Những chiến sĩ áo trắng nơi tuyến đầu chống dịch
Đã hàng tháng chưa về nhà, dịch bệnh COVID-19 đã khiến đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, y tá… phải “cắm chốt” trên “trận chiến”. Những chiến sỹ tuyến đầu này đã không ngại xông pha trong các bệnh viện dã chiến, trong tâm dịch để cố giữ sinh mệnh cho các bệnh nhân COVID-19 được an toàn.
Gạt đi tất cả công việc đang dở dang bên ngoài, Thạc sĩ, bác sĩ trẻ Lý Tuấn Anh (Bệnh viện Chợ Rẫy) đã gửi người vợ mới cưới về nhà bố mẹ vợ để có thể yên tâm lên đường làm nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 6 (Bệnh viện dã chiến số 6), tọa lạc tại phường An Khánh, thành phố Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh.
Bệnh viện dã chiến số 6 được đặt tại phường An Khánh, thành phố Thủ Đức mỗi ngày tiếp nhận và điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân mắc COVID-19
Bác sĩ Lý Tuấn Anh cho biết, Bệnh viện dã chiến số 6 là một bệnh viện chuyển đổi công năng từ khu chung cư tái định cư Thủ Thiêm đã lâu không sử dụng sang làm bệnh viện dã chiến điều trị cho những bệnh nhân F0. Từ những ngày đầu tiên, các bác sĩ đến đây đều phải vừa chăm sóc bệnh nhân vừa hoàn thiện xây dựng bệnh viện. Trong đó, đội ngũ y, bác sĩ đều phải tự tay làm tất cả các công việc, từ chuyên môn đến chuẩn bị hậu cần cho bệnh nhân như vận chuyển, khuân vác đồ đạc, dụng cụ, hàng hóa…
Cũng theo bác sĩ Tuấn Anh, do là bệnh viện F0 nên công việc đối với đội ngũ y bác sĩ ở đây diễn ra liên tục xuyên suốt cả ngày lẫn đêm. Nhiều hôm, sau một ngày làm việc miệt mài đến 12 giờ đêm cứ nghĩ được nghỉ tay thì lại có tin bệnh nhân chuyển nặng. Lúc này đội ngũ y, bác sĩ lại phải gấp rút chuẩn bị để hỗ trợ bệnh nhân chuyển viện lên tuyến trên.
“Sau khi đưa bệnh nhân chuyển viện thành công, về đến phòng nghỉ đã khoảng 2 giờ sáng, vừa tính chợp mắt một lúc nhưng lại nhận được điện thoại của bệnh nhân, họ hỏi để muốn mình trấn an, trả lời những thắc mắc âu lo về tình trạng bệnh của họ. Chính vì vậy, điện thoại của các bác sĩ lúc này đa số là các cuộc gọi của các bệnh nhân F0. Chúng tôi biết, tâm lý của bệnh nhân lúc này rất hoảng loạn. Vì vậy, bất kể ngày đêm, chỉ cần họ thắc mắc hoặc cần hỗ trợ, giúp đỡ, chúng tôi luôn sẵn lòng. Bởi, khi nhận nhiệm vụ, chúng tôi cũng được quán triệt phải ổn định tâm lý bệnh nhân rồi mới trị bệnh. Khi tâm lý người bệnh có tốt, suy nghĩ tích cực thì việc chữa trị mới thuận lợi và đưa đến hiệu quả tốt nhất cho người bệnh”, bác sĩ Lý Tuấn Anh chia sẻ.
Các bác sĩ tại các bệnh viện dã chiến ngoài công việc chuyên môn còn kiêm luôn công việc khuân vác, vận chuyển hàng hóa cho bệnh nhân.
Cùng công tác tại Bệnh viện dã chiến số 6, Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Công Khánh, Bệnh viện Đại Học Y Dược TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, các bác sĩ trong bệnh viện dã chiến dù hàng ngày tiếp xúc với bệnh nhân F0 nhưng các bác sĩ đã được tập huấn khá kỹ về công tác bảo hộ cá nhân nên ngoài để hoàn thành nhiệm vụ còn đảm bảo an toàn không bị lây bệnh, tránh hao hụt lực lượng y tế.
