Nghiên cứu hoạt động khởi nghiệp trực tuyến của sinh viên đại học tại Việt Nam
TÓM TẮT:
Bài viết xây dựng mô hình nghiên cứu nhằm khám phá và đo lường các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động khởi nghiệp trực tuyến của sinh viên đại học tại Việt Nam. Sử dụng mô hình cấu trúc tuyến tính bình phương nhỏ nhất từng phần (PLS-SEM) với phần mềm SmartPLS, kết quả phân tích dựa trên 1.198 sinh viên đang sinh sống và học tập tại Việt Nam ở 3 thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hỗ trợ giáo dục, hỗ trợ mối quan hệ, hỗ trợ cấu trúc và kiến thức khởi nghiệp trên Internet có tác động tích cực gián tiếp đến hoạt động khởi nghiệp trực tuyến, bên cạnh đó, thái độ khởi nghiệp trực tuyến được khẳng định có tác động tích cực trực tiếp đến hoạt động khởi nghiệp trực tuyến. Từ đó, tác giả đề xuất các khuyến nghị, chính sách đối với Chính phủ, các cơ quan công quyền và các trường đại học nhằm nâng cao hoạt động khởi nghiệp trực tuyến của sinh viên đại học tại Việt Nam.
Từ khóa: khởi nghiệp trực tuyến, sinh viên đại học, mô hình SOR, Việt Nam.
Nội Dung Chính
1. Đặt vấn đề
Khởi nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của các quốc gia (Youssef và cộng sự, 2021). Các doanh nghiệp khởi nghiệp luôn đi đầu trong việc tiếp cận những ý tưởng mới, áp dụng công nghệ mới, thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới và cung cấp việc làm cho một lượng lớn dân số (Jena, 2020). Đối với nhiều quốc gia, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp trong giới trẻ được coi là một chiến lược phát triển quan trọng, vì nó tích hợp một bộ phận dân số quan trọng vào thị trường lao động, đồng thời khai thác tiềm năng của họ để đóng góp một cách có ý nghĩa vào sự phát triển kinh tế bền vững (Shirokova & cộng sự, 2018). Do đó, chính phủ các nước đã xây dựng các chương trình khởi nghiệp quốc gia nhằm nuôi dưỡng các nhà khởi nghiệp trẻ bằng việc hỗ trợ tài chính, kỹ năng công nghệ để triển khai dự án kinh doanh mới (Jena, 2020).
Giáo dục khởi nghiệp được xem xét là một trong những lực lượng quan trọng và ảnh hưởng lớn nhất, quyết định năng lực cạnh tranh của nền kinh tế của mọi quốc gia (Jena, 2020). Có nhiều cuộc tranh luận và thảo luận liên quan đến thiết kế và cấu trúc các chương trình và khóa học về khởi nghiệp ở Việt Nam. Bỏ qua những tranh cãi về việc liệu tinh thần khởi nghiệp có thể được giảng dạy hay không, phần lớn các trường đào tạo về kinh doanh hàng đầu ở Việt Nam đã và đang cung cấp các chương trình giáo dục khởi nghiệp với các khóa học bắt buộc/tự chọn phù hợp để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp ở Việt Nam. Mục tiêu chính của tất cả các khóa học này là để bồi dưỡng các kỹ năng và kiến thức khởi nghiệp cần thiết cho sinh viên, phát hiện và ươm mầm các dự án khởi nghiệp khả thi của sinh viên để phát triển thành doanh nghiệp.
Sự tham gia của sinh viên vào các hoạt động khởi nghiệp, được định nghĩa là sự kết hợp của thời gian và năng lượng mà sinh viên dành cho các vấn đề liên quan đến khởi nghiệp, dường như sẽ bị ảnh hưởng bởi bối cảnh/môi trường mà sinh viên sinh sống, học tập và làm việc (Shirokova & cộng sự, 2018). Theo Welter (2011), bối cảnh là một trong những yếu tố quan trọng trong việc giải thích hoạt động khởi nghiệp; theo đó, các nhà khởi nghiệp được nhúng vào những địa điểm, cộng đồng và mạng lưới mối quan hệ cụ thể từ đó xác định các nguồn lực và cơ hội (McKeever & cộng sự, 2015).
Từ quan điểm đó, sinh viên đại học hiện nay được tiếp cận vào bối cảnh công nghệ kỹ thuật số như Internet, điện thoại thông minh, các ứng dụng và công nghệ khác. Các công nghệ kỹ thuật số đang đóng một vai trò quan trọng trong chuyển đổi nền kinh tế thế giới, có ảnh hưởng lớn đến hoạt động khởi nghiệp hiện nay, đặc biệt là thay đổi quá trình khởi nghiệp, thông qua việc hỗ trợ thu thập, lưu trữ, phân tích và chia sẻ thông tin dễ dàng, nhanh chóng và hiệu quả (Youssef & cộng sự, 2021). Hơn nữa, công nghệ kỹ thuật số đang mang lại cơ hội mới cho các nhà khởi nghiệp để phát triển kinh doanh, bán sản phẩm và dịch vụ của họ trên toàn thế giới (Elia & cộng sự, 2016). Do đó, chúng tác động mạnh mẽ đến thái độ, niềm tin cá nhân của một nhà khởi nghiệp để thực hiện một hoặc nhiều hoạt động cụ thể trong quá trình khai thác cơ hội kinh doanh mới trên thị trường (Youssef & cộng sự, 2021).
