Những điểm bất thường trong vụ bác sĩ bị tố hiếp dâm đồng nghiệp ở Huế: 3 năm vắng con và 20/10 buồn tủi của người mẹ

Bị cáo Lê Quang Huy Phương trước đó bị Tòa án Nhân dân TP. Huế kết án 6 năm 8 tháng tù về các tội hiếp dâm, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật. Người bị hại là chị D.T.T.T (24 tuổi, điều dưỡng cùng công tác với bác sĩ Phương).

20/10 buồn tủi của một người mẹ

Tối 20/10, trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan – mẹ BS Phương chia sẻ nỗi buồn ngày Phụ nữ Việt Nam của một người mẹ. Bà Lan cho biết, con trai duy nhất của bà là BS Phương bị tạm giam từ ngày 25/9/2019, thời gian trôi đi đến nay đã là 3 lần bà không được nhận hoa của con trai vào ngày này. Người mẹ mong mỏi từng ngày, đợi đến phiên tòa phúc thẩm sắp tới sẽ có bản án công bằng.

“Tôi không mong gì khác, mong tòa án công tâm, đúng pháp luật”, bà Lan nói.

Những bất thường sau vụ án bác sĩ Phương bị tố hiếp dâm đồng nghiệp ở Huế - Ảnh 1.

Người mẹ kêu oan cho con

Theo bà Lan, phiên tòa phúc thẩm mới đây, Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh có văn bản kiến nghị Tòa án Nhân dân tỉnh việc tạm dừng phiên tòa này vì ông Nguyễn Hải Nam – Kiểm sát viên của vụ án này là F2 và đang cách ly y tế tại nhà đến hết ngày 4/10, do ngày 22/9 có tiếp xúc với trường hợp F1.

Đồng thời, ông Trần Tuấn Anh – Kiểm sát viên là người thường xuyên tiếp xúc với ông Nam nên ông Tuấn Anh là F3 nên theo khuyến cáo của Bộ Y tế hạn chế tiếp xúc đông người.

Vụ án này Viện kiểm sát không phân công kiểm sát viên dự khuyết và không thể thay thế kiểm sát viên do sát ngày xét xử.

Sau khi hội ý, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế quyết định hoãn phiên tòa xét xử phúc thẩm, thời gian mở lại phiên tòa sẽ được thông báo sau.

Những bất thường trong vụ án

Liên quan đến vụ án, luật sư bào chữa cho bị cáo đã chỉ ra những nét chính về vi phạm tố tụng khi điều tra vụ án, dẫn đến dấu hiệu oan sai đối với bác sĩ Phương.

Theo luật sư, giám định pháp y khiên cưỡng, không khách quan, thiếu thực tế Về tội danh “Cố ý gây thương tích”, không phủ nhận việc bác sĩ Phương có hành hung điều dưỡng viên T., nhưng xuất phát từ bức xúc việc bị chị T. nói xấu, lại còn thách thức, hành hung bác sĩ Phương gây đau đớn. Chính vì vậy, bác sĩ Phương mới đánh điều dưỡng viên T..

Tuy nhiên, Cơ quan điều tra ban đầu khởi tố bác sĩ Phương với 9% thương tích, theo bản giám định pháp y về tình dục ngày 25/9/2019, là căn cứ điểm i, Khoản 1, Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định “Có tính chất côn đồ”, là không thỏa đáng. Chính vì vậy, ngày 5/11/2019, Cơ quan điều tra cho tiến hành giám định bổ sung thương tích về mắt, với 31%, tổng hợp bằng 37%.

“Tại Bản giám định pháp y về tình dục ngày 25/9, Trung tâm giám định pháp y tỉnh Thừa Thiên-Huế xác định, vết thương phần mềm bầm tím, dập cơ trên cơ thể điều dưỡng viên T., lấy một vùng giập cơ là 1%, tương đương với một vết sẹo, để áp dụng quy định tại điểm 1, Mục 1, Chương 9 Bảng tỉ lệ phần trăm ban hành kèm theo Thông tư số 20/2014/TT-BYT ngày 12/6/2014 của Bộ Y tế, là không khách quan. 

Đương nhiên, vết bầm tím không rách da thì không thể là sẹo, trong khi quy định của Bộ Y tế, thì chỉ có sẹo mới được tính phần trăm tổn thương cơ thể. Do đó, kết luận 9% tổn thương cơ thể cho nạn nhân T., của Trung tâm giám định pháp y tỉnh Thừa Thiên-Huế, là không có căn cứ và trái pháp luật. Đối với Bản giám định pháp y bổ sung ngày 5/11, về tổn thương hai mắt của điều dưỡng viên T., với kết luận 31% cũng không đúng và không khách quan”.

