Người biểu tình Myanmar đánh đổi tương lai vì nền dân chủ | NHK WORLD-JAPAN News
Chính quyền quân sự Myanmar ngày càng áp dụng nhiều biện pháp tàn bạo để đàn áp người phản đối. Hồi tháng 7, chính quyền đã hành quyết 4 người và bắt đầu tăng cường trấn áp ở các khu vực đô thị. Điều này khiến nhiều người trẻ phản kháng bằng vũ khí, trong khi số khác chọn cách chạy trốn khỏi Myanmar. Tuy nhiên, một số người vẫn quyết tâm biểu tình ôn hoà. NHK World đã phỏng vấn một nhà hoạt động 18 tuổi về những khó khăn trong việc theo đuổi chủ nghĩa hoà bình trong khi phải đối mặt với đối thủ không hề nhân nhượng.
Chính quyền quân sự đã hành quyết 4 người, trong đó có các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ.
Nội Dung Chính
“Phản kháng bằng mọi cách có thể”
Những người trẻ ở Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar, nắm lấy mọi cơ hội để biểu tình phản đối chính quyền quân sự bằng các cách như cùng hô to khẩu hiệu trên xe buýt, biểu tình bất ngờ trên đường phố, hay treo băng-rôn trên các cây cầu. Nhiều người trong số này đang học cấp 3 khi cuộc đảo chính xảy ra hồi năm ngoái, nhưng giờ đây họ đã tạm gác lại việc học để đấu tranh phơi bày sự tàn ác của chính quyền quân sự cho toàn thế giới.
Nhà hoạt động 18 tuổi trả lời phỏng vấn với điều kiện giấu tên cho biết: “Không phải tất cả đều có thể cầm vũ khí. Ai cũng có gia đình và phải nghĩ tới người thân và bạn bè. Tôi chọn cách biểu tình ôn hoà, vì tôi muốn phản đối nhưng không thể sử dụng vũ khí. Chúng tôi phản kháng bằng mọi cách có thể”.
“Đằng sau một sự thật là một trăm lời dối trá.” “Chúng ta phải là thế hệ cuối cùng đánh đuổi những kẻ độc tài”.
Các biện pháp tàn bạo của quân đội
Một video đăng trên mạng internet vào ngày 8/8 quay cảnh 4 người biểu tình ở trung tâm Yangon cầm 4 chiếc ô có viết số 8 bằng chữ Miến Điện. Hình thức biểu tình này ám chỉ cả số người bị hành quyết trong tháng 7 và cuộc nổi dậy toàn quốc năm 1988, sự kiện đánh dấu việc Myanmar bắt đầu con đường dân chủ. Video được chia sẻ rộng rãi và thúc đẩy nhiều người trên khắp thế giới cùng biểu tình thể hiện sự đoàn kết.
Tuy nhiên, 2 tuần sau đó, một tài khoản mạng xã hội thuộc phe chính quyền quân sự thông báo rằng 2 trong số 4 người biểu tình trong video đã bị bắt giữ. Ảnh đăng kèm thông báo cho thấy một nam giới với các dấu vết trên người có vẻ như do bị đánh đập.
Phong trào biểu tình cây dù 8888 ở Yangon và toàn thế giới.
Trong một vụ việc khác đầu tháng 9, 15 người đã bị bắt giữ vì định tổ chức biểu tình bất ngờ. Nhà hoạt động 18 tuổi, người cũng tham gia vào cuộc biểu tình này, nói rằng quân đội biết trước về vụ việc.
Ít nhất 15 người trẻ bị bắt giữ ngay trước khi tổ chức biểu tình vào ngày 13/9.
Anh nói: “Khi chúng tôi tìm cách bỏ trốn thì quân đội đã phục kích sẵn và chặn hết đường. Họ có được thông tin rò rỉ từ một người biểu tình nào đó. Quân đội xông tới từ tất cả 4 phía. Chúng tôi bị bao vây”.
Nhà hoạt động này cho biết ngày càng khó tổ chức các cuộc biểu tình vì các nhân viên quân đội hoạt động ngầm ở khắp nơi, đặc biệt là những địa điểm ưa thích của giới trẻ.
Anh nói: “Họ thường xuyên có mặt tại các quán cà phê, và nếu họ mặc thường phục thì chúng tôi không thể biết được”.
Do thám và bắt giữ không phải cách duy nhất để quân đội trấn áp phong trào biểu tình. Gần đây, quân đội thông báo sẽ phát triển nền tảng mạng xã hội riêng nhằm cô lập mạng internet của Myanmar với thế giới.
Quân đội đang phát triển nền tảng mới “MTube” và cấm chia sẻ hoặc ấn “thích” các bài đăng trên Facebook của những người chỉ trích chính quyền.
Kinh tế khó khăn ảnh hưởng tới phong trào biểu tình
Những người biểu tình cũng phải đối mặt với tình hình kinh tế khó khăn. Theo nghiên cứu của Giáo sư Steve Hanke tại Đại học Johns Hopkins, tỷ lệ lạm phát thật của Myanmar nhiều khả năng vượt 100%.
Tính tới ngày 15/9, Myanmar có tỷ lệ lạm phát 103%, một con số khủng khiếp.
Tỷ lệ tự sát đang trên đà tăng và người trẻ đang tìm cách rời Myanmar. Một video gần đây cho thấy hàng trăm người xếp hàng đăng ký tham dự Kỳ thi Năng lực tiếng Nhật để đủ điều kiện làm việc ở nước ngoài.
Thanh thiếu niên xếp hàng đăng ký tham dự Kỳ thi Năng lực tiếng Nhật.
Xem video 00:19
Những người biểu tình ở lại Myanmar đang lẩn trốn hoặc liên tục di chuyển để tránh quân đội. Họ uống nước mưa và nếu may mắn thì phải 3 ngày mới có được 1 bữa ăn tử tế. Bất chấp hoàn cảnh như vậy, họ vẫn quyết tâm theo đuổi một Myanmar dân chủ.
Nhà hoạt động 18 tuổi cho biết: “Tình hình rất khó khăn. Có lúc tôi chỉ muốn chết đi. Mọi người thậm chí còn không được gặp cha mẹ mình. Ngày càng có nhiều thanh thiếu niên mất tích. Tình trạng bạo lực đối với phụ nữ vô cùng tồi tệ. Ở đây không hề có nhân quyền”.
Một số người trẻ ở Myanmar uống nước mưa và vài ngày mới ăn một lần.
Khủng hoảng ngày càng đẫm máu
“Mẹ ơi, giết con đi, đau quá không chịu được nữa”.
Vào ngày 16/9, các cuộc không kích vào một trường học ở Tây Bắc Myanmar đã khiến ít nhất 12 người thiệt mạng, trong đó có trẻ em. Những người biểu tình ở Yangon ngay lập tức đăng lên internet những lời cuối cùng của một nạn nhân: “Mẹ ơi, giết con đi, đau quá không chịu được nữa”.
Tình trạng bạo lực như vậy ngày càng trở nên phổ biến ở Myanmar. Tuy nhiên, nhà hoạt động 18 tuổi chắc chắn anh quyết định đúng khi tham gia phong trào biểu tình: “Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ rơi vào hoàn cảnh khủng khiếp như thế này, trong khi đáng lẽ tôi phải đi học cấp 3. Nhưng tôi không hề hối hận vì đây là con đường tôi chọn”.
Xem video 09:57