Những điều kiêng kỵ trong ngày Tết chớ nên phạm phải
Trong những ngày Tết Nguyên đán cần kiêng kỵ những điều gì và điều gì không nên phạm phải là điều mà nhiều người quan tâm.
Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 đang đến rất gần, bên cạnh những vật dụng thiết yếu trong nhà cần sắm sửa thì nhiều gia đình cũng tìm hiểu tham khảo xem trong ngày Tết cần kiêng kỵ những điều gì.
Trước những thắc mắc đó, ông Nguyễn Cung Hà – Phó Chủ nhiệm bộ môn Cận Tâm Lý thuộc Viện Nghiên cứu và Ứng dụng tiềm năng con người; Phó giám đốc trung tâm nghiên cứu và ứng dụng văn hoá Á Đông cho biết: ‘Trong ngày đầu năm mới, người Việt thường mặc đồ màu sắc rực rỡ, kiêng quét nhà, tránh làm đổ vỡ…’.
Dưới đây là một số điều kiêng kỵ trong ngày Tết mọi gia đình chớ nên phạm phải:
Quét nhà
Theo quan niệm của người xưa, quét nhà vào những ngày đầu xuân là quét đi những tài lộc, thì xem như năm đó gia cảnh sẽ nghèo túng, khánh kiệt. Khi hốt rác trong nhà đổ đi thì thần Tài sẽ đi mất.
Vì vậy, mọi người thường chỉ quét nhà nhưng lại không quét ra ngoài cửa. Thay vào đó, vào ngày cuối cùng của năm cũ, mọi người trong gia đình sẽ tổng vệ sinh nhà cửa thật sạch sẽ để đón năm mới.
Kỵ người xông đất không hợp tuổi gia chủ
Theo phong tục người Việt Nam, người đến xông đất đầu năm rất quan trọng. Tục xông đất đầu năm quan niệm người đầu tiên bước vào nhà trong ngày mùng một Tết sẽ đem lại may mắn, hay xui xẻo cho gia đình ấy cả năm.
Vì vậy, người xông đất thường được chọn trước, và cần hội đủ các điều kiện như khỏe mạnh, tính tình nhu hòa, hiếu thuận, đặc biệt là đang ăn nên làm ra… để xông đất.
Sáng mùng một Tết nếu người không được chọn mà cứ tự nhiên đến thì gia chủ sẽ không vui, sự tiếp đón cũng bớt niềm nở, chu đáo. Do đó, những người ‘nặng vía’, xung tuổi với gia chủ không nên đến xông nhà ngày đầu năm.
Kỵ mai táng
Ngày Tết nguyên đán là ngày vui của toàn dân tộc, ngày mở đầu cho vận hội hanh thông của cả một năm, có ý nghĩa rất thiêng liêng. Gia đình phải tạm gác mối sầu riêng để hoà chung với niềm vui toàn dân tộc.
Vì vậy có tục lệ cất khăn tang trong ba ngày Tết. Nhà có đại tang kiêng không đi chúc Tết, mừng tuổi bà con, xóm giềng, ngược lại hàng xóm lại cần đến chúc Tết và an ủi gia đình bất hạnh.
Trường hợp gia đình có người chết vào ngày 30 tháng Chạp mà gia đình có thể định liệu được thì nên chôn cất cho kịp trong ngày đó, đa số các gia đình kiêng để sang ngày mùng một đầu năm.
Trường hợp người thân mất đúng ngày mùng 1 Tết thì chưa phát tang vội nhưng phải chuẩn bị mọi thứ để sáng mùng 2 làm lễ.
Không cho lửa, cho nước ngày đầu năm
Lửa đỏ vốn tượng trưng cho sự may mắn, phát tài nên vào ngày đầu năm người ta kiêng kỵ chuyện cho lửa bởi chẳng khác nào đem may mắn của mình cho người khác.
Vì vậy, ngày đầu năm khi đi chùa thì mỗi người cũng nên chuẩn bị diêm hay bật lửa riêng.
