Người thổi hồn cho đồ ăn tí hon bằng đất sét
Như Quỳnh hiện đang kinh doanh ở lĩnh vực thời trang, tuy nhiên cô đã “phải lòng” bộ môn “miniature food” này từ cách đây 10 năm, trong một lần tình cờ được thấy một bài báo đưa tin về chiếc kẹo mút mini được làm từ đất sét.
“Tự nhiên, xem xong mình được thổi nguồn cảm hứng mạnh mẽ và mình bắt đầu tìm hiểu về bộ môn nghệ thuật thủ công này”, Quỳnh chia sẻ.
Thổi hồn vào từng tác phẩm
Quyết định theo đuổi sở thích làm mô hình đồ ăn tí hon, Quỳnh gặp nhiều khó khăn vì “miniature food” ở Việt Nam lúc bấy giờ còn khá mới lạ, ít được phổ biến rộng rãi. Việc tìm nguyên liệu là một trong những khó khăn bước đầu mà Quỳnh cảm nhận được.
“Ở mảng này, để tìm được đủ nguyên liệu khá là vất vả. Mình phải đặt mua ở những trang mạng nước ngoài hoặc nhờ những bạn đặt về giúp với giá cao, mỗi lần chờ đồ về cũng mất một đến hai tuần mới có thể bắt đầu”, Quỳnh nói.
Những sản phẩm rau, củ, quả bằng đất sét do Quỳnh tạo ra.
Quỳnh bắt tay vào tự mày mò, tìm hiểu trên YouTube. Cô xem cách dùng, chọn các nguyên liệu sao cho phù hợp, các bước cơ bản để tạo ra một sản phẩm.
Cô cũng dành nhiều thời gian tham khảo, nghiên cứu những hình ảnh đồ ăn trên mạng và ngoài thực tiễn để có thể hoàn thiện những tác phẩm ban đầu sao cho chân thực nhất.
“Để tạo ra một tác phẩm tí hon đòi hỏi kỹ thuật tỉ mỉ, trải qua nhiều bước. Mình luôn trăn trở để thành phẩm đạt được độ chính xác cao so với hình ảnh ngoài đời thực”, Quỳnh tâm sự.
Quầy đồ ăn đất sét tí hon do Quỳnh sáng tạo ra.
Quỳnh cho biết, để tạo ra sản phẩm rau quả tí hon đất sét thì trải qua bốn bước. Bước đầu là bước pha màu cho sản phẩm, màu pha dùng cho đất sét khá đa dạng nhưng thường Quỳnh thường dùng màu Winsor and Newton, màu nước Tamiya gốc màu này cho ra màu khá thực, và không bị bay màu theo thời gian.
Bước hai là bước tạo hình, bước này là bước quyết định độ chân thực của sản phẩm nên cô sử dụng khá nhiều dụng cụ khác nhau, có nhiều chất liệu của dụng cụ để lựa chọn từ gỗ, kim loại và silicone, mỗi sản phẩm tương thích với một số loại công cụ khác nhau.
Quỳnh cũng cho hay cô đầu tư khá kỹ nên tốn nhiều nhất thời gian vào khâu này vì cô muốn một sản phẩm hoàn thiện từ chi tiết nhỏ nhất.
Bước tiếp theo là bước dặm màu, bước này Quỳnh có thể dùng những màu đã nêu trên hoặc màu phấn nếu cần, nhằm đảm bảo sản phẩm được rõ độ đậm nhạt hay rõ nét. Và cuối cùng là một lớp phủ để bảo vệ sản phẩm.
Sạp rau củ mini nhận được nhiều lời khen từ cộng đồng mạng.
“Trung bình mỗi mô hình mình làm trong vòng bốn, năm tiếng, có sản phẩm mất vài ngày để có thể hoàn thiện. Mình chủ yếu làm về mô hình đồ ăn vì mình có đam mê và cảm hứng đặc biệt về loại mô hình này, cũng có khi mình làm búp bê người và búp bê em bé nữa nhưng chủ yếu vẫn thiên về đồ ăn nhiều hơn”, Quỳnh chia sẻ.
