Ngày Khoa học công nghệ Việt Nam ra đời thế nào?

Cách đây 58 năm, tại Đại hội Đại biểu Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam toàn quốc lần thứ nhất (tiền thân của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ đến dự và chúc mừng.



Chủ tịch Hồ Chí Minh phát biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam. Ảnh tư liệu

 

Tại sự kiện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài phát biểu, tổng kết những luận điểm quan trọng nhất về phát triển khoa học công nghệ.

Người khẳng định: “Chúng ta đều biết rằng trình độ khoa học và công nghệ của ta hiện nay còn thấp kém. Lề lối sản xuất chưa cải tiến được nhiều. Cách thức làm việc còn nặng nhọc. Năng suất lao động còn thấp… Nhiệm vụ của khoa học là ra sức cải biến những cái đó… Khoa học phải tự sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi… Các cô, các chú phải ra sức đem hiểu biết khoa học và kỹ thuật của mình truyền bá rộng rãi trong nhân dân lao động, để nhân dân thi đua sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ…”.

Đến ngày 18/6/2013, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, Luật Khoa học và Công nghệ được thông qua, thống nhất chọn ngày 18 tháng 5 hàng năm là Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Đây là ngày hội để tôn vinh những người làm khoa học, giới thiệu các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Trong những ngày này nhiều hoạt động được Ngành Khoa học tổ chức, là dịp để nâng cao nhận thức và khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, tinh thần đam mê lao động sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam trong xây dựng và phát triển đất nước.

Liên kết nguồn tin: https://vnexpress.net/ngay-khoa-hoc-cong-nghe-viet-nam-ra-doi-the-nao-4277368.html