Ngành Nuôi trồng thủy sản

Ngành Nuôi trồng thủy sản

Tạo bài viết thảo luận

Nhắc đến thủy sản chúng ta hay nghĩ về các loài cá nhưng ngoài ra các loài nhuyễn thể và giáp xác gồm tôm, cua và động vật chân đầu như  mực, bạch tuộc, ếch hay cá sấu cũng như nhiều loại thực vật gồm tảo, rong biển cũng là các loại thủy sản thường gặp. Các loại thủy sản này đã trở thành nguồn thực phẩm quen thuộc và quan trọng với nhân loại. Ngành nuôi trồng thủy sản đã có lịch sử hàng ngàn năm. Ngày nay, khi dân số thế giới đạt đến mốc 8 tỷ người và đang ngày càng tăng thì ngành nuôi trồng thủy sản đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh thực phẩm và phát triển kinh tế.Nuôi trồng thủy sản đã trực tiếp hoặc gián tiếp tác động lớn đến đời sống của hơn 500 triệu người ở các nước đang phát triển phụ thuộc vào nghề cá và nuôi trồng thủy sản.

Hãy cùng Hướng nghiệp 4.0 CDM tìm hiểu xem ngành Nuôi trồng thủy sản là gì? Triển vọng như thế nào? Xu hướng phát triển của ngành Nuôi trồng thủy sản; Cơ hội việc làm; Tố chất cần có; Các trường đào tạo ngành Nuôi trồng thủy sản trình độ đại học nhé!

1. Ngành nuôi trồng thủy sản là gì

Thủy sản là chỉ chung về những nguồn lợi, sản vật từ môi trường nước và được con người khai thác, nuôi trồng thu hoạch để sử dụng làm thực phẩm, nguyên liệu hoặc bày bán trên thị trường. Môi trường nước bao gồm nước ngọt, nước mặn, nước lợ.

Các loại thủy sản phổ biến: nhóm cá, nhóm giáp xác (tôm càng xanh, tôm sú, tôm thẻ,tôm đất, cua biển), nhóm động vật thân mềm (nghêu, sò huyết, hàu, ốc hương, trai ngọc…), nhóm rong, nhóm bò sát và lưỡng cư (đồi mồi, ếch, cá sấu…).

Nuôi trồng thủy sản bao gồm việc áp dụng các kỹ thuật sản xuất tiến bộ, an toàn vào quy trình nuôi trồng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng thủy sản. Một số loại hình nuôi trồng thủy sản phổ biến như nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ, nuôi trồng thủy sản nước lợ, nuôi trồng thủy sản thương mại, nuôi trồng thủy sản quảng canh, nuôi trồng thủy sản cao sản, nuôi trồng thủy sản kết hợp, nuôi trồng trên biển và nuôi quảng canh cải tiến. Nuôi trồng thủy sản đòi hỏi quản lý, theo dõi và can thiệp vào tỷ lệ thả nuôi, cho ăn, sản xuất giống cũng như kiểm soát một phần hoặc cả chu kỳ nuôi. 

Ngành Nuôi trồng thủy sản là ngành học đào tạo về hình thức canh tác liên quan đến nhân giống, nuôi dưỡng và thu hoạch các loài thủy sản để có thể thu về nguồn lợi phục vụ nhu cầu ăn uống, tiêu thụ của con người. 

