Ngày Thầy thuốc trên thế giới
Không chỉ ở Việt Nam nghề thầy thuốc mới được tôn trọng. Dạo quanh một vòng trên khắp thế giới sẽ thấy đây là nghề cao quý, đáng kính trọng và phải được học hành khổ luyện nhất. Và ở đâu các bác sĩ cũng được tôn vinh bằng một ngày lễ trong năm. Đây là dịp để bất cứ người nào, dù ít dù nhiều cũng một lần trong đời phải đi gặp bác sĩ, gửi lời tri ân, tình cảm quý mến, biết ơn tới các bác sĩ, những người đang hết lòng hết sức tận tụy ngày đêm xoa dịu nỗi đau, chiến đấu không mệt mỏi với bệnh tật của con người.
Ngày Thầy thuốc quốc tế
Tổ chức Y tế T hế giới (WHO) đã chọn ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 10 hàng năm là Ngày Thầy thuốc quốc tế. Đây là ngày bày tỏ tình đoàn kết và các hoạt động hợp tác của tất cả các bác sĩ trên khắp thế giới. Theo Sigmund Freud, cái tâm của người thầy thuốc phải luôn trong sáng, hết mình vì bệnh nhân, như một tấm gương phản chiếu sức khỏe của người bệnh.
Trở lại lịch sử, thầy thuốc là một trong những nghề cổ xưa nhất trên thế giới, các thầy thuốc khi chẩn bệnh kê đơn đều phải tuân thủ một lời thề đầu tiên trong nghề chính là Lời thề Hippocrate. Đó là “Tôi sẽ giữ cho đời sống của tôi và nghề của tôi được trong sạch”, đây là bài học vỡ lòng đầu tiên của bất cứ sinh viên y khoa nào. Vào ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 10 năm 1971, Tổ chức Nhân đạo Y tế quốc tế được gọi là “Bác sĩ không biên giới” đã được thành lập nhằm trợ giúp nạn nhân thiên tai, dịch bệnh và chiến tranh trên 80 quốc gia toàn cầu. Tổ chức này do Ủy ban Chữ thập đỏ, Quỹ Nhi đồng LHQ sáng lập, chủ yếu hoạt động dựa trên tôn chỉ nhân đạo và phi lợi nhuận. Không chỉ là nghề có lịch sử lâu đời nhất mà nó còn là nghề quan trọng bậc nhất trên thế giới bởi nó liên quan đến nỗi đau, bệnh tật, thậm chí là cả mạng sống của con người.
Ngày Thầy thuốc tại Mỹ
Trong khi đó tại Mỹ, ngày tôn vinh những người chữa bệnh cứu người là ngày 30/3. Vào ngày 30/3/1842, bác sĩ Crawford Long đã lần đầu tiên sử dụng thuốc gây mê để cắt bỏ một khối u trên cổ một bệnh nhân. Đây là ca phẫu thuật phức tạp đầu tiên trên thế giới sử dụng thuốc gây mê. Khi tỉnh dậy, bệnh nhân cho biết là không hề cảm thấy gì trong suốt quá trình phẫu thuật. Đó chính là tài hoa của người bác sĩ và những đột phá của khoa học. Để kỷ niệm thành tựu này, ngành y khoa Mỹ đã lấy ngày 30/3 là Ngày Thầy thuốc để biểu dương nỗ lực của các thầy thuốc nhằm làm giảm đau đớn và nâng cao tính an toàn cho cuộc phẫu thuật. Và từ đó, chính bác sĩ Crawford Long trở thành ông tổ của ngành phẫu thuật-gây mê. Ca mổ gây mê kỳ diệu của ông đã đặt nền móng cho ngành phẫu thuật gây mê của nền y học hiện đại sau này.