Bằng việc kiểm định mô hình nghiên cứu lý thuyết, nghiên cứu này có một vài đóng góp quan trọng cho lý thuyết hoạt động khởi nghiệp trực tuyến. Thứ nhất, khám phá các thành phần mang tính kích thích đến hoạt động khởi nghiệp trực tuyến, bao gồm các yếu tố hỗ trợ (giáo dục, mối quan hệ, cấu trúc), kiến thức khởi nghiệp trên Internet. Thứ hai, nghiên cứu khám phá mối quan hệ giữa các yếu tố mang tính kích thích với thái độ đối, với tinh thần kinh doanh trên mạng gắn liền với hoạt động khởi nghiệp trực tuyến. Thứ ba, nghiên cứu xác định được vai trò trung gian là thái độ trong mối quan hệ giữa các yếu tố kích thích và kết quả là hoạt động khởi nghiệp. Cuối cùng, nghiên cứu này cũng đưa ra những hàm ý quản trị trong việc gợi ý giải pháp cho các tổ chức liên quan để phát triển các hoạt động khởi nghiệp trực tuyến trong sinh viên ở phạm vi toàn quốc. Đây chính là điều kiện tiên quyết để giúp các nhà hoạch định chính sách, các trường đại học, các doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu đưa ra các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả khởi nghiệp của sinh viên trong bối cảnh phát triển công nghệ hiện nay.
Để giải quyết mục tiêu nghiên cứu trên, các nội dung tiếp theo của bài báo này bao gồm cơ sở lý thuyết và giả thuyết nghiên cứu; phương pháp nghiên cứu; kết quả nghiên cứu; kết luận và đề xuất hàm ý về mặt lý thuyết và quản trị.
2. Phát triển giả thuyết và mô hình nghiên cứu
2.1. Mối quan hệ giữa hỗ trợ giáo dục và thái độ khởi nghiệp trực tuyến
Hỗ trợ giáo dục là sự hỗ trợ kiến thức, kỹ năng, cơ hội khởi nghiệp của nhà trường đối với sinh viên. Hiện nay, hỗ trợ giáo dục đang được thúc đẩy bởi công nghệ thông tin và truyền thông cho phép học sinh phát triển khả năng sáng tạo, tư duy phản biện và các kỹ năng mềm cần thiết để khởi nghiệp (Raposo & Paço, 2011; Sousa & cộng sự, 2019). Nhiều nghiên cứu trong các bối cảnh kinh tế xã hội khác nhau cho thấy rằng hỗ trợ giáo dục là rất quan trọng đối với hoạt động kinh doanh (Turker & Selcuk, 2009). Theo các chương trình giáo dục và đào tạo về khởi nghiệp (EET), việc giúp sinh viên xác định các cơ hội trong quá trình học có thể thay đổi thái độ của cá nhân đối với tinh thần kinh doanh và giảm bớt lo lắng về thất bại (Farashah, 2013). Theo Schwarz & cộng sự (2009), dự định khởi nghiệp kinh doanh của sinh viên xuất phát từ các ý tưởng của sinh viên và được định hướng đúng đắn từ chương trình giáo dục và những người đào tạo. Kết quả nghiên cứu của Youssef & cộng sự (2021) chỉ ra sự hỗ trợ giáo dục có tác động đáng kể đến thái độ cá nhân và kiểm soát hành vi nhận thức, việc thực hiện các chương trình khởi nghiệp trong giáo dục đại học ở các trường sẽ rất cần thiết và có lợi cho sự phát triển kỹ năng kinh doanh của sinh viên. Từ những nghiên cứu và lập luận ở trên, nhóm nghiên cứu đưa ra giả thuyết sau:
H1: Hỗ trợ giáo dục có tác động tích cực đến thái độ khởi nghiệp trực tuyến.
2.2. Mối quan hệ giữa hỗ trợ mối quan hệ và thái độ khởi nghiệp trực tuyến
Hỗ trợ mối quan hệ định nghĩa rằng là sự hỗ trợ cho doanh nghiệp từ gia đình, đồng nghiệp và bạn bè (Youssef & cộng sự, 2021). Sự hỗ trợ của môi trường gần (những người thân cận, đáng tin và có sức ảnh hưởng) khiến mọi người tin rằng họ có nhiều khả năng phù hợp và khả thi hơn cho sự nghiệp kinh doanh (Liñán & Chen, 2009). Nhiều nghiên cứu cho thấy, văn hóa gia đình và các giá trị gia đình cùng các nguồn lực có thể khuyến khích sự tham gia vào các hoạt động kinh doanh và xác suất trở thành doanh nghiệp kinh doanh sẽ tăng lên nếu trong gia đình có một doanh nhân (Colombier & Masclet, 2008; Lindquist & cộng sự, 2015).
