Những kiến thức cần học để thành PT
Ngày đăng: 20/1/2023
Ngày sửa: 20/1/2023
Đánh giá: 7.7/10 – 39525 lượt
Nguyễn Duy Phương
Nội Dung Chính
Dựa trên câu hỏi của nhiều bạn về việc cần phải tìm hiểu những kiến thức gì để làm nghề PT, hôm nay Phương xin chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này.
Những kiến thức cần học để thành PT
CÓ CẦN HỌC ĐỂ ĐI LÀM PT
Trước tiên cần nói luôn thực tế là có thể bạn chẳng cần phải học gì cũng có thể đi xin việc được miễn là bạn đã có kinh nghiệm tập, tập có kết quả cho bản thân, biết cách truyền đạt cho người khác và có nơi nhận bạn là bạn đi làm được. Tuy nhiên có lẽ khỏi nói chắc bạn cũng hiểu nếu đi làm như vậy thì không ổn phải không nào? Kể cả có nơi chấp nhận cho bạn làm việc mà không cần chút kiến thức nào thì để làm công việc này được lâu dài, có thành quả và đúng với cái tâm của mình thì ta cần chuẩn bị đủ kiến thức trước khi đi làm.
VẬY CẦN PHẢI HỌC NHỮNG KIẾN THỨC GÌ
Khi bạn đã biết luyện tập cơ bản và bắt đầu đi làm thực tế, có những kinh nghiệm bạn đã tự tích lũy trong quá trình tập và có những trợ giúp từ phía đồng nghiệp trong quá trình đi làm thực tế bởi vậy có 5 phần kiến thức mà theo tôi bạn cần tự trau dồi.
1. Giải phẫu – Functional anatomy: khi ta điều khiển cơ thể để vận động thì cái trước tiên chúng ta cần biết là trong cơ thể mình có những bộ phận nào. Có lẽ thứ mà ai cũng quan tâm nhiều nhất trong Giải phẫu là Cơ bắp, và điều này xuất phát từ việc ai cũng muốn có cơ thể đẹp. Tuy nhiên cơ bắp không phải là tất cả trên cơ thể, nó không thể hoạt động độc lập với các cơ quan khác và 1 mình cơ bắp cũng không thể thực hiện chuyển động, bởi vậy bạn cần biết về nhiều hệ thống hơn. Nhưng đừng lo, bạn cũng không cần phải biết quá sâu về giải phẫu như 1 bác sĩ, bởi cái chúng ta quan tâm là sự vận động nên chỉ cần tìm hiểu về các hệ thống tham gia trực tiếp vào cử động và những hệ thống hỗ trợ cho nó, gồm: thần kinh, xương, cơ bắp, hô hấp, tim mạch, nội tiết, tiêu hoá.
2. Sinh lý – Exercise physiology: cụ thể hơn là sinh lý học trong vận động, là cách thức các hệ cơ quan trong cơ thể thực hiện chức năng của chúng và phối hợp với các hệ thống cơ quan khác khi vận động. Các hệ thống này phản ứng ra sao khi ta luyện tập và chúng sẽ phát triển thế nào sau 1 thời gian cơ thể được rèn luyện. Kiến thức này sẽ giúp ích trong việc thiết kế chương trình khi bạn hiểu được nguyên lí đằng sau việc tăng cơ, giảm mỡ, tăng sức mạnh, sức bền …
3. Vận động học – Kinesiology & Biomechanic: đi sâu vào chức năng của cơ bắp, hệ thống xương, các mô liên kết, cử động của khớp trong vận động, các cơ bắp phối hợp tạo ra cử động như thế nào … Kiến thức này sẽ cho phép bạn biết được cách thực hiện các bài tập sao cho hiệu quả, an toàn, phát hiện được những vấn đề liên quan đến tư thế và vận động.
4. Các thành phần Fitness – Fitness components: phần này mình đã chia sẻ trong bài viết cách đây 1 vài hôm. 1 trong những nhiệm vụ của huấn luyện viên cá nhân là đánh giá hiện trạng sức khỏe và trình độ thể chất của khách hàng lúc ban đầu, để từ đó đặt ra các mục tiêu và xây dựng chương trình luyện tập.
Nói cách khác nó giống như việc xác định điểm mạnh điểm yếu của khách hàng để giúp họ ngày 1 tốt hơn.
5. Dinh dưỡng – Nutrition: phần này có lẽ khỏi nói vì ai cũng hiểu tầm quan trọng của nó như thế nào rồi.
Ngoài 5 phần kiến thức cơ bản trên ra còn có nhiều kĩ năng cần trau dồi như Kĩ năng bán hàng, Kĩ năng làm hình ảnh cá nhân… nhưng chúng nếu được chuẩn bị trước cũng tốt, tuy nhiên vì là kĩ năng nên rất khó tự học nên tôi không liệt kê vào.
VẬY HỌC NHỮNG KIẾN THỨC NÀY Ở ĐÂU
Nếu như bạn có 1 chút vốn từ vựng tiếng Anh, có thể sử dụng những từ khóa tôi đã liệt kê ở trên để tìm hiểu trên mạng. Tài liệu không thiếu nhưng các bạn sẽ cần biết cách chọn lọc nội dung nào bên trong chúng có liên quan mật thiết với công việc huấn luyện khách hàng. Ví dụ khi tìm hiểu về vận động người ta sẽ dạy bạn cả những cơ bắp nhỏ ở bàn tay, sâu bên trong cổ … đây là những cơ rất ít liên quan đến các bài tập fitness chúng ta hay sử dụng, nên bạn có thể tạm thời bỏ qua chúng.