Những hình ảnh rợn người vụ cháy kỷ lục ở “lá phổi xanh” Amazon

Amazon, cánh rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới và tạo ra gần 20% lượng khí oxy trong khí quyển Trái Đất, đang bị tàn phá bởi hàng ngàn đám cháy nghiêm trọng do biến đổi khí hậu và nạn phá rừng.

  • Tổng thống Brazil để ngỏ khả năng điều quân đội chữa cháy cứu rừng Amazon
  • Rừng Amazon vẫn cháy, Tổng thống Brazil cảnh báo quốc tế “không can dự”
  • “Lá phổi xanh” của Trái Đất đang bốc cháy không kiểm soát

“Lá phổi xanh”Amazon, cánh rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới trải rộng qua lãnh thổ Brazil (62%) và một số nước Nam Mỹ khác, đang tạo ra gần 20% lượng khí oxy trong khí quyển Trái Đất. Tuy  nhiên, cánh rừng đang đối mặt tình trạng hoả hoạn nghiêm trọng, khi số đám cháy từ đầu năm nay tăng 80% so với cùng kì, nguyên nhân chính là do biến đổi khí hậu và nạn phá rừng.

Reuters ngày 23-8 dẫn thông báo của Viện nghiên cứu không gian quốc gia Brazil (INPE) ghi nhận khoảng 9.500 vụ cháy vẫn đang ngày đêm tàn phá rừng Amazon. Con số này gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Tính từ đầu năm, số đám cháy ghi nhận ở Amazon là hơn 75.000 vụ.

Theo Reuters, số vụ cháy rừng đã tăng mạnh ở Brazil kể từ khi Tổng thống Jair Bolsonaro nhậm chức vào tháng 1-2019. Ông Bolsonaro nhiều lần nói rằng Brazil nên mở cửa rừng Amazon vì mục đích thương mại, cho phép các công ty gỗ, khoáng sản và khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Từ những khoảng rừng xanh bạt ngàn, nơi sinh sống của hàng ngàn vạn loài động, thực vật thì nay, hàng triệu hecta rừng Amazon chỉ còn là những khoảng đất trống màu đen, đầy khói và tro bụi.

Không chỉ bị tàn phá bởi những đám cháy rừng, “lá phổi xanh” của địa cầu còn đang bị co hẹp liên tục với tốc độ chóng mặt bởi nạn phá rừng trái phép. Theo Business Insider, cứ mỗi phút, diện tích rừng Amazon bị co hẹp rộng gấp 3 lần sân bóng đá.

Tình trạng cháy rừng nghiêm trọng hơn trong những tuần qua khiến toàn bộ đất nước Brazil như chìm trong bóng tối. Khoảng 12 triệu dân tại siêu thành phố Sao Paulo ở Đông Nam Brazil hầu như không thể nhìn thấy ánh sáng mặt trời trong nhiều ngày.

Những bức ảnh được chụp lúc 16h30 ngày 21-8 (giờ địa phương) cho thấy bầu trời ở Sao Paulo như thể trời đêm. Tài xế phải bật đèn xe ô tô khi lưu thông trên nhiều tuyến đường do tầm nhìn hạn chế.

Những đám khói bụi lớn bao phủ bầu trời trông giống như Sao Paulo sắp đón một trận bão lớn. Nhiều chuyên gia lo ngại tình trạng cháy rừng kéo dài sẽ khiến sức khoẻ người dân ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều người dân sinh sống quanh Sao Paulo đã báo cáo về tình trạng khó thở những ngày qua do khói bụi cháy rừng.

Tình hình ở Amazon nguy cấp đến nối nhiều nguyên thủ quốc gia đã lên tiếng kêu gọi thế giới đồng lòng chống lại nạn cháy rừng. Pháp, chủ nhà Thượng đỉnh G7 2019 dự kiến diễn ra từ 24 đến 26-8, sẽ đưa vấn đề cháy rừng Amazon ra bàn luận tại hội nghị. Trong ảnh là bài đăng về đám cháy Amazon của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Tham gia góp tiếng nói cảnh báo tình trạng cháy rừng kỷ lục xảy ra tại Amazon, nhiều người nổi tiếng khác cũng chia sẻ hàng loạt hình ảnh do truyền thông đăng tải. Tuy vậy, một số người đã vô tình lan truyền những bức ảnh hoặc đã rất cũ hoặc cả những ảnh chụp ở những nơi khác. Trong ảnh là một bài đăng trên twitter cảnh báo nạn cháy rừng nhưng đăng nhầm ảnh của các sự kiện diễn ra ở châu Phi.

Giới chức Brazil hiện đang tìm cách dập tắt đám cháy. Tổng thống Brazil ngày 23-8 nói rằng ông có thể điều quân đội tới hiện trường giúp lực lượng cứu hoả kiểm soát tình hình. Nhiều nước trên thế giới, bao gồm Mỹ, đã cam kết giúp Brazil đối phó hoả hoạn ở Amazon.

Thiện Minh (Ảnh: AP, Reuters, Twitter)