Nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn xây “cứ điểm” tại Việt Nam

Hàn Quốc đang đứng thứ 2/97 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 290 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 3,8 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm nay.

Về tiềm năng đầu tư vào Việt Nam, ông Bae Yong Geun, Phó Chủ tịch Phòng Công nghiệp Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam nhận định, Việt Nam là “tâm chấn” của làn sóng Hàn Quốc ở Đông Nam Á, với hơn 9.000 công ty Hàn Quốc đã vào Việt Nam và hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau như sản xuất, năng lượng, văn hóa, giáo dục và du lịch.

Điểm đến của dòng vốn ngoại

Ông Bae Yong Geun khẳng định: Do Việt Nam là một thị trường mới nổi được thế giới quan tâm, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam dự kiến ​​sẽ còn tăng hơn nữa. Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến ​​đạt 8% trong năm nay, và khó có công ty nào ngần ngại khi đầu tư vào một quốc gia đang phát triển nhanh chóng như Việt Nam.

Là một trong những nhà đầu tư nước ngoài có mặt sớm tại Việt Nam từ năm 1997, Deep C hoạt động trong lĩnh vực phát triển tổ hợp khu công nghiệp. Theo Giám đốc Kinh doanh và Tiếp thị Koen Soenens, Deep C sẽ tiếp tục mở rộng thêm các khu công nghiệp mới để đón thêm “đại bàng”, trong khi cũng sẽ bảo đảm các tiêu chuẩn bền vững.

Ông Soenens đánh giá, với lợi thế ổn định chính trị và kinh tế trong bối cảnh quốc tế phức tạp, cùng nguồn lao động trẻ dồi dào, có nhiều hiệp định thương mại tự do ký kết với nhiều đối tác, và tốc độ tăng trưởng GDP từ 7-8% mơ ước với nhiều nước, Việt Nam hoàn toàn có lợi thế để thu hút thêm dòng vốn đầu tư quốc tế, trong đó có Hàn Quốc.

Tuy vậy, đại diện Deep C khuyến nghị, chính quyền các cấp cần cải thiện thêm một bước về thủ tục hành chính, hạn chế hồ sơ, giấy tờ rườm rà, tốn nhiều thời gian, đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam.

Báo cáo Chỉ số môi trường kinh doanh của Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố cũng cho thấy, 42% lãnh đạo DN dự đoán công ty của họ sẽ tăng dòng vốn FDI vào Việt Nam vào cuối năm 2022. Họ cũng chỉ ra rằng Việt Nam có thể tăng mức vốn FDI này bằng cách giảm bớt khó khăn về hành chính (68%), cải thiện cơ sở hạ tầng (53%), phát triển năng lực nguồn nhân lực (39%), và giảm rào cản thị thực cho các chuyên gia nước ngoài (39%).

Đáng chú ý, chỉ 2% lãnh đạo DN được khảo sát cho biết đã chuyển một phần đáng kể hoạt động của DN từ Trung Quốc sang Việt Nam, cho thấy vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng. Trong trường hợp những trở ngại nói trên được giải quyết, Việt Nam sẽ có vị trí thuận lợi để thu hút thêm nhiều công ty nước ngoài chuyển địa điểm ra khỏi Trung Quốc.

Chủ tịch EuroCham Alain Cany khẳng định: “Tương lai tươi sáng đang ở phía trước. Việt Nam mang lại cơ hội đầu tư lớn cho các DN châu Âu và chúng tôi rất vui mừng về triển vọng của đất nước trong trung và ngắn hạn. Thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU và cam kết chung của chúng tôi về phát triển bền vững, các công ty Việt Nam và châu Âu có rất nhiều tiềm năng tăng trưởng.”