Theo Quỳnh, công đoạn khó nhất là công đoạn tạo hình, đây là bước khá kỳ công, quyết định độ thực của sản phẩm, công đoạn này có lúc hết cả ngày trời với sản phẩm khó.
Búp bê đất sét hoặc những set đồ ăn cầu kỳ chính là một trong số sản phẩm mà cô cảm thấy khó và có thời gian thực hiện lâu nhất.
“Búp bê đất sét khó ở cái hồn của sản phẩm, mình phải tham khảo hình ảnh khá nhiều để lấy cảm hứng, từ nét mặt đến động tác của nhân vật, mình đặt nhiều tâm huyết để sản phẩm thật có hồn, sống động y như thật”, Quỳnh nói.
Để cho ra một sản phẩm Quỳnh đã bỏ ra nhiều tiếng đồng hồ chăm chút từ khâu nhỏ nhất.
Sản phẩm nhỏ mang tình yêu lớn
Các sản phẩm của Quỳnh được cô chia sẻ lên mạng xã hội và nhận được hàng chục, hàng trăm ngàn lượt yêu thích, chia sẻ, bình luận. Hầu hết mọi người đều tỏ ra thích thú, trầm trồ vì sự sinh động của sản phẩm và độ khéo tay của tác giả, giúp cô có động lực để tạo ra nhiều sản phẩm hơn.
Những món “đồ ăn” tí hon được Quỳnh tạo ra hầu như dùng với mục đích trưng bày, số ít bán cho một vài bạn có nhu cầu sưu tầm, hoặc dùng làm quà tặng bạn bè trong và ngoài nước.
Một cửa hàng thực phẩm bằng đất sét do Quỳnh tạo ra.
Chia sẻ về dự định thương mại hóa những món “đồ ăn” mini này, Quỳnh cho hay: “Mình có nhiều lời mời hợp tác chung dự án triển lãm, kinh doanh, nhưng mình chưa nhận lời vì chưa sắp xếp được thời gian cũng như cho rằng làm cái này mà kinh doanh nhiều quá sẽ bị mất cảm hứng, sản phẩm sẽ không giữ được cái hồn vốn có”.
Ước tính, Quỳnh đã làm được hơn 1.000 sản phẩm từ lớn đến nhỏ, hơn mười chiếc mô hình nhà búp bê, còn chủ yếu là đồ ăn. Cô cũng mong muốn được thử thách bản thân nhiều hơn bằng việc thực hiện những mô hình khó hơn.
Quỳnh chia sẻ: “Chơi “miniature food” sẽ có lúc bạn cảm thấy bị nản đó vì có nhiều lý do, có thể bạn chưa tìm thấy nguồn cảm hứng hoặc khi bạn chưa chinh phục được mình, nhưng cố gắng đừng nản lòng.
Hãy cố tạo ra cảm hứng cho mình bằng cách xem thật nhiều tác phẩm đẹp, điều này vô cùng có ý nghĩa”.
“Miniature food” là mô hình đồ ăn thu nhỏ có nguồn gốc từ Uichi, (Nhật Bản) xuất hiện năm 1917.
Mô hình này có hai dạng là không ăn được (làm từ đất sét dẻo, polyme,…) và dạng ăn được (làm từ thành phần giống như món ăn ban đầu, kẹo hoặc chất thay thế khác…).
Ban đầu, chúng được tạo ra nhằm mục đích trưng bày trong nhà hàng. Hiện nay, “miniature food” du nhập vào Việt Nam nhiều hơn.
Những tác phẩm nhỏ bé này dùng để trang trí hộ gia đình hoặc trang trí nơi làm việc. Một số sản phẩm làm quà tặng hoặc để sưu tập, trưng bày đồ trang sức, thủ công mỹ nghệ và đồ chơi…