Những chàng trai mê bếp núc
(GLO)- Căn bếp không còn là nơi “độc quyền” của những người phụ nữ khi ngày càng có nhiều chàng trai mê công việc bếp núc. Với những bạn trẻ này, được sống với đam mê chính là hạnh phúc.
Đằng sau câu chuyện bếp núc của họ còn là thái độ với cuộc sống. Trải qua không ít lần thất bại trên đường khởi nghiệp nhưng không bao giờ đầu hàng, bởi họ tin rằng “Tài sản lớn nhất khi bạn còn trẻ không phải là tuổi thanh xuân, cũng không phải là dung mạo đẹp đẽ, không phải là sức lực dồi dào, mà là bạn có cơ hội để phạm sai lầm” (Steve Jobs).
Theo đuổi ước mơ
Từ một cậu bé mồ côi lang thang ở khắp các ga tàu, bến xe ở Hà Nội kiếm sống, anh Trần Hoàng Định (sinh năm 1988) may mắn được một người đàn ông nhận làm con nuôi. Vốn mê nấu ăn từ nhỏ và mơ ước trở thành đầu bếp, Định xin học nghề bếp khi mới 15 tuổi. Nhưng người cha cưu mang Định đột ngột qua đời do tai biến. Quyết tâm theo đuổi ước mơ đến cùng, Định xin làm phụ bếp trong các nhà hàng, khách sạn kiếm tiền tiếp tục học nghề. 18 tuổi, Định có chứng chỉ nấu ăn. Sau đó, anh tiếp tục học và lấy bằng “Bếp trưởng điều hành” khi tuổi đời còn khá trẻ. Tuy nhiên Định quan niệm: “Với nghề bếp, bằng cấp không quan trọng bằng kinh nghiệm”.
Đầu bếp trẻ Trần Hoàng Định. Ảnh: H.N
Hiện đang là bếp trưởng của quán ăn Misaki, chuyên về ẩm thực Nhật Bản ở hẻm 91 Lê Lợi (TP. Pleiku), Trần Hoàng Định cho biết những kiến thức tích lũy được từ những năm tháng làm việc ở các nhà hàng, khách sạn tại các thành phố lớn như Nha Trang, TP. Hồ Chí Minh… giúp ích cho anh rất nhiều trong việc bếp núc. Định cho biết, ẩm thực Nhật Bản chú trọng đến hương vị tự nhiên của món ăn với độ tươi ngon tuyệt đối, vì thế, nhiều loại cá phục vụ trong menu của quán Misaki như cá lăng, sọc dưa, Anh Vũ… Định phải lên tận các làng ven sông Sê San (huyện Ia Grai) mua về, đích thân chế biến. Định cho rằng: “Không tỉ mỉ, nhẫn nại, không thể theo đuổi nghề bếp, đặc biệt là phục vụ ẩm thực Nhật Bản bởi rất cầu kỳ ở cách ăn và trang trí. Thời gian còn ở TP. Hồ Chí Minh, cứ nghỉ làm giữa ca tôi phải chạy từ quận 1 đến quận 7 học làm món sushi. Tôi cuộn hư vài trăm lần mới có thể làm ra những cuộn sushi đẹp mắt như hiện tại. Hay ngay cả cách xịt sốt lên đĩa rau sống, khách chỉ cần nhìn là biết do tôi hay người khác làm”.
Được thực khách đón nhận tích cực, song đầu bếp trẻ Trần Hoàng Định thừa nhận, anh gặp thất bại vô số lần với những thử nghiệm mới mẻ. Định kể: “Tôi thường lên internet cập nhật món ăn mới, các xu hướng ẩm thực trên thế giới. Có những món ăn hấp dẫn đến nỗi phải vào bếp làm thử, nhưng kết quả là thất bại thảm hại. Nhưng càng thất bại càng quyết tâm thực hiện bằng được, nếu không dám sai lầm thì không có cơ hội có thêm món mới trong menu ẩm thực. Nhiều hôm đi ngủ mà vẫn nghĩ đến món ăn chưa thực hiện được”. Định cho biết, anh rất khâm phục ý chí lẫn tài năng của cô gái gốc Việt Christine Hà-bị khiếm thị nhưng đã xuất sắc trở thành Vua đầu bếp Mỹ (Master Chef). Định quan niệm: “Nấu ăn không chỉ bằng mắt, bằng công thức, người nấu ăn phải cảm nhận món ăn bằng tất cả tinh thần, trái tim”.