“Kỷ niệm buồn nhất khi công tác tại Bệnh viện dã chiến số 6 là vào ngày thứ 3, ê kíp của chúng tôi có 1 trường hợp bệnh nhân có diễn tiến nặng. Sau khi hồi sức tích cực và chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, những tưởng bệnh nhân sẽ qua khỏi nhưng ngay sau đó chúng tôi nhận được tin buồn là bệnh nhân đã mất. Khi đó, chính tôi là người đã gọi điện thoại thông báo tin buồn cho cô con gái của bệnh nhân, cô ấy đã khóc rất nhiều vì sự ra đi của ba mình khiến tôi rất đau lòng. Sau đó, cô gái đã nhờ chúng tôi tìm lại những đồ vật quan trọng của bệnh nhân để chuyển lại cho gia đình. Tôi đã trực tiếp trao tận tay cô ấy nhưng kỷ vật của người cha. Khi chứng kiến hình ảnh đau lòng đó, tôi không thể kìm được nước mắt. Thật xót xa!”, bác sĩ Phạm Công Khánh chia sẻ.
Tối 26/8, Tổ cấp cứu Hồi sức tích cực Trung tâm điều trị bệnh nhân COVID-19 Bệnh viện Quân y 175 đã thực hiện thành công kỹ thuật oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể (EMCO) cho một sản phụ mắc COVID-19.
Kể từ khi đi vào hoạt động, Trung tâm Hồi sức Cấp cứu COVID-19 Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh đặt tại Bệnh viện Quốc tế City (quận Bình Tân) đã nhận hàng loạt bệnh nhân nặng. Đặc biệt có bệnh nhân là sản phụ nguy kịch sau khi mổ bắt con đã hồi phục ngoạn mục.
PGS.TS. BS. Lê Minh Khôi, Trưởng phòng Khoa học và Đào tạo Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 (Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh) cho biết, Trung tâm Hồi sức Tích cực có quy mô 250 giường cho bệnh nhân nặng. Trong 2-3 ngày tới sẽ hoàn thiện thêm 115 giường nữa để đón bệnh nhân. Cộng với 54 giường đang điều trị, đến cuối tuần này, Trung tâm sẽ tiếp nhận gần 170 bệnh nhân. Hiện tại Trung tâm đang điều trị cho 54 bệnh nhân nặng đến rất nặng; tuy nhiên, nhiều tín hiệu tích cực đã xuất hiện như là bệnh nhân rất nguy kịch dần chuyển nhẹ, một số bệnh nhân thở oxy dòng cao (HFNC) đã có sự hồi phục.
Các bác sĩ ngày đêm chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 như chăm sóc chính người thân trong gia đình để bệnh nhân mau khỏi bệnh trở lại cuộc sống bình thường.
“Món quà khích lệ lớn nhất đối với các thầy thuốc sau những khó khăn chồng chất trong môi trường đặc biệt này là cứu được người bệnh. Có bệnh nhân đã sát cửa tử nhưng đã được giành giật lại sự sống một cách thần kỳ. Chẳng hạn như sản phụ T. mắc COVID-19, khi mổ bắt con xong thì rơi vào tình trạng nguy kịch, mê man, phổi tổn thương nặng, được đặt nội khí quản và thở máy. Thế nhưng đến ngày 17/8, sản phụ đã có thể tự thở được khí trời, các dấu hiệu sinh tồn tốt dần lên”, bác sĩ Khôi cho biết.
Nhiều ngày miệt mài bên giường các bệnh nhân nặng, bác sĩ Trần Nguyễn Thanh Phương bộc bạch: “Cuộc chiến này không phải mới bắt đầu. Chúng tôi đã từng trải qua những gian nan, những quãng đường cam go, nên chúng tôi luôn đặt tinh thần của toàn bộ đội ngũ ở trạng thái phải đối mặt với tình huống vất vả nhất để vượt qua”.
Chạy đi chạy về giữa hai bệnh viện với hàng chục cây số từ Bệnh viện Hồi sức COVID-19 và Bệnh viện Chợ Rẫy (do Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn là nòng cốt điều trị COVID-19 cho miền Tây và miền Đông Nam Bộ), Tiến sĩ, bác sĩ Chuyên khoa 2 Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, kiêm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 cho biết: “Khi nhận nhiệm vụ này, tôi rất bất ngờ nhưng mình cảm thấy vinh hạnh vì được lãnh đạo Thành phố tin tưởng và chúng tôi đều sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ”.
Các bác sĩ luôn trong tâm thế sẵn sàng khi nhận nhiệm vụ công tác tại các bệnh viện điều trị COVID-19 của TP Hồ Chí Minh.