Theo Youssef & cộng sự (2021), trong khi hỗ trợ quan hệ đề cập đến thế giới thực, cùng bối cảnh gia đình và bạn bè thì ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thế giới kỹ thuật số ngày nay đang đóng góp vào sự hỗ trợ này. Sự thay đổi hướng tới các nguồn lực đa dạng từ công nghệ đang mở rộng hỗ trợ quan hệ và thúc đẩy tiềm năng kinh doanh của sinh viên. Nghiên cứu của Youssef & cộng sự (2021) cũng cho thấy, hỗ trợ mối quan hệ là yếu tố quan trọng có tác động đáng kể đến thái độ khởi nghiệp trực tuyến. Xuất phát từ những nghiên cứu và lập luận ở trên, nhóm nghiên cứu đưa ra giả thuyết sau:
H2: Hỗ trợ mối quan hệ có tác động tích cực đến thái độ khởi nghiệp trực tuyến.
2.3. Mối quan hệ giữa hỗ trợ cấu trúc và thái độ khởi nghiệp trực tuyến
Hỗ trợ về cấu trúc được định nghĩa là môi trường mà hoạt động kinh doanh diễn ra có ảnh hưởng quan trọng đến ý định trở thành doanh nhân (Youssef & cộng sự, 2021). Môi trường “kinh doanh” là yếu tố quan trọng có tác động đến ý định thành lập doanh nghiệp. Theo đó, những yếu tố của hỗ trợ cấu trúc bị ảnh hưởng bởi các biện pháp can thiệp và chính sách của chính phủ. Ảnh hưởng của sự thay đổi trong môi trường kinh doanh và sự chuyển hóa của nền kinh tế đến tinh thần khởi nghiệp cũng cần được xem xét khi khởi nghiệp (Katz, 2017; Margo, 2017). Thương mại điện tử, Internet và mạng điện tử ngày nay đang nới rộng ranh giới kinh doanh làm cho việc khởi nghiệp trở nên dễ dàng hơn ở nhiều quốc gia và nhiều hỗ trợ cấu trúc hơn được kích hoạt bởi công nghệ kỹ thuật số. Môi trường kinh doanh là một biến số mang tính thích nghi tác động tới dự định khởi nghiệp của cá nhân qua tương tác với thái độ của cá nhân (Shapero & Sokol, 1982). Theo nghiên cứu của Youssef & cộng sự (2021), hỗ trợ cấu trúc được chứng minh là có tác động tích cực đến ý định kinh doanh của sinh viên. Từ những nghiên cứu và lập luận ở trên, nhóm nghiên cứu đưa ra giả thuyết sau:
H3: Hỗ trợ cấu trúc có tác động tích cực đến thái độ khởi nghiệp trực tuyến.
2.4. Mối quan hệ giữa kiến thức khởi nghiệp trên internet và thái độ khởi nghiệp trực tuyến
Thái độ đối với khởi nghiệp đề cập đến mức độ mà cá nhân đó đánh giá tích cực hoặc tiêu cực về việc trở thành một doanh nhân (Autio & cộng sự, 2001). Các cá nhân tại nơi làm việc tham gia vào các tương tác xã hội sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển thái độ của cá nhân đối với tinh thần kinh doanh (Kacperczyk, 2013; Nanda & Sørensen, 2010). Kiến thức khởi nghiệp trên Internet liên quan đến khả năng tiếp thị internet và các kỹ năng thương mại điện tử. Điều này được minh chứng trong nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, các nhà khởi nghiệp trực tuyến sử dụng phương tiện truyền thông xã hội, công nghệ di động hoặc Internet-of-Things để bắt đầu khởi nghiệp trực tuyến (Wing-Fai, 2016; Yu & cộng sự, 2017). Nghiên cứu của Wang & cộng sự (2019) sử dụng kiến thức khởi nghiệp trên Internet để đại diện cho thành tích cá nhân vì kiến thức khởi nghiệp trên Internet có liên quan tích cực đến kinh nghiệm làm chủ cá nhân, là động lực chính dẫn đến thành tích cá nhân. Ngoài ra, theo Youssef & cộng sự (2021), thái độ là một trong những yếu tố quyết định chính đến ý định kinh doanh trực tuyến. Từ những nghiên cứu và lập luận ở trên, nhóm nghiên cứu đưa ra giả thuyết sau:
H4: Kiến thức khởi nghiệp trên internet có tác động tích cực đến thái độ khởi nghiệp trực tuyến.
