Nguồn điện 3 pha là gì, hiểu kiến thức cơ bản và các lưu ý khi sử dụng

Khi nói tới điện 3 pha, hầu hết chúng ta đều biết, ngay cả phụ nữ văn phòng cũng biết, nhưng để hiểu sâu và ứng dụng thực tế như nào thì chỉ có dân kỹ thuật về điện mới hiểu rõ. Trong nội dung này tác giả sẽ phân tích lại nguồn điện 3 pha là như nào và các lưu ý trong cách hiểu cũng như đấu nối nguồn điện vào thiết bị để Độc giả có thêm kiến thức phù hợp.

Có rất nhiều hình ảnh để minh họa nguồn điện 3 pha cho Độc giả hiểu, tuy nhiên tôi lấy hình ảnh kèm với aptomat 3 pha để chúng ta hiểu luôn cách đấu nối nguồn điện. Nguồn điện 3 pha thường có 4 sợi dây, trong đó 1 dây trung tính và 3 dây pha có hiệu điện thế 220v so với dây trung tính. Tất cả đường điện lưới cao thế hiện nay tại nước ta đều là điện 3 pha, như đường điện 500kv được truyền tải từ các nhà máy sản xuất điện như thủy điện, nhiệt điện, điện mặt trời…đi khắp nơi trên toàn quốc. Tới mỗi vùng miền, điện cao thế được chuyển đổi thành điện trung thế và hạ thế. Điện sử dụng trong dân dụng và công nghiệp hiện nay là điện hạ thế 220v với điện 1 pha và 380v với điện 3 pha.

Cơ bản với đường dây điện 3 pha 4 sợi như hình ảnh trên, khi sử dụng đồng hồ đo hiệu điện thế giữa 1 dây pha bất kỳ với 1 dây trung tính thì hiệu điện thế là 220v, còn đo giữa 2 dây pha với nhau thì cho hiệu điện thế là 380V. Như vậy các Bạn đã hiểu rõ thêm nguồn điện 3 pha là như thế nào và điện 1 pha là từ đâu ra.

Khi 1 thiết bị sử dụng điện 1 pha 220V và bạn lo lắng rằng nhà tôi có đường điện 3 pha thì có dùng được không, câu trả lời là hoàn toàn dùng được trên nguồn điện 3 pha đó bởi chỉ cần tách 1 pha ra là dùng cho các thiết bị 1 pha. Còn với các thiết bị công suất lớn thì mới phải sử dụng cả 3 pha đó, thông thường, với tổng công suất thiết bị mà bên điện lực cấp cho mỗi hộ dân khoảng 5-7kwh, do đó nếu nhà Bạn có tổng công suất thiết bị lớn hơn mà dùng đồng thời thì sẽ làm ngắt aptomat tổng hoặc làm cháy đường dây nếu dây điện không phù hợp.

Khả năng chịu tải của 1 đường dây sẽ do kích thước đường kính lõi từng dây quyết định, thường là chúng ta nói tới dây đồng loại tốt, kích thước dây càng lớn thì chịu tải càng tốt và sinh nhiệt càng ít. Dây điện 3 pha cho cả 1 xưởng sản xuất hàng trăm kwh cũng phải lớn hơn nhiều so với dây chịu tải vài chục kwh, dây càng lớn thì sự cản trở dòng điện càng thấp, hoạt đồng càng tốt, càng mát dây, tuy nhiên bên Điện lực sẽ hạn chế công suất cấp cho từng mục đích sử dụng, do vậy dây điện cũng phải phù hợp.

Với nguồn điện 3 pha sẵn có thì Bạn có thể dùng các thiết bị 1 pha và 3 pha, không cần lo lắng việc thiết bị điện 1 pha dùng nguồn 3 pha có được không. Tuy nhiên, nếu Bạn có nhiều thiết bị 1 pha thì phải chia các thiết bị ra từng pha để cho cân tải ở từng dây pha, không nên tập trung vào 1 đường dây, còn về giá điện thì vẫn không thay đổi bởi sẽ tính chung với giá điện 3 pha.

Nếu Bạn chưa rõ cách tính số kw điện 3 pha khi chỉ sử dụng 1 pha hoặc cả 3 pha là như thế nào, có khác gì không thì tác giả sẽ giải thích cơ bản như sau: chúng ta thường thấy trong công tơ điện có 1 đĩa quay, khi dùng điện thì công tơ quay và mỗi số kw điện sẽ được tính bởi một số nhất định của số vòng quay của đĩa đó. Sự chuyển động của đĩa quay đó là do từ trường của cuộn dây điện từ tạo ra, do vậy khi công suất tiêu thụ điện càng lớn thì từ trường sinh ra càng lớn và đĩa quay càng nhanh, ngược lại công suất nhỏ thì đĩa quay chậm.

Đối với nguồn điện 3 pha và công tơ điện 3 pha thì trên mỗi pha là 1 cuộn dây điện từ để tạo ra từ trường làm quay đĩa kim loại của công tơ điện. Nếu Bạn chỉ dùng 1 pha thì đĩa kim loại quay do từ trường của pha đó, còn nếu dùng cả 3 dây pha thì đĩa kim loại sẽ quay với lực đẩy do từ trường của cả 3 cuộn dây điện từ. Do vậy dù bạn dùng thiết bị 1 pha hay 3 pha thì công tơ điện vẫn đo được số kw điện rất chính xác. Trong nội dung về cách tính số điện 3 pha tác giả sẽ phân tích rõ ràng hơn.