Ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa: Học gì, học ở đâu và cơ hội nghề nghiệp
Đồng hành cùng sự phát triển của công nghệ, tự động hóa trở thành một phần cơ bản của cuộc sống hiện đại. Hệ thống điều khiển và tự động hóa có mặt trong mọi dây chuyền sản xuất và là ngành mũi nhọn trong sự phát triển kinh tế tương lai. Vậy ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa là gì? Hotcourses Vietnam mời bạn tìm hiểu tất tần tật về ngành học hấp dẫn này qua bài viết sau đây nhé.
Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa là gì?
Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa (Control and Automation Engineering) tập trung nghiên cứu, thiết kế, điều khiển các hệ thống và dây chuyền sản xuất một cách tự động dựa trên ứng dụng cảm biến và dữ liệu mà cảm biến cung cấp. Sự xuất hiện của kỹ thuật điều khiển và tự động hóa có ý nghĩa trong việc tăng năng suất lao động cũng như thời gian và chi phí.
Điều khiển và tự động hóa được áp dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực của đời sống, từ các thiết bị điện tử tự động dân dụng đến các dây chuyền sản xuất phức tạp trong công nghiệp hay các thiết bị thông minh, robot thông minh.
Ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa học gì?
Sinh viên theo đuổi ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa sẽ được trang bị các kiến thức và kỹ năng chuyên môn sau:
-
Lý thuyết mạch điện – điện tử
-
Kỹ thuật đo lường thông minh
-
Hệ thống cảm biến thông minh
-
Hệ thống mạng truyền thông công nghiệp
-
Phương pháp điều khiển truyền thống – hiện đại
-
Lập trình tự động hóa các dây chuyền sản xuất công nghiệp
-
Điều khiển điện tử công suất và truyền động điện
-
Quản lý, giám sát các dự án kỹ thuật
-
Tư vấn, thiết kế và phát triển hệ thống tự động hóa
-
Vận hành, bảo dưỡng dây chuyền sản xuất tự động
-
Tích hợp các thiết bị để thiết lập các hệ thống điều khiển
-
Thiết kế, chế tạo và kiểm định các thiết bị đo lường điều khiển
-
Nghiên cứu, phát triển các thiết bị tự động thông minh và hệ thống điều khiển hiện đại hướng tới công nghiệp 4.0, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI)
-
Chế tạo và điều khiển robot
Bên cạnh kiến thức chuyên môn, người học còn được rèn luyện phương pháp làm việc chuyên nghiệp, tư duy khoa học, tác nghiệp độc lập và sáng tạo, khả năng tiếp thu công nghệ tiên tiến của thế giới và sáng tạo cho phù hợp với nhu cầu thực tế. Do đây là ngành học rộng và tiến bộ theo công nghệ, sinh viên có cơ hội học lên bậc học cao hơn với lộ trình phổ biến như sau:
-
Cử nhân: 4 năm
-
Tích hợp Kỹ sư: 5 năm
-
Tích hợp Cử nhân – Thạc sĩ: 5,5 năm
-
Tích hợp Cử nhân – Thạc sĩ – Tiến sĩ: 8,5 năm
Học ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa ở đâu?
Nhiều trường đại học tại Việt Nam chú trọng vào đào tạo và nâng cao chất lượng ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, phải kể đến như: ĐH Bách Khoa TP.HCM – Đà Nẵng – Hà Nội, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH). Các bạn thi vào đại học ở Việt Nam thường sẽ chọn những khối này trong định hướng ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa: A00 (Toán-Lý-Hóa), A01 (Toán-Lý-Anh), B00 (Toán-Hóa-Sinh), C01 (Văn-Toán-Lý), D01 (Văn-Toán-Anh), D07 (Toán-Hóa-Anh), D10 (Toán-Địa-Anh).
Nếu bạn có ý định du học ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Hotcourses Vietnam sẽ gợi ý cho bạn những điểm đến không thể bỏ qua ngay sau đây:
Bạn lưu ý là bấm vào link “Xem [số] khóa học Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa” để tìm hiểu thông tin cụ thể về chương trình học ở từng trường. Nếu bạn có thắc mắc về du học ngành Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, các chuyên gia du học IDP giàu kinh nghiệm luôn sẵn sàng hỗ trợ và tư vấn hoàn toàn miễn phí.
Ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa ra làm gì?
Ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa được đánh giá là ngành học có nhiều triển vọng nghề nghiệp trong tương lai. Sau khi tốt nghiệp ngành này, sinh viên dễ dàng tìm được việc làm với các vị trí cụ thể như sau:
-
Kỹ sư vận hành và bảo trì: Bảo đảm quy trình vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa các hệ thống điện, điện tử, tự động
-
Chuyên gia hệ thống: chuyên phân tích nhu cầu về hệ thống điện, tự động hóa của các công ty, nhà máy
-
Chỉ huy các dự án: Thiết kế các hệ thống tự động và tham gia thi công các dự án về điều khiển tự động
-
Thiết kế các hệ thống tự động hóa
-
Lập trình ứng dụng: các chương trình điều khiển cho hệ vi xử lý, PLC, CNC, các bộ điều khiển về lập trình
-
Chuyên gia tư vấn cung cấp các tư vấn, giải pháp trong lĩnh vực tự động, tham gia các chương trình huấn luyện nhân viên
-
Giảng dạy tại nơi đào tạo Kỹ sư, Cử nhân thuộc lĩnh vực điều khiển và tự động hóa
-
Môi trường làm việc của sinh viên sau ra trường có thể là các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp tư vấn kỹ thuật, kinh doanh thiết bị tự động hoặc chuyển giao công nghệ hay các tập đoàn sản xuất thiết bị tự động có uy tín trong nước và thế giới (Siemens, ABB, Schneider, Bosch,…).
Mức lương của nhân sự ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa với 1 năm kinh nghiệm trở lên là từ 12 triệu đồng/tháng. Cụ thể:
-
Với sinh viên vừa ra trường còn thiếu kinh nghiệm làm việc: Mức lương từ 5 – 9 triệu đồng/tháng
-
Với nhân sự đã có kinh nghiệm làm việc, có năg lực và vị trí cao trong công việc: Mức lương có thể đạt từ 12 – 18 triệu đồng/tháng.
Theo thống kê từ tạp chí nguồn nhân lực Việt Nam, ngành công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa thuộc top những ngành có nhu cầu nhân lực cao nhất tại Việt Nam hiện nay. Đây là ngành có mức lương lại khá lý tưởng đối với sinh viên mới ra trường và cả những nhân viên có kinh nghiệm lâu năm. Đối với những công ty, tập đoàn lớn hoặc các doanh nghiệp nước ngoài, thu nhập của một kỹ sư ngành công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa mới ra trường dao động từ 400 USD đến 600 USD. Mức lương dành cho những kỹ sư lành nghề vào khoảng 1.000 đến 1.500 USD hoặc vài nghìn USD.