Nhu cầu việc làm của người cao tuổi tăng cao
–
Thứ tư, 04/05/2022 09:28 (GMT+7)
Nhu cầu được làm việc của người cao tuổi, lao động sau nghỉ hưu đang có xu hướng tăng lên. Trên thực tế, kỹ năng và kinh nghiệm của họ đã mang lại những giá trị nhất định cho xã hội, đây cũng là vấn đề đặt ra cho các cơ quan quản lý.
Nhu cầu làm việc của lao động sau nghỉ hưu hiện nay rất lớn đã đặt ra yêu cầu mới đối với ngành lao động. Ảnh: V.T
Lãng phí nhân lực
Sau khi nghỉ hưu ở một trường tiểu học công lập, bà Phùng Thị Thìn, 57 tuổi (phường Tân Quang, TP.Tuyên Quang) vẫn tiếp tục đi làm tại một cơ sở giáo dục tư thục trong vai trò là người quản lý.
Theo bà Thìn, phụ nữ về hưu ở tuổi 55 mà không tiếp tục làm một công việc nào khác trong khi còn đủ sức khỏe và trí tuệ thì sẽ là một sự lãng phí về nguồn nhân lực. 2 năm làm việc sau khi về hưu bà Hà cảm thấy hoàn toàn tự tin và hài lòng với công việc hiện tại.
“Tôi còn sức khoẻ, trí tuệ còn minh mẫn và cảm thấy vẫn đáp ứng được yêu cầu công việc thì nên tiếp tục đi làm. Nghỉ ở nhà thì rất buồn chán, có khi tinh thần còn sa sút; đi làm còn có thêm thu nhập”, bà Thìn chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Diệm (65 tuổi, tại huyện Vũ Thư, Thái Bình) vốn có thâm niên quản lý xăng dầu trong đơn vị quân đội trên 30 năm. Về hưu ở tuổi 54, ông Diệm tiếp tục làm quản lý kinh doanh xăng dầu cho một doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Gắn bó với công việc hơn 11 năm sau về hưu, ông Diệm vẫn thấy không có gì phải phàn nàn. Đi làm không chỉ giúp ông Diệm tăng thêm thu nhập mà còn khiến cuộc sống trở nên vui vẻ hơn khi hằng ngày được giao tiếp với mọi người. Sức khỏe nhờ đó cũng được nâng cao.
Ông Diệm chia sẻ: “Với những đơn vị kinh doanh xăng dầu tư nhân thì vị trí quản lý khá thiếu, trong khi tôi thì có thâm niên hàng chục năm rồi. Tôi nghĩ ở đây đôi bên đều có lợi, tôi cứ làm đến khi nào sức khoẻ cho phép”.
Yêu cầu kết nối cung – cầu lao động
Số lượng người cao tuổi có nhu cầu đi làm sau khi nghỉ hưu ngày một tăng cao đã đặt ra yêu cầu về việc kết nối cung cầu lao động cho đối tượng sau nghỉ hưu. Pháp luật hiện hành về lao động đã có những quy định về nội dung này nhưng chưa thể để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Trao đổi với PV về nội dung này, ông Bùi Sỹ Lợi – Nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá – Xã hội của Quốc hội cho rằng, nhu cầu việc làm của người sau khi nghỉ hưu là một thực tế cần được nhìn nhận. Họ còn sức khoẻ, còn trí tuệ thì rõ ràng vẫn đáp ứng được những yêu cầu của thị trường lao động.
Đối với những lĩnh vực cần hàm lượng chất xám cao như giáo dục, y tế… thì lực lượng lao động sau về hưu cho thấy nhiều thế mạnh về kỹ năng, kinh nghiệm và đây thực sự là vốn quý cho xã hội.
Ông Lợi thông tin thêm: “Hiện có khoảng 60% lao động sau nghỉ hưu vẫn tiếp tục đi làm và họ rất cần được tiếp cận với thông tin việc làm, tạo điều kiện về vốn… Giải quyết việc làm cho lao động sau về hưu đây thực sự là vấn đề có ý nghĩa cả về mặt kinh tế cả về mặt xã hội”.
Nhận định về vấn đề trên, ông Lê Quang Trung – Nguyên Cục trưởng cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) cho rằng, hiện nay chúng ta đang rơi vào thời kỳ cung lao động thấp hơn cầu, nếu không muốn nói là giai đoạn đầu của già hoá dân số.
Nếu như năm 2014, mỗi năm Việt Nam có 1,2 triệu người bước vào độ tuổi lao động và tham gia vào thị trường lao động thì đến nay chỉ có khoảng 400.000, giảm xuống cực kỳ mạnh. Sau 20 năm nữa, việc thiếu hụt lực lượng lao động là hoàn toàn có thể xảy ra
Ông Trung nhấn mạnh: “Để hạn chế việc thiếu hút lao động, đặc biệt là lao động chất lượng cao, có kinh nghiệm thì đối tượng sau nghỉ hưu cần tính tới như một thực tế tất yếu. Cần có những quy định cụ thể về cung cấp thông tin, tư vấn việc làm, chắp nối cung cầu sử dụng lao động là người cao tuổi”.