Nét đẹp văn hóa ngày Tết
25/01/2023
TN&MTMột năm đẹp nhất là mùa xuân. Trong mùa xuân, đẹp nhất là ngày mồng một Tết âm lịch – từ xa xưa vẫn gọi là Tết Nguyên đán. Đây là một ngày vui nhất trong năm. Nó thiêng liêng, quý giá, vì nó là ngày mở đầu cho một năm mới.
Thiêng liêng nhất khi bước sang năm mới là phút giao thừa. Cái thời khắc giao thoa giữa năm cũ và năm mới, chỉ một khắc thôi, sao mà hồi hộp, mà xúc động! Mọi sự như kìm nén lại, đợi chờ, để đúng cái thời khắc đó là bùng lên, như nụ hoa chợt nở, như nước vỡ bờ…
Những năm Bác Hồ còn sống, từ Tết kháng chiến chống Pháp đầu tiên, Bác có thơ chúc Tết, và từ đó năm nào Bác cũng đọc thơ chúc Tết đồng bào cả nước. Lời Bác thiêng liêng truyền đi đúng phút giao thừa, làm rạo rực trái tim triệu triệu con người. “Bác Hồ gọi là mùa xuân đến” (Tố Hữu). Ngày mồng một tết quả là một ngày thiêng liêng, một ngày mới, một ngày chỉ có niềm vui và cái đẹp, một ngày biểu hiện cao nhất của nếp sống văn hoá trong đối nhân xử thế.
Vì thế, từ thuở còn bé thơ, bao giờ ngày Tết đến, ông bà, bố mẹ tôi cũng cho mặc quần áo mới, căn dặn đủ điều từ hôm trước: sáng ngày mồng một Tết phải sạch đẹp, phải ngoan hơn mọi ngày; không được nói tục nói bậy, không được cãi nhau. Khách đến nhà phải từ tốn, chào hỏi có văn có phép. Sáng mồng một Tết không được đến nhà ai sớm, vì đến sớm là “xông đất” nhà người ta. Mà ngày xưa, việc “xông đất”, “xông nhà” ngày mồng một Tết quan trọng lắm! Các cụ giữ gìn cẩn thận lắm! Nhà ai cũng mong được người hiền lành, tử tế, phúc đức, có uy tín đến xông nhà mình để lấy may, để trong năm được bình yên, làm ăn được may mắn, phát đạt, an khang, thịnh vượng.
Ngày mồng một Tết là ngày tưng bừng nhất, đậm đà nhất. Cái vui, cái đẹp của ngày Tết là được sum họp đông đủ.
“Ngày vui đón Tết xuân về
Người xa quê cũng về quê đủ đầy
Tình quê sâu nặng là đây
Ngày xuân mời gọi sum vầy bên nhau !’’
Đã từ xa xưa cho đến bây giờ, quanh năm bận rộn tất bật làm ăn, nhưng dù làm ruộng hay đi buôn bán, làm thợ, hay làm công nhân viên chức Nhà nước, ngày Tết đều được nghỉ để vui tết đón xuân, để về quê ăn Tết. Nhà nhà đầy đủ, đông vui, ấm cúng trong tình cảm gia đình. Chỉ trừ những người quá xa xôi, những chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo làm nhiệm vụ đặc biệt – nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc – còn phải tạm xa nhà, tạm gác nỗi nhớ niềm thương trong những ngày Tết. Tình gia đình, tình bạn bè, tình làng xóm… cũng thật tốt đẹp trong những ngày Tết. Ngày thường dù có mâu mắc, có sự không bằng lòng với nhau…, nhưng sang ngày Tết, người ta sẵn sàng quên đi, bỏ qua cho nhau, để tay bắt mặt mừng, để chúc tụng nhau bằng những lời lẽ cởi mở nhất, thân tình nhất, chúc nhau những điều tốt đẹp nhất. Đó là nét đẹp văn hoá ngày Tết mang đậm đà bản sắc tốt đẹp của dân tộc ta. Những lời chúc:… năm mới thêm một tuổi, chúc mạnh khoẻ, chúc an khang thịnh vượng, rồi chúc học tập tốt, công tác tiến bộ, chúc làm ăn phát đạt bằng ba bằng bốn năm ngoái… cứ râm ran khắp mọi miền quê, mọi phố phường, nghe sao mà thân thiện, mà yêu đời, yêu người đến thế! Con cái chúc Tết bố mẹ; cháu chắt chúc Tết ông bà, cụ kỵ; anh chị em họ hàng, bạn bè, hàng xóm chúc Tết lẫn nhau, tình cảm chứa chan, đầm ấm tình người!
Mọi người, mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi hoàn cảnh đều được hưởng niềm vui, niềm hạnh phúc trong ngày Tết. Người già lên lão được chúc thọ, được tặng khăn điều, áo đỏ với những lời chúc tốt đẹp: bách niên giai lão, an khang trường thọ, sống lâu trăm tuổi, được tặng thơ mừng thọ… Trẻ thơ được mừng tuổi, được “mở hàng”, miền Nam gọi là lì xì. Ngày chúng tôi còn bé, đồng tiền còn có cả tiền bằng kim loại, ngày Tết bọn trẻ chúng tôi được người lớn mở hàng, túi xủng xỉnh đầy đồng hào, đồng xu…
Bây giờ, ở xã hội chúng ta, với phong trào xoá đói giảm nghèo, cảnh đói ăn hầu như không còn nữa, cảnh nghèo được xoá dần đi, Nhà nước, địa phương trợ cấp cho những người còn khó khăn, những người tàn tật, cô đơn, già yếu không nơi nương tựa, để ai ai cũng được đón Tết vui xuân.
Ngày Tết có thể được coi như một ngày mẫu của cuộc sống để phấn đấu vươn tới. Ngày Tết cũng là ngày vui đạt tới đỉnh cao. Từ xa xưa cho tới bây giờ, bất cứ một cuộc vui nào, dù vui đến đâu cũng chỉ so ngang với niềm vui ngày Tết: Vui như Tết! Quả thực, vui ngày Tết là đỉnh cao của niềm vui – là nét đẹp văn hoá mang đậm đà bản sắc dân tộc.
Cao Xuân Quế