Tài liệu có trong hồ sơ cho thấy, theo hồ sơ bệnh án khi chị T. nhập viện tại Bệnh viện Trung ương Huế, kết luận mắt bình thường, không có tổn thương về mắt. Thế nhưng, Trung tâm giám định pháp y tỉnh Thừa Thiên-Huế không sử dụng kĩ thuật đo khúc xạ để xác định có thương tật hay không, mà dùng phương pháp khai báo của chị T., cho chị T. chỉ biểu đồ chữ, rõ ràng không khách quan. 

Hơn nữa, bản ảnh Cơ quan điều tra cung cấp cho cơ quan giám định, làm tài liệu giám định lại chỉ chụp 2 con mắt, không có căn cứ nào để cho rằng đó là mắt của chị T.. Vì vậy, cho rằng nạn nhân bị tổn thương cả hai mắt, với kết luận 31% là khiên cưỡng và không khách quan.

Những bất thường sau vụ án bác sĩ Phương bị tố hiếp dâm đồng nghiệp ở Huế - Ảnh 2.

Bị cáo Phương tại tòa

Về tội danh “Bắt giữ người trái pháp luật”, luật sư khẳng định là không có cơ sở. Bằng chứng bác sĩ Phương hẹn T. mang thuốc đến quán cà phê Nhà, nên việc mang thuốc đến phòng 203 của bác sĩ Phương, là ý chí của chị T.. Và khi chị T. đi về, thì mọi việc diễn ra bình thường. Do đó, không có căn cứ để truy tố bác sĩ Phương về tội danh này.

Vi phạm nghiêm trọng tố tụng, truy tố có dấu hiệu oan sai

Theo luật sư, tài liệu có trong hồ sơ vụ án thể hiện, trong giai đoạn xác minh tin báo tố giác tội phạm, không có bất kì quyết định nào của Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra phân công điều tra viên, hoặc các cán bộ điều tra đi xác minh.

Như vậy, các cán bộ đi xác minh vụ việc là tự ý, nên đây là hành vi trái quy định của pháp luật, các thông tin, tài liệu thu thập được trở nên không có giá trị pháp lí.

Ngày 25/9/2019, Cơ quan điều tra ra Quyết định khởi tố vụ án 250, thể hiện căn cứ vào “Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng và kết quả điều tra”.

Cùng ngày, cơ quan này ban hành Quyết định khởi tố bị can số 352 đối với bác sĩ Phương, trong đó khẳng định bác sĩ Phương: “Dùng vũ lực để buộc người khác giao cấu với mình, bị hại có yêu cầu khởi tố; dùng tay đánh người khác gây thương tích 9% có tính chất côn đồ…”.

Cũng trong ngày 25/9/2019, Viện KSND TP Huế có Quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can số 346/QĐ-VKS-HS.

Đây cũng là điểm lạ của vụ án này, hai cơ quan tố tụng ra các quyết định và phê chuẩn quyết định tố tụng trong cùng một ngày.

“Vì sao phải vội vàng thế? Trong khi đó, quyết định khởi tố vụ án, quyết định khởi tố bị can của Cơ quan điều tra căn cứ vào “kết quả điều tra”, nhưng kết quả điều tra như thế nào, thể hiện nội dung gì, có thông báo kết quả điều tra không? Tất cả đến nay đều không rõ ràng”, luật sư đặt câu hỏi.

Theo luật sư, tại thời điểm khởi tố vụ án, Cơ quan điều tra mới có lời khai mâu thuẫn của các nhân chứng, trong đó nhân chứng Mừng và nhân chứng Trang chỉ thông qua lời kể của chị T., nói chị bị bác sĩ Phương hiếp dâm.

“Thông qua lời kể một phía từ chị T., mà nhân chứng khẳng định bác sĩ Phương có hành vi “hiếp dâm”, thì liệu có khách quan? Do đó, nhận định của Cơ quan điều tra tại Quyết định khởi tố bị can số 352 cũng không khách quan, không đủ cơ sở vững chắc để khởi tố bị can, không tuân thủ nguyên tắc “suy đoán vô tội”, quy định tại Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự”, luật sư nêu quan điểm.

Cũng theo luật sư, tại thời điểm thực hiện bắt tạm giam bác sĩ Phương, thì bác sĩ Phương vừa phẫu thuật bụng, sức khỏe không ổn định, luôn trong tình trạng bị sốt, nhưng Cơ quan điều tra vẫn thực hiện bắt tạm giam, là trái với Khoản 4, Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, quy định: “Đối với bị can, bị cáo là… người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lí lịch rõ ràng, thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác…”.

Những bất thường sau vụ án bác sĩ Phương bị tố hiếp dâm đồng nghiệp ở Huế - Ảnh 3.

