Nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng trong nghiên cứu và khảo sát điều tra – Định nghĩa và các công cụ phổ biến – MCG Management Consulting

Nghiên cứu định tính (Qualitative research) và nghiên cứu định lượng (Quantitative research) là hai phương pháp thường được sử dụng trong các dự án nghiên cứu thị trường, đánh giá, khảo sát hoặc điều tra. Vậy bản chất của các phương pháp này là gì? Có sự khác biệt gì giữa chúng không? Ưu, nhược điểm của từng phương pháp là gì và nên có thể sử dụng chúng trong những trường hợp nào? Tất cả sẽ được giải đáp trong chuỗi các bài chia sẻ của MCG.

Nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng là gì?

Nghiên cứu định tính(Qualitative research) là phương pháp thu thập các thông tin và dữ liệu dưới dạng ‘phi số’ để có được các thông tin chi tiết về đối tượng nghiên cứu, khảo sát hoặc điều tra (dưới đây gọi chung là ‘đối tượng nghiên cứu’) nhằm phục vụ mục đích phân tích hoặc đánh giá chuyên sâu. Các thông tin này thường được thu thập thông qua phỏng vấn, quan sát trực tiếp hay thảo luận nhóm tập trung sử dụng câu hỏi mở, và thường được áp dụng trong trường hợp mẫu nghiên cứu nhỏ, có tính tập trung.

Nghiên cứu định lượng (Quantitative research) là phương pháp thu thập các thông tin và dữ liệu dưới dạng số học, số liệu có tính chất thống kê để có được những thông tin cơ bản, tổng quát về đối tượng nghiên cứu nhằm phục vụ mục đích thống kê, phân tích; hay nói cách khác là lượng hoá việc thu thập và phân tích dữ liệu. Các thông tin, dữ liệu thường được thu thập thông qua khảo sát sử dụng bảng hỏi trên diện rộng và thường được áp dụng trong trường hợp mẫu nghiên cứu lớn.

Các công cụ nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng phổ biến

Trên thực tế, có rất nhiều công cụ nghiên cứu định tính và định lượng hỗ trợ thu thập dữ liệu. Tuỳ theo mục đích sử dụng, người dùng có thể lựa chọn công cụ phù hợp và đem lại hiệu quả cao nhất. Bài viết này sẽ tập trung giới thiệu các công cụ phổ biến, thường được sử dụng trong các dự án tư vấn nghiên cứu, đánh giá, khảo sát và điều tra.

Công cụ nghiên cứu định tính

Phỏng vấn sâu (in-depth interview) là phương pháp thu thập thông tin định tính thông qua việc trao đổi, trò chuyện và phỏng vấn trực tiếp với một đối tượng nghiên cứu. Ở đó, đối tượng nghiên cứu (người được phỏng vấn) có thể thoải mái chia sẻ những ý kiến và quan điểm cá nhân, giúp người thực hiện nghiên cứu (người phỏng vấn) khai thác một cách chi tiết, đi sâu vào nhiều khía cạnh của vấn đề. Người phỏng vấn có thể sử dụng các câu hỏi soạn sẵn hoặc không, thường là câu hỏi ‘mở’ (không cho sẵn phương án trả lời), để thực hiện phỏng vấn sâu và thu thập thông tin từ người trả lời một cách linh hoạt, đầy đủ nhất.

Một số hình thức phỏng vấn sâu thường được sử dụng trong nghiên cứu, khảo sát, điều tra là: phỏng vấn có cấu trúc (structured in-depth interview), phỏng vấn bán cấu trúc (semi-structured interview) hoặc phỏng vấn tự do (unstructured interview). Thảo luận nhóm tập trung/ Thảo luận nhóm/ Phỏng vấn nhóm (focus group discussion) là phương pháp thu thập thông tin định tính thông qua việc trao đổi, trò chuyện và thảo luận với một nhóm đối tượng nghiên cứu. Tại đây, người tham gia có thể cùng bày tỏ, chia sẻ ý kiến và thảo luận để đưa ra ý kiến thống nhất về vấn đề đặt ra. Nếu phỏng vấn sâu giúp người hỏi thu thập thông tin, ý kiến đánh giá của cá nhân thì thảo luận nhóm sẽ thu được kết quả mang tính đa chiều, khách quan dưới nhiều góc độ của một nhóm đối tượng nghiên cứu điển hình.

Công cụ nghiên cứu định lượng

Khảo sát sử dụng bảng hỏi (questionnaire survey) là phương pháp thu thập thông tin định lượng trên diện rộng, sử dụng bảng câu hỏi (bảng hỏi) khảo sát, điều tra; trong đó, tổng hợp tất cả các câu hỏi đã soạn sẵn để thu thập thông tin từ đối tượng nghiên cứu. Các câu hỏi thuờng ở dạng ‘đóng’ với phương án trả lời cho sẵn và/hoặc có thêm lựa chọn mở để người trả lời chia sẻ, giải thích thêm cho câu trả lời của mình.

Bảng câu hỏi được chuẩn bị sẵn và gửi đến cho đối tượng nghiên cứu tự trả lời thông qua các hình thức phổ biến như khảo sát trực tuyến (online survey) – gửi đường link khảo sát đến người trả lời, khảo sát qua điện thoại (telephone survey) – gọi điện thoại phỏng vấn đối tượng nghiên cứu và giúp họ điền vào bảng hỏi, hoặc khảo sát phát bảng hỏi trực tiếp cho người trả lời tự hoàn thiện.

Như đã đề cập, tuỳ thuộc vào mục đích sử dụng mà người dùng có thể lựa chọn phương pháp nghiên cứu và công cụ phù hợp cho mình. Vậy khi nào chúng ta nên sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng? Cần lựa chọn công cụ nào cho phù hợp và ứng dụng chúng như thế nào? Ưu, nhược điểm của từng phương pháp là gì? Kính mời quý độc giả đón đọc Kỳ 2: Ứng dụng nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng trong nghiên cứu, khảo sát và điều tra