2.5. Mối quan hệ giữa thái độ khởi nghiệp trực tuyến và hoạt động khởi nghiệp trực tuyến
Hoạt động khởi nghiệp là các sự kiện và hành vi của các cá nhân tham gia vào quá trình khởi động một dự án kinh doanh mới (Gartner & cộng sự, 2004). Khởi nghiệp trực tuyến là một dạng của khởi nghiệp nói chung, trong đó một số hoặc tất cả những chức năng hoạt động trong một công ty truyền thống được số hóa (Nambisan, 2017). Khi một cá nhân có thái độ tích cực về việc trở thành một doanh nhân trong bối cảnh kinh doanh trực tuyến, họ sẽ tích cực tham gia các hoạt động khởi nghiệp trực tuyến. Theo Yurtkoru & cộng sự (2014), thái độ cá nhân là yếu tố quan trọng trong dự báo ý định khởi nghiệp. Nghiên cứu của Youssef & cộng sự (2021) cũng chỉ ra thái độ cá nhân ảnh hưởng tích cực đến hoạt động khởi nghiệp. Từ những nghiên cứu và lập luận ở trên, chúng tôi đưa ra giả thuyết sau:
H5: Thái độ khởi nghiệp trực tuyến có tác động tích cực đến hoạt động khởi nghiệp trực tuyến.
3. Phương pháp nghiên cứu
Các thang đo lường được kế thừa từ các nghiên cứu trước đây. Cụ thể là, thang đo các yếu tố hỗ trợ và thái độ đối với tinh thần kinh doanh trên mạng được kế thừa từ nghiên cứu của Youssef & cộng sự (2021), trong khi đó thang đo về kiến thức khởi nghiệp trên Internet được kế thừa từ nghiên cứu của Wang & cộng sự (2019). Bên cạnh đó, thang đo về hoạt động khởi nghiệp trên không gian mạng có 10 câu hỏi, mỗi câu hỏi sẽ được lựa chọn câu trả lời giữa “Có” (1 điểm) hoặc “Không” (0 điểm). Việc đánh giá sẽ dựa vào tổng điểm (từ 0 đến 10 điểm) của 10 biến quan sát, với 0 điểm là người đó không có bất cứ hoạt động khởi nghiệp nào và 10 điểm là người đó gần như đã thực hiện tất cả hoạt động để khởi nghiệp. Các thang đo lường được trình bày chi tiết trong Bảng 1.
Sau khi thực hiện việc điều tra khảo sát, nhóm nghiên cứu tiến hành quá trình lọc dữ liệu, loại bỏ đi những phiếu không đạt yêu cầu. Cuối cùng, có tổng cộng 1.198 phiếu trả lời đạt yêu cầu, sẵn sàng cho việc đưa vào phân tích. Dữ liệu nghiên cứu được thu thập từ các đáp viên đang học tập tại các trường Đại học ở 3 thành phố là Đà Nẵng, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, các đáp viên đang học tập tại Thành phố Hồ Chí Minh chiếm tỷ lệ cao nhất 38,1%, tiếp sau đó là tại Hà Nội 36,6% và cuối cùng là tại Đà Nẵng 25,4%. Các đáp viên có tuổi nằm trong khoảng từ 18 – 22 chiếm phần rất lớn trong cuộc khảo sát này (74,3%). Điều này cho thấy, sự phù hợp của nghiên cứu hướng tới đối tượng là sinh viên.
Bảng 1. Độ tin cậy và độ giá trị thang đo
Khái niệm
Mã hóa
Hệ số tải ngoài
Cronbach’s Alpha
CR
AVE
Hỗ trợ giáo dục
ES
0.803
0.859
0.503
Giáo dục ở trường đại học của tôi khuyến khích tôi phát triển những ý tưởng sáng tạo để trở thành một người khởi nghiệp.
ES1
0.671
Trường đại học của tôi phát triển các kỹ năng và khả năng/ năng lực khởi nghiệp của tôi.
ES2
0.720
Trường đại học của tôi cung cấp những kiến thức cần thiết về khởi nghiệp.
ES3
0.692
Kiến thức thu nhận được từ Internet giúp tôi có thể trở thành một người khởi nghiệp.
ES4
0.635
Việc sử dụng CNTT và truyền thông (ICT – Information and communication Technologies) trong trường đại học của tôi khuyến khích tôi phát triển các ý tưởng sáng tạo để trở thành một người khởi nghiệp.
ES5
0.704
Sự sẵn sàng của các công cụ ICT tại trường đại học của tôi (Máy tính để bàn, Máy tính xách tay, Máy tính bảng, Máy in, USB (bộ nhớ), Bảng tương tác, Máy đọc sách điện tử (ví dụ: Amazon Kindle) tăng cơ hội cho tôi để trở thành một người khởi nghiệp.
ES6
0.708
Việc tiếp cận Internet ở trường đại học giúp tôi tăng cơ hội trở thành một người khởi nghiệp.
ES7
0.690
Hỗ trợ mối quan hệ
RS
0.774
0.847
0.526
Nếu tôi quyết định trở thành một nhà khởi nghiệp trực tuyến, những mối quan hệ thân thiết của tôi (từ cơ quan, trường học, hàng xóm) sẽ hỗ trợ tôi.
