Người Việt tiêu thụ hơn nghìn tấn mì gói mỗi ngày

Năm ngoái, có hơn 1.127 tấn mì gói được tiêu thụ mỗi ngày tại Việt Nam, tăng khoảng 20% so với 5 năm trước đó.

Theo báo cáo của Euromonitor – một trong những hãng nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới, có trụ sở tại Anh – năm ngoái, Việt Nam tiêu thụ khoảng 411.500 tấn mì gói, tăng 9% so với năm 2020 và tăng hơn 20% nếu so với năm 2016. Về giá trị, thị trường mì ăn liền ghi nhận hơn 3.800 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với năm 2020 và tăng gần 18% so với 5 năm trước đó. Như vậy, trung bình mỗi ngày, người Việt dùng hơn 1.127 tấn và chi hơn 84 tỷ đồng cho việc ăn mì gói.

Báo cáo về tiêu thụ mì gói toàn cầu của Euromonitor được thực hiện trên 80 nước và công bố hàng năm. Trước đó, số liệu của Hiệp hội Mì ăn liền thế giới (WINA) cũng cho thấy Việt Nam vượt Hàn Quốc thành thị trường tiêu thụ mì tôm tính trên đầu người cao nhất thế giới. Trung bình, mỗi người dùng 87 gói trong một năm.

Ngoài ra, Euromonitor cũng chỉ ra Acecook và Masan là hai doanh nghiệp đang dẫn đầu thị trường mì gói, chiếm tổng cộng 33%. Tuy nhiên thị phần của doanh nghiệp đến từ Nhật Bản ngày càng giảm, từ nắm gần 24% vào năm 2017, nay lùi về còn hơn 19%. Trong khi đó, doanh nghiệp nội lại gia tăng thị phần từ gần 12% lên gần 14%. Các thương hiệu mì ăn liền khác như Uniben (mì 3 Miền), Asia Foods (mì Gấu Đỏ), Saigon Vewong (mì A-One), Safoco, Colusa Miliket, Thiên Hương Food, Vifon… lần lượt xếp sau với thị phần thấp hơn hẳn hai “ông lớn” kể trên.

Xét theo từng thương hiệu mì riêng lẻ, Hảo Hảo của Acecook vẫn là mì ăn liền phổ biến nhất cả nước trong nhiều năm qua. Tuy nhiên thị phần của thương hiệu này cũng liên tục bị thu hẹp, hiện về khoảng 7,7% trong năm ngoái. Theo sau là Kokomi và Omachi của Masan, Vina Acecook, 3 Miền của Uniben… với khoảng cách rất ngắn. Trong nhóm này, Kokomi là thương hiệu mì ăn liền có tốc độ chiếm lĩnh thị trường mạnh nhất.

Theo Euromonitor, danh mục sản phẩm đa dạng của Acecook gồm Hảo Hảo, Handy, Modern và miến Phú Hương, chủ yếu nhắm vào phân khúc giá trung bình. Nhưng công ty liên tục mất thị phần, chủ yếu do sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các đối thủ như Omachi và Kokomi.

Nhóm phân tích cũng cho rằng, cao cấp hóa cũng ngày càng trở thành xu hướng rõ ràng trong mì ăn liền. Omachi đã nâng cấp mì gói của mình với nhiều dòng cao cấp hơn như mì khoai tây với tôm chua cay đựng trong ly, mì khoai tây hầm bò với thịt thật. Cung Đình – nhà sản xuất các sản phẩm cao cấp như mì gà Cung Đình dưới dạng ly, gói và túi, cũng đã nâng cấp cả hương vị của sản phẩm và làm mới bao bì để mang lại vẻ ngoài cao cấp hơn.

Người dân mua mì ăn liền để dự trữ trong mùa dịch năm ngoái. Ảnh: Nguyễn Đông

Người dân mua mì ăn liền để dữ trự trong mùa dịch năm ngoái. Ảnh: Nguyễn Đông

Diễn biến trên cũng tương ứng với kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp mì gói. Acecook luôn giữ vị trí quán quân nhiều năm qua. Nhà sản xuất này lần đầu cán mốc doanh thu 10.000 tỷ đồng năm 2019 và tăng 15% hai năm sau đó, đạt hơn 12.200 tỷ đồng vào năm 2021. Dù vậy, nếu so sánh tốc độ tăng 20% trong giai đoạn 2017-2019, con số tăng trưởng của Acecook đã có phần thu hẹp. Kết quả này đến từ sự bám đuổi của những nhà sản xuất mới và những đối thủ ngay phía sau, như Masan hay nhóm Asia Food.

Trong đó, Masan không công bố số liệu chi tiết về từng nhóm sản phẩm nhưng báo cáo thường niên năm 2021 cho biết, doanh nghiệp này có 5 thương hiệu đạt doanh thu trên 2.000 tỷ đồng, trong đó có 2 thương hiệu là mì ăn liền. Với Asia Foods, tổng quy mô doanh thu của nhóm này đạt trên 5.000 tỷ đồng mỗi năm trong giai đoạn 2017-2021. Tương tự, Uniben giữ tốc độ tăng trưởng liên tục trong 5 năm gần đây. Năm 2021, doanh thu của nhà sản xuất này đạt hơn 3.400 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với năm 2020.

Dẫu mì ăn liền là miếng bánh hấp dẫn, báo cáo của Euromonitor vẫn chỉ ra mặt kém khả quan. Sản lượng mì tăng qua từng năm nhưng cơ cấu của nhóm này trong tổng sản lượng gạo, mì, nui, miến… lại ngày càng giảm. Từ mức chiếm hơn một phần ba, mì gói lùi về hơn 26% trong năm ngoái. Trong khi đó, người Việt ngày càng ăn nhiều gạo hơn – vốn chiếm gần hai phần ba tổng sản lượng lương thực thực phẩm, cơ cấu gạo nay tăng lên 72% trong năm ngoái.

Tất Đạt