Ngành Tâm lý học: Mức lương, cơ hội việc làm và trường đào tạo

Xã hội 4.0 hiện nay, không chỉ có nền kinh tế ngày càng phát triển mà còn kéo theo những hệ lụy khác. Cụ thể là vì nhịp sống nhanh và bận rồi, thế nên đời sống tinh thần của nhiều người không được chăm sóc dẫn đến căng thẳng và sa sút, lâu dài sẽ gây nguy hiểm. Chính vì những điều đó mà ngành Tâm lý học đang được quan tâm hơn bao giờ hết. Để tìm hiểu rõ hơn về ngành Tâm lý học là gì, bạn hãy cùng mình theo dõi bài viết dưới đây nhé!

Ngành Tâm lý học: Mức lương, cơ hội việc làm và trường đào tạo

I. Ngành Tâm lý học là gì?

Ngành Tâm lý học là gì?

Ngành Tâm lý học là ngành khoa học chuyên nghiên cứu về các lĩnh vực hiện tượng liên quan đến tâm lý, nội tâm của con người. Các vấn đề về tâm lý bao gồm hành vi, tinh thần, tư tưởng, lối suy nghĩ và cảm xúc của con người.

Có thể nói rằng ngành Tâm lý học sẽ khai thác, làm rõ bản chất con người. Thông qua việc nghiên cứu và đánh giá những ảnh hưởng của môi trường cũng như yếu tố ngoại cảnh đến tâm lý con người. Không chỉ dừng ở việc nghiên cứu, ngành Tâm lý học còn giải thích chuyên sâu vào quá trình suy nghĩ, cách thực hiện và lý luận những hành vi đó.

Tìm việc làm, tuyển dụng Marketing có thể bạn quan tâm:

– Nhân viên Content sản phẩm TGDĐ/ĐMX

– Nhân viên SEO và Content tin website TGDĐ ĐMX

II. Các lĩnh vực trong ngành Tâm lý học

Các lĩnh vực trong ngành Tâm lý học

– Tâm lý học xã hội: Nghiên cứu chuyên sâu các kiến thức tâm lý trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Chẳng hạn như tâm lý học dân tộc, tâm lý học giới, tâm lý học pháp lý, tâm lý học gia đình, tâm lý học tôn giáo, tâm lý học văn hoá,…

– Tâm lý học tội phạm: Chủ yếu nghiên cứu, phân tích và đào sâu tâm lý cũng như suy nghĩ của tội phạm thông qua các yếu tố môi trường, đời sống, đối tượng, hành vi phạm tội. Sau đó phác họa ra chân dung gần chính xác nhất để hỗ trợ cảnh sát trong việc điều tra và phá án.

– Tâm lý học giáo dục: Lĩnh vực này chủ yếu nghiên cứu về cách mà con người tiếp thu và tích lũy kiến thức, kinh nghiệm từ môi trường giáo dục và môn học liên quan đến những phương pháp học khác nhau. Thường tập trung phát triển vào những học viên có nhu cầu đặc biệt và những người bị khuyết tật về thể chất hoặc tinh thần.

– Tâm lý học Quản lý – Kinh doanh: Cung cấp các nội dung kiến thức nhằm nghiên cứu về các vấn đề tâm lý trong việc giao tiếp, tổ chức, quản lý trong kinh doanh, hướng nghiệp, tổ chức lao động,…

– Tâm lý học lâm sàng: Giúp người học có kiến thức về việc chẩn đoán và điều trị các rối loạn về cảm xúc và tâm thần, cách nhận biết dấu hiệu của bệnh tâm thần và phương pháp điều trị, cải thiện tâm lý của bệnh nhân.Khi tham gia học chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng người học sẽ được học chuyên sâu về tâm lý trị liệu, tâm lý học đường, tâm bệnh học trẻ em và thanh thiếu niên,…