Cùng với lửa thì nước cũng là một phần của ngũ hành. Ông cha ta có câu ‘tiền vào như nước’ nên đầu năm cho nước cũng chẳng khác nào mất tài, mất lộc.
Kiêng gặp gái, người vía dữ
Theo quan niệm dân gian, ra đường gặp gái hay người dữ vía là điều không may, đặc biệt là vào ngày mùng 1 đầu tháng.
Đối với những người có việc phải đi làm ăn xa hay người kinh doanh, buôn bán, họ rất kỵ ra đường gặp đàn bà hay người vía dữ. Họ quan niệm, gặp gái và người vía dữ đầu tháng sẽ khiến việc buôn bán cả tháng đó không thuận lợi.
Để xua đuổi sự xúi quẩy này, nhiều người thường đi vào lại nhà sau khi gặp gái. Thậm chí, có người phải hẹn gặp một người có tính cách cởi mở, hay gặp may vào đầu tháng khi ra ngoài ngõ.
Không vay mượn
Ngày đầu năm người Việt kiêng kỵ cả chuyện đi vay hay đi đòi nợ, trả nợ. Mọi khoản nợ đều được thanh toán vào năm cũ, nếu không kịp thì cũng phải để qua dịp đầu năm.
Cho vay ngày đầu năm chẳng khác nào đem tiền tài đi cho người khác. Đòi nợ ngày đầu năm cũng khiến người đòi mệt mỏi và người bị đòi thì ảnh hưởng đến tài lộc may mắn.
Tránh cãi vã ngày đầu năm
Đầu năm dù là những người đã có cãi vã, xích mích từ trước thì cũng tránh va chạm gây bất hòa.
Trong gia đình mọi người cũng vui vẻ, giữ hòa khí để cả năm vui vẻ, đoàn kết. Những ngày này dù trẻ nhỏ có nghịch ngợm, phạm lỗi thì người lớn cũng chỉ cười xòa bỏ qua, tránh mắng mỏ, lớn tiếng.
Kiêng quan hệ nam nữ
Trong ngày Tết, mùng 1, ngày rằm, người phương Đông có quan niệm kiêng khem, tránh việc gần gũi nam nữ. Bởi lẽ, theo quan niệm cổ xưa, việc quan hệ nam nữ vào những ngày này sẽ dẫn đến những điều vận hạn đen đủi, không may mắn, thậm chí là đại hạn.
Kiêng mặc quần áo màu đen (hoặc trắng)
Theo quan niệm của người xưa, màu đen và trắng là màu của tang lễ, chết chóc. Thay vào đó nên mặc đồ màu hồng, đỏ, vàng, xanh… tạo nên sự phấn khởi và vui vẻ để đón chào năm mới.
Kiêng đi thăm phụ nữ đẻ
Những người làm ăn, buôn bán cho rằng họ đi thăm bà đẻ thì vận may trong công việc làm ăn của họ sẽ biến mất nhanh chóng nên thường họ chờ cho đứa bé đầy tháng và chọn dịp cuối tháng mới đến thăm.
Các tài xế cũng rất kiêng kỵ đi thăm gái đẻ, bởi họ quan niệm sẽ gặp nhiều vận hạn, xui rủi, làm ăn thất bát, tai nạn…
Đối với những người có bầu: Các cụ cho rằng, nếu bà bầu đi thăm bà đẻ thì con sẽ ganh nhau (em bé của bà đẻ và em bé trong bụng của bà bầu), đến lúc bà bầu đẻ con ra nó sẽ bị sài đẹn (ốm đau quặt kẹo).
Ngoài ra người ta còn kiêng nói những lời mang ý nghĩa xui xẻo, kiêng đi chúc tết khi trong nhà đang có tang, kiêng xuất hành ngày mùng 5…
Trên đây là những thông tin mang tính chất tham khảo, hi vọng mỗi gia đình sẽ đón một cái Tết đầy đầm ấm yêu thương.
Theo PLO