2. Triển vọng của ngành Nuôi trồng thủy sản

Dân số toàn cầu dự báo chạm mốc 9 tỷ người vào năm 2050. Theo báo cáo của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) “Thực trạng khai thác và Nuôi trồng Thủy sản Thế giới (SOFIA)” tại Hội nghị Liên hợp quốc về Đại dương, tổ chức ở Lisbon cho biết: “Tăng trưởng mạnh trong nuôi trồng thủy sản đã đẩy sản lượng thủy sản và nuôi trồng thủy sản toàn cầu lên mức kỷ lục, với các sản phẩm thủy sản ngày càng quan trọng đối với an ninh lương thực và dinh dưỡng trong thế kỷ 21”. FAO dự báo năm 2030, sản xuất, tiêu dùng và thương mại thủy sản tiếp tục gia tăng, mặc dù với tốc độ chậm hơn. Tổng sản lượng thủy sản dự kiến ​​sẽ đạt 202 triệu tấn vào năm 2030, chủ yếu do tăng trưởng mạnh trong nuôi trồng thủy sản, dự kiến ​​đạt 100 triệu tấn lần đầu tiên vào năm 2027 và 106 triệu tấn vào năm 2030 nhờ cải thiện quản lý tài nguyên, giảm lượng khí thải, chất thải. Tổng số lao động trong ngành thủy sản và nuôi trồng thủy sản sơ cấp: 58,5 triệu (21% là nữ). Khu vực có nhiều ngư dân và người nuôi cá nhất: Châu Á (84%)

Việt Nam là quốc gia có diện tích mặt nước lớn, đường bờ biển dài và hiện đứng vị trí thứ tư về sản lượng nuôi trồng thủysản trên thế giới. bên cạnh các cường quốc như: Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản… Đã có hơn 160 quốc gia, vùng lãnh thổ nhập khẩu thủy sản của nước ta. Ngành Thủy sản hiện đóng góp từ 4-5% GDP cả nước.

Năm 2022, ngành thủy sản Việt Nam đặt mục tiêu sản lượng thủy sản đạt khoảng 8,7 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác khoảng 3,78 triệu tấn; sản lượng nuôi trồng đạt 4,95 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 8,7 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu các mặt hàng hải sản chiếm từ 37-39%. 

Với tầm quan trọng của ngành nuôi trồng thủy sản, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030. Trong đó đặt mục tiêu năm 2025, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 5,6 triệu tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 7,8 tỷ USD/năm; đến năm 2030, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 7 triệu tấn/năm.

Xem đầy đủ Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030 tại đây.

Ngành nuôi trồng thủy sản là ngành có nhu cầu nhân lực cao. Theo PGS.TS Trương Quốc Phú – Trưởng khoa Thủy sản, trường Đại học Cần Thơ: “Hiện (năm 2021) có 3,7 triệu người lao động Việt Nam tham gia trong lĩnh vực thủy sản; tuy nhiên trong số này, lực lượng lao động “giàu chất xám” (có trình độ chuyên môn từ Đại học trở lên) chiếm tỷ lệ không đáng kể.”

3. Xu hướng phát triển của ngành nuôi trồng thủy sản

3.1 Ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản

Ứng dụng công nghệ cao sẽ góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm phát thải, sử dụng và tái sử dụng tài nguyên hợp lý, giảm rủi ro cho con người. Một số công nghệ mới trong nuôi trồng thủy sản gồm:

  • Về công nghệ giống Thủy sản: Quản lý cá bố mẹ (môi trường, dinh dưỡng); Cải thiện di truyền và chất lượng giống.

  • Về dinh dưỡng và công nghệ thức ăn thủy sản: Công nghệ vaccine; Công nghệ vi sinh (Probiotics, prebiotics, synbiotics); Hợp chất chiết xuất sinh – hóa học (Bio-chemical compounds) sử dụng trong nuôi thủy sản.

  • Về công nghệ vật liệu mới và hệ thống nuôi: Trang thiết bị (cho ăn, phân cỡ, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch; Thiết bị cảm biến và hệ thống quan trắc; Phát triển công nghệ nuôi hiện đại; Công nghệ năng lượng tái tạo ứng dụng.

Tại Việt Nam, đã có nhiều công nghệ tiên tiến được áp dụng như: Giải pháp lồng nuôi thủy hải sản bằng công nghệ HDPE phù hợp với biến đổi khí hậu tại Việt Nam; Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ RAS có tích hợp quản lý và điều khiển thông minh, xử lý bùn thải thứ cấp; Giải pháp đột phá trong nuôi tôm an toàn sinh học; Giải pháp đo đạc, giám sát chất lượng môi trường, hải văn và lồng bè trong suốt quá trình nuôi biển; Giám sát môi trường trong thu hoạch – vận chuyển cá.

