Nguồn kiến thức duy nhất là kinh nghiệm
Chào các bạn,
Mình đã nói đến điều này rất nhiều lần với các bạn: Kiến thức chỉ đến từ kinh nghiệm – không từ đọc, nghe hay nhìn – và chúng ta phải thực hành mọi điều mà chúng ta muốn có kiến thức.
Và hôm nay mình có điều này thú vị để chia sẻ với các bạn. Đó là Albert Einstein đã nói như mình nói. Đầu để của bài này “Nguồn kiến thức duy nhất là kinh nghiệm (The only source of knowledge is experience) là câu nói của Einstein. Mình không biết câu này trước đây, chỉ mới hôm nay, ngày đầu năm 2016, khám phá ra Eintein nói thế.
Đây là điều quan trọng cho tất cả chúng ta. Đừng nói hay viết điều gì chỉ bằng cách trích lời của người khác và lập lại. Mọi điều chúng ta nói, chúng ta đều đã phải có kinh nghiệm do thực hành. Thường thì chỉ nghe một người nói, các bạn có thể nhận ra người đó có kinh nghiệm hay chỉ lập lại lời người khác. Người có kinh nghiệm luôn nói về một vấn đề và giải pháp cho vấn đề rất rõ ràng và cụ thể. Người không có kinh nghiệm luôn luôn lập lại các cụm từ trừu tượng và tổng quát của người khác.
Có lẽ chúng ta đều đã có kinh nghiệm đọc nhiều bài viết rất tổng quát và trừu tượng, nhan nhản trên báo chí của chúng ta, không chỉ là trên các blogs. Hơn thế nữa, rất nhiều luận án thạc sĩ, và một số luận án tiến sĩ, nằm trong dạng rỗng này. Đây cũng là vấn đề lớn trong giáo dục đại học. Và cũng là điểm yếu cho cái hồ tri thức tổng hợp của chúng ta.
Hãy ngưng nói, đừng nói gì, cho đến khi bạn thực sự biết được điều gì đó qua thực hành một thời gian. Yêu nước, yêu người, dân chủ, bình đẳng, vô chấp, tĩnh lặng, vô ngã, nhẫn nhục, Thiền, cầu nguyện… Tất cả những điều này đều đòi hỏi thực hành. Nếu bạn chưa thực hành thì chưa biết, và không nên nói gì cả.
Một dân tộc chú trọng vào thực hành và trải nghiệm là một dân tộc nhiều sáng tạo, vì khi thực hành chúng ta luôn luôn khám phá ra nhiều cách thực hành mới cho một cách cũ ta đang thực hành. Đặc biệt là trong đời sống tâm linh thì chúng ta sẽ có nhiều trái tim sâu sắc. Trong đời sống tâm linh, thiếu thực hành và suy tư sâu sắc, thì người ta chỉ có thể nói như vẹt mà chẳng hiểu gì. Rất tiếc là quá nhiều thầy trong các tôn giáo ngày nay là vẹt như thế. Cho nên người ta không thể phân biệt được tác phong của người có một tôn giáo và tác phong người chẳng có tôn giáo nào.
Các bạn, khi bạn nói bạn là Phật tử, thì người khác phải thấy thấp thoáng bóng Phật qua bạn. Khi bạn nói bạn là người Kitô giáo, người ta phải thấy thấp thoáng bóng Chúa Giêsu qua bạn. Bạn không cần là Phật, là Chúa, nhưng bạn ít nhất phải có gì đó để người khác nói: “Anh này mà theo Phật, theo Chúa là phải rồi.”
Chúa và Phật có những cách sống khác với cách sống tham sân si, giành giật, kiêu căng… của đời sống bình thường. Đó là đời sống đến mức vô ngã, không còn tôi nữa, và yêu mọi người vô điều kiện, dù họ là ai và làm gì.
Tóm lại là chúng ta cần tập trung vào thực hành. Đừng nói gì (trừ khi hỏi điều mình không hiểu) nếu mình chưa thực hành. Trong đời sống tâm linh cũng như đời sống khoa học, xã hội. Đó là cách sống chân thật, để chỉ nói hay giảng những điều mình thực sự biết.
Chúc các bạn luôn thực hành.
Mến,
Hoành
© copyright 2016
Trần Đình Hoành
Permitted for non-commercial use
www.dotchuoinon.com
Share this:
Thêm
Thích bài này:
Thích
Đang tải…