III. Nội dung đào tạo trong ngành Tâm lý học

Nội dung đào tạo trong ngành Tâm lý học

Khi học ngành Tâm lý học, ngoài việc sinh viên bắt buộc phải học những phần kiến thức chung của bậc đại học. Bạn còn được đào tạo những lý thuyết có liên quan trực tiếp đến chuyên môn về lĩnh vực tâm lý như: tâm lý học giao tiếp, tâm lý học xã hội, tâm lý học gia đình, tâm lý học giáo dục, tâm lý học phát triển, tâm lý học lao động, tâm lý học sức khoẻ, tâm lý học tham vấn, tâm lý học nhân cách, tham vấn học đường, liệu pháp nhận thức hành vi,…

Ngoài những kiến thức chuyên môn, trong quá trình học bạn còn được trang bị các kỹ năng cần thiết để có thể tự tin áp dụng kiến thức tâm lý trong nhiều ngành nghề khác nhau trên thị trường như: kỹ năng giao tiếp hiệu quả, kỹ năng nghiên cứu, khả năng đo lường và phân tích dữ liệu, tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề,… Và một điều cần phải lưu ý đó chính là mỗi một lĩnh vực chuyên ngành khác nhau sẽ giảng dạy nội dung chuyên sâu có phần khác nhau.

IV. Tố chất phù hợp với ngành Tâm lý học

Tố chất phù hợp với ngành Tâm lý học

– Khả năng lắng nghe và thấu cảm: Một yếu tố vô cùng quan trọng để bạn có thể theo đuổi ngành Tâm lý học đó chính là khả năng biết đặt mình vào vị trí của người xung quanh để có những góc nhìn khách quan về sự việc. Từ đó biết lắng nghe và cảm thông trước câu chuyện của người đối diện. Nếu bạn là người có lối suy nghĩ phiến diện, bảo thủ hoặc thiếu khả năng thấu cảm, bạn không nên theo đuổi ngành Tâm lý hoặc nếu muốn buộc bạn phải tiết chế những lối suy nghĩ đó.

– Khả năng giao tiếp hiệu quả: Kiểm soát và thay đổi hành vi, giúp con người có đời sống tinh thần tốt hơn chính là mục tiêu cơ bản của ngành Tâm lý. Vì vậy, để mở ra những buổi tư vấn tâm lý hiệu quả và cho ra được những giải pháp tối ưu chính là sự khéo léo trong giao tiếp.

– Kỹ năng giải quyết vấn đề tốt: Để trở thành một chuyên gia trong ngành Tâm lý bạn phải có một khả năng quan sát và phân tích dữ liệu để đánh giá tình huống chính xác sau đó tìm ra giải pháp bằng khả năng giải quyết vấn đề.

– Thích khám phá, không ngừng học hỏi: Trong tất cả mọi lĩnh vực làm việc và học tập đều bắt buộc bạn phải có một tinh thần thích khám phá và không ngừng học hỏi. Điều này sẽ giúp bạn ngày càng phát triển vượt trội hơn trong công việc.

– Nhạy cảm, tinh tế, nhẹ nhàng: Vì đây là một ngành nghề có nhiệm vụ chăm sóc và hỗ trợ tinh thần cho con người. Bạn phải thực sự nhạy cảm, tinh tế hiểu thấu mọi khía cạnh của sự việc để đưa ra hướng giải quyết phù hợp khi gặp phải những tình huống phải giúp gỡ bỏ những mâu thuẫn, rắc rối trong vấn đề.

– Khả năng chịu đựng áp lực: Sự kiên trì và khả năng chịu được áp lực công việc cao chính là hai tố chất không thể thiếu nếu bạn muốn hành nghề Tâm lý. Một nhà Tâm lý Học phải có trách nhiệm giúp đỡ đối phương tìm ra hướng giải quyết những khó khăn của họ. Đây là một công việc này thường đòi hỏi khá nhiều thời gian, công sức và chất xám. Vì vậy bạn cần trang bị cho bản thân tính kiên trì và chịu đựng được áp lực để làm bước tiến trong ngành Tâm lý học.

