NHỮNG ĐIỂM MỚI LUẬT DOANH NGHIỆP 2020
Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 đã được thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV ngày 17/06/2020 để thay thế cho Luật doanh nghiệp 2014. Sau đây, An Trí Law xin tổng hợp một số điểm mới của Luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 như sau:
1. 1. Doanh nghiệp nhà nước
Theo Luật doanh nghiệp 2014 thì: “Doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ”
Nhưng Luật doanh nghiệp 2020 quy định mới về doanh nghiệp nhà nước như sau: “Doanh nghiệp nhà nước bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điều 88 của Luật này”
2. 2. Khái niệm về người nước ngoài
Theo Luật doanh nghiệp 2014 thì: “Cá nhân nước ngoài là người không có quốc tịch Việt Nam”.
Nhưng Luật doanh nghiệp 2020 quy định về cá nhân nước ngoài như sau: “Cá nhân nước ngoài là người mang giấy tờ xác định quốc tịch nước ngoài”.
Đồng thời Luật doanh nghiệp mới cũng xóa bỏ khái niệm: “Tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài là tổng tỷ lệ sở hữu vốn có quyền biểu quyết của tất cả nhà đầu tư nước ngoài trong một doanh nghiệp Việt Nam.”
3. 3. Thông báo mẫu dấu
Tại khoản 2 điều 44 Luật doanh nghiệp 2014 quy định: “Trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp”.
Nhưng điểm mới trong luật doanh nghiệp 2020 đã bãi bỏ khoản này, tức là doanh nghiệp không cần thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh.
4. 4. Đối tượng thành lập doanh nghiệp
So với Luật doanh nghiệp 2014 thì Luật doanh nghiệp 2020 hạn chế thêm về đối tượng thành lập doanh nghiệp như sau: Cụ thể, tại khoản 2 điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020 bổ sung thêm nhiều đối tượng không được phép thành lập, quản lý doanh nghiệp, gồm:
– Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
– Công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam (trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp);
– Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.
5. Thông tin người quản lý doanh nghiệp
Tại điều 12 Luật doanh nghiệp 2014 quy định: “Doanh nghiệp phải báo cáo Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp có trụ sở chính trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có thay đổi thông tin về họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của những người sau đây:
1. Thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần;
2. Thành viên Ban kiểm soát hoặc Kiểm soát viên;
3. Giám đốc hoặc Tổng giám đốc”.
Nhưng Luật doanh nghiệp 2020 không có quy định về điều khoản này, tức là: khi có thay đổi, không cần thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh.
6. Trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp
Một điểm hoàn toàn mới trong Luật doanh nghiệp 2020, giúp cho doanh nghiệp tiến hành thủ tục đăng ký tiện lợi, nhanh chóng, không cần phải đi lại nhiều lần. Tức là khi doanh nghiệp đăng ký online trên cổng thông tin quốc gia thì không cần nộp bản giấy (trước đây, khi nộp online, nếu hồ sơ hợp lệ doanh nghiệp sẽ phải bổ sung bản giấy trong vòng 30 ngày). Điểm mới này được thể hiện tại điều 26 Luật doanh nghiệp 2020, cụ thể như sau:
“Điều 26. Trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp
1. Người thành lập doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền thực hiện đăng ký doanh nghiệp với Cơ quan đăng ký kinh doanh theo phương thức sau đây:
a) Đăng ký doanh nghiệp trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh;
b) Đăng ký doanh nghiệp qua dịch vụ bưu chính;
c) Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.
2. Đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử là việc người thành lập doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử bao gồm các dữ liệu theo quy định của Luật này và được thể hiện dưới dạng văn bản điện tử. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử có giá trị pháp lý tương đương hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bằng bản giấy.
3. Tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn sử dụng chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử hoặc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh để đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.
4. Tài khoản đăng ký kinh doanh là tài khoản được tạo bởi Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, cấp cho cá nhân để thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử. Cá nhân được cấp tài khoản đăng ký kinh doanh chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đăng ký để được cấp và việc sử dụng tài khoản đăng ký kinh doanh để đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.
5. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp đăng ký doanh nghiệp; trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho người thành lập doanh nghiệp. Trường hợp từ chối đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp và nêu rõ lý do.
6. Chính phủ quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục, liên thông trong đăng ký doanh nghiệp.”
7. Tên trùng và tên gây nhầm lẫn
Tại điều 41 Luật doanh nghiệp 2020 bổ sung thêm điểm h, khoản 2 có nội dung như sau:
“2. Các trường hợp được coi là tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký bao gồm:
h) Tên riêng của doanh nghiệp trùng với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký.”
8. Góp vốn thành lập công ty và cấp giấy chứng nhận phần vốn góp
– Trường hợp cổ đông góp vốn bằng tài sản thì thời gian vận chuyển nhập khẩu, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản đó không tính vào thời hạn góp vốn này.
– Rút ngắn thời gian điều chỉnh vốn góp khi có thành viên chưa góp vốn từ 60 ngày xuống còn 30 ngày.
( Nội dung này được quy định tại điều 47 Luật doanh nghiệp 2020)
9. 9. Xử lý phần vốn góp trong một số trường hợp đặc biệt
Điều 53 Luật doanh nghiệp 2020 quy định thêm 2 khoản mới về xử lý phần vốn góp như sau:
“8. Trường hợp thành viên công ty là cá nhân bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc thì thành viên đó ủy quyền cho người khác thực hiện một số hoặc tất cả quyền và nghĩa vụ của mình tại công ty.
9. Trường hợp thành viên công ty là cá nhân bị Tòa án cấm hành nghề, làm công việc nhất định hoặc thành viên công ty là pháp nhân thương mại bị Tòa án cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định thuộc phạm vi ngành, nghề kinh doanh của công ty thì thành viên đó không được hành nghề, làm công việc đã bị cấm tại công ty đó hoặc công ty tạm ngừng, chấm dứt kinh doanh ngành, nghề có liên quan theo quyết định của Tòa án.”