Ngày Thầy thuốc đầu tiên tại Mỹ được tổ chức ngày 30/3/1933 ở Winder, Georgia. Eudora Brown Almond, vợ của bác sĩ Charles B. Almond, đã quyết định dành một ngày để tôn vinh các thầy thuốc. Trong ngày đó, nhiều hoạt động đã diễn ra bao gồm gửi thiệp chúc mừng và đặt hoa viếng mộ các bác sĩ đã quá cố. Sáng kiến trên đã được Liên minh Y khoa bang Georgia hưởng ứng. Thậm chí họ còn chọn một loài hoa biểu trưng cho Ngày Thầy thuốc, đó là hoa cẩm chướng đỏ. Hoa cẩm chướng đỏ tượng trưng cho tình yêu thương, lòng nhân từ, sự hy sinh, lòng dũng cảm và can đảm. Đó cũng chính là những đức tính cần có ở một người thầy thuốc.
Mãi đến năm 1958, Hạ viện Mỹ phê chuẩn Ngày Thầy thuốc. Và đến năm 1990, Tổng thống George Bush ký một nghị quyết chọn 30/3 là Ngày Thầy thuốc quốc gia. Vào ngày 30/3 năm ngoái, Hiệp hội các nhà gây mê học đã hòa cùng với cộng đồng trên khắp nước Mỹ để kỷ niệm Ngày Thầy thuốc, một ngày có mối liên hệ đặc biệt đối với chuyên khoa gây mê. Tiếp nối phong trào tôn vinh các thầy thuốc, Mỹ còn thành lập một Tổ chức Thầy thuốc quốc gia nhằm khích lệ tài năng và các ý kiến của các bác sĩ cũng như tạo tiếng nói riêng cho ngành y đối với chính phủ và xã hội. Tổ chức này cũng góp phần bảo vệ đội ngũ thầy thuốc trước những áp lực xã hội và tạo điều kiện được học hành nâng cao trình độ cho các bác sĩ.
Nga, Thổ Nhĩ Kỳ
Tại Nga, 20/6 là ngày của ngành y. Ngày Thầy thuốc tại Thổ Nhĩ Kỳ được kỷ niệm vào ngày 14/3, ngày mở ngôi trường đào tạo y học hiện đại đầu tiên ở đây. Vào những ngày này, các bác sĩ được tôn vinh nhờ công lao của họ cho khoa học và y học. Tất cả các bác sĩ cùng tham gia vào ngày lễ trọng đại này.
Ngày Thầy thuốc tại Ấn Độ
Tại Ấn Độ, Ngày Thầy thuốc trùng với ngày sinh nhật của một thầy thuốc nổi tiếng người Ấn Độ, bác sĩ B. C. Roy, sinh ngày 1/7/1882 tại Patna, Bihar. Sau khi giành bằng cấp đào tạo y học tại Bệnh viện Bartholomew, Anh quốc, bác sĩ C. Roy quay trở lại Ấn Độ bắt đầu sự nghiệp y khoa của mình. Kể từ năm 1911, ông đã cống hiến cuộc đời mình cho phong trào tiến bộ ở Ấn Độ, đặc biệt là những người dân bị áp bức. Ông không chỉ là một thầy thuốc bác sĩ mà còn là một nhà giáo dục, cải cách xã hội, người đấu tranh cho tự do, lãnh đạo của Quốc hội Ấn Độ và sau đó là Thị trưởng bang Tây Bengal. Bác sĩ B. C. Roy qua đời cũng đúng vào ngày sinh của ông, năm 1962, thọ 80 tuổi. Bác sĩ Roy đã từng giành danh hiệu công dân cao quý nhất của đất nước năm 1961.
Ngày 1/7 tại Ấn Độ đã trở thành ngày để tôn vinh các bác sĩ. Có rất nhiều người đã được cứu sống kịp thời nhờ sự can thiệp của các y, bác sĩ và mạng sống cũng như bệnh tật của họ được chữa khỏi nhờ vào những con người của ngành y. Ngày Thầy thuốc là một dịp tuyệt vời để mọi người lên tiếng và bày tỏ lòng biết ơn đối với các bác sĩ gia đình, các nhà tâm lý, các nha sĩ, hay bất kể người làm chuyên môn y tế nào.
Trong ngày này, mọi người thường làm các tấm thiệp để chúc mừng hoặc những món quà nhỏ nhằm cảm ơn các bác sĩ.
Bích Vân (Theo Hubpage, vanillalove, wikipidia)