Nên và không nên làm gì trong ngày vía Thần Tài?
Theo quan niệm dân gian, ngày vía Thần Tài là ngày 10 tháng Giêng Âm lịch hằng năm. Năm 2022, ngày vía Thần Tài nhằm ngày 10-2 Dương lịch.
Ý nghĩa ngày vía Thần Tài
Theo chuyên gia Viện nghiên cứu Văn hoá tín ngưỡng Việt Nam, có rất nhiều câu chuyện liên quan tới ngày này cũng như vị Thần Tài – người được quan niệm sẽ mang tới nhiều tài lộc trong làm ăn, buôn bán.
Tương truyền, vị Thần Tài do một lần uống rượu say nên lỡ chân ngã xuống trần gian và va đầu vào đá nên bị mất trí nhớ. Thậm chí có người nhìn thấy ông mặc đồ như diễn tuồng nên đã lấy sạch đồ áo đem bán. Không còn tài sản trong người, ông buộc phải đi xin ăn khắp nơi. May mắn thay, một chủ quán tốt bụng thấy ông đáng thương nên đã cho ăn. Cửa hàng đó vốn không có người qua lại nhưng từ khi vị Thần Tài bước đến bỗng dưng quan khách từ khắp nơi kéo tới, ra vào tấp nập. Nhưng khi Thần Tài chỉ ăn mà không làm gì, hơn nữa sợ bộ dạng lại lấm lem của ông khiến khách hàng không hài lòng chủ quán nên đã đuổi đi. Từ đó, quán lại vắng vẻ như xưa.
Thấy vậy, rất nhiều tiệm kinh doanh khác liền tìm cách mời Thần Tài về nơi buôn bán của mình. Một ngày, có người đưa ông đi mua quần áo mới. Trong cửa tiệm, Thần Tài nhìn thấy bộ đồ trước đây của mình liền nhớ đến thân phận của bản thân và bay về trời. Hôm ấy là mùng 10 tháng Giêng Âm lịch.
Từ đó, để tưởng nhớ ông, người dân đã lập bàn thờ cúng và chọn ngày này làm ngày vía Thần Tài. Vì vậy, cứ tới mùng 10 tháng Giêng, người dân sẽ sắm sửa lễ vật cúng Thần Tài và mua vàng để cầu tài lộc, may mắn, sung túc cho cả năm.
Điều nên làm trong ngày vía Thần Tài
Lau dọn bàn thờ Thần Tài
Theo phong tục, vào ngày này những người kinh doanh thường làm lễ để đón thần tài về công ty, địa điểm kinh doanh hoặc nơi làm việc của mình. Bàn thờ thần tài cần được lau dọn sạch sẽ, sắp xếp lại cho gọn gàng ngăn nắp.
Hãy chuẩn bị một chiếc thau nhỏ chỉ dùng để tẩy uế, dùng nước sạch có pha chút rượu hoặc nước lá bưởi để lau rửa tượng Thần Tài và tượng Ông Địa.
Từ sớm ngày mùng 10 tháng Giêng, nên mở rộng các cửa trong nhà, đặc biệt là cửa chính để đón tài lộc vào nhà. Sau khi thắp hương xong, muối gạo được cất đi, còn nước thì hắt từ bên ngoài vào trong nhà mình. Mục đích là lộc tài chỉ đi vào nhà chứ không đi ra, giữ nguyên tài lộc.
Chuẩn bị đồ cúng
Sau khi lau dọn xong bạn nên chuẩn bị đồ cúng Thần Tài. Trong ngày vía Thần Tài nên cúng mặn như lợn quay, gà, hoa quả, nước uống hàng ngày…
Theo quan niệm dân gian thì thần tài thích những món như cua biển, lợn quay và chuối chín. Người dân một số địa phương còn mua cá lóc nướng hay thịt quay. Người miền Nam cúng còn có thêm đĩa tam sên (gồm thịt heo luộc, trứng luộc và tôm luộc).
Bên cạnh đó, cũng nên chuẩn bị khay vàng giấy, hai cây đèn nhỏ để hai bên bát hương và một khay nước gồm 2 chén rượu và 3 cốc nước.
Mua vàng và đồ phong thủy
Theo quan niệm dân gian, mua vàng vào ngày vía Thần Tài sẽ được tài lộc, may mắn cả năm. Do đó, cứ tới ngày này, rất nhiều người, đặc biệt là những người làm ăn buôn bán sẽ đi mua vàng, vừa để tích trữ trong nhà, vừa để cầu cho cả năm được rủng rỉnh về tiền bạc.
Vàng được mua vào dịp này có rất nhiều loại để cân nhắc có thể là nhẫn vàng, vàng trang sức, vàng chỉ, vàng miếng…
Không chỉ vậy, thời gian gần đây nhiều người còn đi “săn” những miếng vàng tạo dáng con giáp tương ứng của năm đó. Chính vì vậy, vào năm Nhâm Dần 2022, nhiều người từ sớm đã tìm kiếm hổ vàng để mua vào ngày vía Thần Tài, tượng trung cho cả năm dũng mãnh, bản lĩnh, vượt qua khó khăn phát tài lộc.
Bên cạnh phong tục mua vàng vào ngày vía Thần Tài thì nhiều người mua đồ phong thủy về để trưng trong nhà hoặc biếu tặng như đá phong thuỷ, cóc ngậm tiền,…
Những điều kiêng kỵ trong ngày vía Thần Tài
Theo các chuyên gia văn hóa, bàn thờ Thần Tài phải được bố trí gọn gàng, không bài xếp lộn xộn, bày biện quá nhiều thứ vừa gây rối mắt mà không thể hiện được sự thành tâm.
Bàn thờ Thần Tài được đặt dưới đất nhưng phải là tại nơi sạch sẽ, trang nghiêm để hướng ra cửa chính hoặc gần với cửa chính. Tuyệt đối không đặt bàn thờ gần nhà vệ sinh, nhà tắm hay nhà bếp.
Hoa cúng Thần Tài không nên dùng hoa giả. Cần mua hoa tươi, có nụ; quả tươi ngon.
Không nên dùng đèn nháy hay bóng đèn điện thay cho đèn dầu, nến vì người ta cho rằng dùng bóng đèn điện có thể sinh ra những trường khí không tốt, ảnh hưởng đến việc thờ cúng.
Không nên ăn mặc xuề xòa, luộm thuộm. Trang phục không cần đẹp, đắt tiền nhưng cần phải sạch sẽ, gọn gàng. Cần thể hiện thái độ kính cẩn khi làm lễ.
Nên làm lễ cũng ở nơi kinh doanh chứ không nên làm lễ tại đền, chùa.