Người giữ lửa nghề rèn ở bản Nhất Bó Lạnh
“Giữa trăm nghề, chọn nghề thợ rèn
Ngồi xuống nhọ lưng, quệt ngang nhọ mũi
Suốt tám giờ chân than, mặt bụi
Hai vai trần bóng nhẫy mồ hôi”…
Trích thơ: “Thợ rèn” – Khánh Nguyên
Nghề rèn vất vả là thế, nhưng hơn 30 năm qua, lò rèn của gia đình ông Cà Văn An, bản Nhất Bó Lạnh, xã Chiềng Sung (Mai Sơn) vẫn luôn “đỏ lửa”, cho ra đời những sản phẩm thủ công chất lượng, được khách hàng ưa chuộng, tìm mua.
Thép để rèn dao được cắt ra từ nhíp ô tô cũ.
Hơn 7 giờ sáng, lò rèn nhà ông An đã đỏ lửa. Trong gian nhà hơn 10 mét vuông bày đủ các loại máy để rèn dao và nông cụ. Tiếng quạt thổi lò vù vù, tiếng cắt thép, mài dao lẫn với tiếng đập búa tạo nên không khí lao động hối hả. Nghỉ tay, pha nước mời khách, ông An kể lại cơ duyên gắn bó với nghề, ông bảo: Ngày trước, gia đình làm nông, lại đông con nên kinh tế khó khăn. Nghĩ phải có nghề trong tay để nuôi vợ con, nên tôi đã theo học việc ở lò rèn ngoài trung tâm huyện Mai Sơn. Được chủ lò rèn chỉ bảo, hướng dẫn tận tình, dần dần tay nghề của tôi khá lên. Sau 3 năm, tôi đã rèn được những con dao, cái liềm đầu tiên.
Thép được nung nóng ở nhiệt độ cao…
…sau đó dùng búa đánh tạo hình.
Muốn rèn được một con dao tốt, người thợ phải chuẩn bị kỹ mọi công đoạn, từ việc chọn loại sắt, nổi lửa bếp lò, cho đến các khâu cắt sắt, nung, định hình sản phẩm, tôi, mài, tra cán, làm vỏ cho dao… Nhiệt độ cao từ bếp lò tỏa ra cộng với cường độ làm việc khẩn trương, khiến ông An mồ hôi nhễ nhại. Thế mới thấy, để theo nghề rèn không chỉ cần kinh nghiệm, kỹ thuật mà còn phải có cả đam mê. Ông An nói: Vì nghề rèn vất vả, nên tôi có 6 người con, nhưng chỉ duy nhất người con trai đầu là Cà Văn Nó theo nghề của bố.
Sau khi thanh thép nung đủ nhiệt, ông An dùng kẹp sắt khéo léo chuyển ngay ra đe và quai từng nhát búa thật mạnh và dứt khoát. Để ý, thấy đôi mắt ông không rời thanh thép mà ngắm nghía kỹ càng để từng nhát búa giáng xuống không sai điểm. Hết lớp búa này đến lớp búa khác, hoa lửa cứ thế bắn xa xung quanh cho đến khi mảnh thép nên dáng, nên hình…
Anh Cà Văn Nó phụ giúp bố làm cán dao.
Bí quyết để có con dao sắc, nhọn và bền là khi nung xong, dao được đóng ngập vào thân cây chuối để tôi. Đây là giai đoạn quan trọng, đòi hỏi kinh nghiệm dày dặn của người thợ. Nhìn vào màu của thép, người thợ lâu năm sẽ nhận biết được thép non, già hay vừa độ. Thép tôi đúng độ chuẩn sẽ cứng mà không giòn, dẻo dai mà sắc lẹm. Sau khi tôi xong, dao được mài thêm lần nữa để đạt độ sắc, bóng và sáng.
Dao được nung nóng rồi đóng vào thân cây chuối để tôi.
Anh Cà Văn Nó, chia sẻ: Nếu giai đoạn làm ra hình một con dao đòi hỏi sức khỏe, thì giai đoạn hoàn thiện lại đòi hỏi sự khéo léo. Muốn dao vừa sắc, vừa bóng và đạt thẩm mĩ thì phải mài qua đá nhám rồi mới chuyển sang đá mịn. Chuôi dao và vỏ dao cũng phải được đẽo gọt tỉ mẩn từng chút, vỏ dao dễ làm hơn, còn chuôi dao thì phải tìm các khúc gỗ có độ dài phù hợp rồi bào tròn, sau đó, rọc khe và lắp hai mặt gỗ lại bằng những khâu đồng.
Dao được nung nóng phần chuôi…
…sau đó được tra vào cán dao đã chuẩn bị sẵn.
Giữ nghề truyền thống không chỉ cần cái tâm của người thợ mà còn cần sự đổi mới, sáng tạo để phù hợp với xu hướng của người tiêu dùng. Quyết tâm giữ “lửa” lò rèn, ông Cà Văn An đã mạnh dạn đầu tư, trang bị nhiều loại máy, như, máy mài, máy khoan, máy hàn, máy dập, máy cắt, máy phay, máy hơi và máy nén khí để thực hiện các công đoạn trong dây chuyền sản xuất, nhằm giảm sức lao động và rút ngắn thời gian hoàn thiện sản phẩm. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa tất cả các công đoạn đều được máy móc thay thế, bởi, “cái hồn” của sản phẩm vẫn phải phụ thuộc vào kỹ thuật của người thợ rèn lâu năm.
Anh Cà Văn Nó sử dụng máy mài để tăng tốc độ chế tạo.
Dao mài xong đang chờ đánh bóng.
Những con dao hoàn thiện có vỏ được chế tạo tỉ mỉ.
Bình quân mỗi ngày, ông Cà Văn An cùng con trai sản xuất được 4 đến 6 con dao tùy loại, mỗi con có giá từ 150.000-300.000 đồng. Giá thành tuy cao hơn so với các loại dao bán ngoài thị trường nhưng vượt trội về độ sắc bén và bền chắc nên sản phẩm bán ra ngày càng ổn định, tiếng tăm cũng vì thế mà vang xa. Không chỉ người dân trong bản, trong xã đến mua dao về dùng mà cả những khách hàng ở huyện Mường La, Yên Châu cũng tìm đến lò rèn của gia đình ông để đặt làm dao.
Nhiều khách hàng lò rèn nhà ông Cà Văn An đặt làm dao.
Hơn nửa quãng đời gắn bó với nghề rèn, ông An không nhớ mình đã tự tay rèn bao nhiêu con dao, chỉ biết tiếng đập búa, mùi than lửa đã ngấm sâu vào tiềm thức, hun đúc nên niềm đam mê để ông tạo nên những sản phẩm thủ công chất lượng, giúp ông sống được với nghề và góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Lò Thái – Phan Hưng