RS1
0.761
Nếu tôi quyết định trở thành một nhà khởi nghiệp trực tuyến, bạn bè của tôi sẽ hỗ trợ tôi.
RS2
0.748
Nếu tôi quyết định trở thành một nhà khởi nghiệp trực tuyến, những người trên cộng đồng khởi nghiệp sẽ hỗ trợ tôi.
RS3
0.688
Nếu tôi quyết định trở thành một nhà khởi nghiệp trực tuyến, việc truy cập internet và ICT (CNTT và truyền thông) tại nhà sẽ hỗ trợ tôi.
RS4
0.708
Nếu tôi quyết định trở thành một nhà khởi nghiệp trực tuyến, những người thân trong gia đình sẽ hỗ trợ tôi.
RS5
0.717
Hỗ trợ cấu trúc
SS
0.754
0.844
0.575
Nền kinh tế Việt Nam tạo ra nhiều cơ hội cho những nhà khởi nghiệp trực tuyến.
SS1
0.768
Ở Việt Nam, các nhà khởi nghiệp trực tuyến được khuyến khích bởi một hệ thống cơ quan bao gồm các tổ chức tư nhân, tổ chức công và tổ chức phi chính phủ.
SS2
0.750
Chuyển đổi số nền kinh tế Việt Nam khuyến khích tôi trở thành một nhà khởi nghiệp trực tuyến.
SS3
0.767
Chuyển đổi số nền kinh tế toàn cầu mang đến nhiều cơ hội cho các nhà khởi nghiệp trực tuyến
SS4
0.749
Kiến thức khởi nghiệp trên Internet
IK
0.756
0.845
0.576
Tôi có kiến thức cơ bản về Luật Giao dịch điện tử.
IK1
0.733
Tôi có kiến thức cơ bản về thiết kế web.
IK2
0.743
Tôi biết cách làm sao để xây dựng chiến lược marketing và truyền thông cho cửa hàng điện tử (e-Shop).
IK3
0.791
Tôi biết cách làm sao để cung cấp các sản phẩm/ dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách hàng mục tiêu.
IK4
0.768
Thái độ đối với kinh doanh trên mạng
AT
0.798
0.861
0.553
Là một nhà khởi nghiệp trực tuyến sẽ đem đến sự hài lòng tuyệt vời cho tôi.
AT1
0.753
Sự nghiệp như một nhà khởi nghiệp trực tuyến thật hấp dẫn đối với tôi.
AT2
0.772
Trước các lựa chọn khác nhau, tôi muốn trở thành một người khởi nghiệp trực tuyến hơn.
AT3
0.739
Là một nhà khởi nghiệp trực tuyến sẽ mang lại nhiều thuận lợi hơn bất lợi cho tôi.
AT4
0.718
Nếu có cơ hội và nguồn lực, tôi muốn thực hiện một dự án khởi nghiệp trực tuyến cho riêng mình.
AT5
0.736
Ghi chú: Loại bỏ biến quan sát ES4 có hệ số tải ngoài Outer Loadings thấp nhất (0.635). Các chỉ số Cronbach’s Alpha, CR và AVE là sau khi bỏ biến quan sát ES4.
Nguồn: Nhóm tác giả thực hiện
4. Kết quả nghiên cứu
4.1. Mô hình đo lường
Trước tiên, nhóm nghiên cứu đánh giá độ chuẩn xác của thang đo bằng việc kiểm định độ tin cậy, giá trị hội tụ và giá trị phân biệt. Đánh giá độ tin cậy thang đo qua 2 chỉ số là Cronbach’s Alpha và CR. Cả 2 tiêu chuẩn này đều cần lớn hơn 0.6 và sẽ đạt mức tin cậy tốt khi lớn hơn hoặc bằng 0.7 (Hundleby & Nunnally, 1994). Về tính hội tụ, một thang đo đạt được giá trị hội tụ nếu giá trị AVE phải đạt từ 0.5 trở lên (Hock & Ringle, 2010).
Dựa vào Bảng 1, ta thấy tất cả các giá trị Cronbach’s Alpha, CR đều đạt mức tốt khi vượt ngưỡng 0.7; và các giá trị AVE thu được cao hơn 0.5. Các kết quả đã chứng minh độ tin cậy và tính hội tụ được chấp nhận và thỏa điều kiện cho tất cả các biến tiềm ẩn. Kết quả đánh giá ma trận tương quan và HTMT cũng cho thấy các thang đo đảm bảo giá trị phân biệt.
4.2. Mô hình cấu trúc
Các kết quả phân tích cho thấy, các giá trị R2 lần lượt bằng 0,593 và 0,137 và giá trị Q2 là 0,324 và 0,130 tương ứng cho thái độ khởi nghiệp trực tuyến và hoạt động khởi nghiệp trực tuyến. Những kết quả này chứng minh chất lượng của mô hình nghiên cứu tốt.
