Những điều cần biết về vắc xin Sởi – Rubella (MRVAC) do Việt Nam sản xuất

Những điều cần biết về vắc xin Sởi – Rubella (MRVAC) do Việt Nam sản xuất

Vắc
xin Sởi – Rubella (MRVAC) do Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm
y tế (POLYVAC) sản xuất tại Việt nam sẽ được triển khai sử dụng rộng rãi trên
toàn quốc trong chương trình Tiêm chủng mở rộng từ tháng 4/2018.

Vắc xin Sởi – Rubella (MRVAC)
do POLYVAC sản xuất là vắc xin phối hợp gồm vi rút Sởi sống, giảm độc lực
(AIK-C) được sản xuất trên tế bào phôi gà SPF tiên phát và vi rút Rubella sống,
giảm độc lực (chứng Takahashi) được sản xuất trên tế bào thận thỏ SPF tiên
phát. Vắc xin được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại, đạt các tiêu
chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới.

Vắc xin MRVAC cũng có
thành phần kháng nguyên vi rút Sởi và tá dược giống như vắc xin Sởi MVVAC do
POLYVAC sản xuất đã được sử dụng trong tiêm chủng mở rộng từ năm 2010 trở lại
đây, được bổ sung thêm kháng nguyên Rubella.

Vắc xin Sởi – Rubella (MRVAC)

Vắc xin MRVAC dạng bột,
đông khô, có màu vàng trắng kèm theo lọ dung môi pha hồi chỉnh. Vắc xin đóng 10
liều/lọ trong lọ thủy tinh màu nâu. Dung môi được đóng 6ml/lọ. Vắc xin Sởi –
Rubella bắt buộc phải pha hồi chỉnh trước khi sử dụng.

Vắc xin MRVAC được chỉ
định để gây miễn dịch chủ động phòng bệnh Sởi và bệnh Rubella cho đối tượng từ
12 tháng tuổi trở lên. Vắc xin chống chỉ định đối với các trường hợp mẫn cảm với
bất cứ thành phần nào của vắc xin; mắc bệnh lao tiến triển chưa được điều trị
hay suy giảm miễn dịch (trừ trẻ em bị HIV); người bệnh ác tính. Không tiêm cho
phụ nữ có thai và tránh mang thai trong vòng 02 tháng sau khi tiêm vắc xin.

Những phản ứng phụ có
thể gặp là đau, sưng và ban đỏ tại chỗ tiêm. Phản ứng thường nhẹ và hết sau 1 –
4 ngày. Những phản ứng toàn thân như sốt, mỏi mệt, khó chịu, quấy  khóc, ho, đau họng, sổ mũi, tiêu chảy cũng có
thể xảy ra ở một vài trẻ em, thường kéo dài từ 1 – 3 ngày rồi tự khỏi mà không
cần điều trị. Rất hiếm trường hợp bị co giật, suy hô hấp, hạ huyết áp, phù huyết
quản, viêm não hay giảm tiểu cầu (tỷ lệ xuất hiện 1/1 triệu liều).

 

Minh
Minh

Trung
tâm Kiểm soát bệnh tật