“Hiện nay, áp lực lớn nhất Bệnh viện Hồi sức COVID-19 là hoạt động với một cường độ cao nhất, công suất lớn nhất nên ban đầu cũng có một số vấn đề về hậu cần điều trị chưa đảm bảo. Đứng trên góc độ của cá nhân, mình nhìn thực trạng khách quan để cố gắng hoàn thành nhiệm vụ chứ không phải đổ thừa khó khăn. Vì vậy, chúng tôi đều cố gắng vượt qua hoàn cảnh với nỗ lực bản thân ở mức độ cao nhất. Tuy khó khăn nhiều nhưng tất cả anh em đều rất đồng tâm và đồng lòng, nhiều lực lượng khác nhau nhưng anh em đều đoàn kết thành một khối…”, bác sĩ Nguyễn Tri Thức nói.
Bác sĩ Nguyễn Tri Thức (ở giữa) họp bàn các chiến lược chặn dịch từ xa tại Bệnh viện hồi sức COVID-19.
Cũng theo các bác sĩ Nguyễn Tri Thức, khi vào môi trường này, có một thuận lợi là tất cả mọi người đều quán triệt không kể ngày giờ, không nghĩ đến chế độ bồi dưỡng, chỉ quan tâm đến việc kéo giảm tối đa các trường hợp bệnh nhân nặng, vì nhiệm vụ quan trọng của các bác sỹ Bệnh viện Hồi sức COVID-19 là phải giành lại sự sống cho các bệnh nhân. Tuy nhiên, muốn giành lại sự sống cho bệnh nhân thì phải đánh chặn từ xa, không để cho bệnh nhân chuyển nặng.
“Các y, bác sĩ xác định khổ cỡ nào cũng được, miễn bệnh nhân khỏe lại là chúng tôi vui và tinh thần cũng như được sống lại cùng bệnh nhân. Ngoài ra, các nhân viên y tế nhận được rất nhiều tin nhắn điện thoại, chia sẻ động viên và hỏi thăm từ miếng ăn, giấc ngủ và tất cả sự hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp, của bà con. Đây là nguồn động viên tinh thần, là sức mạnh tiếp sức cho các đội ngũ y, bác sĩ trong bệnh viện. Đặc biệt, động lực lớn nhất của các bác sĩ điều trị là nhìn những bệnh nhân nặng đã dần hồi phục và được chuyển viện về những bệnh viện thấp hơn”, bác sĩ Nguyễn Tri Thức cho biết.
Theo bác sĩ Trần Thanh Linh, khi hoàn thiện và đưa vào hoạt động 1.000 giường bệnh, Bệnh viện hồi sức COVID-19 cần rất nhiều nhân sự, từ bác sĩ, điều dưỡng cho tới những nhân viên vệ sinh, làm sạch và lực lượng hậu cần. “Thực tế nguồn nhân lực hiện nay chỉ đáp ứng cho nhu cầu của giai đoạn một, tức 500 giường bệnh. Chúng tôi đã phải chia, tách nhân sự ở từng khu vực để triển khai giai đoạn hai, vì thế nguồn nhân lực là một trong những vấn đề lớn ở giai đoạn sắp tới”.
Trước nhu cầu nhân lực tại Bệnh viện hồi sức COVID-19, các bác sĩ trẻ tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã tiếp tục xung phong lên đường nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 (thành phố Thủ Đức). Bác sĩ Phạm Minh Quân, khoa Ngoại lồng ngực Bệnh viện Chợ Rẫy tâm sự: “Mình còn trẻ, nên khi được nhận nhiệm vụ, mình rất háo hức và sẵn sàng được lên đường sát cánh cùng anh em chống dịch. Hy vọng TP Hồ Chí Minh sẽ sớm hết dịch bệnh để mọi người có thể quay lại cuộc sống bình thường”.
Tương tự, bác sĩ Trần Cao Đạt, khoa Điều trị rối loạn nhịp Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ: “Chúng tôi đã chuẩn bị và sẵn sàng từ rất lâu trước khi nhận lệnh lên đường hỗ trợ các đàn anh, các đồng nghiệp. Làm việc ở nơi đầu sóng ngọn gió, nguy cơ bị lây nhiễm cũng cao hơn rất nhiều, tuy nhiên với nhiệt huyết của tuổi trẻ và là một nhân viên của Bệnh viện Chợ Rẫy, tôi rất tự tin với những kiến thức đã được chuẩn bị về kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm cũng như tinh thần không ngừng trau dồi về chuyên môn để có thể điều trị tốt cho các bệnh nhân tại Bệnh viện hồi sức COVID-19”.