Kết quả kiểm định giả thuyết cho thấy, tất cả 5 giả thuyết đều có các chỉ số t-value, p-value,và chỉ số CI (khoảng tin cậy chuẩn hóa) đều đạt yêu cầu, trong đó giá trị t-value > 1.96, p-value < 0.05 (với độ tin cậy là 95%) và chỉ số CI không chứa giá trị “0”. Do vậy, tất cả các giả thuyết nghiên cứu (H1, H2, H3, H4, H5) đều được khẳng định trong nghiên cứu này (Hair & cộng sự, 2017). Có nghĩa là, hỗ trợ giáo dục có tác động tích cực đến thái độ khởi nghiệp trực tuyến, hỗ trợ mối quan hệ có tác động tích cực đến thái độ khởi nghiệp trực tuyến, hỗ trợ cấu trúc có tác động tích cực đến thái độ khởi nghiệp trực tuyến, kiến thức khởi nghiệp trên internet có tác động tích cực đến thái độ khởi nghiệp trực tuyến, thái độ khởi nghiệp trực tuyến có tác động tích cực đến hoạt động khởi nghiệp trực tuyến.
Chỉ số quy mô ảnh hưởng (f²) biểu thị sự tác động tương ứng của biến độc lập lên biến phụ thuộc và mức độ mạnh hay yếu của sự tác động. Từ Bảng 2 cho thấy “Hỗ trợ mối quan hệ” có quy mô ảnh hưởng (f²) đạt mức 0.129 được khẳng định là yếu tố có vai trò quan trọng và ảnh hưởng rất mạnh tới Thái độ khởi nghiệp trực tuyến theo quy tắc đánh giá của Cohen (1988); bên cạnh đó cũng Thái độ khởi nghiệp trực tuyến là yếu tố tác động trực tiếp đến Hoạt động khởi nghiệp trực tuyến (AC) với f² =0.061.
Bảng 2. Kiểm định giả thuyết
Mối quan hệ
Hệ số Beta chuẩn hóa
Hệ số f²
Độ lệch chuẩn
Hệ số T-Value
Hệ số P-Value
Khoảng tin cậy chuẩn hóa (CI)
Kiểm định giả thuyết
2.50%
97.50%
ES -> AT
0.175
0.043
0.026
6.741**
0.000*
0.125
0.226
Khẳng định
RS -> AT
0.338
0.129
0.032
10.427**
0.000*
0.272
0.398
Khẳng định
SS -> AT
0.256
0.083
0.032
8.242**
0.000*
0.196
0.318
Khẳng định
IK -> AT
0.163
0.043
0.026
6.355**
0.000*
0.114
0.214
Khẳng định
AT -> AC
0.255
0.061
0.03
8.724**
0.000*
0.197
0.311
Khẳng định
Ghi chú: *p <0.001; AC: Hoạt động khởi nghiệp trực tuyến, AT: Thái độ khởi nghiệp trực tuyến, ES: Hỗ trợ giáo dục, IK: Kiến thức khởi nghiệp trên Internet, RS: Hỗ trợ mối quan hệ, SS: Hỗ trợ cấu trúc.
Nguồn: Nhóm tác giả thực hiện
5. Kết luận và hàm ý
5.1. Kết luận
Khởi nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của quốc gia. Khởi nghiệp trực tuyến đang là một phong trào sôi nổi, thu hút rất nhiều sinh viên tham gia. Bên cạnh những cơ hội phát triển và thỏa mãn đam mê, các thách thức và khó khăn đặt ra cũng không nhỏ. Sự ảnh hưởng từ năng lực của bản thân, điều kiện tài chính hay sự biến động của thị trường gây ảnh hưởng đến ý định và hoạt động khởi nghiệp của nhiều người. Bên cạnh đó, những nghiên cứu có tính lý luận về khởi nghiệp trực tuyến, về mối quan hệ giữa các yếu tố hỗ trợ và kiến thức với thái độ và hoạt động khởi nghiệp trực tuyến được coi là khá mới mẻ trên thế giới, cũng như tại bối cảnh thị trường Việt Nam. Do vậy, việc nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu hoạt động khởi nghiệp trực tuyến của sinh viên đại học tại Việt Nam” được xem là có ý nghĩa cả về hàm ý lý thuyết và hàm ý quản trị.
Bài nghiên cứu này đã được nghiên cứu dưới sự nỗ lực của nhóm tác giả, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế nhất định. Về mặt lý thuyết, do chưa có kinh nghiệm về luật pháp cũng như khởi nghiệp, nhóm tác giả vẫn còn hạn chế trong việc xây dựng tính học thuật của đề tài. Tiếp theo, do hạn chế về mặt thời gian và địa lý nên đề tài này chỉ nghiên cứu thực trạng ở các thành phố lớn, bị giới hạn trong các tài liệu thứ cấp nên đề tài chỉ dừng ở mức tham khảo. Đề xuất cho các nhà nghiên cứu tiếp theo cần có những nghiên cứu định lượng phù hợp và cơ sở lý thuyết cần xây dựng một cách hệ thống, mạch lạc hơn.
