Nghệ thuật Tuồng – giá trị di sản cần gìn giữ

Nghệ thuật Tuồng – giá trị di sản cần gìn giữ

Your browser does not support the audio tag.

Tuồng là một bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống độc đáo của dân tộc Việt Nam từng có một thời kỳ hoàng kim với những vở diễn được đông đảo khán giả đón xem. Tuy nhiên, cùng chung số phận với những loại hình nghệ thuật khác như ca trù, chèo, cải lương… tuồng đang đứng trước nguy cơ mai một.

Tuồng còn gọi là hát bội, hát bộ một loại văn nghệ trình diễn cổ truyền, được hình thành trên cơ sở ca, vũ, nhạc và các trò diễn xướng dân gian vốn có từ lâu đời và rất phong phú của dân tộc Việt Nam. Ðến cuối thế kỷ 18, Tuồng đã phát triển một cách hoàn chỉnh về mọi mặt từ kịch bản văn học đến nghệ thuật biểu diễn. Trong thế kỷ 19, Tuồng đã có một giai đoạn phát triển cực thịnh trong lịch sử hình thành và phát triển của loại hình nghệ thuật này.

Chúng ta biết rằng trong cùng thời kỳ này tại vùng đồng bằng Bắc Bộ còn có Chèo và Múa Rối. Tuy nhiên, hai loại hình nghệ thuật kể trên chỉ tồn tại trong khu vực nông thôn ở miền Bắc Việt Nam, không phổ biến trên quy mô toàn quốc như Tuồng. Trong những ngày hội hè, tế, lễ, nhân dân thường tổ chức những trò diễn xướng dân gian, nội dung thoả mãn tình cảm, nguyên vọng của dân chúng. Mối quan hệ giữa sân khấu với người xem gần gũi, thân thiết, khán giả cùng giao lưu, tưởng tượng, khích lệ diễn viên sáng tạo làm cho buổi biểu diễn phong phú, hấp dẫn và hoàn chỉnh khung cảnh nghệ thuật. Sân khấu Tuồng biến không thành có, biến cái hạn chế thành cái vô hạn. Cùng với người diễn viên, cảnh tượng sân khấu hiện dần lên, địa điểm, thời gian vở Tuồng được xác định. Bằng các phương tiện hát, múa và nhạc đệm, nghệ thuật biểu diễn của diễn viên Tuồng làm sáng tỏ ý nghĩa của câu chuyện, tạo ra sự khoái cảm về thẩm mỹ của trí tuệ…

Trong kho tàng tuồng Việt Nam từ xưa đến nay, ước tính có khoảng 500 vở tuồng, nhưng văn bản thất lạc phần lớn. Có thể kể những vở tuồng tiêu biểu: Sơn Hậu, Tâm Nữ đồ vương, Đào Phi Phụng, Lý Phụng Đình, Vạn Bản trình tường, Quần Phương hiển thuỵ, Hộ sinh đàn, Mã Phụng Cầm, Kim Thạch kì duyên, Trưng nữ vương… và những vở tuồng đồ: Nghêu – Sò – ốc – Hến, Trần Bồ, Trương Ngáo…

Tuồng đã trở thành vốn quý của sân khấu truyền thống không những người trong nước trân trọng mà cả những người nước ngoài cũng đánh giá cao.

Chúng ta đã kế thừa, bảo lưu và phát triển nghệ thuật tuồng một cách xứng đáng. Bên cạnh những tên tuổi đã đóng góp cho ngành nghệ thuật tuồng trong các lĩnh vực nghiên cứu, sáng tác, biểu diễn như: Tống Phước Phổ, Nguyễn Nho Tý, Nguyễn Lai, Ngô Thị Liễu, Bạch Trà, Võ Sĩ Thừa, Nguyễn Quang Tốn, Năm Đồ, Hoàng Châu Ký, Mịch Quang, Lê Ngọc Cầu, Nguyễn Thị Nhung… đã nảy ra nhiều tài năng mới xứng đáng là người kế tục tin cậy: Mẫn Thu, Đàm Liên, Kim Cúc, Tiến Thọ, Minh Ngọc… Hàng chục nghệ sĩ tuồng được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú.