Cũng là bác sĩ trẻ xách ba lô lên đường, bác sĩ Lý Hoài Tâm (khoa Ngoại tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết, việc được điều động là một trách nhiệm, đồng thời là một niềm tự hào đối với bản thân anh. “Là một bác sĩ ngoại khoa nên đối với lĩnh vực hồi sức cấp cứu, tôi cần phải học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm từ các thầy, các đàn anh. Tôi lên đường với quyết tâm cao nhất và sẽ hỗ trợ hết mức có thể để điều trị cho những bệnh nhân COVID-19, giúp họ sớm hồi phục và quay về với gia đình”, bác sĩ Lý Hoài Tâm chia sẻ.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân COVID-19 nặng liên tục được chuyển đến nhưng với mục tiêu cùng người bệnh chiến thắng COVID-19, bất kể ngày đêm, các bác sĩ đều tập trung “cứu được càng nhiều bệnh nhân càng tốt”. Trước đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, mỗi ngày, khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp nhận từ 300 – 400 bệnh nhân. Khi dịch bệnh bùng phát, lượng bệnh nhân ngày càng đông hơn, Ban lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy buộc phải phân tán toàn bộ khoa Chấn thương sọ não để giải áp cho khoa Cấp cứu. Đêm đến, toàn bộ khuôn viên của khoa Chấn thương sọ não chính là nơi tiếp nhận bệnh nhân của khoa Cấp cứu.
Trong khu phòng bệnh COVID -19 của khoa Cấp cứu, vừa mặc xong bộ đồ bảo hộ, chị Ức My Sa, điều dưỡng khoa Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy bắt đầu bước vào ca trực của mình.
“Mỗi ngày, chúng em làm việc 12 tiếng đồng hồ. Sau khi nhận bàn giao xong, chúng em bắt đầu kiểm tra dụng cụ và mọi thứ liên quan như theo dõi tình trạng của bệnh nhân trong khu cách ly, từ bệnh nhân ổn định, không có triệu chứng đến bệnh nhân thở máy, thở oxy… Sau đó, chúng em sẽ ghi thông tin vào hồ sơ và báo bác sỹ ngay khi thấy bệnh nhân có dấu hiệu bất thường. Có lần, em làm trong buồng bệnh cách ly, nơi có hai bệnh nhân nặng, khi em đang chăm sóc cho bệnh nhân này thì bệnh nhân kia ngưng tim, ngưng thở. Em vừa gọi cấp cứu bên ngoài, vừa tự xử lý cho bệnh nhân. Bên ngoài bệnh rất đông, các anh chị đồng nghiệp cũng chạy liên tục. Trong lúc xử lý cho bệnh nhân và đợi bác sĩ đến, em cũng lo lắm, cứ sợ bệnh nhân có chuyện gì nên em vừa động viên mình cố lên vừa cầu nguyện cho bệnh nhân qua khỏi cơn nguy kịch. Đến khi bệnh nhân tỉnh lại, tụi em vừa mừng vừa run”, giọng điều dưỡng Ức My Sa ngắt quãng.
Khi được hỏi “Có sợ không khi làm công việc áp lực và nhiều nguy cơ như vậy không?”, My Sa cười hiền nói: “Trong đợt dịch này, em thấy các bác sỹ điều dưỡng ai cũng tham gia chống dịch để góp một phần nào đó mang lại cuộc sống bình thường cho mọi người. Tụi em thì mỗi ngày, từ lúc nhận ca là tụi em mặc bảo hộ suốt, cách khoảng 6 tiếng thì ra uống nước một lần rồi lại vào tiếp tục công việc. Vậy nên mỗi lần về nhà mệt mỏi không làm gì nổi, nhưng mà tụi em vẫn tin là Thành phố sẽ sớm bình thường trở lại. Em cũng sợ mình bị nhiễm bệnh, nhưng mà nếu cứ nghĩ tới nỗi sợ ấy hoài thì ai sẽ tiếp tục chăm sóc và điều trị cho người bệnh!”.
Trình duyệt của bạn không hỗ trợ.
Tải về: video/mp4
30/08/2021 11:30