5.2. Hàm ý về lý thuyết
Bài nghiên cứu đã thực hiện thông qua khảo sát đối tượng sinh viên đại học tại 3 địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng. Kết quả nghiên cứu đã khẳng định các yếu tố hỗ trợ và kiến thức khởi nghiệp trên Internet đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện hoạt động khởi nghiệp trực tuyến của sinh viên. Bằng việc sử dụng mô hình lý thuyết SOR, kết quả nghiên cứu đã cho thấy sự tồn tại của biến trung gian (thái độ khởi nghiệp trực tuyến) với vai trò là tác nhân quá trình đến mối quan hệ của các yếu tố đầu vào (các yếu tố hỗ trợ và kiến thức khởi nghiệp trên internet) và phản hồi đầu ra (hoạt động khởi nghiệp trực tuyến của sinh viên). Ngoài các yếu tố được đề cập trực tiếp, hoạt động khởi nghiệp trực tuyến còn bị tác động bởi các yếu tố nhân khẩu học, đặc điểm gia đình, đặc điểm môi trường học tập. Bằng việc đồng thời sử dụng dữ liệu thứ cấp và sơ cấp, bài nghiên cứu đã thực hiện đánh giá thực trạng một cách tổng quát đến cụ thể hoạt động khởi nghiệp trực tuyến của sinh viên đại học tại Việt Nam.
5.3. Hàm ý quản trị
Nghiên cứu này là đề tài nghiên cứu khoa học, một tài liệu mang tính tham khảo quan trọng về hoạt động khởi nghiệp trực tuyến của sinh viên đại học tại Việt Nam trên quy mô quốc gia. Kết quả nghiên cứu giúp các cơ quan nhà nước cũng như các tổ chức kinh doanh thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trực tuyến trong sinh viên; giúp các nhà giáo dục, trường đại học đề ra các giải pháp nhằm nâng cao tinh thần khởi nghiệp trực tuyến trong sinh viên.
Dựa trên các phát hiện nghiên cứu được tìm ra, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp dựa trên cơ sở pháp lý và những hoạt động hỗ trợ đã nghiên cứu nhằm nâng cao năng lực khởi nghiệp trực tuyến của sinh viên hiện nay. Căn cứ vào cơ sở pháp lý, cơ sở hạn chế từ những hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trực tuyến của các cơ quan công lập tại Việt Nam, thực trạng năng lực khởi nghiệp trực tuyến của sinh viên và kết quả được kiểm định từ bài nghiên cứu, các giải pháp được đề xuất nhằm tạo môi trường pháp lý, xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng mô hình khởi nghiệp, khóa học khởi nghiệp nhằm giúp tạo cơ hội thuận lợi cho sự phát triển tư duy khởi nghiệp và kiến thức khởi nghiệp trực tuyến để sinh viên có đủ kỹ năng cạnh tranh với môi trường khởi nghiệp công nghệ số đang bùng nổ trên toàn cầu hiện nay.
Lời cảm ơn:
Nghiên cứu này được tài trợ bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đề tài mã số B2021-KSA-02.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Autio, E., H. Keeley, R., Klofsten, M., GC Parker, G., & Hay, M. (2001).
Entrepreneurial intent among students in Scandinavia and in the USA. Enterprise and Innovation Management Studies, 2(2), 145-160.
- Colombier, N., & Masclet, D. (2008). Intergenerational correlation in self employment: some further evidence from French ECHP data. Small Business Economics, 30(4), 423-437.
- Farashah, A. D. (2013). The process of impact of entrepreneurship education and training on entrepreneurship perception and intention: Study of educational system of Iran. Education and Training, 55(8-9), 868-885.
- Gartner, W. B., Gartner, W. C., Shaver, K. G., Carter, N. M., & Reynolds, P. D. (2004). Handbook of entrepreneurial dynamics: The process of business creation. Sage.
- Hair Jr, J. F., Matthews, L. M., Matthews, R. L., & Sarstedt, M. (2017). PLS-SEM or CB-SEM: updated guidelines on which method to use. International Journal of Multivariate Data Analysis, 1(2), 107-123.
- Hock, M., & Ringle, C. M. (2010). Local strategic networks in the software industry: An empirical analysis of the value continuum. International Journal of Knowledge Management Studies, 4(2), 132.
- Hundleby, J. D., & Nunnally, J. (1994). Psychometric Theory (3rd ed.). New York: McGraw-Hill.
- Jena, R. K. (2020). Measuring the impact of business management Student’s attitude towards entrepreneurship education on entrepreneurial intention: A case study. Computers in Human Behavior, 107, 106275.
- Kacperczyk, A. J. (2013). Social influence and entrepreneurship: The effect of university peers on entrepreneurial entry. Organization science, 24(3), 664-683.
- Katz, L. (2017). Social and economic impact of digital transformation on the economy. Available at: https://www.itu.int/en/ITU-D/Conferences/GSR/Documents/GSR2017/Soc_Eco_impact_Digital_transformation_finalGSR.pdf.
