Nhớ ơn bác sĩ Yersin – người tìm ra trực khuẩn dịch hạch
Sáng 1.3, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa, lãnh đạo TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), Viện Pasteur Nha Trang, Hội ái mộ Yersin đến tượng đài Yersin tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa) và phần mộ của bác sĩ Alexandre Yersin tại Suối Dầu, H.Cam Lâm (Khánh Hòa) để dâng hoa tưởng niệm 77 năm ngày mất của ông, người tìm ra trực khuẩn dịch hạch vào năm 1894, nhờ đó nhân loại ngăn chặn được căn bệch dịch quái ác không khác gì dịch Covid-19 hôm nay.
Ông Võ Ngọc Trình, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Lạt, cho biết để tỏ lòng kính trọng, tri ân đối với bác sĩ Yersin, nhân ngày giỗ 77 năm của ông, TP.Đà Lạt cử một đoàn công tác đến thắp hương, dâng hoa tại phần mộ của Yersin.
Ảnh: Anh Kiệt
Ảnh: Anh Kiệt
Trước đó, ngày 29.2, lãnh đạo TP.Đà Lạt cùng đại diện một số ban ngành đến Công viên Yersin bên hồ Xuân Hương TP. Đà Lạt, dâng hoa tưởng niệm bác sĩ Yersin.
Người đầu tiên cứu sống một bệnh nhân dịch hạch
Theo lịch sử ghi lại, tháng 5.1894, dịch bệnh bùng phát mạnh ở Hồng Kông, gây tử vong cao, và trở thành mối đe dọa cho tất cả cảng biển có giao dịch thương mại với Trung Hoa, trong đó có cảng Hải Phòng.
Nhà cầm quyền thuộc địa cử Yersin đến Hồng Kông để nghiên cứu bệnh dịch. Ngày 15.6.1894, Yersin đặt chân đến Hồng Kông, chứng kiến xác người chết vì dịch hạch trên đường phố, giữa những vũng nước, trong các khu vườn, trên ghe thuyền đang cắm neo. Yersin liền ghi lại quan sát ban đầu của mình thấy có rất nhiều chuột chết trên mặt đất.
Với sự trợ giúp của Vigano, một người Ý sống ở Hồng Kông, Yersin làm việc trong một cái lán bằng tre phủ rơm với vài xác chết được lấy từ nhà xác. Nhờ đó Yersin xác định được nguyên nhân của bệnh dịch.
Yersin là người đầu tiên chứng minh rằng trực khuẩn hiện diện ở chuột bệnh và người bệnh là một, nhờ đó ông đã lý giải được phương thức truyền bệnh. Cũng trong năm ấy, khám phá này được cộng tác viên Émile Duclaux gửi đến Viện Hàn lâm Khoa học Pháp trong bài báo nhan đề La Peste Bubonique de Hong-Kong (Bệnh dịch hạch ở Hồng Kông).
Năm 1895 ông trở lại Viện Pasteur ở Paris và cùng với Émile Roux, Albert Calmette và Armand Borrel đã điều chế ra huyết thanh chống bệnh dịch hạch đầu tiên.
Năm 1896, ông lập một phòng thí nghiệm nhỏ tại Nha Trang (Khánh Hòa) để sản xuất huyết thanh (năm 1905 viện này trở thành một chi nhánh của Viện Pasteur).
Cũng trong năm 1896, bác sĩ Yersin đến Quảng Châu (Trung Quốc), được phép tiêm huyết thanh được điều chế tại Nha Trang cho một chủng sinh đang mắc bệnh tại đây, và mau chóng thu được kết quả. Ông trở thành người thầy thuốc đầu tiên cứu sống một bệnh nhân dịch hạch. Bác sĩ Yersin trở thành ân nhân của nhân loại khi ngăn chặn được bệnh dịch hạch thời đó.
Hôm nay, trước cơn đại dịch Covid-19, các nhà khoa học trên thế giới, trong đó có Việt Nam cũng đang nỗ lực sớm tìm ra vắc xin để chữa trị và ngăn ngừa dịch bệnh đang bùng phát mạnh mẽ.