Sống trách nhiệm
Gần 10 năm trước, khi chuyển từ nghề tóc sang nghề bếp, nhiều người nghĩ anh Trương Đức Tài (sinh năm 1989) chạy theo xu hướng chung của giới trẻ. Nhưng thay vì học bếp mặn như đa số bạn trẻ thì Tài chọn khóa học về ẩm thực chay, dù biết đây là con đường khởi nghiệp gian nan, khó thành công hơn nhiều so với học nghề bếp nói chung.
Đang làm đầu bếp cho một quán chay có tiếng ở TP. Pleiku với mức lương hậu hĩnh trên 10 triệu đồng/tháng, Tài lại gây bất ngờ khi quyết định nghỉ việc, chọn con đường khó khăn hơn: mở một quán chay riêng để thử thách bản thân. Tài so sánh: “Những người ăn chay trường thường không đòi hỏi nhiều về hương vị, chỉ chú trọng đến tính chất tự nhiên của nguyên liệu. Nhưng số đông thực khách lại không phải người ăn chay trường. Họ thích hương vị tương đồng như món ăn mặn hàng ngày. Vì thế, ngoài những món chay thông thường từ rau, củ, quả, tôi còn chế biến nhiều món chay giả mặn như nấm đông cô giả cầy, nấm kho tộ, lẩu khai tâm… Đây cũng chính là cái khó khi chế biến món chay”. Tài còn đi một số nơi trên thế giới như Thái Lan, Đài Loan tìm hiểu, khám phá ẩm thực chay của các quốc gia này để có cảm hứng sáng tạo ra những món chay vừa truyền thống, vừa theo kịp xu hướng thế giới. Anh đúc rút: “Phong cách chay của người Thái vẫn thiên về khẩu vị chung là chua, cay, mặn. Khẩu vị người Đài Loan có sự tương đồng với khẩu vị người Việt nhưng cách trình bày, sắp đặt món chay của họ phải nâng lên hàng nghệ thuật rất tinh tế. Đó là điều mà tôi phải học hỏi rất nhiều”.
Gần 10 năm gắn bó với nghề bếp, Tài cho biết anh ngày càng yêu thích việc bếp núc bởi tìm thấy ý nghĩa cuộc sống đằng sau ẩm thực chay. “Ăn chay cũng là cách tích cực bảo vệ môi trường khi chỉ sử dụng rau, quả, thực vật, chống sát sinh. Ăn chay còn giúp con người tĩnh tại, minh mẫn hơn”-Tài chia sẻ. Ẩm thực chay đã mang tính toàn cầu khi ngày càng có nhiều quốc gia kêu gọi mọi người “ăn chay, sống xanh” với những triết lý sống hòa hợp giữa con người với thiên nhiên, với muôn loài. Đầu bếp Trương Đức Tài mong muốn truyền bá thông điệp ấy đến mọi người thông qua những món ăn tại quán chay Khai Tâm của anh trên đường Lý Tự Trọng (TP. Pleiku).
Tài cũng chia sẻ dự án trồng rau sạch hữu cơ theo hình thức trang trại tại xã Biển Hồ và xã Diên Phú do anh và bạn bè thực hiện để có nguồn cung cấp thực phẩm sạch ổn định cho quán ăn. Tham vọng lớn hơn của anh là có thể trồng rau củ sạch đủ để cung cấp cho tất cả các quán chay trên địa bàn thành phố. “Nghề bếp đã tập cho tôi tính nhẫn nại và trách nhiệm cộng đồng rất lớn. Tôi mong muốn tất cả các quán chay ở đây đều dùng rau củ quả sạch theo đúng tiêu chuẩn, vừa đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng của món ăn, vừa bảo vệ sức khỏe và lợi ích cộng đồng”-Tài chia sẻ.
Hoàng Ngọc