Ngành y học dự phòng là gì? Ra làm gì? – JobsGO Blog
Đánh giá post
Hoạt động của ngành Y học dự phòng tập trung vào việc bảo vệ, thúc đẩy và duy trì sức khỏe, hạnh phúc của cá nhân và cộng đồng. Có vai trò quan trọng là thế, tuy nhiên không phải ai cũng biết học Y học dự phòng ra làm gì? Cơ hội nghề nghiệp ngành Y học dự phòng ra sao?
1. Y học dự phòng là gì?
Ngành Y học dự phòng (tiếng Anh là Preventive Medicine) là lĩnh vực Y tế liên quan đến việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh. Ngành Y học dự phòng gồm 2 mảng chính:
- Thực hiện chương trình y tế công cộng, chương trình y tế quốc gia, tham gia các tổ chức chính phủ về y tế, phát triển cộng đồng;
- Tham gia quản lý, chăm sóc người bệnh tại cộng đồng, phục hồi chức năng, cấp cứu, điều trị các bệnh thường gặp ở tuyến cơ sở.
Chức năng chính của ngành Y học dự phòng là phát hiện, xác định, giám sát các vấn đề về sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, ngành này cũng thực hiện việc dự báo kiểm soát, khống chế bệnh dịch và các tác nhân truyền nhiễm gây dịch. Ngoài ra, nhân viên Y học dự phòng còn xây dựng kế hoạch hoạt động chuyên môn về phòng chống bệnh xã hội; quản lý chương trình y tế; tuyên truyền, giáo dục sức khỏe cho cộng đồng.
Y học dự phòng hướng đến việc ngăn chặn sự sinh sôi, phát triển cũng như kiểm soát nguồn bệnh, nâng cao sức khỏe của cá nhân, gia đình và cộng động.
>> Xem thêm: Y tế công cộng là gì?
2. Ngành Y học dự phòng học gì?
Chương trình đào tạo ngành Y học dự phòng là sự kết hợp 3 chuyên ngành: y học lâm sàng, y tế cộng đồng và y học gia đình. Khi theo học ngành này, sinh viên sẽ được trang bị các kỹ năng:
- Chẩn đoán, điều trị, chăm sóc các bệnh thường gặp;
- Xét nghiệm, thăm dò chức năng;
- Chăm sóc toàn diện và tư vấn sức khỏe cho những người mắc các bệnh thường gặp;
- Thực hiện một số kỹ thuật xét nghiệm;
- Thu thập, phân tích thông tin về sức khỏe cộng đồng;
- Phát hiện, tổ chức phòng chống dịch bệnh;
- Thực hiện các chương trình y tế quốc gia tại khu vực địa phương;
- Tổ chức giáo dục, tuyên truyền về phương pháp phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe;
- Quản lý, đào tạo cán bộ y tế.
Chương trình Đại học chính quy ngành Y học dự phòng thường kéo dài 6 năm với các nhóm kiến thức chính:
- Kiến thức giáo dục đại cương: Khoa học Mác Lênin – TT Hồ Chí Minh; Khoa học tự nhiên (tin học, xác suất thống kê, lý sinh, hóa học, sinh học, di truyền,…), Khoa học xã hội (Tâm lý học – Y đức, Nhà nước và Pháp luật), Ngoại ngữ cơ bản, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng.
- Kiến thức giáo dục chuyên nghiệp: Kiến thức cơ sở của ngành (giải phẫu, sinh lý học, hóa sinh, mô phôi,…), Kiến thức chuyên ngành bắt buộc (nội cơ sở, ngoại cơ sở, nội bệnh lý, ngoại bệnh lý, phụ sản, nhi, truyền nhiễm,…), Kiến thức chuyên ngành tự chọn (Vaccine, khống chế các bệnh phổ biến, thảm họa, y học lao động, bệnh nghề nghiệp,…).
>> Xem thêm: Y sĩ là gì?
3. Ngành Y học dự phòng có được ưa chuộng không?
So với các ngành nghề khác trong xã hội các ngành thuộc nhóm ngành Y bao gồm Y học dự phòng được rất nhiều người yêu thích và có mong muốn theo học. Tuy nhiên, nếu so sánh với các ngành thuộc cùng lĩnh vực Y chẳng hạn như Y đa khoa, Nha khoa,… thì Y học dự phòng có vẻ ít được yêu thích hơn một chút. Điều đó dẫn tới thực trạng: theo tiêu chuẩn, tỷ lệ bác sĩ Y học dự phòng phải chiếm 25 – 30% nhân sự của toàn ngành y tế, tuy nhiên thực tế chỉ có 12%.
4. Cách xác định bạn có hợp ngành Y học dự phòng không?
Nếu bạn sở hữu nét tính cách và các tố chất dưới đây, Y học dự phòng là ngành học phù hợp với bạn.
4.1. Bạn thấy sinh hóa hấp dẫn
Bạn có thích học sinh học không? Bạn có muốn tìm hiểu về thế giới sống, về phân tử, tế bào hay cơ thể hay không? Nếu câu trả lời là có, Y học nói chung và Y học dự phòng nói riêng có thể sẽ phù hợp với bạn. Niềm yêu thích của bạn có thể trở thành động lực để bạn vượt qua mọi khó khăn, thách thức và đạt được ước mơ của mình.
4.2. Bạn yêu thương và thích giúp đỡ mọi người
Y tế là làm việc với con người. Cho dù bạn làm nghiên cứu hay trực tiếp làm việc với bệnh nhân, mục đích chính của bạn vẫn là chăm sóc mọi người về mặt y tế. Vì vậy, bạn cần có tình yêu thương và lòng nhân hậu.
