news – Huyện Gia Bình – Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh

Những ngày cuối tháng Chạp, không khí chuẩn bị đón Tết đã rộn ràng khắp nơi, người dân tất bật đi chợ mua sắm thực phẩm, bánh kẹo, hoa cây cảnh. Không có diện tích rộng lớn hay nhiều mặt hàng cao cấp nhập khẩu, mặt hàng của các công ty lớn, những phiên chợ quê vẫn hấp dẫn và có hương vị riêng. Trên địa bàn huyện Gia Bình có những chợ quê nổi bật như: Chợ Núi – xã Lãng Ngâm, chợ Xuân – thôn Xuân Lai, chợ Tẩy – xã Thái Bảo. Để tránh trùng lịch họp chợ nên từ đời các cụ chợ đã được mở theo phiên. Chợ Núi thì họp vào các ngày 0,2,5,7; chợ Xuân họp vào ngày mùng 1, 3,6,8.

Hàng chuối đắt khách dịp tết

Đến chợ Núi – xã Lãng Ngâm vào phiên sáng ngày 27 tháng Chạp, bình thường chợ đã đông đúc, thu hút cả người dân ở các xã bên cạnh sang buôn bán như: Giang Sơn, Song Giang, đến dịp giáp Tết âm lịch, chợ lại càng nhộn nhịp hơn. Chợ đông đúc, chen lấn nhau nhưng ai cũng vui vẻ. Không chỉ có thanh niên, trung niên, các cụ cao niên cũng đi chợ, dù chẳng mua bán gì to tát, chỉ là mua quả cau, lá trầu nhưng đi chợ Tết giống như một thói quen, một việc làm đã đi vào tiềm thức, “không đi chợ Tết thì chưa phải là Tết”. Cụ Trịnh Văn Đức – xã Lãng Ngâm năm nay đã 80 tuổi, cụ vui vẻ cho biết: “các lọai bánh kẹo, mứt tết, thịt, rau củ đã có con cháu mua sắm nhưng tôi vẫn muốn đi phiên chợ Tết để tự mình chọn mấy cây hoa về cho ngày Tết thêm màu sắc, tươi mới. Đi chợ thấy đông vui làm cho tinh thần vui vẻ như quên đi tuổi già.”

Người dân quê thường ngày quen tự túc, tự cấp là chính, chỉ có mấy ngày Tết là  lo sắm đủ thứ từ đồ ăn, thức uống, đến những vật dụng sinh hoạt đơn giản. Các mặt hàng thịt lợn, giò, măng, miến, mì chính, mắm muối, hộp mứt, gói kẹo, chai rượu màu, quần áo trẻ con… là những thứ hàng mua sắm thiết yếu không thể thiếu khi đi chợ Tết. Cùng với đó, chợ Tết quê cũng không thể thiếu hoa tươi, cây cảnh, hoa hồng, hoa cúc, rồi thược dược, đào, quất … Cũng những hạt hướng dương, kẹo lạc, hoa quả… nhưng có một cái gì đó đặc chất quê, khác hẳn với chợ nơi đô thành, phố thị. Đi chợ quê ngày Tết, người ta cảm nhận được một sự gần gũi, thân thương đến lạ kỳ bởi sự mộc mạc, chân chất thôn quê.

hàng lá rong, cây giang cũng đắt khách dịp tết

Chợ quê đi vào đời sống như một lẽ tự nhiên và chợ còn đi vào thơ ca hò vè của người dân mỗi địa phương. Ông Lê Văn Huệ – thôn Xuân Lai chia sẻ: chợ Xuân quê tôi còn có tên khác là chợ Lai, ngày xưa chợ nằm ở bến ven sông, thuyền bè qua lại tấp nập nên các cụ xưa có câu:

“Chợ Lai còn đó nằm kề bên sông

Một, ba, sáu, tám chợ đông

Thập phương du khách lòng không muốn về”.

Hiện nay,cuộc sống đã đổi thay, kinh tế phát triển, người dân ở quê không còn phải lo tích trữ hàng Tết, đồ ăn trong nhà như trước nữa. Ngày 29, thậm chí chiều 30 đi ra cửa hàng chỉ cần 30 phút là đã có đầy đủ những thứ thiết yếu cho cả một gia đình. Nhưng phiên chợ ngày giáp Tết vẫn lưu giữ được những nét văn hóa riêng mộc mạc. Ông Nguyễn Văn Xô – quê gốc ở xã Song Giang, hiện ông đang sinh sống tại thành phố Bắc Ninh, ông đã đi khắp đó đây, đặt chân đến những nhà hàng, siêu thị sang trọng đầy ắp hàng hoá, với cung cách phục vụ lịch sự, chu đáo, song vẫn nhớ về những phiên chợ quê. Lần này về quê gặp đúng phiên chợ giáp Tết, dù bận nhưng ông vẫn cố gắng thu xếp thời gian đến chợ. Ông Nguyễn Văn Xô – chia sẻ: “ Chợ phiên, chợ quê không chỉ là nơi buôn bán mà còn là nét văn hóa của người Việt, có những nét tươi vui, dân dã, là nét đẹp truyền thống duy trì từ đời này qua đời khác, không bao giờ mai một. Chợ Tết không khí nhộn nhịp, vui tươi, là minh chứng thể hiện cuộc sống của người dân quê mình đang ngày càng ấm no, hạnh phúc hơn.”

Tháng Chạp đã sắp hết, những phiên chợ cuối năm của chợ Núi, chợ Xuân, chợ Tẩy vẫn còn. Hãy nhanh nhanh hoàn thành nốt các công việc cuối năm để kịp về đi chợ Tết, để được hoà mình vào không khí ồn ào, sôi động bán mua của những người dân quê chân chất và cảm nhận mùa xuân đang về để thêm yêu quê hương, đất nước. ./.