Xem thêm một số mô hình nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao theo hướng tuần hoàn khép kín tại Bạc Liêu 

3.2 Nuôi trồng thủy sản bền vững

Nuôi trồng thủy sản bền vững là sự quản lý và bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên, định hướng thay đổi công nghệ và thể chế nhằm thỏa mãn nhu cầu thực phẩm của con người trong hiện tại và tương lai. Sự phát triển bền vững đó nhằm bảo tồn đất, nước, nguồn gen động thực vật, không làm suy thoái môi trường, phù hợp về kỹ thuật, hiệu quả về kinh tế và được xã hội chấp nhận (FAO, 2001). 

Đây cũng là một xu hướng tất yếu và là mục tiêu của Chương trình quốc gia phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021-2030 nêu trên. 

Hiện nay, có nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, trong đó tiêu biểu là nuôi thủy sản theo các chứng nhận: Thực hành nuôi thuỷ sản tốt hơn BMP; tiêu chuẩn G.A.PN; nuôi theo tiêu chuẩn BAP nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, tác động môi trường tối thiểu, duy trì và bảo tồn đa dạng sinh học, tuân thủ các yêu cầu về an sinh động vật cũng như sức khỏe và an toàn của người lao động.

Xem thêm Các mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững, bảo vệ môi trường tại huyện Cần Giờ 

Nuôi trồng và thu hoạch tôm siêu thâm canh tại huyện Cái Nước (Cà Mau). Nguồn ảnh: Báo Nhân dân 

4. Cơ hội việc làm ngành Nuôi trồng thủy sản

Sinh viên tốt nghiệp ngành Nuôi trồng thủy sản ra có thể đảm nhận:

4.1 Vị trí làm việc

  • Phụ trách kỹ thuật và quản lý các trang trai sản xuất giống và nuôi thủy sản: Đây là công việc phổ biến nhất dành cho các sinh viên ngành nuôi trồng thủy sản. Đây là công việc đảm nhận việc chọn giống, nuôi trồng, chăm sóc các loại thủy hải sản từ phổ biến đến chuyên biệt như tôm, cua, cá, rong biển hay các loài nhuyễn thể. Mục tiêu công việc này là đảm bảo năng suất, chất lượng của sản phẩm được nuôi trồng luôn đạt mức tối ưu nhất.

  • Phụ trách kỹ thuật nuôi trong các nghiên cứu phát triển sản phẩm của các công ty chế biến thuốc và thức ăn thủy sản: chẩn đoán bệnh cho thủy sản, thử nghiệm- nghiên cứu thuốc, theo dõi, thử nghiệm các loại thức ăn…

  • Phụ trách kỹ thuật phân tích trong các phòng thí nghiệm chất lượng nước; khảo nghiệm thử nghiệm giống nuôi và sản phẩm cung ứng cho nuôi trồng thủy sản: phân tích cải thiện môi trường nuôi trồng cải tạo giống,…

  • Chuyên gia tư vấn cho doanh nghiệp và nông dân nuôi trồng và chế biến thủy sản: về kiến thức tổng thể ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, các kỹ thuật, mô hình nuôi tiên tiến, cách khắc phục sự cố (ô nhiễm, dịch bệnh…).

  • Quản lý vùng nuôi, cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu.

  • Chuyên viên kinh doanh trong các doanh nghiệp sản xuất, phân phối thuốc, thức ăn, vật tư – thiết bị thuỷ sản.

  • Tự lập cơ sở sản xuất và kinh doanh thủy sản, thuốc và vật tư thuỷ sản.

  • Nghiên cứu, giảng dạy.

4.2 Nơi làm việc

  • Các cơ quan quản lý nhà nước như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổng cục – Cục thuỷ sản… và các bộ, sở, ban ngành liên quan.

