Ngày vía Thần tài: Làm gì để lấy may, tài lộc cả năm?
Theo quan niệm dân gian, ngày mùng 10 tháng Giêng là ngày vía Thần Tài. Mỗi gia đình, đặc biệt là những người làm kinh doanh, buôn bán đều cúng Thần Tài, cầu xin cho một năm nhiều may mắn và tài lộc. Vậy trong ngày vía Thần Tài làm gì để lấy may, tài lộc cả năm?
Thần Tài là một trong những vị thần nổi tiếng của tín ngưỡng phương Đông, chuyên quản Tài Phúc Phú Quý mang lại tài lộc, sung túc và may mắn. Do đó, ngày vía Thần Tài là một trong những dịp quan trọng nhất để cầu tài lộc, sung túc và may mắn.
Mua vàng vào ngày vía Thần Tài
Trong đời sống tâm linh của người Việt quan niệm rằng, xuất tiền mua vàng trong ngày Vía thần Tài mồng 10 tháng Giêng sẽ được may mắn, công việc hanh thông, đắc tài đắc lộc, tiền bạc rủng rỉnh cả năm.
Vì thế, cứ vào ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch hàng năm, không khó để nhìn thấy cảnh tượng tại các cửa hàng vàng người dân xếp hàng dài để chờ mua vàng cầu may trong ngày “vía Thần Tài” – vị thần chủ quản tài lộc.
Nhiều người tin rằng, xuất tiền mua vàng đầu năm sẽ đem lại nhiều may mắn, tài lộc trong năm mới
Không chỉ vàng, năm nay các sản phẩm đồ trang sức phong thủy cũng được tung ra khá nhiều trong ngày vía Thần tài. Các loại vòng này đều có mặt vàng chế tác hình các linh vật tượng trưng may mắn hoặc hợp tuổi của người mua. Họ quan niệm sở hữu được những vật phẩm này sẽ mang lại tài lộc rủng rỉnh.
Sắm lễ cúng ngày vía thần Tài
Các chuyên gia phong thủy cho rằng, trong ngày vía Thần tài mọi người nên làm lễ cúng Thần Tài để cầu may mắn, tài lộc. Vào ngày thần Tài, mùng 10 Tết âm lịch gia chủ có thể chuẩn bị những lễ vật sau đây để cúng lấy vía thần Tài cầu lộc lá cả năm (gợi ý mang tính tham khảo):
Bàn thờ Thần Tài
•1 bình hoa (hoa đồng tiền, hoa cúc hoặc hoa hồng)
•5 loại trái cây
•5 cây nhang
•5 chum rượu
•2 đèn cầy
•2 điếu thuốc
•1 đĩa gạo
•1 đĩa muối hột
•2 miếng vàng bạc
•1 bộ tam sên đều đã luộc gồm: một miếng thịt ba rọi, một hột vịt, một con tôm hoặc cua
Bộ tam sên gồm thịt, hột vịt và tôm hoặc cua tương truyền đây là 3 món mà thần Tài ngày còn ở nhân gian rất thích.
Lưu ý khi cúng vía Thần Tài:
Ngoài ngày mùng 10 tháng Giêng, mọi người nên lau bàn thờ Thần Tài, tắm cho Thần Tài vào ngày 14 âm lịch hoặc ngày cuối tháng.
Với những người làm kinh doanh thờ Thần Tài nên làm lễ ở nơi kinh doanh chứ không nên làm ở đình, chùa. Người không kinh doanh có thể cúng ở nhà hay đình chùa đều được. Tốt nhất làm lễ cúng ở nhà riêng nên đặt mâm cúng trong nhà. Đồ lễ đơn giản, lễ không xa xỉ, chỉ cần hoa tươi, quả sạch, nước sạch là được.
Về thời gian cúng khấn và tháp hương thần Tài, chỉ nên thực hiện vào buổi chiều. Theo sách “Phong tục thờ cúng của người Việt”: Người xưa cúng thần Tài quanh năm vào bất kỳ lúc nào thấy cần cầu xin chứ không chỉ vào dịp giỗ tết, ngày rằm mồng Một.
Ngày thường lễ cúng thần Tài đơn giản chỉ cần trầu nước và trái cây… Còn trong dịp giỗ tết hay ngày rằm mồng Một có thể cúng bằng cỗ mặn. Nhưng thời gian thì chỉ nên thắp hương Thần Tài vào buổi chiều hàng ngày.
(Sưu tầm)