Phiên tòa sơ thẩm vụ án

Nội dung ghi âm dịch ra văn bản có thể bị suy diễn

Việc thu thập chứng cứ, là nội dung ghi âm do chị T. giao nộp, cũng thể hiện có sai sót. Như đã phản ánh, ngày 23/9/2019, chị T. giao nộp một USB có chứa nội dung ghi âm, đến ngày 29/9/2019, chị T. giao nộp chiếc điện thoại Iphone 6S, khai có nội dung ghi âm ngày 17/9/2019. Thế nhưng, Cơ quan điều tra không đánh giá các bản ghi âm, đâu mới là bản gốc, có thật sự khách quan không, mà chỉ tiếp nhận rồi sử dụng làm chứng cứ buộc tội bác sĩ Phương.

Ngày 24/9/2019, Cơ quan điều tra có buổi làm việc, thành phần gồm: điều tra viên Lê Hữu Sỹ, cán bộ điều tra Hoàng Ngọc Diệp, kiểm sát viên Nguyễn Thanh Minh. Nội dung nghe ghi âm và chép thành văn bản.

Biên bản làm việc thể hiện thời gian từ 8 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút. Có 3 tiếng đồng hồ, mà vừa nghe, vừa chép ra lời với 24 trang đánh máy, nên dẫn đến nhiều sai sót, ví dụ bác sĩ Phương nói: “Cởi áo khoác ra”, thì dịch thành: “Cởi áo ra”; hoặc bác sĩ Phương nói: “Anh dạy cho em một bài học, để sau này em đừng bao giờ có ý tưởng đó trong đầu”, thì dịch thành: “Dạy cho một bài học để đừng bao giờ có ý tưởng lần đầu”. Có lẽ vì vậy nên trong các bản cung sau này, bị suy diễn ra thành ý tưởng tình dục lần đầu.

Ngày 9/4/2020, Cơ quan điều tra lại có buổi làm việc, thành phần gồm các điều tra viên: Lê Hữu Sỹ, Nguyễn Xuân Sang; kiểm sát viên Nguyễn Thanh Minh, chị T. và luật sư của chị T., thì nội dung y nguyên như biên bản làm việc ngày 24/9/2019, thời gian làm việc không quá 3 giờ đồng hồ. 

Với thời gian làm việc như vậy, liệu việc nghe và dịch ghi âm thành văn bản có khách quan, chính xác không? Câu trả lời là không, vì sẽ dẫn đến tư duy chủ quan, suy diễn thành hành vi phạm tội đối với bác sĩ Phương, một điều tối kị trong điều tra án hình sự.

Theo cáo trạng, Phương là bác sĩ, chị T. là nhân viên điều dưỡng tại Bộ phận chăm sóc da (Khoa da liễu, Bệnh viện Trung ương Huế). Trưa 17/9/2019, Phương gọi điện cho chị Nguyễn Thị Thùy Trang (bác sỹ công tác tại khoa Da liễu) nhờ nói với chị Nguyễn Thị Mừng (nhân viên điều dưỡng) qua làm việc thay cho chị T. và nói chị T. đến gặp chị Trần Thị Thùy Nhung (nhân viên Khoa Da liễu) lấy liều thuốc đẹp da đem đến quán cà phê “Nhà” ở tầng 1, dãy nhà B, Khu chung cư Đống Đa (phường Phú Nhuận, TP Huế).

Sau khi nhận thuốc từ chị Nhung, chị T. điều khiển xe máy đến quán cà phê “Nhà” để giao cho Phương. Khi đến nơi, chị T. nhìn vào quán nhưng không thấy Phương. Do chị T. đã biết phòng của Phương ở tầng 2 (ngay phía trên quán cà phê) nên chị T. đi theo đường cầu thang để lên phòng Phương. Trước khi lên gặp Phương, chị T. đã lấy điện thoại của mình, bật chế độ ghi âm, để vào túi áo khoác đang mặc trên người.

Khi đến trước cửa, chị T. thấy Phương đứng trước cửa phòng liền chào hỏi và nói: “Dạ, thuốc đẹp da phải không anh”, Phương liền bảo chị T. vào phòng nói chuyện. Chị T. vào phòng, Phương liền đóng cửa lại và bảo chị T. ngồi xuống ghế rồi buộc chị T. cởi áo khoác ra.

Theo cáo buộc, sau đó Phương đã có hành vi khống chế, dùng vũ lực với chị T. nhằm giao cấu trái với ý muốn của chị T. Khi chị T. chạy thoát ra khỏi phòng, Phương đuổi theo bắt chị T. đưa vào phòng, đánh vào mặt chị T. Theo cơ quan chức năng, chị T. bị tổn hại 37% sức khỏe. Ngày 23/9/2019, chị T. có đơn yêu cầu khởi tố với Lê Quang Huy Phương.