Những bức tranh Đông Hồ được ưa chuộng treo trong dịp Tết Nguyên đán
(VTC News) –
Mỗi dịp Tết đến, xuân về, bên cạnh câu đối đỏ bao giờ người ta cũng treo những bức tranh Tết Đông Hồ – một phần đặc sắc của dân tộc. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu ý nghĩa của chúng. Một cái Tết cổ truyền đầy đủ, không thể nào thiếu vắng tranh Đông Hồ với những nét vẽ giản dị nhưng lại mang những hàm ý sâu xa.
Những hình ảnh được vẽ trên tranh rất đơn giản và thân thuộc như con lợn, con gà… Người ta mua tranh Đông Hồ về treo trong những ngày đón xuân như mang về cho cả gia đình niềm hy vọng tốt đẹp và gửi gắm vào đó những lời cầu chúc cho năm mới, khi thì là con cái chăm ngoan, con đàn cháu đống, khi thì là phúc lộc đủ đầy.
Những bức tranh Đông Hồ không thể thiếu trong gia đình mỗi dịp đầu xuân năm mới:
Tranh Vinh quy bái Tổ: “Vinh Quy Bái Tổ” là phần thưởng vinh danh người đỗ đạt và cho cha mẹ họ hàng, làng xóm, thầy dạy. Là lúc tân khoa tỏ bày lòng biết ơn của mình theo đúng đạo lý Việt Nam: “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy”. Dân tộc Việt Nam rất hãnh diện với truyền thống văn hóa này.
Tranh Tiến tài – Tiến lộc: Trên mỗi bức tranh là một vị thần, một tay nâng bức quấn thư tượng trưng cho việc học hành, tay kia nâng biểu tượng thần quyền. Tranh Tiến Tài có chữ “Tài hằng nguyên chi” tượng trưng cho của như nước nguồn, tranh Tiến Lộc có chữ “Lộc vị cao thăng” tượng trưng cho lộc ngày càng tăng. Hai bức tranh thể hiện mong ước được thần tài phù trợ của người nông dân ngày xưa.
Tranh Vinh hoa – Phú quý: Mang nhiều ý nghĩa tốt lành, là sự cầu mong gia đình được đầy đủ vinh hoa phú quý, con đàn cháu đống, hạnh phúc viên mãn.
Tranh Đàn lợn Âm Dương: Theo quan niệm xưa, con lợn là con vật đẹp nhất, tượng trưng cho sự ấm no, sung túc; hình ảnh xoáy âm dương trên mình lợn thể hiện sự sinh sôi, nảy nở. Treo tranh vào ngày Tết để thể hiện mong ước năm mới thịnh vượng, phát tài phát lộc, đông con nhiều cháu.
Tranh Đàn gà mẹ con: Treo bức tranh đàn gà trong nhà ngày Tết là ước nguyện của con người về một mái ấm hạnh phúc. “Nhà đông con là nhà có phúc” chính là mong trong nhà có đông con nhiều cháu. Trong năm mới con cháu đều khỏe mạnh là cuộc sống sung túc đề huề con cháu
Tranh Lễ Trí – Nhân Nghĩa: Là một cặp tranh dân gian Đông Hồ nổi tiếng được nhiều người yêu thích, còn được gọi với tên khác; “Gái sắc bế rùa xanh, Trai tài ôm cóc tía”. Mỗi bức tranh đều có những ý nghĩa riêng tốt đẹp. Tranh Lễ Trí cầu mong con cái có sự lễ phép để ứng xử với mọi người và có trí thông minh, giỏi giang sau này. Tranh Nhân nghĩa cầu mong con cái sẽ học hành hiển đạt.
Tranh Thiên hạ thái bình (Công múa): Tranh mang ý nghĩa đúng như cái tên của nó “Thiên hạ thái bình” đất nước thịnh vượng. Trị quốc – an dân – bình thiên hạ. Nước có bình nhà nhà mới yên vui, đó là mong ước được gửi gắm qua tranh. Bức tranh còn có ý nghĩa xua đuổi ma quỷ, cầu mong sung túc, an bình trong cuộc sống.
Tranh Lý ngư vọng nguyệt: Bức tranh này thường được đặc biệt treo vào dịp Tết ở những nhà năm đó có người phải thi cử. Bức tranh hàm ý hy vọng người học trò học hành chăm chỉ rồi sẽ đến lúc vượt vũ môn thành công như “cá chép hóa rồng”. Ngoài ra, cá chép từ lâu đã trở thành đại diện cho sự may mắn, tài lộc và thịnh vượng.
Tranh Phúc Lộc – Song Toàn: Thể hiện niềm hạnh phúc lớn mà con người ao ước có được trong cuộc đời và gửi gắm ước vọng bình an, thành đạt, may mắn, hạnh phúc, đủ đầy qua bức tranh.
Tranh Múa lân: Múa lân thường được biểu diễn trong các dịp lễ, Tết Nguyên đán, Trung Thu… bởi hình ảnh con lân tượng trưng cho sự thịnh vượng, phát đạt.
Tranh Rước rồng: Con Rồng đã trở thành linh vật của người dân Việt, gắn liền với tâm thức về “Con Rồng Cháu Tiên”. Con Rồng cũng là biểu tượng và biểu thị cho cả quyền uy của tự nhiên cũng như trong xã hội. Múa Rồng là một trò trình diễn kết hợp tài khéo léo và sức mạnh.
Tranh Bịt mắt bắt dê: Miêu tả sinh động trò chơi “Bịt mắt bắt dê”, đồng thời phản ánh cuộc sống chân chất của người dân nông thôn Việt Nam.
Tranh Đấu vật: Là một bức tranh nổi tiếng của làng Đông Hồ, vẽ về cảnh đấu vật của đàn ông trong ngày xuân. Hình ảnh miêu tả các đấu thủ đều đóng khố, theo đúng phong tục của người Việt xưa để lộ thân hình vạm vỡ, tráng kiện.
Tranh Đánh đu: Tranh hội Đánh Đu mô tả những nét đẹp văn hóa của người nông dân Việt Nam ngày xưa và nay, thể hiện sự giao hòa giữa trời và đất mong ước của những người nông dân mong cho thời tiết yên lành mùa màng bội thu. Đồng thời chò chơi còn thể hiện tình yêu đôi lứa trong sáng và khát vọng bay cao của tuổi trẻ trong tương lai.
Tranh Hát quan họ: Mỗi độ Tết đến, xuân về, trên vùng quê Bắc Ninh-Kinh Bắc lại ngập tràn sắc màu của lễ hội dân gian, cùng những làn điệu dân ca quan họ mượt mà, đằm thắm. Ai đã từng đến với vùng quê này vào những ngày xuân, sẽ cảm nhận rõ hơn sự đằm thắm, đậm đà của sắc xuân trên miền Quan họ.
Văn Chương
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo