Những mặt hàng nông sản xuất khẩu tỉ USD
–
Thứ năm, 13/10/2022 18:00 (GMT+7)
Bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, thế nhưng ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn phát triển khởi sắc. Trong đó, có những mặt hàng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu cán mốc tỉ USD.
Thủy sản của Việt Nam là một trong những ngành xuất khẩu trên 2 tỉ USD. Ảnh: Vasep
Gọi tên những mặt hàng tỉ USD
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 8 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản nước ta đạt khoảng 66,2 tỉ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt khoảng 36,3 tỉ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Mặt hàng nông nghiệp xuất siêu trên 6,3 tỉ USD, tăng 94,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
8 tháng đầu năm, Việt Nam có 7 mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu trên 2 tỉ USD. Đó là cà phê, caosu, gạo, rau quả, điều, tôm, sản phẩm gỗ. Trong đó, nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ năm ngoái, như: Cà phê trên 2,8 tỉ USD (tăng 40,3%); caosu trên 2,0 tỉ USD (tăng 8,1%); gạo trên 2,3 tỉ USD (tăng 8,1%), gỗ và sản phẩm gỗ trên 11,0 tỉ USD (tăng 6,5%).
Góp mặt vào thị trường xuất khẩu tỉ USD, có thể kể đến những “ông lớn” trong ngành nông lâm thủy sản. Đó là Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II). Đây là một trong những doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo lớn trên thế giới với mức chế biến và xuất khẩu bình quân hằng năm đạt khoảng 2,8 đến 3,0 triệu tấn gạo, kim ngạch xuất khẩu hằng năm trên 1 tỉ USD.
Ngoài ra, những cái tên nổi bật góp mặt trong lĩnh vực này có thể kể đến như: Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai, Công ty Cổ phần Thực phẩm Nông sản xuất khẩu Sài Gòn (AGREX SAIGON), Công ty Cổ phần Vilaconic – Nông sản Vilaconic…
Đặc biệt để tạo ra những mặt hàng nông sản xuất khẩu tỉ USD không thể không nhắc tới hàng ngàn các công ty, doanh nghiệp trong cả nước. Đánh giá sự đóng góp của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong tiến trình phát triển xuất khẩu nông sản, ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong hơn 30 năm đổi mới cho thấy, Việt Nam từ một nước nông nghiệp lạc hậu, phải nhập khẩu lương thực chuyển sang nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn trở thành quốc gia xuất khẩu nông sản thuộc nhóm hàng đầu trong khu vực và trên thế giới. Thành tựu đó có sự đóng góp quan trọng của doanh nghiệp, doanh nhân, hợp tác xã đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Họ chính là những người đang chung sức, nỗ lực không ngừng để tạo dựng nên thương hiệu nông sản Việt – niềm tự hào của quốc gia trên trường quốc tế.
Phát triển bền vững
Có thể nói nông sản Việt Nam đã có mặt ở hầu hết các nước trên thế giới. Thế nhưng, thẳng thắn nhìn nhận, nông sản Việt mới chỉ chú trọng ở số lượng mà chưa khẳng định được chất lượng.
Do đó, thời gian tới, doanh nghiệp Việt cần phải đồng hành cùng người dân phát triển nông nghiệp một cách bền vững. Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) năm 2006, chúng ta đã phải thay đổi tư duy sản xuất hàng hóa. Theo đó, Việt Nam đã cam kết với WTO giá hàng hóa được vận hành theo cơ chế thị trường và chịu sự chi phối của quan hệ cung cầu. Do đó, để nông sản Việt Nam cạnh tranh sòng phẳng với các nước trên thế giới, Việt Nam cần nâng cao chất lượng nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong quá trình sản xuất, chế biến.
Ngoài ra, chúng ta cần thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ đảm bảo đầu ra ổn định cho người sản xuất. Đặc biệt, thời gian tới, các doanh nghiệp phối hợp với địa phương, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm, đồng thời quảng bá, truyền thông sản phẩm trên thị trường.
Đồng quan điểm này, Tiến sĩ Trương Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp (Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn) nhấn mạnh, để đẩy mạnh phát triển hàng hóa xuất khẩu, ngành nông nghiệp Việt Nam cần thay đổi tập quán sản xuất, thay đổi giống, lịch canh tác trong sản xuất nông nghiệp và tận dụng lợi thế khác biệt mùa vụ. Người dân cần tích cực áp dụng các chứng chỉ chất lượng như GAP, phát triển đồng bộ PGS, chứng chỉ hữu cơ… Các cơ quan chức năng cải thiện giáo dục, tăng cường năng lực, nhận thức cả người dân sản xuất hàng hóa trong môi trường kinh tế thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần chủ động liên kết với người dân phát triển đồng bộ từ khâu chọn giống, chăm sóc, thu hoạch tạo ra giá trị hàng hóa bền vững. Doanh nghiệp cần tích cực đầu tư hơn nữa về khoa học kỹ thuật, cơ sở vật chất, phát triển nguồn nhân lực…. qua đó nâng cao nội lực ngành nông nghiệp. Đồng thời Nhà nước phối hợp với doanh nghiệp về nông nghiệp tiếp tục tìm kiếm thị trường mới, chinh phục những thị trường khó tính.
Có thể nói, trước những biến động của kinh tế thế giới, nông nghiệp Việt Nam vẫn luôn đứng vững và phát triển khởi sắc. Góp phần vào sự thành công ấy không thể không nhắc tới đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư vào nông nghiệp. Nhằm tạo ra các giá trị bền vững, thời gian tới, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam cần tích cực hơn nữa trong việc phối hợp với Nhà nước, người dân trong việc đầu tư sản xuất, phát triển thị trường nhằm định vị thương hiệu nông sản Việt mạnh trên toàn thế giới.