bằng dầu ăn với hành khô… tất cả thái nhỏ và cuộn trong vỏ làm từ bột mì. Gia vị dùng kèm là tương ớt trộn với lạc rang giã nhỏ phi bằng dầu ăn với hành khô.

Món ăn này phổ biến ở Việt Nam chủ yếu dùng bánh tráng được cuốn với nhiều thành phần khác nhau tùy từng vùng miền, thường dùng để khai vị hay ăn kèm cùng đồ uống như một món nhậu, được làm từ bánh tráng cuộn với các loại rau thơm, bún, và một số loại thịt như thịt bò, heo, vịt, tôm, cá, cua… Các món ăn lấy bánh tráng để cuốn nhìn chung là một dạng chế biến món ăn thịnh hành khắp ba miền Bắc, Trung, Nam Việt Nam. Hầu như không có một công thức cố định cho các món dùng bánh tráng cuốn, bởi tùy địa phương, vùng miền, nguyên liệu dùng để cuốn có nhiều khác biệt.

Nguồn gốc của gỏi cuốn

Không biết gỏi cuốn có từ bao giờ, tuy nhiên có tài liệu cho rằng món gỏi cuốn Sài Gòn là một phiên bản xuất phát từ món bò bía – một món ăn có nguồn gốc bắt nguồn từ món ăn của người Hoa. Tuy nhiên món gỏi cuốn Sài Gòn được đánh giá cao hơn bởi cách chế biến giữ hương vị thực phẩm nguyên chất nhất, tự nhiên nhất, không qua xử lý dầu mỡ và dùng nhiều rau xanh. 

Gỏi cuốn – sức hút của ẩm thực Việt Nam

Gỏi cuốn cùng các món cuộn, các món gỏi, nộm do tính chất tươi sống của rau nên cũng dễ ăn, là món khai vị, món ăn chơi rất tốt. Cắn một miếng gỏi cuốn, cảm nhận vị dai của bánh tráng, vị béo đậm đà của thịt ba chỉ trộn lẫn vị ngọt của tôm luộc, thêm một chút mặn mà của nước chấm, cái mát lạnh, cay nồng nơi đầu lưỡi của rau sống tạo thành một bản hợp tấu làm dậy lên các cung bậc vị giác. Gỏi cuốn có thể dùng làm điểm tâm sáng, có thể là món ăn chơi buổi trưa… Từ người già đến người trẻ ai cũng có thể thưởng thức món ăn này. 

Trong những năm gần đây, ẩm thực Việt nhanh chóng được khẳng định có vị trí xứng đáng trong kho tàng văn hóa ẩm thực phong phú của nhân loại. Các món ngon Việt Nam tuy được biết đến muộn hơn các món của người Hoa, Thái, Ấn Độ nhưng khi đã được biết đến món ăn Việt người nước ngoài đều nhận thấy giá trị tinh tế và những ưu thế: không béo như món ăn người Hoa hay Indonesia, không cay như món Thái, không cao giá như món Nhật, dễ hợp khẩu vị hơn món Ấn Độ mà lại chứa nhiều tinh bột và rau xanh – hai chất các chuyên gia dinh dưỡng luôn khuyên dùng.

Gỏi cuốn là món ăn rất được du khách yêu thích và muốn khám phá. Gỏi cuốn đại diện cho các món cuốn cũng đã làm cho thực khách nước ngoài tấm tắc trong những buổi tiệc buffet tổ chức trong các nhà hàng sang trọng. Gỏi cuốn hiện không chỉ có mặt trong tất cả nhà hàng Việt tại đây mà còn có trên thực đơn của các nhà hàng Hoa, Thái. Nhiều người Đan Mạch còn cho là nếu có một món ăn xuất xứ từ Đông Nam Á đủ khả năng cạnh tranh với sushi của Nhật, thì chính là gỏi cuốn một món ăn vừa ngon miệng, đủ chất dinh dưỡng mà lại không làm người ăn béo phì. 

Năm 2011, Hãng tin CNN xếp hạng món gỏi cuốn của Việt Nam đứng thứ 30 trong số 50 món ăn ngon nhất thế giới. Người nước ngoài mê mẩn gỏi cuốn bởi sự tươi ngon của rau, kết hợp vừa đủ với tôm thịt. Một món ăn ngon, lành, nhiều dinh dưỡng nhưng không hề gây ra nguy cơ béo phì như các thức ăn sẵn đường phố. Đây là một món ăn đặc biệt khi nó có thể xuất hiện ở một góc phố nhỏ nào đó hoặc trên một chiếc xe đẩy bất kỳ nhưng cũng có trong danh sách những món ăn sang trọng ở nhà hàng, khách sạn, được dùng trong tiệc chiêu đãi. Ở nhiều nước, ở các nhà hàng, món gỏi cuốn còn được dùng làm món khai vị.

Gỏi cuốn – món ăn bình dân bình dị ấy đã góp phần đưa vị thế ẩm thực của Việt Nam vươn ra thế giới. Một sự kết hợp đầy dinh dưỡng cuốn trong chiếc bánh tráng cùng với chén nước chấm thơm ngon đã làm ra một món gỏi cuốn thu hút lòng người Việt Nam lẫn cả người nước ngoài. 

Thúy Diễm