Khảo sát nhanh do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Liên minh Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) thực hiện trong tháng 9/2022 cũng cho thấy những thông tin tích cực về hoạt động sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam: Trên 90% DN đạt hiệu quả kinh doanh và tình hình tài chính ở mức trung bình và cao. Phần lớn DN đều bày tỏ sự lạc quan, tin tưởng đối với Việt Nam và cam kết tiếp tục mở rộng đầu tư, kinh doanh lâu dài; trong đó khoảng 66% DN dự kiến mở rộng đầu tư trong năm 2023. Có 76% DN đánh giá hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh của Chính phủ ở mức trung bình và cao.

Đăng ký 10 đồng, thực hiện 8 đồng

Được biết, hiện Bộ KH&ĐT cũng đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Đây sẽ là công cụ để phân tích, đánh giá chất lượng hoạt động của khu vực đầu tư nước ngoài nhằm có điều chỉnh chính sách phù hợp phục vụ định hướng thu hút đầu tư những dự án có quy mô lớn, thuộc các ngành công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, có sự lan tỏa, giá trị gia tăng cao và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững kinh tế – xã hội của Việt Nam.

Vốn đầu tư FDI thực hiện đạt kỷ lục trong 9 tháng 2022. 
Vốn đầu tư FDI thực hiện đạt kỷ lục trong 9 tháng 2022. 

 

Đáng chú ý, sự dịch chuyển của dòng vốn đầu tư chất lượng cao đang hướng tới Việt Nam. Nổi bật là việc nhiều nhà đầu tư châu Âu nói chung và Đan Mạch đang chọn Việt Nam làm cứ điểm sản xuất. Hiện nay, Đan Mạch là một trong các nhà đầu tư châu Âu lớn nhất tại Việt Nam. Với chuyến thăm Việt Nam của Thái tử Kế vị và Công nương Đan Mạch cùng đoàn 36 DN vào đầu tháng 11 tới, dự kiến nhiều thương vụ đầu tư của Đan Mạch, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng sẽ được ký kết.

Bà Phí Thị Phương Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê), thông tin, trước một số khó khăn của nền kinh tế thế giới, dòng vốn FDI toàn cầu sụt giảm nhưng vốn đầu tư FDI thực hiện tại Việt Nam 9 tháng năm 2022 ước tính đạt 15,43 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 9 tháng trong 5 năm qua.

“Tỷ lệ vốn FDI thực hiện trên vốn đăng ký so sánh trong giai đoạn 2018-2022 cho thấy xu hướng rất tích cực của đầu tư FDI tại Việt Nam: Tỷ lệ vốn thực hiện trên vốn đăng ký 9 tháng năm 2022 đạt 82,3%, là tỷ lệ đạt cao kỷ lục”, bà Nga nhấn mạnh điều này thể hiện niềm tin của nhà đầu tư với môi trường kinh doanh Việt Nam.

Về vốn FDI thực hiện, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê phân tích một cách dễ hiểu có nghĩa rằng nếu năm 2018, khối ngoại đăng ký 10 đồng chỉ thực hiện khoảng 5 đồng, đến 2022, tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện/vốn đăng ký đạt 82%, có nghĩa trong 10 đồng đăng ký, nhà đầu tư đã bỏ 8 đồng vào Việt Nam. Đây là thông tin cho thấy rõ điểm sáng của vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nhiều quốc gia có xu hướng thu hẹp dòng vốn, nhưng vẫn chọn Việt Nam.

Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê cho rằng Việt Nam cũng cần theo dõi dòng vốn FDI dịch chuyển, để có chính sách thu hút hiệu quả hơn. Cơ quan quản lý cần tổ chức đối thoại chính sách với DN FDI để tháo gỡ khó khăn cho DN. Đồng thời, cần vận động xúc tiến đầu tư, khẳng định Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn.

Bên cạnh đó, về hạ tầng, Việt Nam cần đẩy mạnh xây dựng, kết nối giao thông thuận lợi của các vùng miền. Phát huy năng lực DN trong nước, nâng cao chất lượng, kỹ năng quản lý để thành mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu.