Những lưu ý khi điều trị thụ tinh trong ống nghiệm

Thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) là một trong số những phương pháp hỗ trợ sinh sản (HTSS) giúp nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn có thể thực hiện thiên chức làm cha mẹ.

Tuy nhiên, không ít những cặp vợ chồng tỏ ra khá lo lắng, thậm chí vô cùng căng thẳng ngay khi bắt đầu quy trình thực hiện TTTON. Bác sĩ Tăng Đức Cương phòng khám Đa khoa Hướng Dương đã đưa ra những lưu ý cho việc thực hiện TTTON nhằm giúp các cặp vợ chồng an tâm hơn trên hành trình “tìm con”.

Bác sĩ Tăng Đức Cương, Giám đốc chuyên môn Phòng khám Đa khoa Hướng Dương

Thông thường, việc TTTON sẽ được bác sĩ chỉ định cho các đối tượng thuộc một trong ba nhóm nguyên nhân sau:

  • Nguyên nhân hiếm muộn từ người vợ như: tắc, ứ dịch vòi trứng, lạc nội mạc tử cung hay rối loạn phóng noãn mà đã thất bại sau khi bơm tinh trùng (IUI) nhiều lần.

  • Nguyên nhân hiếm muộn từ người chồng như: vô tinh, tinh trùng ít, yếu, dị dạng…

  • Hiếm muộn không rõ nguyên nhân và đã thực hiện kỹ thuật IUI nhiều lần thất bại.

Quy trình TTTON sẽ trải qua các giai đoạn sau:

Giai đoạn 1: Khám sức khoẻ, đánh giá sức khoẻ sinh sản của hai vợ chồng:

+ Người vợ sẽ được xét nghiệm nội tiết định lượng nồng độ hormon sinh dục (estrogen, progesterone,…) hormon hướng sinh dục (LH, FSH). Bên cạnh đó, người vợ cũng sẽ được siêu âm phụ khoa nhằm phát hiện các bất thường về phụ khoa nếu có như u nang buồng trứng, u xơ tử cung và các bất thường về đường sinh dục nữ hoặc buồng trứng đa nang.

+ Trong khi đó, người chồng sẽ được xét nghiệm tinh dịch đồ. Trong trường hợp người chồng không có tinh trùng, sẽ phải tiến hành làm thêm các xét nghiệm chuyên biệt khác như xét nghiệm hormon sinh dục, siêu âm tinh hoàn,…

Bên cạnh đó, cả hai vợ chồng cũng sẽ được thực hiện các xét nghiệm kiểm tra các bệnh lây lan qua đường tình dục…

Giai đoạn 2: Kích thích buồng trứng

+ Người vợ sẽ được tiêm thuốc kích thích buồng trứng và theo dõi liên tục trong khoảng từ 9 -11 ngày. Khi nang noãn phát triển đạt kích thước tiêu chuẩn, bác sĩ sẽ tiến hành tiêm mũi thuốc cuối cùng nhằm kích thích trứng trưởng thành, mũi tiêm này được gọi là mũi kích rụng trứng. Mũi kích rụng trứng cần phải tiêm đúng giờ.

Giai đoạn 3: Chọc hút trứng và lấy tinh trùng

+ Sau khi tiêm mũi kích rụng trứng 36 – 40 giờ, người vợ sẽ được chọc hút trứng. Bệnh nhân sẽ không ăn uống trước chọc hút trứng trong vòng 4 giờ. Sau khi chọc hút trứng xong, người vợ cần ở lại bệnh viện theo dõi sức khỏe trong 2 – 3 giờ. Cùng lúc này, người chồng sẽ tiến hành lấy tinh trùng để chuẩn bị TTTON

Noãn sau khi được chọc hút sẽ chuyển sang phòng labo để xử lý và kết hợp với tinh trùng người chồng để tạo thành phôi. Thông thường phôi sẽ được nuôi cấy trong ống nghiệm từ 2 – 5 ngày trước khi chuyển vào trong tử cung của người vợ.

Giai đoạn 4: Chuyển phôi

+ Sau khi thụ tinh xong, bác sĩ sẽ thông báo cho vợ chồng biết số lượng và chất lượng phôi được tạo thành. Số phôi chuyển tuỳ thuộc vào tuổi người vợ, nguyên nhân hiếm muộn cũng như có sự thống nhất giữa bác sĩ với vợ chồng. Số phôi dư có thể trữ đông để dùng cho những lần chuyển phôi sau/

Giai đoạn 5: Thử thai

+ Hai tuần sau khi chuyển phôi, người vợ sẽ đến bệnh viện làm xét nghiệm máu kiểm tra nồng độ beta HCG. Nếu lúc này nồng độ beta HCG > 25 IU/l là có thai (phôi chuyển vào đã làm tổ). Tuy nhiên nồng độ này còn tùy thuộc vào cơ thể của mỗi người và số lượng phôi làm tổ.

Giai đoạn 6: Theo dõi thai

Sau khi xác định phôi đã phát triển thành thai, người vợ cần siêu âm và khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ để kiểm tra tình trạng phát triển của thai nhi cho tới ngày sinh.

Bác sĩ Cương cho biết, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ thành công của việc thực hiện TTTON. Trong đó, tâm lý, lối sống có thể có những tác động nhất định và những điều bệnh nhân nên và không nên làm khi thực hiện TTTON.

Bệnh nhân không cần phải ăn uống kiêng khem khi thực hiện TTTON và nên giữ chế độ ăn uống bình thường, đủ chất và cân bằng.

Người chồng không nên hút thuốc lá vì có thể ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng. Người vợ cũng nên tránh làm việc nặng hay chơi những môn thể thao nặng trong quá trình kích thích buồng trứng và sau chuyển phôi. Nên tránh quan hệ tình dục trong giai đoạn kích thích buồng trứng và chuyển phôi.

Một vấn đề hay gặp phải là nhiều chị em có xu hướng nằm bất động nhiều ngày liền sau chuyển phôi vì sợ “động phôi”. Tuy nhiên, việc này không được khuyến khích. Thực tế, người vợ chỉ cần nằm nghỉ một vài giờ đồng hồ sau chuyển phôi ngay tại bệnh viện hoặc phòng khám, sau đó có thể hoạt động bình thường. Chỉ nên tránh làm việc nặng hoặc chơi các môn thể thao dùng nhiều sức như chạy bộ, nhảy dây…

Mặt khác, quá trình TTTON là một quá trình đòi hỏi sự tương tác, chung sức của cả hai vợ chồng lẫn sự giúp sức của các bác sĩ, không chỉ ở vai trò chuyên môn mà còn là những chuyên gia tâm lý. Việc lựa chọn những đơn vị HTSS uy tín, tin cậy có đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm, tận tâm sẽ giúp hành trình TTTON của các cặp vợ chồng thuận lợi hơn.

Bác sĩ Cương cho biết thêm, phòng khám đa khoa Hướng Dương (Địa chỉ số 291 Ngô Xuân Quảng, Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội) là một trong những phòng khám uy tín được cấp phép thực hiện TTTON đã giúp rất nhiều cặp vợ chồng tìm được con mơ ước thậm chí là những gia đình hiếm muộn nhiều năm, từng làm TTTON thất bại nhiều lần.

Ngoài thực hiện kỹ thuật chuyên môn, phòng khám còn tổ chức những chương trình nhằm cung cấp cho cộng đồng những kiến thức hữu ích về bệnh lý vô sinh, hiếm muộn, nguyên nhân, cách điều trị cũng như những vấn đề về chăm sóc sức khoẻ tiền hôn nhân. Điển hình tại lễ “Tổng kết câu lạc bộ bệnh nhân hiếm muộn” năm 2020 ngày 28/11, các chuyên gia hỗ trợ sinh sản đã có những báo cáo, giải đáp thắc mắc liên quan cho các cặp vợ chồng xoay quanh vấn đề hiếm muộn nói chung và TTTON nói riêng.

Bác sĩ Tăng Đức Cương tư vấn cho khách mời tham gia tại lễ tổng kết câu lạc bộ bệnh nhân hiếm muộn

Phòng khám làm việc từ 17h00 – 20h30 từ thứ Hai đến thứ Bảy và tiếp nhận việc tư vấn, hỗ trợ đặt lịch khám cho qua Hotline 1900 1165.