Nguyên tắc phối kết cây cho tiểu cảnh sân vườn • Sài Gòn Hoa 2023
Nguyên tắc phối kết cây xanh cho tiểu cảnh sân vườn
Cảnh quan cây xanh cũng cần được tuân theo những nguyên tắc nhất định, để cây xanh khi được đưa vào trồng trong thiết kế sẽ phát huy được đúng giá trị vốn có. Vậy khi thiết kế, phối kết cây xanh cho tiểu cảnh sân vườn cần đảm bảo những nguyên tắc nào, hôm nay cùng Sài Gòn Hoa tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé!
1. Nguyên tắc công năng
Cây xanh có nhiều công năng khác nhau và cây xanh khi được bố trí trong tiểu cảnh sân vườn càng phát huy tốt hơn những công năng vốn có của chúng.
Cụ thể là cho bóng mát, làm đẹp cảnh quan, tạo điểm nhấn, cung cấp thực phẩm (cây ăn trái, rau xanh,…), tính dẫn hướng (2 hàng cây dọc theo lối đi), cây phong thủy để hút tài lộc, mang lại sinh khí,…
Khi phối kết bố trí cây xanh cần lưu ý đến ý đồ bố trí cây theo công năng, ví dụ đối với góc vườn cần bố trí bộ bàn ghế ngồi phục vụ nghỉ ngơi, thì cần lưu ý bố trí cây cho bóng mát.
Đối với khoảng không gian trước nhà, cần thông thoáng nên tránh phối các cây cao; mà thay vào đó, có thể bố trí các mảng, khóm hoa với màu sắc sinh động. Ngoài ra, để tạo điểm nhấn, hút ánh nhìn, có thể kết hợp trồng các loại cau, phát tài, các loại cây mang ý nghĩa phong thủy tốt.
2. Nguyên tắc sinh thái
Mỗi một loài cây sẽ có những đặc điểm sinh thái khác nhau, chúng yêu cầu về ánh sáng, độ ẩm, đất, nước, dinh dưỡng khác nhau. Có loài ưa sáng, có loài ưa bóng, có loài ưa ẩm, có loài chịu hạn, có loài ưa đất chua, có loài ưa đất kiềm.
Thế nên khi thi công phối kết cây cảnh quan, điều quan trọng là phải nắm được đặc điểm sinh thái, quy luật sinh trưởng của từng loài, nếu không sẽ không thể tạo nên một tiểu quần thể cây sinh trưởng phát triển bền vững được.
Ví dụ như cây lan ý, hồng môn ưa bóng thì không thể trồng ngoài nắng gắt.
Cây sứ, tuyết sơn chịu hạn thì không được để đất trong tình trạng ngập úng.
Cây chuối pháo, lộc vừng yêu cầu nước cao nên cần thường xuyên bổ sung độ ẩm cho cây.
3. Nguyên tắc đa dạng loài
Trong thiết kế, phối cây theo hình thức tự nhiên, người ta chú trọng kết hợp nhiều loài cây với nhau; phối hợp cây tầng cao, bụi lớn, cây bụi nhỏ, cây hoa và cuối cùng là cây phủ đất.
Điều lưu ý trong nguyên tắc này là phải tuân thủ theo nguyên tắc đa dạng loài ngoài tự nhiên, nhằm tạo nên tổng thể hài hòa.
Theo quy luật sinh tồn ngoài tự nhiên, quần thể đa dạng loài sẽ giúp các loài cộng sinh với nhau, sẽ hạn chế được sâu bệnh hại. Từ đó tính ổn định của quần thể sẽ cao, do đó hiệu quả cảnh quan cũng sẽ cao hơn.
4. Thống nhất và biến hóa
Khi vận dụng nguyên tắc thống nhất và biến hóa, cây xanh sẽ được chọn để bố trí, phối kết có sự biến hóa nhất định về hình thái, đường nét, màu sắc, chất cảm và tỉ lệ. Nhưng khi xét về tổng thể, giữa chúng vẫn có sự tương quan nhất định, để tạo nên 1 tổng thể thống nhất, hài hòa, đồng bộ, tránh đơn điệu, nhưng cũng tránh việc biến hóa quá nhiều, dễ dẫn đến tổng thể trở nên rối loạn, hỗn tạp.
