NANG RỐI MÀNG MẠCH Ở THAI NHI CÓ NGUY HIỂM?

Trong quá trình khám thai, siêu âm thai, một số trường hợp bác sĩ phát hiện thai nhi có nang đám rối màng mạch. Các nang này hầu hết đều tự biến mất. Tuy nhiên ở một số trẻ lại là dấu hiệu cảnh báo những bệnh di truyền nguy hiểm. Vậy đó là gì và có ảnh hưởng gì đến con bạn hay không. Bài viết sẽ giúp bạn có một cái nhìn khái quát về vấn đề này.

Nang đám rối màng mạch (Choroid plexus cyst) là gì?

Đám rối màng mạch là một phần của bộ não, có chức năng như một tuyến sản xuất dịch não tuỷ và bắt đầu phát triển từ tuần thứ 6 của thai kỳ. Bình thường, dịch não tuỷ có tác dụng bảo vệ mô não và tuỷ sống.

Nang đám rối màng mạch là một sự tích tụ dịch bên trong đám rối màng mạch, giống như một nốt mụn nước. Nó không phải là một bất thường của nhu mô não, thường sẽ quan sát thấy vào tam cá nguyệt 2, thông qua siêu âm thường qui trong thai kỳ.

Nang đám rối màng mạch có thể xuất hiện ở 1-2% thai nhi khoẻ mạnh.

Nguyên nhân tại sao hình thành nang này vẫn chưa được biết rõ.

Hình ảnh nang được phát hiện khi siêu âm tại 125 Thái Thịnh

Nang đám rối màng mạch có liên quan đến bất thường nhiễm sắc thể (NST) không?

Bộ nhiễm sắc thể người có 46 NST. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng nang đám rối màng mạch có liên quan với các bất thường về số lượng NST, đặc biệt là Trisomy 18 (thừa 1 NST số 18). Khoảng 1/3 thai nhi Trisomy 18 (còn gọi là hội chứng Edwards) có nang đám rối màng mạch. Đa số chúng có kèm theo bất thường khác trên siêu âm như: khuyết tật tim, nếp gáy dày, các ngón tay chồng lên nhau, thai chậm phát triển …

Nang đám rối màng mạch gặp ở rất nhiều thai nhi Trisomy 18, nhưng chỉ một tỉ lệ nhỏ thai nhi có nang đám rối màng mạch là Trisomy 18. Chỉ khoảng 2.1% thai nhi có bất thường về NST và chúng thường kèm theo bất thường ở các cơ quan khác. Trường hợp thai nhi chỉ có nang đám rối màng mạch, không kèm theo bất thường khác trên siêu âm và xét nghiệm sàng lọc (Double test, NIPT) nguy cơ thấp thì tỷ lệ thai nhi mắc Trisomy 18 rất thấp.

Các bất thường nào có liên quan đến nang đám rối màng mạch?

Đám rối màng mạch không nằm trong vùng não chịu trách nhiệm suy nghĩ, suy luận nên chúng không tác động đến trí thông minh và sự phát triển nhận thức của con người, không gây bất kỳ khiếm khuyết học tập hoặc rối loạn tâm lý nào.

Các nhà khoa học cho rằng nếu nang đám rối màng mạch xuất hiện đơn độc, không kèm theo các bất thường khác, thì chúng không gây ra các rối loạn hoặc chậm phát triển về sức khỏe hay trí tuệ cho trẻ sau này.

Siêu âm có thể giúp tầm soát sớm một số bất thường của thai nhi

Bạn có nên thực hiện them xét nghiệm nào không?

Nang đám rối màng mạch thường được phát hiện thông qua siêu âm 2D hoặc 4D. 

Sau khi phát hiện nang đám rối màng mạch, bác sĩ siêu âm sẽ kiểm tra xem có tồn tại bất thường cấu trúc nào khác của thai nhi hay không. Trong trường hợp không có bất thường nào khác, có thể bạn sẽ không cần phải thực hiện thêm xét nghiệm.

Nếu có bất thường khác được tìm thấy, bác sĩ sẽ tư vấn và hướng dẫn bạn làm thêm xét nghiệm sàng lọc, ví dụ như NIPT hoặc chọc ối.

Bạn nên làm gì khi thai có nang đám rối màng mạch?

Hầu hết thai nhi có nang đám rối màng mạch đơn độc là thai khoẻ mạnh, do đó những thai kỳ này sẽ được theo dõi như bình thường. Khoảng 90% trường hợp, nang này sẽ biến mất sau tuần 28 của thai kỳ và không để lại bất kỳ hậu quả nào. Thậm chí, một số trẻ sinh ra với nang còn tồn tại và vẫn phát triển như một đứa trẻ bình thường.

Tuy nhiên, dù nang đám rối màng mạch biến mất không làm thay đổi nguy cơ bất thường NST của thai nhi. Do đó, khi có các yếu tố bất thường khác kèm theo, bạn nên thực hiện thêm các xét nghiệm khác như chọc ối để khẳng định chẩn đoán.

Để có thể quản lý thai kỳ tốt, có được sự an tâm trong suốt hành trình, các mẹ bầu cần được thăm khám và thực hiện đầy đủ các xét nghiệm cần thiết theo chỉ định của Bác sĩ. Vì vậy, các mẹ hãy nhớ lịch thăm khám của mình với bác sĩ chuyên khoa nhé!!!