news – Ủy ban MTTQ tỉnh – Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh
Bộ mặt nông thôn mới ở Bắc Ninh ngày càng khang trang, sạch đẹp, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của MTTQ các cấp.
Những năm qua, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội các cấp tỉnh Bắc Ninh đã tích cực triển khai thực hiện Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị (khóa XI) về giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, đạt được nhiều kết quả tích cực. Đặc biệt, trong xây dựng nông thôn mới, MTTQ các cấp đã có nhiều hình thức giám sát rất sáng tạo.
Các lĩnh vực, nội dung giám sát của MTTQ đều xuất phát và tập trung vào việc giải quyết những bức xúc của đông đảo nhân dân. Hàng năm Uỷ ban MTTQ tỉnh đã chủ động xây dựng chương trình giám sát trình Tỉnh ủy phê duyệt, xác định rõ thời gian, những nội dung tiến hành giám sát để thông báo, hướng dẫn cụ thể tới cơ sở giúp quá trình khi triển khai được nhanh chóng. Đồng thời, tăng cường phối hợp các ban, ngành, chính quyền, xây dựng các chương trình giám sát với nội dung bám sát với tình hình thực tế, nhiệm vụ chính trị, xã hội tại địa phương và được đông đảo nhân dân quan tâm.
Xác định chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ quan trọng. Với nhiều cách làm hay, sáng tạo MTTQ phối hợp với chính quyền, các đoàn thể huy động sức mạnh toàn dân từng bước hoàn thành các mục tiêu cụ thể của xã NTM, phường, thị trấn văn minh đô thị. Ủy ban MTTQ các cấp vận động nhân dân phát huy vai trò chủ thể, tự giác, tự nguyện tham gia xây dựng NTM, đô thị văn minh bằng những việc làm thiết thực như: Đóng góp công sức, tiền của, hiến đất để xây dựng cơ sở hạ tầng; bảo vệ môi trường xanh – sạch – đẹp; giữ gìn an ninh trật tự; xây dựng Gia đình văn hóa, Làng văn hóa, Khu phố văn hóa; thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình; xây dựng tuyến phố tự quản, khu phố đảm bảo an ninh trật tự, tuyến phố xanh – sạch – đẹp, khu phố văn minh,…
Vai trò của Mặt trận trong xây dựng nông thôn mới được thể hiện qua nhiều hoạt động, nhưng chủ yếu tập trung vào một số hoạt động sau:
Tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Do công tác tuyên truyền được chú trọng nên đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong các cấp, các ngành và trong các tầng lớp nhân dân về nội dung, ý nghĩa của chương trình, vai trò chủ thể của người dân nông thôn trong xây dựng nông thôn mới. Qua công tác tuyên truyền, người dân cũng hiểu được những khó khăn của đất nước, của tỉnh để tạo sự đồng thuận, chia sẻ cùng chung sức xây dựng nông thôn mới. Mỗi người dân đều hiểu rằng xây dựng nông thôn mới là để cho cuộc sống của họ tốt đẹp hơn, do vậy, họ cũng có trách nhiệm cùng góp sức thì mới có thể thành công. Thực tế cho thấy sức mạnh trong nhân dân là vô cùng to lớn. Nếu địa phương nào biết làm tốt công tác tuyên truyền thì sẽ phát huy được nguồn sức mạnh nội lực đó.
Thông qua triển khai thực thực hiện CVĐ “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh” do Mặt trận các cấp chủ trì đã tạo được sự chuyển biến sâu rộng trong nhân dân góp phần hình thành lối sống mới, phát huy những truyền thống văn hóa quý báu của dân tộc, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới khó tránh khỏi những sai lầm trong vận động đóng góp, trong sử dụng vốn, trong triển khai thực hiện. Vì vậy, để khắc phục những hạn chế này, vai trò của Mặt trận, tổ chức đoàn thể trong hoạt động giám sát rất quan trọng. Hoạt động giám sát ở cơ sở chủ yếu thông qua hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân ở cấp xã và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng. Thanh tra nhân dân đóng vai trò nòng cốt trong việc giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật ở cơ sở. Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới là sự thể hiện dân chủ của nhân dân trong tham gia quản lý, điều hành xã hội.
Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã phối hợp tốt tham gia giám sát việc thực hiện các dự án, công trình liên quan đến lợi ích của nhân dân, như tham gia giám sát sửa chữa, thi công đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa cộng đồng và một số công trình hạ tầng khác.
Toàn tỉnh hiện có 126 Ban TTND và GSĐTCCĐ. Những năm qua, các Ban tập trung giám sát việc bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn thực phẩm; giám sát việc phân bổ và sử dụng nguồn vốn của Nhà nước, việc huy động sức dân xây dựng nông thôn mới, nợ đọng xây dựng nông thôn mới; giám sát quá trình bình xét, công nhận xã, huyện, đạt chuẩn nông thôn mới; việc công nhận gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa;…
Chỉ tính riêng từ năm 2014 đến nay, các Ban TTND, GSĐTCCĐ đã giám sát được trên 1.200 vụ việc, phát hiện được 190 vụ việc có dấu hiệu vi phạm, kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét được 175 vụ việc; tiếp nhận 979 đơn thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của nhân dân kịp thời chuyển đến Ủy ban MTTQ để kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cộng đồng, công dân, hạn chế những sai sót, tiêu cực trong quá trình triển khai các dự án đầu tư tại địa phương
Cùng với đó, thông qua các hoạt động, MTTQ và đoàn thể nhân dân các cấp đã tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền đưa nội dung, kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua xây dựng NTM vào Chương trình công tác hàng năm, hướng dẫn cơ sở ký giao ước thi đua, xây dựng kế hoạch thực hiện và quán triệt tới Ban Công tác Mặt trận, chi đoàn, chi hội cấp thôn. Qua đó đã tạo sự chuyển biến về nhận thức trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về xây dựng NTM.
Chương trình đã trở thành phong trào sâu rộng trong cả tỉnh, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhiều địa phương đã chủ động phối hợp tuyên truyền, vận động, huy động nguồn lực tại chỗ để triển khai thực hiện các nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể của Chương trình; nhiều nội dung của Chương trình được triển khai thực hiện đạt kết quả tốt, trong đó 100% các xã đã sớm hoàn thành công tác quy hoạch, đề án xây dựng NTM.
Hạ tầng kinh tế – xã hội, nhất là giao thông, điện, trường học, trạm y tế, nước sạch… được đầu tư, nâng cấp đồng bộ, hiện đại. Các địa phương đã chuyển mạnh sang nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; công tác giảm nghèo và phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, làm giàu chính đáng phát triển rộng khắp.
Công tác giảm nghèo và an sinh xã hội luôn được các cấp, các ngành quan tâm. Đến cuối năm 2017, toàn tỉnh còn 6.743 hộ nghèo (2,06%) và 8.183 hộ cận nghèo (2,49%). Tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nhiều chính sách an sinh-xã hội, là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về chính sách an sinh và phúc lợi xã hội, trong đó một số chính sách hỗ trợ cao hơn mức quy định của Trung ương.
Cùng với đó, công tác hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, hộ nghèo được các ngành, các địa phương tích cực triển khai. Ngoài sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, đối tượng người có công, hộ nghèo còn nhận được sự hỗ trợ về ngày công lao động của người dân trên địa bàn thôn, xã; về kinh phí xây dựng của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân… lên đến hàng chục tỷ đồng, góp phần quan trọng để tỉnh Bắc Ninh hoàn thành kế hoạch hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công, hộ nghèo và về đích sớm so với mục tiêu, chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ đề ra.
Sau 7 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM, đến nay số tiêu chí đạt chuẩn NTM bình quân/xã của toàn tỉnh là 18,25 tiêu chí/xã, tăng 9,45 tiêu chí so với năm 2010; có 73 xã đạt 19 tiêu chí, bằng 75,3% (riêng năm 2017 có 15 xã về đích nông thôn mới, tăng 6 xã, vượt 66,6% kế hoạch giao); có 02 đơn vị cấp huyện (Tiên Du và Từ Sơn) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.Mục tiêu đến năm 2020, tỉnh Bắc Ninh phấn đấu có trên 80% số xã đạt chuẩn NTM; 6/8 huyện, thị xã, thành phố về đích NTM; số tiêu chí NTM đạt chuẩn bình quân trên 1 xã đạt trên 18 tiêu chí.
Vũ Hùng
(Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh)