Ngỡ ngàng ở Costa Rica!
Việt Nam đã làm được rất nhiều trong lĩnh vực giải quyết hậu quả bom mìn. Nhưng tại sao không tham gia đối thoại với các đối tác cùng quan tâm ở diễn đàn Công ước Bom đạn chùm, nhằm chia sẻ kinh nghiệm và kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế để Việt Nam giảm bớt những khó khăn gây ra bởi tác động bom mìn vật nổ với các cộng đồng dân cư?
Ngồi cùng xe với hơn 50 đại biểu các nước tham gia họp thường niên về Công ước Bom đạn chum, chúng tôi bị tắc đường hơn 45 phút vào trung tâm Thủ đô San Jose của Costa Rica. Ngồi cạnh tôi là anh Phạm Quí Thi, một nông dân 59 tuổi của Quảng Trị. Ai có thể nghi rằng hơn nửa vòng trái đất từ Việt Nam tôi tình cờ ngồi cạnh một người Việt? Có lẽ anh Thi cũng ngạc nhiên khi ngồi cạnh tôi?
Anh Thi kể chuyện về ba người con của anh đều đã tốt nghiệp đại học và có công việc ổn định, về người vợ đợi anh ở nhà, về miếng đất nhỏ hai vợ chồng anh trồng lúa đủ cho gia đình sinh sống một cách khiêm tốn.
Giọng anh hứng khởi, tay phải của anh Thi cũng muốn tham gia vào câu chuyện! Tôi lắng nghe anh, và ánh mắt tôi nhìn theo cánh tay anh lúc lên lúc xuống theo giọng kể chuyện và nụ cười thân mật của anh. Lại một lần ngỡ ngàng nữa! Tôi đã muốn khóc khi nhìn thấy tay phải của anh Thi không có năm ngón tay, như tôi. Ở đó chỉ còn lại nửa khuỷu tay.
Không để ý đến đôi mắt rất buồn lúc này của tôi, anh Thi tiếp tục kể tôi nghe về niềm vui làm tình nguyện hỗ trợ những gia đình nhà nông khác có cùng cảnh ngộ như anh ở Quảng Trị. Sau khi bị tai nạn do bom đạn gây ra, cuộc sống của họ khó khăn cả về kinh tế và tinh thần.
Bốn lăm phút tắc đường trôi đi rất nhanh bởi những câu chuyện đầy sức sống của anh Thi. Thế là chúng tôi đã đến nơi, Nhà Hát Melico Salazar của Thủ đô San Jose. Tôi đã vui trở lại, một niềm vui lặng lẽ, vì biết rằng tại Hội nghị lần thứ Năm của Công ước Bom đạn chùm, anh Thi là đại diện của hàng trăm nghìn người khuyết tật ở Việt Nam, do hậu quả chiến tranh để lại trong những thập kỷ qua.
Đại biểu của 100 quốc gia có mặt tại buổi lễ khai mạc, tràn đầy âm nhạc và thơ ca. Mỗi chúng tôi không khỏi xúc động khi đọc những thông điệp của hội nghị “Hãy để trẻ em có hòa bình, chứ không phải là bom đạn.”
Anh Thi và chị Thảo Nguyễn tại Hội nghị thường niên về Công ước bom đạn tại Costa Rica. Ảnh: tác giả cung cấp
Đến nay đã có 114 quốc gia ký vào Công ước Bom đạn chùm. Được thông qua năm 2008, Công ước cấm sử dụng, sản xuất, vận chuyển, lưu trữ bom đạn chùm, và hỗ trợ các quốc gia bị ảnh hưởng khắc phục hậu quả ô nhiễm bom đạn chùm. Ngay trong ngày đầu tiên của hội nghị, mồng 2 tháng 9, có 30 bài phát biểu của các quốc gia, trong đó 2/3 các tuyên bố đều mạnh mẽ lên án việc sử dụng bom đạn chùm ở Syria, Nam Su-Đăng, và Ukraine. Cùng ngày, Liên minh Bom đạn chùm (CMC) công bố Báo cáo Bom đạn chùm 2014, theo đó ít nhất 264 trường hợp tử vong và 1320 trường hợp gây thương tích do bom đạn chùm ở Syria trong năm 2012 và 2013, và “hàng trăm tai nạn xảy ra trong nửa đầu năm 2014.”