Ví dụ như thiết kế dải cây xanh đường phố, cây lớn sẽ được bố trí với khoảng cách đều nhau, có thể phối kết với các loài cây thấp tầng khác như: ắc ó cắt tỉa đan xen với chuỗi ngọc, trồng đan xen các loài hoa.
Đó là sự biến hóa, nhưng xét về mặt tổng thể thì chúng tạo nên một thể thống nhất và tương đồng về kích thước, khoảng cách và hình dáng.
5. Tương phản
Trong thiết kế cảnh quan cây xanh, có thể áp dụng thủ pháp tương phản để làm nổi bật chủ đề nhằm tạo ra các điểm nhấn và tập trung sự chú ý về yếu tố tạo cảnh chính.
Đó là sự tương phản mạnh về hình dáng, kích thước, màu sắc, chất cảm, bóng đổ,…Ví dụ như phối kết 2 cây nhỏ cắt tỉa tròn 2 bên sẽ làm nổi bật cây hình tháp cao lớn giữa.
6. Vi biến
Các cây xanh còn được bố trí, phối kết theo nguyên tắc vi biến. Vi biến có nghĩa là tạo ra sự chuyển biến dần từ tầng tán cây cao xuống tầng tán cây thấp; hoặc thay đổi nhẹ về độ lớn giữa các cây trong tổ hợp để đạt được sự nhấn mạnh về chiều sâu không gian.
Nguyên tắc này bắt gặp ở cách phối cây theo cụm, khóm, mảng, các loài cây sẽ được phối kết với nhau, kích thước, chiều cao sẽ có sự chênh lệch, biến đổi nhẹ dần.
7. Cân bằng và ổn định
Cân bằng và ổn định là quy luật tồn tại của mọi sự vật trong tự nhiên. Có thể hiểu đơn giản cân bằng trong bố trí cây xanh cho tiểu cảnh sân vườn là cây bố trí đối xứng 2 bên hoặc giữa các vị trí phối cây, không nhất thiết phải cân xứng hoàn toàn, nhưng có sự đồng đều, cân đối về số lượng cây, kích thước, màu sắc, chất cảm…,
Mục đích của nguyên tắc này nhằm tạo ra một tổng thể hài hòa, ổn định, khi nhìn vào tổng thể ấy không thấy bị rời rạc, mất cân bằng.
8. Nguyên tắc chủ yếu và thứ yếu
Nguyên tắc chủ yếu và thứ yếu hay còn gọi là cảnh chính và phối cảnh trong không gian cảnh quan chủ yếu là do tính công năng xác định. Căn cứ vào vài trò của cây xanh trong tổng thể phối kết có thể phân thành 3 loại: cây chủ đạo, cây phụ trợ và cây làm nền.
Cây cảnh chính sẽ được bố trí ở vị trí thuận lợi cho quan sát nhất, có cảnh quan nổi bật nhất, căn cứ vào đó sẽ bố trí các cây phụ trợ, cây làm nền ở xung quanh, trong đó cây làm nền thường có số lượng nhiều nhất.
Quý khách có nhu cầu về tư vấn và thi công tiểu cảnh sân vườn, có thể liên hệ đến Sài Gòn Hoa để chúng tôi có thể hỗ trợ hoàn thiện không gian nhà mình hơn!
***Liên hệ tư vấn và thi công tiểu cảnh sân vườn
CÔNG TY CỔ PHẦN SÀI GÒN HOA
Địa chỉ: 74/2/1D đường 36,P. Linh Đông, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh.
Địa chỉ vườn Sadec: Đường Vành đai Tây Bắc, Xã Tân Quy Tây, Tp.Sadec, Đồng Tháp
ĐT: (028) 3720 3389 – CSKH: 090 180 5859
Email: [email protected] / [email protected]
Website: https://saigonhoa.com/
Youtube:https://www.youtube.com/user/saigonhoavn
Facebook: Công Ty Cổ Phần Sài Gòn Hoa
Rate this post