“Nhặt sạn” sách Khoa học Tự nhiên lớp 6 dễ gây hiểu lầm cho hàng triệu học sinh
PGS.TS Phan Văn Khôi từng là giảng viên Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Nghiên cứu viên chính Viện Cơ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Nghiên cứu viên cao cấp Cục Đăng kiểm Việt Nam. Ông nhận học vị tiến sĩ ở Đức năm 1982 và học hàm phó giáo sư năm 1996.
Mới đây, trao đổi với PV báo Dân Việt, PGS.TS Phan Văn Khôi cho hay: “Hàng triệu học sinh có thể sẽ phải tiếp thu những kiến thức chưa đúng về Mặt trăng từ cuốn sách giáo khoa Khoa học Tự nhiên 6, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, Nhà xuất bản Giáo dục, năm 2021”.
PGS Khôi lý giải, như đã biết, khi quay quanh Trái đất, Mặt trăng có một phía luôn hướng về Trái đất, phía đó gọi là mặt nhìn thấy hay mặt gần. Phía bên kia, đứng từ Trái đất ta không nhìn thấy được, gọi là mặt không nhìn thấy hay mặt xa. Cả hai phía (hai bán cầu của Mặt trăng) đều được Mặt trời chiếu sáng luân phiên.
Tuy nhiên, mở đầu Bài 53 – Mặt trăng, trang 183, viết: “Mặt trăng có dạng hình cầu nên lúc nào cũng chỉ có một nửa Mặt trăng được Mặt trời chiếu sáng, nửa còn lại nằm trong bóng tối ta không nhìn thấy được”. Câu này dẫn đến hiểu nhầm rằng, Mặt trăng có hai bán cầu, một nửa lúc nào cũng được chiếu sáng, còn một nửa thì lúc nào cũng tối, và ta không nhìn thấy được nửa tối đó.
Sách Khoa học Tự nhiên lớp 6. Ảnh: NVCC
Câu trên còn cho rằng, vì là hình cầu nên Mặt trăng lúc nào cũng chỉ có một nửa được chiếu sáng. Vậy thì, các hành tinh khác cũng hình cầu, trong đó có Trái đất ta đang sống, lúc nào cũng chỉ được Mặt trời chiếu sáng một nửa hay sao?”.
“Từ xa xưa, khi chưa có những thiết bị bay quan sát không gian, người ta chưa bao giờ nhìn thấy mặt xa, nên gọi nó là dark side (mặt tối). Giờ đây, không có nghĩa là mặt đó nằm trong bóng tối do không được Mặt trời chiếu sáng, như viết trong sách. Trong tiếng Việt nên tránh dùng từ “mặt tối” dễ gây hiểu lầm”, PGS Phan Văn Khôi khẳng định.
Ngoài ra, những câu trên có liên hệ đến một mô hình sau đó. Ở trang 186, cuốn sách hướng dẫn học sinh làm mô hình quan sát các pha của Mặt trăng. Đó là một hộp kín bằng bìa cứng. Trên thành hộp có khoét một lỗ để chiếu đèn pin vào (làm Mặt trời). Trong hộp có treo một quả bóng cố định (làm Mặt trăng). Xung quanh hộp đục thủng một số lỗ nhỏ để ghé mắt nhìn (làm người quan sát trên Trái đất).
Theo PGS Phan Văn Khôi, với cách làm này, lúc nào cũng thấy chỉ có một nửa quả bóng được đèn pin chiếu sáng. Và nói chung, vật thể bất cứ hình nào cũng vậy, khi chiếu luồng ánh sáng vào thì chỉ mặt hướng về nguồn sáng được chiếu sáng, nếu vật thể đó không quay. Tiếc rằng, mô hình này diễn tả Mặt trời và Mặt trăng là cố định, còn người quan sát/Trái đất thì chuyển động quay quanh Mặt trăng.
Thực tế, Mặt trăng xoay quanh trục của nó một vòng đồng thời cũng quay được đúng một vòng quanh Trái đất, và cả hệ Trái đất – Mặt trăng quay quanh Mặt trời.
Mô hình quan sát Mặt trăng trong sách. Ảnh: NVCC
“Có thể người soạn sách từ đầu đinh ninh rằng “lúc nào cũng chỉ có một nửa Mặt trăng được Mặt trời chiếu sáng, nửa còn lại nằm trong bóng tối”, nên các từ “nửa tối” và “nửa sáng” còn gặp lại nhiều lần nữa ở các trang sau. Ví dụ, ở trang 184, mục “Em có biết?”, nhằm gợi ý các em mở rộng kiến thức và kết nối với cuộc sống, có những câu “Không Trăng (còn gọi là Trăng non), khi nửa tối của Mặt trăng hướng hoàn toàn về Trái đất, ta không nhìn thấy Trăng. Trăng tròn: khi nửa sáng của Mặt trăng hoàn toàn hướng về Trái đất thì ta nhìn thấy Mặt trăng hình tròn”.