10 10. Tổ chức và cơ cấu quản lý của công ty TNHH 2 thành viên trở lên
– Điều 54 Luật doanh nghiệp 2020 quy định:
· Bổ sung thêm quy định: Công ty phải có ít nhất một người đại diện theo pháp luật là người giữ một trong các chức danh là Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên là người đại diện theo pháp luật của công ty.
· Bãi bỏ quy định từ 11 thành viên phải có ban kiểm soát thay vào đó là trường hợp nhà nước giữ trên 50% vốn thì phải lập ban kiểm soát.
– Hợp đồng, giao dịch cần sự chấp thuận của Hội đồng thành viên: Bỏ quy định phải có sự tán thành ít nhất 65% tổng số vốn biểu quyết (Điều 67 Luật doanh nghiệp 2020)
11 11. Tổ chức và cơ cấu quản lý của công ty TNHH 1 thành viên do tổ chức làm chủ sở hữu
Công ty hoạt động theo mô hình Hội đồng thành viên chỉ bắt buộc có ban kiểm soát nếu là doanh nghiệp nhà nước (khoản 2, điều 79 Luật doanh nghiệp 2020)
12 12. Doanh nghiệp nhà nước
– Tự quyết định về số lượng từ 1-5 thành viên Ban kiểm soát (khoản 1 điều 103 Luật doanh nghiệp 2020)
– Bổ sung trường hợp quy định về doanh nghiệp nhà nước tại Điều 88 như sau:
“Điều 88. Doanh nghiệp nhà nước
1. Doanh nghiệp nhà nước được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, bao gồm:
a) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ;
b) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, trừ doanh nghiệp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.
2. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này bao gồm:
a) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ – công ty con;
b) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
3. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này bao gồm:
a) Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, công ty mẹ của tổng công ty nhà nước, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ – công ty con;
b) Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”
– Bổ sung thêm khoản 3 điều 102 như sau:
“Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày có quyết định miễn nhiệm, cách chức, Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty xem xét, quyết định tuyển chọn, bổ nhiệm người khác thay thế.”
13 13. Công ty cổ phần
– — – Bổ sung khái niệm về cổ phần phổ thông cơ sở, chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (khoản 6 điều 114 Luật doanh nghiệp 2020)
– – Loại bỏ hạn chế đối với sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết (điều 116 Luật doanh nghiệp 2020)
– – Quyền của cổ đông phổ thông: được quy định tại điều 115 Luật doanh nghiệp như sau:
“2. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty có quyền sau đây:
a) Xem xét, tra cứu, trích lục sổ biên bản và nghị quyết, quyết định của Hội đồng quản trị, báo cáo tài chính giữa năm và hằng năm, báo cáo của Ban kiểm soát, hợp đồng, giao dịch phải thông qua Hội đồng quản trị và tài liệu khác, trừ tài liệu liên quan đến bí mật thương mại, bí mật kinh doanh của công ty;
b) Yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này;
c) Yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra từng vấn đề cụ thể liên quan đến quản lý, điều hành hoạt động của công ty khi xét thấy cần thiết. Yêu cầu phải bằng văn bản và phải bao gồm các nội dung sau đây: họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức; số lượng cổ phần và thời điểm đăng ký cổ phần của từng cổ đông, tổng số cổ phần của cả nhóm cổ đông và tỷ lệ sở hữu trong tổng số cổ phần của công ty; vấn đề cần kiểm tra, mục đích kiểm tra;
d) Quyền khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.”
Nghĩa là giảm từ 10% tổng số cổ phần phổ thông xuống còn 5% và không còn quy định về thời gian sở hữu liên tục và bổ sung quyền được xem xét, tra cứu, trích lục hợp đồng, giao dịch và tài liệu khác.
– – Thời gian lập danh sách cổ đông: Không quá 10 ngày trước ngày gửi thư mời họp đại hội đồng cổ đông (khoản 1 điều 141 Luật doanh nghiệp 2020)
– – Thời gian gửi thư mời họp đại hội đồng cổ đông: Gửi thư mời chậm nhất là 21 ngày trước ngày khai mạc đại hội đồng cổ đông (khoản 1 điều 143 Luật doanh nghiệp 2020)
– – Nhiệm kì hội đồng quản trị độc lập: Không quá 2 nhiệm kỳ liên tục (khoản 2 điều 154 Luật doanh nghiệp 2020)
– – Quyền khởi kiện thành viên hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc: Xóa bỏ điều kiện sở hữu cổ phần liên tục trong 6 tháng, do đó cổ đông mới cũng có quyền này (điều 166 Luật doanh nghiệp 2020)
– – Chấp thuận hợp đồng, giao dịch giữ công ty cổ phần với người có liên quan: Bổ sung thêm trường hợp thuộc thẩm quyền của đại hội đồng cổ đông: hợp đồng, giao dịch vay, cho vay, bán tài sản có giá trị lớn hơn 10% tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp ghi trong báo cao tài chính gần nhất giữa công ty và cổ đông sở hữu từ 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên hoặc người có liên quan của cổ đông đó (điều 167 Luật doanh nghiệp 2020)
Trên đây là những điểm mới của Luật doanh nghiệp 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Để biết thêm thông tin chi tiết, cũng như hướng dẫn các thông tin về doanh nghiệp, vui lòng liên hệ:
Công ty cổ phần đầu tư và phát triển dịch vụ An Trí
Địa chỉ: 54/27 Phổ Quang, phường 2, Quận Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh
Hotline: 0901.915.985
Facebook: An Trí Law
Zalo: 0901.915.985