Nhập nhèm “rau bẩn – rau sạch” trong siêu thị, vậy rau thế nào là sạch?

Việc phân biệt và chọn được mớ rau sạch là điều không dễ dàng, bởi ngay chính loại rau tự tay mình trồng đôi khi vẫn chưa thực sự sạch.

Rau sạch phải đáp ứng những tiêu chuẩn nào?

Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin rau không an toàn “biến hình” vào hệ thống siêu thị bán lẻ và trang thương mại điện tử, sau đó đóng gói dán mác rau sạch, rau an toàn khiến nhiều người hoang mang, lo lắng. 

Dưới góc nhìn của các chuyên gia, việc nhập nhèm “rau sạch, rau bẩn” không mới và người tiêu dùng, dù ở ngoài chợ hay trong siêu thị, đều rất khó chọn được rau sạch thật sự theo đúng nghĩa. Thậm chí, ngay cả các chuyên gia cũng phải chấp nhận “khuất mắt trông coi” và ăn rau theo niềm tin, cảm tính của chính mình.

TS.BS Từ Ngữ cho rằng, các loại rau được gọi là hữu cơ, thủy canh cũng chưa chắc đã sạch và an toàn. 

TS.BS Từ Ngữ – Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho biết, nếu tham chiếu tiêu chuẩn về rau được gọi là sạch thì Việt Nam rất hiếm, nếu không muốn nói là không có. Theo TS Từ Ngữ, rau sạch là khi được gieo trồng, chăm sóc ở nơi có đất, nước, khí hậu không bị ô nhiễm. Rau phải được trồng và thu hoạch chính vụ và canh tác đúng quy trình. Ngoài ra, rau phải không có vi khuẩn, ký sinh trùng, không dính đất cát khi thu hoạch, không có hóa chất hay chất bảo quản.

“Khi đáp ứng được các tiêu chuẩn trên thì được coi là rau sạch. Tuy nhiên, điểm lại các loại rau đang có mặt trên thị trường thì dường như cả sạp rau ngoài chợ, lẫn rau bán trong siêu thị đều không có loại nào đáp ứng được hết tiêu chuẩn đó”, bác sĩ Từ Ngữ nói.

Theo ông, hiện có một số loại rau như rau hữu cơ, rau thủy canh, thậm chí là rau chúng ta tự gieo trồng, chăm sóc… được cho là sạch nhưng cũng chưa chính xác. “Rau tự trồng thì thường không bị phun hay bón thuốc độc hại nhưng chúng ta cũng không đảm bảo được là nguồn đất, nước có bị nhiễm tạp chất, hóa chất hay không. Rau thủy canh dù được cấp đủ dinh dưỡng để nuôi rau nhưng sau khi thu hoạch lại không đảm bảo dinh dưỡng cho người dùng, không ngon bằng rau trồng truyền thống. Còn rau hữu cơ thực tế qua xét nghiệm vẫn còn chứa hàm lượng các chất như sắt, trong khi nếu đã có chất đó thì không gọi là hữu cơ nữa”, bác sĩ Từ Ngữ phân tích.

Các loại rau cuốn, củ quả nguy cơ tồn dư hóa chất thường ít hơn rau lá. (Ảnh minh họa)

Do vậy, để đảm bảo được an toàn khi ăn rau, bác sĩ Từ Ngữ khuyến cáo tốt nhất nên và chỉ ăn rau theo mùa. Thực tế, những loại rau trái mùa hiện rất nhiều, ví dụ mùa hè cũng có bắp cải, mùa đông cũng có rau đay. Bằng kỹ thuật . người ta có thể trồng được nhưng rau trái mùa chắc chắn sẽ khó chăm sóc, dễ bị sâu bệnh hơn và có có thể phải dùng hóa chất, chất kích tăng trưởng, khi đó thì không được coi là rau sạch nữa.

Chuyên gia cũng khó chọn được rau sạch ngoài chợ, siêu thị

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – chuyên gia Công nghệ thực phẩm cũng cho rằng, bản thân ông có hiểu biết về thực phẩm nhưng bảo đi ra chợ, siêu thị rồi chọn đúng một mớ rau sạch là điều không thể. “Tôi chỉ nhìn được mớ rau đang đặt trên kệ, không biết nó sản xuất ở đâu, quy trình chăm sóc thế nào thì không thể nói đó là mớ rau sạch được. Vì thế việc chọn rau chỉ có thể bằng cảm quan và nên ăn rau theo mùa”, PGS Thịnh bày tỏ.

PGS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, cá nhân ông nếu đi chợ không dám khẳng định sẽ chọn được rau sạch. (Ảnh: Lê Phương) 

Theo ông Thịnh, khó có thể khẳng định loại rau nào tồn dư hóa chất nhiều hơn rau nào vì điều này phụ thuộc vào quy trình chăm sóc – điều mà người tiêu dùng thường không biết, không được nhìn thấy. Theo ông, lựa chọn nhóm rau củ quả, rau cuốn lá thì nguy cơ nhiễm hóa chất sẽ thấp hơn và khi sơ chế đa phần được gọt vỏ nên cũng sẽ hạn chế được phần nào ảnh hưởng nếu ăn vào. Còn muốn biết chính xác 100% rau có sạch hay không, chỉ có cách xét nghiệm rau trước khi sử dụng.

Các chuyên gia cho rằng, với các loại rau lá, để an toàn, ngoài lựa chọn loại đúng mùa thì nên mua những mớ rau ngọn nhỏ, nhìn hơi cứng nhưng ăn lại giòn, ngon. Ngoài ra, rau không chứa hóa chất thường có vệt nhựa loãng khi ngắt cuống. Với các loại rau xanh mướt, đặc biệt là rau trái mùa, thì không nên sử dụng.

Ngoài ra, trước khi nấu cũng nên rửa rau nhiều lần dưới vòi nước sạch, sau đó ngâm với nước sạch để chất tồn dư trong rau, nếu có, sẽ bị rửa trôi hoặc thôi nhiễm ra nước.