– Dám đương đầu với khó khăn: Việc nghiên cứu tâm lý con người không hề dễ dàng bởi mỗi người đều có tình trạng và suy nghĩ riêng. Vì vậy bạn cần có khả năng dám đương đầu với khó khăn để có thể gắn bó với nghề Tâm lý học.

V. Tương lai của ngành Tâm lý học

Tương lai của ngành Tâm lý học

1. Mức lương trong ngành Tâm lý học

Mức lương của ngành Tâm lý học cũng sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như vị trí, kinh nghiệm và khả năng làm việc như bao ngành khác. Cụ thể nếu bạn làm việc ở vị trí Chuyên viên điều trị tâm lý với kinh nghiệm trên 2 năm bạn sẽ có mức lương khá cao trong ngành là từ 12 – 18 triệu/tháng. Đối với vị trí giảng dạy kỹ năng sống, giáo viên tâm lý bạn sẽ đạt được mức lương giao động từ 8 – 10 triệu/tháng với kinh nghiệm trong nghề là trên 2 năm. Hay bạn có thể đạt được mức lương từ 10 – 15 triệu/tháng với 2 năm kinh nghiệm trở lên khi công tác ở vị trí Chuyên viên tâm lý tuyển dụng.

2. Cơ hội việc làm ngành Tâm lý học

Con người ngày càng quan tâm nhiều hơn đến việc chăm sóc sức khỏe tinh thần song song với việc chăm sóc sức khỏe thể chất để có cuộc sống hài hoà về mọi mặt. Vì vậy, cử nhân ngành tâm lý học có nhiều sự lựa chọn và cơ hội nghề nghiệp hơn trong nhiều lĩnh vực. Sau khi tốt nghiệp ngành này, bạn có thể làm nhiều công việc khác nhau như: chuyên viên trị liệu tâm lý tại bệnh viện, giảng dạy và nghiên cứu tâm lý học tại các trường đại học, cao đẳng, trung tâm; chuyên viên tư vấn tâm lý tại các công ty, trường học,… Ngoài ra nếu bạn có năng khiếu diễn đạt thì bạn có thể trở thành chuyên gia dạy kỹ năng mềm, nhà diễn thuyết nổi tiếng hay người truyền cảm hứng tuyệt vời.

– Bác sĩ điều trị tâm lý: Bạn sẽ đảm nhận vai trò chăm sóc sức khỏe tinh thần để giúp người mắc các chứng bệnh về Tâm lý có đời sống tinh thần tốt hơn. Sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Tâm lý có thể làm việc tại các trung tâm tư vấn, bệnh viện tâm thần, điều trị Tâm lý của người bệnh, áp dụng những phương pháp trị liệu phù hợp để điều trị cho người bệnh.

– Chuyên viên tham vấn: Là người sẽ gặp gỡ, trò chuyện giúp cho những người có nhu cầu hiểu, nhận thức được vấn đề của mình và tự tìm cách giải quyết tại các trung tâm tư vấn, tổ chức phi chính phủ, trực các đường dây nóng,…

– Tư vấn tuyển dụng/Bộ phận nhân sự: Bạn có thể làm việc trong các bộ phận nhân sự, các vị trí tư vấn tuyển dụng của những công ty, tập đoàn, doanh nghiệp bởi vị trí này sẽ cần người hiểu biết về cảm xúc, thái độ và suy nghĩ của ứng viên, từ đó lựa chọn ra ứng viên phù hợp nhất.

– Chuyên gia tâm lý học đường: Tâm lý học đường chính là nơi xảy ra nhiều sự nổi loạn về tâm lý nhất bởi đây là lứa tuổi mới lớn, dễ dàng đưa ra những quyết định, hành động và lời nói bồng bột. Hiện nay một số trường tại Việt Nam và trên thế giới đã đầu tư để xây dựng phòng tư vấn Tâm lý học đường, nhằm chia sẻ, giúp đỡ và giải quyết các vấn đề tinh thần cho các bạn học sinh, sinh viên. Trở thành Chuyên gia tâm lý học đường bạn sẽ được làm việc tại các trường học với vị trí phụ trách tâm lý học đường, hỗ trợ giáo viên, cha mẹ học sinh trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

– Giảng dạy, nghiên cứu: Nếu là người có đam mê công việc giảng dạy hoặc nghiên cứu chuyên sâu các vấn đề thuộc ngành Tâm lý, bạn có thể lựa chọn làm việc giảng dạy hoặc người nghiên cứu tại các trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu.

VI. Thi tuyển sinh ngành Tâm lý học

Thi tuyển sinh ngành Tâm lý học

1. Ngành Tâm lý học thi khối nào?

Ngành Tâm lý học cũng như các ngành khác, đều có sự đa dạng về khối thi và các tổ hợp môn, giúp bạn có thể dễ dàng lựa chọn khối thi phù hợp để đạt được kết quả tốt nhất khi tham gia xét tuyển, dưới đây là các tổ hợp môn xét tuyển được ngành Tâm lý học:

– Khối A00 (Toán, Lý, Hóa)

– Khối A01 (Toán, Lý, Anh)

– Khối A16 (Toán, KHTN, Văn)

– Khối B00 (Toán, Hóa, Sinh)

– Khối B04 (Toán, Sinh, GDCD)

– Khối B05 (Toán, Sinh, KHXH)

– Khối C00 (Văn, Sử, Địa)

– Khối C14 (Toán, Văn, GDCD)

– Khối C15 (Văn, Toán, KHXH)

– Khối C19 (Văn, Sử, GDCD)

– Khối C20 (Văn, Địa lý, GDCD)

– Khối D01 (Văn, Toán, Anh)

– Khối D02 (Văn, Toán, tiếng Nga)

– Khối D03 (Văn, Toán, tiếng Pháp)

– Khối D04 (Văn, Toán, tiếng Trung)

– Khối D08 (Toán, Sinh học, Anh)

– Khối D09 (Toán, Sử, Anh)

– Khối D14 (Văn, Sử, Anh)

– Khối D15 (Văn, Địa lý, Anh)

– Khối D78 (Văn, KHXH, Anh)

– Khối D83 (Văn, KHXH, tiếng Trung)

2. Ngành Tâm lý học lấy bao nhiêu điểm?

Điểm chuẩn để thi vào ngành Tâm lý học theo các năm và ở các trường không hề giống nhau. Tuy nhiên theo thống kê từ năm 2015 đến năm 2021 thì điểm chuẩn của ngành Tâm lý học nằm ở mức từ 15 – 28 điểm. Cụ thể vào năm 2021, điểm chuẩn của ngành Tâm lý học ở một số trường như sau:

– Tại Trường Đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn – Đại học Quốc Gia Hà Nội có điểm chuẩn ngành Tâm lý học cao nhất cả nước với 28 điểm ở khối C00. Và khối D83 là khối có điểm chuẩn ngành Tâm lý học thấp nhất tại trường là 19,5 điểm.

– Tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, điểm chuẩn ngành Tâm lý học ở khối B00, C00, D01, D14 chỉ ở mức thấp là 15 điểm, phù hợp với những bạn muốn theo đuổi đam mê nhưng lực học không quá cao.

VII. Trường đào tạo ngành Tâm lý học

Trường đào tạo ngành Tâm lý học

1. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn

Đào tạo 34 ngành bậc Đại học, 32 ngành bậc Thạc sĩ, 16 ngành bậc Tiến sĩ trong 7 lĩnh vực. Mang trên mình bề dày lịch sử hơn 60 năm, sở hữu truyền thống và vị thế trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, trường quy tụ đội ngũ các giảng viên, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nhân viên giỏi tham gia công tác giảng dạy, nghiên cứu, làm việc.

Để tồn tại và phát triển vượt bậc đến ngày nay, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn luôn mang trong mình sứ mạng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo ra những công trình nghiên cứu khoa học tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Có đóng góp thiết thực cho chiến lược cũng như sách lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước và địa phương.

2. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Là một trung tâm đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu và ứng dụng khoa học giáo dục và đa ngành chất lượng cao. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (HNUE) tồn tại và giảng dạy với sứ mạng đào tạo các chuyên gia xuất sắc có đóng góp đặc biệt quan trọng cho hệ thống giáo dục và xã hội thông qua các chương trình nghiên cứu, hợp tác đào tạo đại học và sau đại học có chất lượng cao.

3. Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh

Được thành lập vào năm 1976 và đạt được nhiều thành tích trong việc giảng dạy, phát triển nhà trường. Tầm nhìn của trường chính là đến năm 2030, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh trở thành Trường Đại học Sư phạm trọng điểm Quốc gia, có uy tín cao trong toàn quốc, ngang tầm với các cơ sở đào tạo trong khu vực Đông Nam Á.

Trường là cơ sở giáo dục đại học ảnh hưởng và góp phần vào sự phát triển của các cơ sở đào tạo giáo viên của khu vực phía Nam cũng như của cả nước; là nơi hội tụ đội ngũ nhà khoa học và các chuyên gia, giảng viên có trình độ, nghiệp vụ cao. Đảm bảo các điều kiện đào tạo, nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp, đảm bảo cho hoạt động nghiên cứu và đào tạo đạt chất lượng cao, người học khi tốt nghiệp có đủ năng lực làm nghề thực tiễn, thích ứng nhanh, sáng tạo và không ngừng phát triển. 

4. Trường Đại học Lao động Xã hội

Là trường đại học công lập được thành lập trên cơ sở Trường Cao đẳng Lao động – Xã hội. Hoạt động với sứ mạng Trường Đại học Lao động – Xã hội là cơ sở giáo dục đại học công lập duy nhất của ngành Lao động Thương binh Xã hội trong đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao theo định hướng ứng dụng với thế mạnh là các ngành Quản trị nhân lực, Công tác xã hội, Bảo hiểm, Kế toán và Quản trị kinh doanh. Trường là trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kinh tế – lao động – xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành, đất nước và hội nhập quốc tế.

5. Trường Đại học Sài Gòn

Trường Đại học Sài Gòn là một cơ sở giáo dục đại học đa ngành cấp thành phố trực thuộc Ủy ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh. Trường hoạt động dựa trên sứ mệnh và tầm nhìn đó chính là trở thành cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học công lập, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước.

6. Trường Đại học Văn Hiến

Trường Đại học Văn Hiến là cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng, với ngành nghề đào tạo đa dạng. Nhà trường luôn đổi mới chương trình đào tạo theo hướng hội nhập quốc tế, chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá Việt Nam và linh hoạt theo yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

7. Trường Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh

Tiền thân là Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM, được thành lập ngày 26/4/1995. Trường là địa chỉ được đông đảo thí sinh ưu tiên lựa chọn trong nhiều năm qua. HUTECH đào tạo từ trình độ Đại học, Thạc sĩ đến Tiến sĩ với gần 60 ngành nghề thuộc các lĩnh vực. Sứ mệnh của trường chính là trở thành đơn vị giáo dục tiên phong cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, toàn diện cho nền kinh tế tri thức trong giai đoạn mới. Trang bị cho thế hệ trẻ Việt Nam kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành chuyên nghiệp là công cụ hữu hiệu để nâng cao tri thức khoa học, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo, thích ứng tốt với công việc. Tạo cơ hội thăng tiến và thành công trong sự nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, tự tin hội nhập với cộng đồng quốc tế.

Xem thêm:

– 10 cách giúp giảm căng thẳng trong thời gian Work From Home

– LinkedIn là gì? Hướng dẫn cách tạo tài khoản LinkedIn hiệu quả

– Kỹ năng phỏng vấn xin việc dành cho ứng viên và nhà tuyển dụng

Tất tần tật các thông tin và đặc điểm của ngành Tâm lý học đã được gói gọn ở bài viết trên. Rất mong bài viết sẽ giải đáp được những thắc mắc của bạn về ngành Tâm lý học, nếu có góp ý hoặc câu hỏi hãy để lại chúng ở phần bình luận và hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết sau!

Nguồn tham khảo: https://vi.wikipedia.org/wiki/Tâm_lý_học