Nhiều nông dân Lâm Đồng ứng dụng công nghệ cao sản xuất dâu tây
(PLO)- Sở NN & PTNT Lâm Đồng đã hướng dẫn cho nông dân trồng dâu tây lựa chọn và sử dụng các nhóm thuốc bảo vệ thực vật đã đăng ký trong danh mục được phép để phòng trừ sâu bệnh.
Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, hiện tại địa phương này có 211 ha trồng dâu tây.
Trong đó riêng TP Đà Lạt có diện tích trồng là 160,9 ha, huyện Lạc Dương có 50 ha. Trong số đó, diện tích canh tác dâu tây công nghệ cao trong nhà có mái che là 39,7 ha, số còn lại nông dân canh tác dâu tây ngoài trời.
Tại Đà Lạt, mùa thu hoạch dâu tây rơi vào khoảng từ tháng 12 đến tháng 4 hàng năm. Đây cũng được coi là mùa du lịch, thu hút nhiều du khách tham quan vườn dâu và thưởng thức món đặc sản này.
Thời gian gần đây, việc ứng dụng công nghệ sinh học trong canh tác dâu tây như trồng nhiều giống mới, cây sạch bệnh, trồng trong nhà có mái che, cung cấp nước, phân bón qua hệ thống tưới nhỏ giọt… đã giúp tăng năng suất dâu tây và cây trồng được quanh năm.
Tuy nhiên tại Lâm Đồng việc trồng dâu tây xuất hiện nhiều loại sâu bệnh như mốc xám, thối trái, thán thư, xì mủ, phấn trắng, đốm đỏ… Trong đó, đối tượng gây hại phổ biến trong mùa khô là bọ trĩ, nhện đỏ. Còn lại các loại bệnh chủ yếu xuất hiện nhiều trong mùa như thối trái, mốc xám, xì mủ lá, đốm đỏ.
Theo một lãnh đạo ngành nông nghiệp Lâm Đồng, tùy theo mức độ gây hại của sâu bệnh và diễn biến thời tiết, nông dân trồng dâu tây có thể sử dụng thuốc bảo vệ thực vật từ 7 -10 ngày/lần hoặc 3 – 4 ngày/lần nếu thời tiết bất lợi nắng nóng hoặc mưa liên tục kéo dài, sâu bệnh hại phát triển mạnh.
Để kiểm soát được dịch hại, đồng thời đảm bảo sản phẩm dâu tây thu hoạch an toàn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã hướng dẫn cho nông dân trồng dâu tây lựa chọn và sử dụng các nhóm thuốc bảo vệ thực vật đã đăng ký trong danh mục được phép để phòng trừ sâu bệnh hại dâu tây.
Đây là các loại thuốc đã được cơ quan chuyên môn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng khảo nghiệm, hướng dẫn như Spinetoram, Petroleum Spray oil; Matrine, Bacillus subtilis…
Trao đổi với PLO, ông Đặng Quang Hùng, một nông dân trồng dâu tây ở phường 8, TP Đà Lạt cho biết vườn của ông cũng như hầu hết vườn dâu của nông dân TP Đà Lạt chỉ sử dụng các chế phẩm sinh học trong việc bảo vệ cây dâu tây chứ không dùng các loại phân thuốc hóa học.
Ở Đà Lạt, hiện đã có một số vườn người trồng dâu tây theo tiêu chuẩn GLOBAL GAP. Trong khi đó, một số đơn vị đã bắt đầu nghiên cứu để ứng dụng tiêu chuẩn OCCOP thay cho tiêu chuẩn VietGap. Điều này sẽ đem đến sự tin tưởng cũng như độ an toàn, chất lượng cho sản phẩm hữu cơ của mình.
Số liệu PLO nắm được, đến tháng 9 – 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã lấy 50 mẫu dâu tây để phân tích định lượng đối với các hoạt chất Abmaectin, Metalaxyl, Carbamat và Lân hữu cơ. Kết quả không phát hiện hoặc có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong giới hạn an toàn.
VÕ TÙNG