Công ước Bom chùm không chỉ tâp trung vào việc hủy nổ thứ vũ khí chết người này. Công ước chứa đựng tính nhân văn cao, đưa ra những chương trình hỗ trợ nạn nhân, khắc phục những mất mát về cả cơ thể và tinh thần, và hỗ trợ sinh kế. Công ước là những câu chuyện, những cuộc đời như anh Thi, những cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề như ở Quảng Trị quê anh Thi. Hơn bất cứ một quốc gia nào khác, người dân Việt Nam đã và đang hứng chịu hậu quả nặng nề do bom đạn gây ra.
Thời báo New York ngày 27 tháng 8 đăng một bài báo về tình hình sử dụng bom đạn chùm ở Syria. Bài báo có đề cập rằng “Li-Băng, Lào, I-raq là ba trong số 113 quốc gia đã ký Công ước Bom đạn chùm. Syria, Israel, và Việt Nam là ba trong số 51 quốc gia chưa tham gia ký kết Công ước này, trong đó còn có Trung Quốc, Nga và Hoa Kỳ.”
Trong hai ngày qua tại Hội nghị, nhiều đồng nghiệp đã hỏi tôi “Tại sao Chính phủ Việt Nam không tham gia Hội nghị này, ít nhất là quan sát viên?”. Trong số những người quan tâm đến Việt Nam đó có các nhà tài trợ cho chương trình khắc phục bom mìn vật nổ tại Việt Nam, như Na-uy, Ai-len, và Anh Quốc. Cũng như các bạn, tôi cũng ngỡ ngàng. Trong khi đó, vấn đề khắc phục bom mìn luôn là ưu tiên cao của Chính phủ Việt Nam nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình quốc gia khắc phục bom mìn (Chương trình 504) từ 2010 đến 2015.
Một trong những điểm mạnh nhất của Việt Nam là tính tự chủ, chủ yếu dựa vào nội lực của quốc gia để giải quyết hậu quả chiến tranh. Nhưng, đôi khi nếu đặt nhầm chỗ thì điểm mạnh đó có thể trở thành bất lợi cho Việt Nam trong các diễn đàn quốc tế về một vấn đề mà Việt Nam nhận được nhiều sự cảm thông và ủng hộ của các quốc gia tài trợ, và sự tôn trọng mong muốn học hỏi kinh nghiệm của Việt Nam từ các quốc gia còn bị ảnh hưởng nặng nề bởi bom đạn sau chiến tranh.
Trong năm 2013, Việt Nam tuyên bố sẽ gửi đội rà phá bom mìn tham gia Lực lượng Gìn giữ Hòa Bình. Đồng thời, Việt Nam cùng Ấn Độ khởi xướng Nhóm Công tác Chuyên gia Bom mìn Nhân đạo trong lực lượng quân sự thuộc khuôn khổ ASEAN. Cộng đồng quốc tế nhìn nhận Việt Nam là một đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong khu vực và thế giới. Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm khắc phục bom mìn vật nổ, mặc dù ngân sách quốc gia còn nhiều khó khăn. Việt Nam đang triển khai một trong những chương trình khắc phục bom mìn vật nổ lớn nhất trên thế giới, chủ yếu sử dụng ngân sách quốc gia, với sự hỗ trợ hết sức khiêm tốn của các nhà tài trợ quốc tế.
Việt Nam đã làm được rất nhiều trong lĩnh vực giải quyết hậu quả bom mìn. Nhưng tại sao Việt Nam không tham gia đối thoại với các đối tác cùng quan tâm ở diễn đàn Công ước Bom đạn chùm, nhằm chia sẻ kinh nghiệm và kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế để Việt Nam giảm bớt những khó khăn gây ra bởi tác động bom mìn vật nổ với các cộng đồng dân cư? Chính phủ Việt Nam thường trích con số 300 năm để dọn sạch bom mìn ở Việt Nam. Nên chăng tham gia câu chuyện chung của thế giới ở những diễn đàn đa phương sẽ giúp Việt Nam rút ngắn khoảng thời gian 300 năm này?
Thảo Nguyễn Griffiths (Trưởng đại diện Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam) từ Costa Rica