- Liñán, F., & Chen, Y. W. (2009). Development and cross-cultural application of a specific instrument to measure entrepreneurial intentions. Entrepreneurship Theory and Practice, 33(3), 593-617.
- Lindquist, M. J., Sol, J., & Van Praag, M. (2015). Why do entrepreneurial parents have entrepreneurial children?. Journal of labor economics, 33(2), 269-296.
- Margo, T. (2017). Digital Business is Accelerating and Changing the Business Environment: Managed File Transfer, International Business Machines. Available at: https://www.ibm.com/blogs/watson-customer-engagement/2017/10/11/digital-business-acceleratingchanging-business-environment-managed-file-transfer-mft-must-evolve-meetchallenge/.
- Nambisan, S. (2017). Digital entrepreneurship: Toward a digital technology perspective of entrepreneurship. Entrepreneurship Theory and Practice, 41(6), 1029-1055.
- Nanda, R., & Sørensen, J. B. (2010). Workplace peers and entrepreneurship. Management science, 56(7), 1116-1126.
- Raposo, M. L. B., & Paço, A. M. F. d. (2011). Entrepreneurship education: Relationship between education and entrepreneurial activity. Psicothema, 23(3), 453-457.
- Schwarz, E. J., Wdowiak, M. A., Almer‐Jarz, D. A., & Breitenecker, R. J. (2009). The effects of attitudes and perceived environment conditions on students’ entrepreneurial intent: An Austrian perspective. Education & Training, 51(4), 272-291.
- Shapero, A., & Sokol, L. (1982). The social dimensions of entrepreneurship. University of Illinois at Urbana-Champaign’s Academy for Entrepreneurial Leadership Historical Research Reference in Entrepreneurship. DOI:10.1108/sd.2006.05622aaf.007.
- Shirokova, G., Tsukanova, T., & Morris, M. H. (2018). The moderating role of national culture in the relationship between university entrepreneurship offerings and student start‐up activity: An embeddedness perspective. Journal of Small Business Management, 56(1), 103-130.
- Sousa, M. J., Carmo, M., Gonçalves, A. C., Cruz, R., & Martins, J. M. (2019). Creating knowledge and entrepreneurial capacity for HE students with digital education methodologies: Differences in the perceptions of students and entrepreneurs. Journal of Business Research, 94, 227-240.
- Turker, D., & Selcuk, S. S. (2009). Which factors affect entrepreneurial intention of university students?. Journal of European industrial training.
- Wang, Y.-S., Tseng, T. H., Wang, Y.-M., & Chu, C.-W. (2019). Development and validation of an internet entrepreneurial self-efficacy scale. Internet Research, 30(2), 653-675.
- Welter, F. (2011). Contextualizing entrepreneurship-conceptual challenges and ways forward. Entrepreneurship Theory and Practice, 35(1), 165-184.
- Wing-Fai, L. (2016). The strengths of close ties: Taiwanese online entrepreneurship, gender and intersectionality. Information, Communication & Society, 19(8), 1046-1060.
- Youssef, A. B., Boubaker, S., Dedaj, B., & Carabregu-Vokshi, M. (2021). Digitalization of the economy and entrepreneurship intention. Technological Forecasting and Social Change, 164, 120043.
- Yu, X., Roy, S. K., Quazi, A., Nguyen, B., & Han, Y. (2017). Internet entrepreneurship and “the sharing of information” in an Internet-of-Things context: The role of interactivity, stickiness, e-satisfaction and word-of-mouth in online SMEs’ websites. Internet Research, 27(1), 74–96.
- Yurtkoru, E. S., Kuşcu, Z. K., & Doğanay, A. (2014). Exploring the antecedents of entrepreneurial intention on Turkish university students. Procedia-Social and Behavioral Sciences, 150, 841-850.
A study on the online entrepreneurial activities of university students in Vietnam
Ph.D Dinh Tien Minh1
Master. Le Vu Lan Oanh2
1University of Economics Ho Chi Minh City
2Van Lang University
Abstract:
This study develops and tests a theoretical framework to explore and measure the factors affecting online entrepreneurial activities of university students in Vietnam. This study uses the partial least squares linear structural model (PLS-SEM) with SmartPLS software to analyze data collected from 1,198 students studying in Hanoi, Ho Chi Minh City and Da Nang. The study finds out that the factors of educational support, relational support, structural support and Internet entrepreneurship knowledge have indirect positive impacts on the online entrepreneurial activities of university students. In addtion, the attitude towards online entrepreneurship factor is confirmed to have a direct positive impact on the online entrepreneurial activities. Based on the study’s findings, some policy recommendations are made for the government, public agencies and universities to promote the online entrepreneurial activities of university students in Vietnam.
Keywords: online entrepreneurial intention, university students, SOR model, Vietnam.
[Tạp chí Công Thương – Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 25 tháng 11 năm 2022]