4.3. Bạn có thể đối mặt với máu, kim tiêm và cảm giác khó chịu của bệnh nhân
Nếu máu, kim tiêm, kim khâu, nỗi đau của bệnh nhân,… khiến bạn lo lắng, điều đó có nghĩa là rất khó để bạn theo đuổi lĩnh vực Y học. Vì chúng là thứ mà bác sĩ phải đối mặt hàng ngày. Tất nhiên, nếu có sự quyết tâm, bạn vẫn có thể vượt qua những vấn đề này.
4.4. Bạn thích học hỏi
Lĩnh vực y học nói chung và ngành Y học dự phòng nói riêng không ngừng thay đổi và phát triển. Nghiên cứu đang diễn ra và thông tin mới liên tục được đưa vào chẩn đoán, điều trị. Do tốc độ nhanh chóng của thông tin mới trong lĩnh vực y tế, bác sĩ sẽ phải học tập liên tục để có thể thích nghi với những cách làm việc mới. Những nhân viên y tế giỏi nhất là những người sẵn sàng đón nhận sự thay đổi và tự thúc đẩy bản thân tìm hiểu thông tin mới.
4.5. Bạn là một người tận tâm, chi tiết
Trở thành nhân viên ngành Y tế, đồng nghĩa với việc bạn sẽ có ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của một người, thậm chí cả cộng đồng. Không ai muốn sai sót trong công việc, nhưng kê sai liều lượng thuốc, hoặc đánh giá sai nguyên nhân gây bệnh có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn việc tính nhầm thuế của ai đó.
4.6. Bạn cần chịu được áp lực cao
Làm việc trong lĩnh vực Y học dự phòng đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải đối mặt với những dịch bệnh nguy hiểm mang tính cộng đồng như Covid. Khi đó, bạn có thể sẽ phải làm việc cả ngày lẫn đêm, mặc chiếc áo bảo hộ hàng tuần, xa gia đình hàng tháng,… Nếu không chịu được áp lực, bạn sẽ rất dễ bỏ cuộc.
5. Ngành Y học dự phòng ra trường làm gì?
Y học dự phòng là tuyến đầu của công tác phòng chống bệnh dịch với nhiệm vụ thực hiện các kế hoạch, biện pháp nhằm nâng cao sức khỏe để bảo vệ, làm giảm khả năng mắc bệnh, ngăn chặn sự phát triển của nguồn bệnh. Sau khi tốt nghiệp ngành Y học dự phòng, bạn có thể đảm nhận các công việc sau:
- Làm việc tại Bộ Y tế, các viện nghiên cứu chuyên ngành Y học dự phòng
- Trở thành giảng viên tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp,… y
- Làm việc tại các trung tâm y tế dự phòng từ cơ sở tới trung ương
- Làm việc tại phòng tiêm chủng, phòng chống bệnh dịch
- Chăm sóc cho bệnh nhân, nâng cao sức khỏe cho cộng đồng tại các trung tâm y tế
- Làm công tác truyền thông giáo dục sức khỏe tại bệnh viện, trường học,…
- Tham gia quản lý, chăm sóc bệnh nhân tại cộng đồng
- Làm việc tại các khoa/phòng chức năng của bệnh viện: phòng kế hoạch, tổ chức hành chính, quản trị giáo tài, nghiên cứu khoa học, chỉ đạo tuyến
- Làm việc tại các hiệp hội nghề nghiệp như Y học dự phòng, y tế cộng đồng, hội y học,…
- Làm việc tại các tổ chức quốc tế, tổ chức chính phủ, tổ chức phi chính phủ,…
6. Ngành Y học dự phòng học trường nào?
Dưới đây là danh sách các trường đại học tuyển sinh ngành Y học dự phòng tại 3 khu vực: miền Bắc, miền Trung và miền Nam.
Khu vực
Trường
Khối thi
Điểm thi
2020
2021
2022
Miền Bắc
Đại học Y Hà Nội
B00
24.25
24.85
23.15
Đại học Y dược Hải Phòng
B00
21.4
22.35
19.10
Đại học Y dược Thái Bình
B00
19.75
22.1
19.00
Đại học Y dược Thái Nguyên
B00; D07; D08
20.9
21.8
21.8
Miền Trung
Đại học Y dược Huế
B00
19.75
19.5
19
Đại học Y khoa Vinh
B00
19
19
19
Miền Nam
Đại học Y dược TPHCM
B00
21.95
23.9
21
Đại học Y Dược Cần Thơ
B00
23.4
24.95
21.05
Đại học Trà Vinh
B00; B08
19
19.5
19
Đại học Nguyễn Tất Thành
B00
19
19
19
7. Mức lương Bác sĩ Y học dự phòng
Nhóm chức danh bác sĩ Y học dự phòng gồm: Bác sĩ Y học dự phòng cao cấp (hạng I); Bác sĩ Y học dự phòng chính (hạng II); Bác sĩ Y học dự phòng (hạng III).
Trong đó, bác sĩ Y học dự phòng cao cấp áp dụng hệ số lương viên chức loại A3, nhóm A3.1 có hệ số lương từ 6,2 – 8,0; bác sĩ Y học dự phòng chính áp dụng hệ số lương viên chức loại A2 nhóm A2.1 có hệ số lương từ 4,4 – 6,78; bác sĩ Y học dự phòng áp dụng hệ số lương viên chức loại A1, có hệ số lương từ 2,34 – 4,98.
Kết luận
Ngành Y học dự phòng là ngành học quan trọng, có ý nghĩa sâu sắc đối với sức khỏe của cả cộng đồng. Chính vì vậy, nếu yêu thích ngành học này, đừng ngần ngại đăng ký dự thi và học tập thật chăm chỉ, bạn nhé!
(Theo JobsGO – Nền tảng tìm việc làm, tuyển dụng, tạo CV xin việc)