Ngày tết, bài học “Nhân – Nghĩa” cho trẻ – LovingSpace

Tết là thời điểm sum vầy hạnh phúc nơi mà con cái tụ họp về thăm ông bà cha mẹ. Đây cũng là dịp cho con trẻ có nhiều cơ hội gặp gỡ các thành viên khác trong gia đình như ông bà, cô chú, dì cậu mợ và các anh chị em họ của bé. Bạn có tự hỏi: Liệu thật sự trẻ có muốn về thăm ông bà vào dịp Tết không? Việc về thăm ông bà và gặp gỡ các thành viên trong dòng họ có làm trẻ cảm thấy thoải mái và vui thích? Có một người mẹ từng than rằng: “Con tôi 13 tuổi, con có vẻ không thích về chúc Tết ông bà lắm, con nói về thăm ông bà đông người lắm, lại không vui, mỗi lần dẫn bé về bé không vui hẳn.” Trong khi đó, một người mẹ trẻ của một bé 3 tuổi lại cười rạng rỡ nói: “Con thích lắm, cứ mong đến mồng 1 Tết về thăm ông bà, tối nào cũng hỏi: về ông ngoại chưa mẹ?” Liệu lí do đâu có những biểu hiện hành vi khác biệt? Liệu trẻ con cảm nhận sự yêu thích ngày Tết sum vầy là khác nhau ở mỗi độ tuổi?

THÍCH TẾT ĐÁNG LẼ LÀ ĐIỀU TỰ NHIÊN, NHƯNG…

Trẻ con thích Tết hơn người lớn với những lí do rất ư trẻ con như: Thích mặc quần áo đẹp, thích được nghĩ học, thích đi chơi cùng bố mẹ, thích gặp gỡ các anh chị họ và thích được lì xì hoặc nhận quà. Nghiên cứu cho thấy ở độ tuổi khác nhau có những trạng thái thích Tết, thích được cha mẹ định hướng Tết và cách sum họp theo kiểu Tết khác nhau:

TRẺ NHỎ HƠN 5 TUỔI: Tết sum vầy đối với bé là một bức tranh lớn sống động, đông người, vui tươi và nhiều màu sắc. Trẻ quý Tết theo cách đón nhận, làm quen và học hỏi cách cha mẹ ứng xử trong ngày Tết.

TRẺ TỪ 6 -15 TUỔI: Tết sum vầy là một bức tranh mang những tông màu chủ đạo, là dịp để trẻ học những bài học về văn hóa, truyền thống, tình yêu và nhân nghĩa. Trẻ học thông qua cách cha mẹ dạy trẻ ý nghĩa của những lời mừng tuổi ông bà, trẻ học thông qua cách cùng ông bà chuẩn bị ngày Tết, đi chợ Tết, nấu bánh Tết, trẻ học thông qua cách nói chuyện, chịu lắng nghe và những câu hỏi tò mò.

TỪ 16 – 30 TUỔI: Cái Tết trở thành những tông màu đậm và nhạt, ngày Tết xum vầy trở thành những buổi trò chuyện từ Đông tới Tây, nào là chuyện học hành, chuyện thi cử, … Có những câu chuyện luôn được xâu như 1 chuỗi mỗi năm như: Khi nào con có người yêu, con gái đẹp người đẹp nét vậy mà chưa có ai dòm ngó hả con, … Độ tuổi này, cái Tết trẻ học cách trả lời câu chuyện theo từng tông màu đậm hay nhạt.

CÁI TẾT NAY VÀ XÃ HỘI HÓA

Các yếu tố xã hội hóa đã dần thay đổi sự yêu thích của trẻ, cách mà cha mẹ định hướng cho trẻ vào ngày Tết không đúng làm cái Tết của trẻ không trọn vẹn. Cụ thể,

*Cha mẹ đã gieo cho trẻ cách mà nhận xét người này người nọ khi trẻ nhận tiền lì xì ít hay nhiều.

*Người lớn bây giờ lì xì cho trẻ cũng thực dụng hẳn luôn. Không còn bao đỏ, phong bì đỏ nữa, mà cầm tờ 500,000 cho thẳng vào bé. Cái cảm giác phong bì đỏ yêu thích, bé ngày nay không biết được.

* Câu chúc bây giờ cũng ngắn gọn hẳn. Trẻ con ngày nay không được dạy câu chúc ngày tết nữa, ông bà hình như quen rồi không được mừng tuổi, cha mẹ cũng không dạy trẻ, trẻ cũng không còn biết cách chúc ông bà nữa.

*Nhiều cha mẹ cho trẻ cảm giác về thăm ông bà như trách nhiệm, nghĩa vụ, đi gấp gáp 10-15 phút rồi về. Trẻ không hiểu đây là ngày Tết sum vầy hay là một cuộc đi dạo chơi.

*Cách người lớn cứ hỏi hoặc thảo luận, so sánh một chủ đề sẽ làm trẻ cảm thấy tông màu nhạt ngày Tết. Nghiên cứu của Gs.Swanson cho thấy : Mọi người hay so sánh hoặc thảo luận nghiêng về một bé nào đó trong gia đình, như bé đó học giỏi, tài năng và luôn tập trung vào bé đó. Điều này sẽ tạo một tông màu nhạt và chán cho các bé khác trong gia đình.

*Công nghệ vào ngày Tết. Có nhiều trẻ về nhà ông bà, sau đó chỉ ở trong phòng chơi game, dùng ipad một mình, chỉ gặp ông bà lúc ăn hoặc thậm chí lúc ăn cũng ăn trong phòng luôn.

HÃY DẠY TRẺ NGÀY TẾT SUM VẦY

Bất kì độ tuổi nào, cha mẹ cũng nên cho trẻ thấy ngày Tết sum vầy là ý nghĩa. Hãy dạy trẻ điều này:

*Hãy cho trẻ biết ngày nào sẽ thăm ông bà, có ai cùng đến ngày đó.

*Hãy dạy trẻ những câu chúc, lì xì con trong phong bì đỏ.

*Hãy dẫn bé về nhà ông bà đêm 30 nếu có điều kiện để trẻ học những bài học ý nghĩa ngày Tết. Nếu năm nay không làm được, thì vẫn còn năm kế, đừng bỏ cuộc, hãy làm trước khi bé 12 tuổi.

*Về thăm ông bà, cha mẹ làm gương, không dùng điện thoại, ipad, ngưng công việc, cùng trẻ sinh hoạt với ông bà và gia đình.

*Đừng bao giờ cho trẻ biết việc thăm ông bà là nghĩa vụ, não trẻ non nớt dễ ảnh hưởng và tổn thương.

*Đừng hỏi han gì bé quá nhiều về 1 chủ đề hoặc quá tập trung vào một bé nào đó, mà quên các bé khác. Hãy dành thời gian trò chuyện với các bé về ngày tết, hoặc hỏi đa dạng chủ đề.

Noel Swanson (2003) The good child guide – Putting and end to bad behaviour, Aurum, London.