Người diễn viên Tuồng sử dụng vũ đạo (múa), hệ thống nói lối, bài bản, làn điệu (hát) là hai phương tiện chính để lột tả tính cách, tâm trạng của nhân vật để cho khán giả thấy được, hiểu được… 

Múa Tuồng được hình thành từ những động tác sinh hoạt và hành động tâm lý trong cuộc sống xã hội của con người. Các thế hệ diễn viên đã chắt lọc những động tác trong sinh hoạt, lao động hàng ngày, tiếp thu những tinh hoa của những hình thái múa dân gian, múa tín ngưỡng, tôn giáo, trong tế lễ, hội hè, trong múa cung đình và trong võ thuật dân tộc để xây dựng vũ đạo Tuồng theo một hệ thống động tác từ đơn giản đến phức tạp.

Hát Tuồng xuất phát trên cơ sở tế lễ, tụng niệm trong nhà chùa, trong lối kể chuyện, hát xướng dân gian; được viết theo các thể thơ lục bát, tứ tuyệt, song thất lục bát… Hát Tuồng có một hệ thống nhịp điệu từ nói thường chuyển sang nói lối. Nói lối Tuồng viết theo văn biền ngẫu từ 4 đến 8 từ.

Lối diễn xuất trong Tuồng thường được khuếch đại hơn sự thật ngoài đời để khán giả dễ cảm nhận. Các động tác càng nhỏ càng nhanh, khi lên sân khấu càng cần tăng cường điệu thì khán giả mới kịp nhận thấy. Kiểu cách đi đứng còn dùng để biểu lộ cái “tâm” của nhân vật thiện, ác.

Ngoài ra, âm nhạc trong Tuồng đóng một vị trí vô cùng quan trọng, có sức thu hút kỳ lạ, thôi thúc mọi người đến xem hát. Dàn nhạc Tuồng chủ yếu làm nhiệm vụ hỗ trợ cho biểu diễn của diễn viên.

Trong dàn nhạc Tuồng gồm có bộ gõ: (trống, thanh la, mõ..), bộ hơi (kèn, sáo, chủ yếu là kèn); bộ dây (nhị, cò, hồ, đại, tiểu…) bộ gảy (tam, tứ, nguyệt, tranh…).

Những thực trạng vẫn còn tồn tại

Từ ngàn xưa, người Việt Nam đã có một đời sống tinh thần vô cùng phong phú. Có lẽ đời sống tinh thần đó là cốt lõi của ý thức hệ đã chi phối cả vào trong đời sống nghệ thuật. Nên chăng, công cuộc bảo tồn và phát huy những bản sắc của dân tộc Việt về văn hóa nói chung, nền nghệ thuật sân khấu truyền thống nói riêng cũng phải bắt đầu từ đó.

Nhìn lại chặng đường từ khi hình thành cho đến nay, chúng ta có thể thấy rằng: Hiện nay, cũng giống với nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác, nghệ thuật Tuồng đang bị lớp trẻ xa rời do họ đang được tiếp xúc với nhiều loại hình nghệ thuật cũng như nhiều trào lưu văn hóa mới, nhưng đó chỉ là yếu tố khách quan. Cái chính vẫn là do chúng ta chưa phổ cập rộng rãi trong giới trẻ để họ cảm nhận được cái hay, cái đẹp của nghệ thuật truyền thống. Đã nhiều lần nghệ thuật Tuồng cũng đã được đưa vào giới thiệu ở các học đường nhưng chỉ mới mang tính hình thức…

Đồng thời cần đưa việc bảo tồn, phát triển nghệ thuật sân khấu truyền thống, trong đó có nghệ thuật Tuồng, trở thành mục tiêu quốc gia để vừa quảng bá được văn hóa truyền thống tới bạn bè quốc tế, vừa bảo tồn và phát huy vốn quý của cha ông.