  • Các công ty, doanh nghiệp/cơ sở nuôi trồng thuỷ sản; sản xuất, phân phối thức ăn thuỷ sản, các vật tư – thiết bị liên quan; sản xuất và chế biến thuỷ hải sản trong và ngoài nước.

  • Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, viện, trung tâm nghiên cứu: Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản, Viện Khoa học Nông nghiệp, Viện Hải dương học, Viện di truyền… (Giảng viên, nghiên cứu viên).

  • Làm chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thủy sản.

  • Đi làm việc tại các nước phát triển. 

Nuôi cá mú chất lượng cao tại Khánh Hòa. Nguồn ảnh: Thông tấn xã Việt Nam

4.3 Thuận lợi

  • Là ngành có ý nghĩa lớn với phát triển kinh tế, đóng góp vào GDP, 

    tạo ra nhiều việc làm, nâng cao đời sống người dân; ngăn ngừa- giảm thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh cho người nuôi. 

  • Là ngành giúp nuôi sống con người, vật nuôi: 

    xóa bỏ nạn đói và suy dinh dưỡng trên toàn cầu.

  • Là ngành giúp bảo vệ các loài và môi trường sống: giúp hạn chế việc đánh bắt quá mức, các mô hình nuôi trồng tiên tiến giúp bảo vệ và cải thiện môi trường.

  • Là ngành có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển nghiên cứu khoa học liên quan đến sinh vật dưới nước.

Vì vậy, bạn sẽ có một sự nghiệp có ý nghĩa lớn với cộng đồng khi theo đuổi sự nghiệp trong ngành Nuôi trồng thủy sản. Bạn có thể cảm thấy hạnh phúc từ những chuyện nhỏ như ương nuôi được một đàn cá con, thiết kế bể cá cảnh, làm được một viên thức ăn cho tôm…đến những công việc lớn hơn như điều hành cả một trang trại, tạo ra giống thủy sản mới, loại thuốc mới, cứu sống cả một trang trại cá… 

  • Mỗi đối tượng thủy sản có đặc điểm riêng, tập tính riêng cần nghiên cứu, nên đây là lĩnh vực rộng và công nghệ luôn thay đổi nhanh chóng. Bạn sẽ luôn tiếp nhận được những kiến thức và trải nghiệm mới.

Khó khăn:

Trước hết, do đây là lĩnh vực rộng và công nghệ luôn phát triển nên kỹ sư nuôi trồng thủy sản phải linh hoạt và không ngừng học hỏi.

Khá vất vả: Trong quá trình học, các bạn phải bỏ thời gian quan sát, trực thay nước, chích thuốc, làm kháng sinh đồ, ra thực tế test mẫu nước, mẫu đất, đi lấy thông tin thực tế từ các bè nuôi, đại lý thuốc hóa chất, cơ sở xin mẫu nước và cá về để thực hành thí nghiệm, bố trí các thí nghiệm trong trại thực nghiệm …không kể ngày đêm. Khi đi làm tại các cơ sở nuôi trồng, kỹ sư nuôi trồng thủy sản có những lúc phải ngủ canh ở ao nuôi, bè nuôi, trực đêm, lội xuống nước trong các điều kiện thời tiết khác nhau. (Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các bạn cọ sát thực tế và được xem là điểm thú vị với các bạn không chỉ muốn nhốt mình trong các giờ học trên lớp hay văn phòng).

Nuôi trồng thủy sản gặp nhiều rủi ro: Giá cả thị trường thường xuyên thay đổi. Dịch bệnh thủy sản trên thủy sản và môi trường sống tự nhiên. Nhiều bệnh khác nhau có khả năng quét sạch toàn bộ quần thể cá trong một trang trại nuôi trồng thủy sản. Khủng hoảng kinh tế, biến đổi khí hậu, lạm dụng thuốc, ô nhiễm nước- môi trường sống làm cho ngành này có nhiều rủi ro không kiểm soát được. Đây sẽ là thách thức lớn đối với kỹ sư nuôi trồng thủy sản và đặc biệt là những người tự kinh kinh doanh.