Như thế nghĩa là lúc nửa này, lúc nửa kia của Mặt trăng hướng về Trái đất. Thực ra, như đã nói trên, chỉ có một mặt là mặt nhìn thấy của Mặt trăng luôn hướng về Trái Đất, nên đơn giản phải viết là: “Không Trăng: khi mặt nhìn thấy của Mặt trăng hoàn toàn không được chiếu sáng. Trăng tròn: khi mặt nhìn thấy của Mặt trăng được chiếu sáng hoàn toàn”.
Thực ra, hình dáng Mặt trăng thay đổi dần từ không trăng sang lưỡi liềm, bán nguyệt, trăng tròn giữa tháng, rồi khuyết dần đến lưỡi liềm cuối tháng Âm lịch. Đó chỉ là những phần sáng ta thấy ở trên một mặt nhìn thấy của Mặt trăng mà thôi”, PGS Khôi cho hay.
Bên cạnh đó, một “hạt sạn” khác ở mục “Em có biết?”, nhằm gợi ý các em mở rộng kiến thức và kết nối với cuộc sống, có những câu: “Mặt trăng quay một vòng quanh Trái đất mất 27,32 ngày”. Đây là thời gian Mặt trăng xuất hiện trở lại ở một vị trí cố định trong không gian, khi lấy nền các sao xa làm mốc chuẩn. Chu kì này (gọi là chu kì theo sao) thường chỉ có ý nghĩa với các nhà Thiên văn học.
Theo PGS Khôi, Mặt trăng còn có một chu kì thứ hai (gọi là chu kì giao hội) gần gũi với cuộc sống hơn. Cứ trung bình khoảng 29,5 ngày, khi quan sát từ Trái đất, ta lại thấy Mặt trăng xuất hiện trở lại ở cùng một vị trí trên bầu trời so với vị trí của Mặt trời. Nếu muốn kết nối với thực tế thì nên giới thiệu cho các em chu kì thứ hai này thay cho chu kì thứ nhất. Bởi vì, chu kì 29,5 ngày sẽ giúp các em về sau hiểu vì sao có tháng thiếu (29 ngày) và tháng đủ (30 ngày) xen kẽ nhau trong Âm lịch thường dùng.
Nên điều chỉnh lại để tránh hiểu lầm cho học sinh
Chia sẻ với Dân Việt, thầy Mai Văn Túc, giáo viên Vật Lý, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên đồng tình với những thông tin chưa đúng ở trên và bày tỏ các nhà xuất bản nên sửa ngay để tránh gây hiểu lầm cho học sinh. Theo thầy Túc, cả 3 bộ sách Khoa học Tự nhiên lớp 6 hiện nay đều có lỗi và lỗi lớn nhất là sai kiến thức, phản khoa học, nội dung không gắn kết, chỗ dễ quá, chỗ khó quá.
Anh Đặng Tuấn Duy, Chủ nhiệm CLB Thiên văn Nghiệp dư TP.HCM cho hay, phần định nghĩa từ sách giáo khoa đưa ra chưa tổng quát hết các trường hợp, dẫn tới có thể hiểu sai về bản chất như một số vấn đề PGS. TS Phan Văn Khôi nêu ra. Do đó theo ý kiến của anh Duy, cần giải thích rõ về bản chất các hiện tượng. Cụ thể, Bài 53 – Mặt trăng, trang 183 viết: “Mặt trăng có dạng hình cầu nên lúc nào cũng chỉ có một nửa Mặt Trăng được Mặt Trời chiếu sáng, nửa còn lại nằm trong bóng tối ta không nhìn thấy được”.
Điều chỉnh lại là: “Mặt trăng có dạng hình cầu nên một nửa Mặt trăng phần hướng về Mặt trời sẽ được Mặt trời chiếu sáng, nửa còn lại không được chiếu sáng và do đó ta không quan sát được”.
Và “Không Trăng (còn gọi là Trăng non): khi nửa tối của Mặt trăng hướng hoàn toàn về Trái đất, ta không nhìn thấy Trăng”. “Trăng tròn: khi nửa sáng của Mặt trăng hoàn toàn hướng về Trái đất thì ta nhìn thấy Mặt trăng hình tròn”.
Điều chỉnh lại là: “Không Trăng (còn gọi là Trăng non): khi quan sát từ Trái đất, chúng ta không quan sát được phần bề mặt Mặt trăng đang được chiếu sáng bởi Mặt trời”. “Trăng tròn: khi quan sát từ Trái đất, chúng ta quan sát được toàn bộ phần bề mặt Mặt trăng đang được chiếu sáng bởi Mặt trời”.