Đo lường nghèo ở Việt Nam như thế nào?

Thế nào là nghèo ở Việt Nam? Khi tôi lớn lên ở Hà Nội trong những năm cuối thập kỷ 1980, có thể thấy cái nghèo ở khắp mọi nơi. Hầu hết người dân Việt Nam khi đó hẳn là sống ở mức dưới chuẩn nghèo quốc tế (1,25 đô-la một ngày). Bởi lẽ vào thời gian đó chưa có các cuộc khảo sát mức sống để đo lường nghèo nên cũng không có một cách thức rõ ràng để xác định như thế nào là nghèo. Người giàu thời đó là người nào trong nhà có xe máy hay TV, còn người nghèo là những người ăn xin ngoài đường hay người nào không có đủ gạo để ăn. Trong cuộc khảo sát sớm nhất được thực hiện vào năm 1992 và 1993, có khoảng 64% dân số được coi là nghèo theo chuẩn nghèo quốc tế. Sau hai thập kỷ thì chỉ có khoảng dưới 3% dân số là nghèo theo chuẩn nghèo này trong khi tình trạng đói ăn đã được xóa bỏ.

Đo lường nghèo ở Việt Nam có sự phức tạp do có nhiều phương pháp khác nhau khiến cho ngay cả các chuyên gia cũng thấy bối rối. Trong một báo cáo mới xuất bản gần đây có tên “Demystifying poverty measurement in Vietnam” [Giải thích về đo lường nghèo ở Việt Nam], chúng tôi điểm lại các vấn đề liên quan tới đo lường nghèo ở Việt Nam cho độc giả phổ thông, những người không phải chuyên gia trong lĩnh vực này, cũng có thể hiểu được. Báo cáo này là một phần trong chuỗi báo cáo Nghiên cứu Thảo luận Phát triển Việt Nam sẽ được xuất bản thường kỳ nhằm chia sẻ kết quả các các nghiên cứu đang được tiến hành và trao đổi ý tưởng về các vấn đề phát triển.

Ở Việt Nam hiện nay, có hai phương pháp chủ yếu để đo lường nghèo. Phương pháp thứ nhất do Bộ Lao động, Thương binh và Các Vấn đề Xã hội (gọi tắt là phương pháp MOLISA) áp dụng nhằm đưa ra cách phân loại để xác định những đối tượng được thụ hưởng trong các chương trình giảm nghèo của cả nước cũng như để theo dõi tình trạng nghèo trong ngắn hạn. Một phương pháp riêng biệt khác được Tổng cục Thống kê và Ngân hàng Thế giới (gọi tắt là phương pháp GSO-WB) áp dụng chủ yếu để tìm hiểu về những thay đổi tình trạng nghèo trong dài hạn. việc áp dụng các phương pháp khác nhau để theo dõi thay đổi tình trạng nghèo và để định hướng các chương trình của chính phủ cũng là hình thức phổ biến trên thế giới.

                             
 
Hai phương pháp này khác nhau ở một số khía canh. Thứ nhất, phương pháp MOLISA sử dụng thu nhập như là chỉ tiêu phúc lợi trong khi phương pháp GSO-WB sử dụng tiêu dùng. Trong bước thứ hai, cả hai phương pháp đều sử dụng “chi phí cho các nhu cầu cơ bản” để xác định chuẩn nghèo. Việc này được bắt đầu bằng cách áp dụng một mức tiêu dùng calorie tối thiểu để đẩm bảo cho sức khỏe. Trong bước thứ ba, trong khi các thước đo nghèo dùng phương pháp của GSO-WB được xác định trên cơ sở dữ liệu từ khảo sát hộ gia đình thì các thước đo nghèo của MOLISA căn cứ vào Tổng Điều tra Nghèo Toàn Quốc được thực hiện 5 năm mỗi lần. Trong những năm không có Tổng điều tra, MOLISA sẽ thực hiện cập nhất danh sách nghèo trên cơ sở tham vấn ở các thôn bản, tức là trong các cuộc họp thôn/bản tại đó người dân sẽ bình bầu hộ nào nghèo và hộ nào không.

Hình dưới đây chỉ ra xu hướng thay đổi theo thời gian của các phương pháp đo lường nghèo thường hay được sử dụng. Dễ thấy là dù áp dụng phương pháp nào, chúng ta đều thấy được tiến trình giảm nghèo nhanh chóng ở Việt Nam.

Hướng đến tương lai
Đo lường nghèo ở Việt Nam hiện nay đang gặp phải một thách thức được tạo ra từ thành công của quá trình giảm nghèo nhanh trong hai mươi năm qua. Do tỷ lệ nghèo giảm liên tục theo thời gian nên cần có sự điều chỉnh việc chọn lựa các thước đo phù hợp. Nhìn về tương lai, bằng một số phương pháp dự báo đơn giản, chúng tôi ước lượng là tỷ lệ nghèo theo chuẩn quốc tế 1,25 đô-la một ngày, hiện nay đã ở mức rất thấp ở Việt Nam, sẽ giảm xuống gần bằng 0 vào năm 2020. Tương tự, chuẩn nghèo 2 đô-la một ngày cũng sẽ nhanh chóng trở thành không phù hợp với Việt Nam trong tương lai gần. Cùng kịch bản dự báo nói trên, tỷ lệ nghèo chung sử dụng chuẩn nghèo của GSO-WB sẽ giảm xuống còn 8% vào năm 2020.

Với mục đích đo lường nghèo, chuẩn nghèo GSO-WB sẽ còn tiếp tục được sử dụng trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, tới một lúc nào đó, rất có thể là tỷ lệ nghèo đo lường theo phương pháp này sẽ giảm tới mức thấp quá khiến cho một lần nữa, sẽ cần cập nhật phương pháp để phản ánh sự thịnh vượng đi lên của đất nước và những khát vọng lớn hơn của người dân Việt Nam. 

Liên quan: Video: Làm gì để xóa nghèo ở Việt Nam?