Xem thêm về chuyện nghề của một nữ doanh nhân trong ngành Nuôi trồng thủy sản.

5. Tố chất cần có để học ngành Nuôi trồng thủy sản

  • Yêu thiên nhiên, yêu môi trường sống

  • Có óc quan sát, ham học hỏi

  • Siêng năng, chịu khó

Đây là ngành được đề xuất cho các bạn có điểm cao về Kỹ thuật (đứng trong top 3/6 nhóm) của trắc nghiệm nghề nghiệp Holland. Làm khảo sát Holland tại đây.

6. Ngành Nuôi trồng thủy sản học những gì

Chương trình đào tạo ngành Nuôi trồng thủy sản sẽ trang bị cho người học kiến thức chuyên môn và các kỹ năng cần thiết như thiết kế, tổ chức và quản lý các hoạt động nuôi trồng thủy sản, tham gia nghiên cứu và cải tiến công nghệ nhằm tạo ra các sản phẩm mới phục vụ thị trường trong nước và nước ngoài; tư vấn kỹ thuật về hoạch định phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững; cung cấp dịch vụ và chuyển giao công nghệ nuôi trồng thủy sản. 

Các môn học tiêu biểu: Hóa vô cơ và hữu cơ đại cương; Thực hành Hóa vô cơ và hữu cơ đại cương; Sinh học đại cương; Thực hành Sinh học đại cương; Sinh hóa thủy sản; Ngư nghiệp đại cương; Hóa phân tích ứng dụng thủy sản; Hình thái và phân loại tôm, cá; Thực vật thủy sinh; Động vật thủy sinh; Sinh thái thủy sinh vật; Vi sinh thủy sản đại cương; Sinh lý động vật thủy sản; Dinh dưỡng và thức ăn thủy sản; Miễn dịch học thủy sản đại cương; Mô – Phôi động vật thủy sản; Kinh tế tài nguyên thủy sản; Kỹ thuật nuôi thức ăn tự nhiên; Kỹ thuật nuôi cá nước ngọt; Kỹ thuật sản xuất giống cá nước ngọt; Kỹ thuật sản xuất giống và nuôi cá biển; Kỹ thuật sản xuất giống và nuôi giáp xác; Kỹ thuật nuôi động vật thân mềm; Quản lý dịch bệnh thủy sản; Di truyền và chọn giống thủy sản; Quản lý chất lượng môi trường ao nuôi thủy sản; Thực tập nuôi thủy sản nước ngọt; Thực tập kỹ thuật nuôi hải sản; Thực tập thực tế; Quy hoạch phát triển thủy sản; Vi sinh vật hữu ích; Bệnh học thủy sản; Thuốc và hoá chất trong thuỷ sản; Kỹ thuật trồng rong biển; Vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản; Quan trắc và cảnh báo môi trường; Chuyên đề chẩn đoán bệnh động vật thủy sản; Chuyên đề kỹ thuật nuôi thủy sản; Chuyên đề kỹ thuật sản xuất giống thủy sản.

7. Các trường đào tạo ngành Nuôi trồng thủy sản trình độ đại học

Khu vực miền Bắc

  • Học viện Nông nghiệp Việt Nam

  • Trường Đại học Hạ Long

Khu vực miền Trung

  • Trường Đại học Vinh

  • Trường Đại học Nông Lâm Huế

  • Trường Đại học Nha Trang

  • Trường Đại học Nông Lâm TPHCM – Phân hiệu Ninh Thuận

Khu vực miền Nam

  • Trường Đại học Nông Lâm TPHCM 

  • Trường Đại học Tiền Giang

  • Trường Đại học Cửu Long

  • Đại học Cần Thơ

  • Trường Đại học Tây Đô

  • Trường Đại học An Giang

  • Trường Đại học Trà Vinh

  • Trường Đại học Đồng Tháp

  • Trường Đại học Bạc Liêu

  • Trường Đại học Kiên Giang

Kim Tuyến tổng hợp

Các tin liên quan

Ngành Nông nghiệp thông minh và bền vững

Ngành Thú y