Những Kỹ Năng Nấu Ăn Cơ Bản Mà Đầu Bếp Nên Biết | FnB Việt Nam
Không có người Đầu bếp nào vừa bước chân vào nghề đã được trao cho sao Michelin ngay cả, cho dù đó là Michel Roux hay Gordon Ramsay cũng đều phải bắt đầu từ những điều cơ bản nhất, bao gồm việc phân biệt các loại dao, cách pha chế nước sốt, cho đến cách rửa rau cũng phải thật thành thục. Nhờ vào chính những kỹ năng cơ bản này sẽ giúp những người mới trong nghề trở nên tự tin và chủ động hơn với công việc của mình, đồng thời cũng có được nền tảng để dựa vào đó không ngừng phát triển bản thân.
Kỹ năng dùng dao
Kỹ năng dùng dao gần như là một loại kỹ thuật chỉ có những ai đào tạo với nghề Đầu bếp mới có thể biết được. Từ cách cầm dao cho đến cách cắt như thế nào mới đúng đều là những kỹ thuật liên quan đến kỹ năng dùng dao trong một căn bếp chuyên nghiệp. Ngoài ra còn có cả cách phân biệt các loại dao để có thể sử dụng chúng đúng mục đích. Nếu không theo nghề này, có lẽ bạn sẽ không thể biết được khi cắt thịt thăn và sườn sụn thực chất sẽ được xử lý với hai loại dao hoàn toàn khác nhau. Đây là kỹ năng đầu tiên và quan trọng nhất mà bạn sẽ được học tại các trung tâm đào tạo nghề hay các khóa học cung cấp chứng chỉ nghề Bếp, đồng thời cũng là một trong những kỹ năng thường xuyên được kiểm tra trong quá trình bạn theo học và cả sau khi làm nghề. Chìa khóa tốt nhất giúp bạn có thể thành thục kỹ năng này chính là thực hành, vậy nên, giờ thì bạn đã biết mình nên làm gì trong thời gian rảnh rỗi rồi đấy.
Kỹ thuật nhào bột
Đừng nghĩ đến những kỹ thuật cao siêu mà trước hết hãy thật thành thục với kỹ thuật nhào bột. Tại rất nhiều nhà hàng, đặc biệt là với những nhà hàng năm sao thì họ thường tự mình làm ra sợi mì hoặc bánh mì để đảm bảo mang đến chất lượng món ăn tốt nhất cho khách hàng. Cho dù là bánh mì ổ hay bánh mì sandwich, sợi mì pasta hay sợi mì thông thường, thì quá trình nhào bột vẫn sẽ là yếu tố quyết định chất lượng sản phẩm cuối cùng. Nhào bột không chỉ đơn giản là hòa bột với nước rồi nhào nắn thế nào cũng được mà cũng cần đến rất nhiều kỹ thuật, có thể sẽ khiến bạn ngạc nhiên khi học hỏi đấy.
Thành thục các loại nước sốt
Bạn biết đấy, đối với một vài món ăn thì nước sốt chính phần quan trọng không thể thiếu để đem đến hương vị trọn vẹn nhất. Chẳng hạn như với các món như mì pasta, beefsteak, hay salad thì nước sốt có thể được xem như linh hồn của những món ăn này. Cho dù nguyên liệu chính có được chế biến hoàn mỹ như thế nào đi nữa nhưng hỏng phần nước sốt cũng có thể phá hỏng cả món ăn. Và đừng quên rằng, nước chấm cũng là một loại nước sốt đặc biệt không thể bỏ qua. Nhiều người vẫn thường nói đùa rằng tinh hoa của một món ăn không phải nằm ở phần nguyên liệu quý hiếm như thế nào, mà là phần nước sốt có tôn được hương vị cho món ăn hay không. Khi đến với nghề Bếp, bạn sẽ được tìm hiểu và học cách làm của rất nhiều loại nước sốt khác nhau, từ truyền thống cho đến hiện đại. Thời gian đầu có thể sẽ hơi phức tạp để bạn làm quen với các công thức và kỹ thuật pha chế, nhưng khi quen rồi thì bạn đã có thêm điểm để tự tin vào món ăn của mình rồi đấy.
Xử lý thịt gia súc, gia cầm và cá
Khi trở thành Đầu bếp, bạn bắt buộc phải nắm rõ các bước an toàn để xử lý từng loại thịt khác nhau. Bạn không thể áp dụng cách nấu ăn như làm tại nhà vào những căn bếp chuyên nghiệp được. Toàn bộ quá trình từ việc xử lý, làm sạch, bảo quản cho đến chế biến thịt gia súc, gia cầm và cá đều phải được thực hiện theo đúng tiêu chuẩn quy định để đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Là một Đầu bếp mới, bạn hãy bắt đầu từ học cách kiểm tra độ tươi của thịt, độ chín khi nấu ăn, cách làm sạch và làm thế nào để bảo quản đúng cách.
Xử lý rau củ quả
Cách xử lý và bảo quản rau củ quả cũng quan trọng như xử lý thịt vậy. Với số lượng thực phẩm nhiều như nhà hàng, khách sạn thì mỗi thành phần đều phải được xử lý cẩn thận trước khi được sử dụng đế chế biến thành món ăn, nhất là với rau củ quả sẽ nhanh hỏng hơn thịt thì lại càng phải được bảo quản đúng cách. Mùi hôi và chất lượng từ thực phẩm hư hỏng không chỉ làm gây khó chịu cho nhân viên trong nhà bếp, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của nhà hàng nếu để thực khách phát hiện.
Giữ an toàn trong nhà bếp
Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng, chính là hãy bảo vệ bản thân thật tốt trong môi trường làm việc của Đầu bếp. Những căn bếp chuyên nghiệp luôn được hoạt động với công suất tối đa nhất, thậm chí là vượt cả tầm kiểm soát vào những giờ cao điểm. Bếp nóng, khói lửa, lò nướng, khí ga, dao kéo,… đều là những nguyên nhân có thể khiến bạn dễ dàng bị thương nếu như không cẩn thận. Bảo vệ bản thân cũng là một kỹ năng cần thiết để bạn có thể hoàn thành tốt vai trò là một Đầu bếp của mình.
Những kỹ năng này xem chừng có vẻ như đơn giản, thế nhưng lại là yếu tố quyết định rất lớn đến sự thành bại cho một món ăn, vì chỉ cần bạn dùng dao sai cách hay pha chế sai công thức nước sốt cũng đều sẽ khiến món ăn không còn giữ được trọn vẹn hương vị vốn có của mình nữa. Bất cứ người Đầu bếp nào cũng đều phải không ngừng học hỏi, trau dồi kỹ năng và kiến thức của mình mỗi ngày để đáp ứng với sự phát triển và biến đổi của ngành. Vì vậy, đừng xem nhẹ những gì được xem là “cơ bản” mà hãy đầu tư thời gian và công sức để xây dựng cho mình nền tảng tốt nhất trước khi bước vào nghề.